SUY NGHĨ VỀ BA ĐẶC KHU KINH TẾ: VÂN ĐỒN, BẮC VÂN PHONG, PHÚ QUỐC

Làm lãnh đạo tối cao của Đất nước, cũng như lãnh đạo các cấp của Nhà nước Viêt Nam Xã hội chủ nghĩa lo cho sự phát triển toàn diện của Đất nước, lo cho nhân dân được mặc đẹp, ăn ngon, được học hành đến nơi đến chốn, có tri thức khoa học công nghệ theo kịp đà cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ 4 (gọi tắt là CM 4.0) của Thế giới, có đạo đức, lối sống: Người biết thương yêu Người, Người biết tôn trọng cuộc sống riêng tư của Người. Đó là một diễm phúc của nhân dân Việt Nam ta.

Việc phấn đấu đạt được mục đích: đưa Đất nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (từ 11.000 – 13.000USD/người) mà hiện nay mới đạt gần 3.000USD/người đó là chặng đường phấn đấu vô cùng cam go, vất vả. Mà thu nhập về kinh tế mới là một mặt quan trọng của rất nhiều mặt phải phấn đấu của một xã hội văn minh, hiện đại, giữ được bản sắc riêng trong hòa nhập với toàn thế giới.

Việc mở 3 Đặc khu kinh tế (ĐKKT) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thiết nghĩ cũng là tư duy lớn của lãnh đạo quốc gia và các địa phương muốn đưa Đất nước phát triển nhanh, phá được bẫy thu nhập trung bình trong vài ba thập kỷ tới. Đây là tư duy lớn, đáng trân trọng và cần suy nghĩ chín chắn để ủng hộ, để hiến thêm những kế sách nhỏ nhoi từ người dân luôn nghĩ: “Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách”, mà lúc này là: “Quốc gia thịnh suy, muôn dân gánh vác”. Từ suy nghĩ đó tôi viết bài này

       I.Về ĐKKT Vân Đồn:                

Vân Đồn vốn là 1 thương cảng và quân cảng của các triều đại phong kiến Việt Nam ta từ thời nhà Lý đến Lê – Trịnh. Là cửa ngõ giao lưu buôn bán của nhân dân Bắc Việt với Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên đi theo đường ven biển qua vịnh Bái Tử Long vào vùng than Quảng Ninh, qua Hạ Long để đến Quảng Yên – Hải Phòng và vào vùng Bắc Bộ trù phú đến tận kinh đô Đại Việt: Thăng Long – Hà Nội. Ngoài Vân Đồn còn có phố Hiến (Hưng Yên), Cát Bà – Cát Hải (Hải Phòng). Vân Đồn là cảng ven biển tự nhiên, có thế đất và biển hiểm trở, phía Đông có nhiều đảo đất và đá, trước đây thường ít người sinh sống (trừ các đảo Thanh Lân – Cô Tô ở hơi xa khoảng 60 km). Vân Đồn không có cảng nước sâu. Cửa Ông là 1 cảng than nhưng tàu lớn hơn 1 vạn “tấn trọng tải” ra vào cảng cũng phải chờ con nước. Không biết ngày nay tỉnh Quảng Ninh đã đưa được tàu mấy vạn tấn vào cửa Ông được chưa. Đường bộ có đường 18 từ Quảng Yên, Đông Triều đi tới. Đường từ Cửa Ông – Mông Dương đi Móng Cái qua An Châu Biển Đông, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hà Cối là vùng rừng núi, địa thế hiểm trở. Nếu mở thành đường cao tốc tạo được lợi thế cho Vân Đồn. Song nguồn hàng chính là từ Đông Hưng (Trung Quốc) qua cửa khẩu Móng Cái để tới Vân Đồn. Tất nhiên vùng ven biển Quảng Đông – Trung Quốc là một vùng kinh tế phát triển sôi động, nhiều cơ hội nhưng không ít tiềm ẩn khó lường trong làm ăn kinh tế với thương lái Quảng Đông. Hơn nữa Quảng Đông – Trung Quốc đã có cảng Trạm Giang – thương cảng khổng lồ, rồi Phòng Thành, vv…. Cái Bầu là một đảo lớn thứ 2 gần bờ của Việt Nam. Có thể phát triển sân bay và các khu công nghiệp, khu chế xuất. Song làm thế nào để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế lớn, làm ăn nghiêm túc, có phong cách hiện đại, văn minh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của chủ nhà là một điều không dễ cho cả 2 phía. Trong lúc cơ sở hạ tầng vùng đất với diện tích 581,83 km2 và vùng biển với diện tích 1.589,52 km2 có lẽ còn hoang sơ, chưa có cơ sở hạ tầng bảo đảm đủ điều kiện để mời gọi các Nhà đâu tư tầm cỡ khu vực và Thế giới xách cặp đến điều hành và sinh sống. Nguồn hàng từ Vân Nam, Quảng Tây – Trung Quốc và nguồn hàng từ Đồng bằng Bắc bộ là nguồn hàng to lớn thì đã theo đường sắt và đường cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng để xuống cảng Lạch huyện lên tàu siêu trọng vượt vịnh Bắc Bộ đi vào miền Nam Việt Nam và ra thế giới. Có lẽ không ai dại gì đưa trở lại Vân Đồn để vượt Bái Tử Long ra Vịnh Bắc Bộ và đi tiếp. Có lẽ phải chờ nguồn hàng nội tại của đặc khu Vân Đồn phát triển và nhu cầu của cư dân Quảng Ninh, Đình Lập khi trở thành tầng lớp trung lưu và phú quý.

