Sa Huỳnh – Ngàn năm sóng vỗ

Sa Huỳnh – cái nôi – mạch nguồn văn hóa, như thỏi nam châm có lực hút cực mạnh các nhà khảo cổ – văn hóa trong nước và quốc tế.

Nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi gắn với nền Văn hóa Sa Huỳnh có niên đại khoảng 3.000 năm trước, biển Sa Huỳnh thơ mộng với “cát vàng – biển xanh” tạo nguồn cảm hứng cho thi sĩ Xuân Diệu viết nên những vần thơ: “Hỏi mình biển đẹp vô ngần/Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh”. Từ xa xưa, cư dân Sa Huỳnh đã hướng biển, giong thuyền ra khơi đánh bắt cá tôm; gắn bó với đồng muối thấm đẫm mồ hôi giữa trưa nắng oi ả; cần mẫn trên ruộng lúa ven những cánh rừng vươn ra phía biển xanh ngắt đọ sắc với màu xanh của đại dương hay tạo nên cái nôi văn hóa của cư dân Việt!

Một góc biển Sa Huỳnh nên thơ

  1. Những ngư dân Sa Huỳnh dạn dày sóng gió từ bao đời nay vẫn cưỡi thuyền rẽ sóng vươn khơi. Thuở trước, họ lênh đênh những chiếc ghe câu khoan nhặt mái chèo, những chiếc thuyền buồm căng gió băng băng trên sóng nước. Đôi tay trần rám nắng buông lưới, thả câu cho thuyền cá đầy “bụng” khi về bến. Cá lấp lánh vảy bạc được chuyển vội lên bờ rồi tỏa đi các nơi, mang hương vị của biển cả vào trong bữa cơm gia đình. Cá tôm còn được ngư dân Sa Huỳnh phơi khô, chế biến thành món chả, món mắm… để ăn dần trong những ngày biển nổi phong ba và còn là vật phẩm trao đổi giữa đôi miền xuôi – ngược để nhận về những sản vật của núi rừng.

Sau bao đời vật lộn với sóng gió, giờ đây, ngư dân Sa Huỳnh vươn khơi trên những con tàu vỏ gỗ hàng ngàn sức ngựa hay những con tàu vỏ sắt lừng lững, vững chãi. Họ vươn ra khơi xa tìm đàn cá lớn và là sự minh chứng về chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc mà cha ông họ đã bao đời gìn giữ. Sau những ngày lênh đênh trên biển, họ lại trở về với khoang thuyền đầy ắp cá tôm trong ánh mắt đợi chờ xen lẫn niềm vui khôn tả của những người mẹ, người vợ. Sự ưu ái của biển đã tạo cho họ tính cách phóng khoáng trong đối nhân xử thế, tạo sự hòa hợp với cư dân các vùng miền. Người Sa Huỳnh ngày xưa đã có cái nhìn hướng biển. Bằng chứng là khi đó có những cửa biển, thương cảng sầm uất và thuận lợi như Sa Huỳnh, Mỹ Á để tàu thuyền vào ra. Chính sự giao lưu đó đã tạo nên các lớp trầm tích, tầng lớp, làm giàu và đa dạng văn hóa Sa Huỳnh!

  1. Sa Huỳnh còn là một trong những vựa muối lớn ở miền Trung. Những ô ruộng muối phản chiếu lấp lánh dưới nắng như mời gọi lữ khách dừng chân thưởng lãm. Nắng và gió đã đúc tạc nên những diêm dân rắn rỏi với làn da đen bóng như đồng. Những đôi quang gánh nặng oằn vai với đôi chân bước nhanh thoăn thoắt, lưng áo đẫm mồ hôi, nhưng gương mặt của họ vẫn nở nụ cười đẹp rạng ngời trong nắng. Bao đời, họ “bán mặt cho muối – bán lưng cho trời” để làm ra những hạt muối trắng tinh khôi mang hương vị mặn mà của biển. Hạt muối mang nặng nghĩa tình của những mảnh đời cơ cực đến với mọi nhà cho cuộc đời thêm ý vị. Muối Sa Huỳnh bây giờ được công nhận thương hiệu giúp tạo động lực để diêm dân an tâm gắn bó với ruộng muối, để sản phẩm vươn xa đến mọi miền. Những thửa ruộng lúa chín vàng xen lẫn màu xanh của núi đồi đẹp tựa như tranh vẽ. Hạt lúa thấm đẫm mồ hôi của người nông dân cho hạt gạo trắng như ngọc của đất trời. Nơi đây còn có giống lúa nếp ngự trứ danh mang tên nếp ngự Sa Huỳnh được cấy trồng trên những thửa ruộng ở thôn Đồng Vân. Những phong bánh nổ, đòn bánh tét được gói từ hạt nếp ngự nơi đây đã theo chân du khách gần xa, góp phần lan tỏa “hương vị Sa Huỳnh” ra các tỉnh thành.
* TS Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng Quảng Ngãi):

“Nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh đã có những phát hiện quan trọng và đóng góp rất lớn trong việc soi sáng tiến trình lịch sử của dân tộc, giải quyết nhiều vấn đề khoa học về nền văn hóa này.”