Vì lẽ đó, Vân Đồn là ĐKKT của địa phương mà trọng tâm là phát triển du lịch vui chơi giải trí và có khả năng phát triển, đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho địa phương. Du lịch, dịch vụ là ngành nghề mũi nhọn trong tổng thể nền kinh tế của một quốc gia có bề dày lịch sử và thiên nhiên ưu đãi. Nhưng du lịch không làm cho quốc gia đó phát triển bền vững và hùng mạnh.

      II. Phú Quốc

Là một đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích đất: 593,1 km2 có 27 đảo lớn nhỏ. Chưa tính các đảo lân cận như Nam Du, Thổ Chu, Bà Lụa… Có thể liên kết khai thác khi Phú Quốc thành ĐKKT đúng nghĩa. Phú Quốc cách Hà Tiên 70 km về phía Tây. Đã có điện lưới quốc gia. Điện tích đất Phú Quốc gần bằng Đảo quốc Singapore.Thế địa kinh tế và địa chiến lược của Phú Quốc rất trọng yếu: Trong vịnh Thái Lan, gần Vương quốc Cam – Pu – Chia và vương quốc Thái Lan. Trên đường hàng hải và hàng không từ Ấn Độ Dương, Nam Á sang Đông Á và Thái Bình Dương. Bao bọc Phú quốc là một vùng biển rộng lớn, thoáng đãng, lại không xa miền Tây Nam bộ Việt Nam. Phú quốc hội đủ điều kiện để phát triển thành ĐKKT của Việt Nam. Trước mắt phát triển Phú Quốc về du lịch – dịch vụ – nghỉ dưỡng – chữa bệnh. Cáp treo Ba dây An Thới – Hòn Thơm dài gần 8 km đưa vào khai thác là một điểm nhấn cho du lịch Phú Quốc. Thiết nghĩ ĐKKT Phú Quốc phải hướng về đảo quốc Singapore để học tập cách quản lý và khai thác toàn diện trong thời gian vài ba thập kỷ trở thành vùng kinh tế mũi nhọn của cả nước và có tầm ảnh hưởng khu vực, ĐKKT Phú Quốc phải phát triển kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ chế tạo và công nghệ phụ trợ theo đà Cách mạng 4.0 của thế giới… Mọi ngành nghề đã có và sẽ có trong ĐKKT phải theo xu hướng thông minh – hiện đại. Tác phong làm việc, phong cách sống và giao tiếp phải là lớp người của giữa kỳ Cách mạng 4.0 của thế giới. Vì vậy không thể để phá nát Phú Quốc theo kiểu “chia lô bán nền”, phá nát rừng và cây xanh tự nhiên, cạo trắng đất đai Phú Quốc để bán cho “đầu nậu” và “nhà đầu tư đất” mà không loại trừ những nhà tư bản dã man của nước ngoài, dư tiền và thừa tâm địa độc ác núp bóng phía sau những “đầu nậu người Việt” quen thói chụp dật, lướt sóng lũng đoạn. Đừng để biển của Phú Quốc trở thành biển Boracay Philippines mới. Hãy nhanh tay quản lí và quy hoạch ĐKKT Phú Quốc một cách bài bản, với tầm nhìn và quyết tâm đưa ĐKKT Phú Quốc phát triển toàn diện, hiện đại theo kịp và vượt quốc đảo Singapore. Đừng nghĩ đó là kiêu ngạo hay tư duy của “anh khùng”. Tại sao người ta làm được mà người Việt Nam lại không? Thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta một vùng tài nguyên biển trời “độc nhất vô nhị” và tổ tiên chúng ta đã đổ bao xương máu để giữ gìn và phát triển Phú Quốc như ngày nay. Đến lúc này Thiên thời – địa lợi – nhân hòa đã hội đủ. Chỉ cần có chủ trương đường lối của Đảng đúng đắn, táo báo và mạnh mẽ để quy tụ được mọi nguồn lực của trong và ngoài nước cho đầu tư và phát triển ĐKKT Phú Quốc làm một trong số các đầu tàu phát triển Đất nước Việt Nam nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường sống thực chất và đúng nghĩa của vùng đất, vùng biển và vùng trời Phú Quốc với từ  “Phú Quốc” đã có hiện nay.

      III. Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (ĐKKTBVP)

Vân Phong là một vịnh lớn, khá kín gió, nước sâu từ 17- 27m. Vân Phong là phần đất liền cực Đông của Việt Nam. Vân Phong cách quân cảng Cam Ranh nổi tiếng thế giới của Việt Nam khoảng 50km về phía Bắc. Nếu vịnh Vân Phong phát triển thành cảng biển quốc tế thì từ đây các loại tàu siêu trọng có thể xuất phát một cách tự do về nhiều hướng từ Bắc đến Nam với con đường ra Thái Bình Dương, Bắc Á và qua Singapor sang Ấn độ Dương thoáng đãng nhất, an toàn nhất. Vân Phong có thế địa kinh tế và địa quân sự hơn cả Hồng Kông và Singapor. Vân Phong lại nằm ở vĩ độ thấp () nên ít gặp bão lớn (tần suất trung bình 8- 10 năm có cơn bão cấp 9). Vịnh Vân Phong cũng như Cam Ranh ít bị phù sa bồi lắng vì không có dòng sông trung bình nào chảy qua. Đã khá lâu các nhà hàng hải và hải dương học Việt Nam ước mô Vân phong thành 1 cảng trung chuyển quốc tế của Việt Nam. Song ước mơ vẫn là mơ ước vì nhiều điều kiện khó khăn chủ quan và khách quan của thiên thời và nhân hòa Việt Nam, địa lợi thì thiên nhiên đã ban tặng từ ngàn năm nay.

Ngày nay theo chủ trương của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa xây dựng Bắc Vân Phong thành ĐKKT gồm toàn bộ huyện Vạn Ninh với diện tích mặt đất hơn 56.000 ha và hơn 55.000 ha mặt nước bao gồm cả bán đảo Hòn Gốm, nhóm đảo Hòn lớn, hải vực Vịnh Vân Phong. Với đề xuât của tỉnh Khánh Hòa xây dựng ĐKKTBVP với các nhóm nghề như vov.vn đưa ngày 14. 12. 2017, nếu thành hiện thực thì có thể mở ra một thời kỳ phát triển kinh tế mới cho ĐK, cho tỉnh Khánh Hòa và cho cả miền Trung Việt Nam đang khát khao có cuộc sống mới giàu sang, hạnh phúc hơn. Cơ sở hạ tầng quá lạc hậu, thiếu điện, thiếu nước sạch, thiếu nguồn nhân lực có tri thức và tay nghề cao, thiếu kết nối với các vùng kinh tế như Tây Nguyên, Lâm Đồng, miền Đông Nam bộ và xa hơn với Bắc Campuchia, Nam Lào và Trung nam Thái Lan bằng hệ thống đường sắt, đường hàng không, đường bộ cao tốc là trở ngại chính để biến Vân Phong thành cảng trung chuyển quốc tế (dịch vụ vận tải, sửa chữa, lôgictick hàng hải…). Vì vậy phải tính toán kỹ, có quy hoạch xây dựng ĐKKT toàn diện, khoa học, dài kỳ phù hợp với cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật – công nghệ lần thứ 4 của thế giới. Có lẽ phải đợi đến khi GDP Việt Nam đạt hơn 400 tỷ USD thì mới có thể biến ước mơ thành hiện thực. Nếu không có một sức hút thần kỳ đưa các nhà Tư bản lớn và làm ăn trung thực của thế giới vào ĐK trong thập kỷ thứ 2 của Thế kỷ XXI này.

Trên đây đã bàn về các điều kiện Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa của 3 ĐKKT mà công luận gần đây đã và đang bàn luận sôi nổi. Dưới đây xin góp một vài ý kiến về Quốc phòng – An ninh của 3 ĐKKT:

1. Việc phòng thủ quốc gia trên tổng thể là chiến lược, sách lược sử dụng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị mà sức mạnh nhân dân là nền tảng kết hợp một cách nhuần nhuyễn, có tính toán khoa học, phân tích tương quan thời cuộc, tương quan lực lượng tổng thể của ta và kẻ thù cụ thể, bạn bè chiến lược để sử dụng sức mạnh: kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, ngoại giao và các phạm trù liên quan khác tổ chức những chiến dịch, những trận đánh lớn, nhỏ dài ngày từ phòng thủ đến phản công, tấn công, dành thắng lợi quyết định, tạo thế và lực trong tương quan lực lượng có lợi cho ta đi đến kết thúc chiến tranh trong toàn thắng hoặc đàm phán hòa bình chấm dứt chiến tranh. Vì vậy khi chúng ta đã đủ mạnh thật sự việc phòng thủ quốc gia bao gồm phòng thủ các khu vực nằm trong tổng thể tương quan lực lượng chung của quốc gia, khu vực và cả thế giới. Việc cảnh giác chính trị, cảnh giác chiến lược là đòi hỏi ở tư duy chính trị sáng suốt và nhãn quan chiến lược, nhìn xa trông rộng của tập đoàn lãnh đạo tối cao của quốc gia.