  1. Các phát hiện khảo cổ cho thấy cư dân Sa Huỳnh cổ đã mở rộng buôn bán, giao lưu văn hóa với các vùng miền biển và miền ngược qua việc phát hiện những ngôi mộ chum và trang sức đặc trưng ở nhiều nơi. Những cánh buồm căng gió thuở xưa lướt trên ngọn sóng để tìm đến những thương cảng sầm uất tấp nập kẻ bán – người mua. Sản vật của biển theo chân khách bộ hành đến với núi rừng để đổi lại là những loại hàng lâm sản của cư dân miền ngược. Những “con đường sản vật” đã gắn kết tình người, tạo sự giao thoa văn hóa giữa nhiều vùng miền, làm cho cuộc sống ngày càng thêm phong phú.

Và, dẫu có sự pha trộn nhưng vùng đất Sa Huỳnh vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa vốn có từ bao đời. Những tập tục, tín ngưỡng mang đậm bản chất của cư dân miệt biển với những lễ hội cầu ngư, cúng thần Nam Hải, thờ phụng Thiên Y A Na và thờ cúng tổ tiên… Những bài văn tế, những điệu múa hát sắc bùa, hò bả trạo thể hiện sự thành kính đối với thánh thần và những bậc tiên tổ, cầu cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều cá tôm. Họ cũng luôn hướng đến điều thiện qua việc viếng chùa, thắp hương bái Phật cho gia đình yên vui, cuộc sống ngày càng no ấm… Du khách hãy về Sa Huỳnh để tìm lại vết tích của người xưa! Tìm về gò Ma Vương (nơi phát hiện hơn 200 mộ chum vào năm 1909) để nghe tiếng thì thầm của những người đã yên nghỉ từ hàng ngàn năm trước vọng lên từ lòng đất. Những con sóng nào đã đưa thuyền, ghe của họ cập vào bờ? Những thửa ruộng nào đã được họ khai phá và con đường nào từng in dấu chân họ đi qua? Đến Sa Huỳnh để ngoạn cảnh “cát vàng – biển xanh” và được nghe tiếng sóng vỗ rì rầm kể lại chuyện từ hàng ngàn năm trước.

  1. Năm 1909, 1923, 1934 các nhà khảo cổ học người Pháp đã khai quật các khu mộ chum văn hóa Sa Huỳnh ở Phú Khương, Thạnh Đức, Long Thạnh ở vùng huyện Đức Phổ với khoảng 500 chum được tìm thấy. Thạnh Đức là di tích nằm trên một cồn cát cổ thuộc địa bàn thôn Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp đầm nước mặn Tân Diêm. Đây cũng là khu nghĩa địa – mộ chum khá lớn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

M.Vinet (Pháp) là người đầu tiên phát hiện các mộ chum tại Phú Khương vào năm 1909, qua đó hé lộ một nền văn hóa đặc sắc của nhân loại vốn ẩn sâu trong lòng đất từ 2.500 đến 3.000 năm. H. Parmentier (Pháp) kiến trúc sư tài ba đồng thời là một nhà khảo cổ học gắn trọn cuộc đời mình với các cuộc khai quật khảo cổ học ở khắp xứ Đông Dương, người trực tiếp chỉnh lý và công bố kết quả của nhà nữ khảo cổ học tài tử Labarre tại Sa Huỳnh năm 1923. M.Colani là người phụ nữ giành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu tiền sử Đông Dương, trong đó có nền văn hóa Sa Huỳnh. Bà chính là người đầu tiên đưa ra các khái niệm “Văn hóa Hòa Bình” (1932), “Văn hóa Sa Huỳnh” (1934), và đã được giới khảo cổ học thế giới chấp nhận. M Colani mất năm 1943 tại Hà Nội…

Để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ Sa Huỳnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở VH-TT-DL gấp rút hoàn thành hồ sơ trình đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt về loại hình khảo cổ học. Bên cạnh đó, một bảo tàng Sa Huỳnh ngoài trời cũng đang được gấp rút xây dựng theo ý tưởng của Bộ VH-TT-DL. Đây sẽ là bảo tàng đại diện cho văn hóa Sa Huỳnh của Quảng Ngãi, miền Trung và khu vực Đông Nam Á để mỗi khi du khách đến Sa Huỳnh, cảm nhận được hết văn hóa Sa Huỳnh không chỉ của Quảng Ngãi mà còn khắp các tỉnh miền Trung…!

Theo SGGP