2. Phòng thủ từng khu vực trong đó có phòng thủ các ĐKKT nằm trong chiến lược tổng thể đã nói ở trên. Việc đáng quan tâm là cần thấy được vị trí yếu địa của từng ĐKKT trong tổng thể địa quân sự, địa chiến lược và địa kinh tế quốc gia. Không nên vì quá lo về quốc phòng – an ninh rồi không giám làm gì cả, ngược lại càng không được chỉ thấy phát triển kinh tế là trên hết, là tất cả rồi đánh đổi các yếu địa quốc gia để lấy kinh tế. Việt Nam là quốc gia ven biển, có rất nhiều lợi thế trong chiến lược “Đại Trung Hoa” – “Vành đai và con đường” của chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình. Tham gia như thế nào, tham gia đến đâu, tương quan mọi mặt của Thái Bình Dương – Ấn Độ dương và Á – Mỹ – Âu như thế nào cần cân nhắc và suy tính thật chặt chẽ, hợp thời hợp lý, hợp lòng dân để vừa giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo của Việt Nam vừa thu hút được các nhà đầu tư giàu tiềm lực lại tôn trọng chủ quyền của Việt Nam vào với Việt Nam. Luôn luôn tránh và đề phòng tư tưởng “Nhất biên đảo” vì đó là đại họa của Quốc gia – dân tộc.

      IV. Về cơ chế quản lý các ĐKKT:

Có lẽ khó mà áp dụng mô hình Hồng Kông hay cách quản lý theo mô thức Tam quyền phân lập. Vì đều là những vùng lãnh thổ nhỏ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng cộng sản lãnh đạo. Nhưng thiết nghĩ Đảng cũng nên mạnh dạn thí điểm một mô hình “mở nhưng có thể quản”. Tác giả xin đề nghị thí điểm một mô hình như sau: Duy trì tam quyền giám sát lẫn nhau và trao quyền hạn tối đa cho từng cơ quan chức năng theo vai trò chức năng, nhiệm vụ của mình trước Nhân dân, trước Đảng để xây dựng và phát triển ĐK ngày một giàu mạnh hiện đại, văn minh, dân chủ và hài hòa.

  1. Phổ thông đầu phiếu Hội đồng nhân dân (Hội đồng Đặc khu thành phần dẫn đầu qua MTTQ tỉnh giới thiệu hiệp thương) có vận động bầu cử, bỏ phiếu kín như thông lệ. Đây là cơ quan lập pháp của ĐK, có quyền như HĐND một huyện đặc thù theo Hiến pháp và pháp luật cả nước.
  2. Cơ quan hành pháp ĐK có đặc khu trưởng hay chủ tịch dùng từ nào cũng được. ĐKT do dân bầu chọn từ người do HĐĐK giới thiệu và tự ứng cử. Bầu lần thứ nhất không được thì bầu lần thứ 2 từ 2 người cao phiếu nhất. ĐKT chọn và giới thiệu các phó ĐK, HĐĐK bầu theo bỏ phiếu kín. Cơ quan Hành chính ĐK do luật ĐK định, người thừa hành qua tuyển chọn công khai, minh bạch. Cơ quan hành chính ĐK có quyền khiếu nại hoặc kiện HĐĐK khi cần thiết.
  3. Cơ quan tư pháp ĐK – Chức năng như một hệ thống tư pháp cấp Huyện đặc thù. Hội đồng thẩm phán do Quốc hội tuyển chọn và Tổng bí thư – Chủ tịch nước bổ nhiệm.

Ba cơ quan cơ bản này độc lập về chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ và giám sát lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau nỗ lực xây dựng, phát triển ĐK thành những vùng kinh tế, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giáo dục – đào tạo, văn hóa xã hội và môi trường mẫu mực, điển hình lôi kéo cả vùng phát triển nhanh và bền vững.

Các ĐKKT nằm trong phạm vi từng tỉnh và chung cả nước, không thể tách khỏi tổng thế chung, nhưng thiết nghĩ cũng nên mạnh dạn thí điểm, trước hết một hoặc hai ĐK có điều kiện đủ và cần, rồi từ đó rút kinh nghiệm theo tình hình thực tế của Đất nước, khu vực và thế giới để điều chỉnh phát triểu mạnh mẽ hơn.

                                                                                                                                                   LÊ NÓI THẬT.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*