Hải quân tham gia tổng tiến công Mùa xuân 1975 – 50 năm nhìn lại

Đầu năm 1975, tình hình chiến trường miền Nam có nhiều chuyển biến sâu sắc, có lợi cho cách mạng. Quân nguỵ Sài Gòn gặp nhiều khó khăn, khốn đốn, từ hành quân lấn chiếm quy mô lớn, buộc phải lui về phòng ngự và chỉ tổ chức được những cuộc hành quân lùng sục quy mô nhỏ lẻ. Trong khi đó, viện trợ của Mỹ cho nguỵ quyền Sài Gòn giảm sút rõ rệt. So sánh lực lượng trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã có nhiều phiên họp, phân tích đánh giá tình hình, ra những quyết nghị quan trọng; đáng chú lý là quyết tâm chiến lược: “…Tiến tới tổng công kích – tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước” ..­.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 2 tháng 1 năm 1975, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng ra nghị quyết về chấn chỉnh lực lượng nêu rõ: “…Các lực lượng sẽ được Bộ Tư lệnh chấn chỉnh gồm các trung đoàn: 125, 126, 172, 128, 171, các K (khu vực) 2, 3, 5, Trường sĩ quan Hải quân, Trường Kỹ thuật Hải quân, tiểu đoàn công binh công trình, các cơ quan quân chủng.”.

Sau khi giải phóng tỉnh Quảng Trị (19/3), từ ngày 21 đến 25/3, quân ta đã tiến công giải phóng thành phố Huế, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trên chiến trường Trị-Thiên. Khi địch thất bại trên mặt trận Huế, quân ngụy tan rã, bỏ chạy ra bờ biển tìm đường về Đà Nẵng. Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo K5 điều một biên đội thuyền máy vượt qua lưới hỏa lực của địch vào thả thủy lôi tại cửa biển Thuận An (Huế), bịt chặt cửa biển này không cho các tàu địch ra vào cảng, phối hợp với các lực lượng bạn, tạo nên thế bao vây, ngăn chặn đường rút chạy của địch. Hàng vạn quân địch hoang mang, hỗn loạn bị các cánh quân trên bộ của ta vận động tới tiêu diệt và bắt sống.

Khi chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, giải phóng Kom Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên, ngày 4/3/1975 quân ta tổ chức truy kích địch, Quân uỷ Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo do quân nguỵ đang chiếm giữ”. Kiến nghị này được Bộ Chính trị chấp thuận và ra quyết định (ngày 25/3/1975) giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa (tháng 5/1975).

Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân đề ra chủ trương: “Nắm chắc mọi tình hình, tính toán mọi khả năng, huy động được cao nhất lực lượng của Quân chủng khi thời cơ xuất hiện”, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, vận chuyển bộ đội và phương tiện chiến đấu với số lượng cao nhất, thời gian nhanh nhất và an toàn, huy động lực lượng khẩn trương đáp ứng yêu cầu chiến đấu giải phóng các đảo và tiếp quản các cơ sở hải quân ngụy Sài Gòn.

Trong lúc các cánh quân trên bộ của ta đang hành quân thần tốc, áp sát Đà Nẵng, ngày 26/3 Bộ Tư lệnh Hải quân điều một số lực lượng về cơ quan Bộ Tư lệnh để chuẩn bị tham gia các chiến dịch và tiếp quản các căn cứ hải quân của nguỵ; chỉ đạo K5 điều một phân đội thuyền máy chở phân đội đặc công hải quân táo bạo vượt qua làn đạn của địch, chọc thẳng vào bán đảo Sơn Trà phối hợp với lực lượng tiến công từ phía biển, buộc địch huỷ bỏ kế hoạch tổ chức rút chạy bằng đường biển.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc Quần đảo Trường Sa”, Bộ Tư lệnh Hải quân nhanh chóng thiết lập sở chỉ huy phía trước tại Đà Nẵng vừa được giải phóng và phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nghiên cứu, tổ chức lực lượng chiến đấu giải phóng một số đảo do nguỵ quân đóng giữ trong Quần đảo Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước. Quyết tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân là: Bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm đảo trước ta; sử dụng bộ đội đặc công của Đoàn 126 với sự phối hợp của các tàu của Đoàn 125 và lực lượng vũ trang khác tiến ra giải phóng đảo Song Tử Tây trước, tiếp sau là các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa và các đảo còn lại, không cho địch kịp tăng viện đối phó.

Ngày 9/4, trong lúc một cánh quân lớn trên bộ của ta bắt đầu tiến công mãnh liệt vào thị xã Xuân Lộc ở phía bắc và một cánh quân khác đang chặt đứt tuyến phòng thủ Tân An ở phía Nam, tuyến phòng thủ vòng ngoài của Sài Gòn, thì Bộ Tư lệnh Hải quân và sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng (tại Đà Nẵng) được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng tiến công giải phóng đảo Song Tử Tây.

Ngày 10 tháng 4, Bộ Tư lệnh Hải quân báo cáo Bộ Quốc phòng về kế hoạch tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa mang mật danh C75; chỉ thị cho Đoàn 125 điều 3 tàu vào Đà Nẵng để thành lập lực lượng chiến đấu gồm biên đội 3 tàu 673, 674, 675 và lực lượng quân đổ bộ đánh chiếm giải phóng đảo gồm  Đội 1 Đặc công Hải quân – Trung đoàn 126, cùng 3 khẩu đội hoả lực của Tiểu đoàn 471 đặc công – Quân khu 5 và tỉnh Khánh Hoà, do trung tá Mai Năng chỉ huy – tiến ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Lực lượng bảo đảm chiến đấu gồm 1 phân đội của Đội 7 Trinh sát kỹ thuật, các trung đội của Tiểu đoàn 2 thông tin… 4 giờ ngày 11/4, lực lượng tiến công đảo được lệnh lên 3 tàu vận tải giả dạng tàu đánh cá của nước ngoài, do Tàu 675 là tàu chỉ huy, rời quân cảng Đà Nẵng, tiến ra đảo Song Tử Tây – cách Đà Nẵng gần 470 hải lý.

Ba tàu hành quân theo đội hình hàng dọc cách nhau 500 – 1.000m; khi đến vùng biển quốc tế thì gặp 3 tàu của Hạm đội 7 Mỹ. Do tổ chức ngụy trang và nghi binh tốt nên các tàu của Hạm đội 7 Mỹ không nghi ngờ, bỏ qua việc theo dõi tàu ta. Đêm 12/4, các tàu ta chuyển hướng đi ra đảo Song Tử Tây.

1 giờ 40 phút ngày 13/4, đồng chí Hoàng Hữu Thái điện cho đồng chí Mai Năng: “…Cần nắm chắc tình hình, giữ bí mật bất ngờ, chuẩn bị tốt. Nếu địch đã rút, đổ bộ lên chiếm đảo; nếu còn địch, thì đánh đêm, có lợi mới đánh…”. Khi tàu ta đến gần 2 đảo (Song Tử Tây và Song Tử Đông), đồng chí Mai Năng lệnh cho tàu 673 vòng sát đảo để trinh sát, sau đó các tàu của ta di chuyển ra xa đảo để làm công tác chuẩn bị, bàn kế hoạch chiến đấu. Tàu 673 chở phân đội 1 do đồng chí Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy đánh đảo. Tàu 674 chở Phân đội 2 do đồng Đội phó chí Đỗ Viết Cường chỉ huy. Tàu 675 chở Phân đội 3 do đồng chí Minh – cán bộ thuộc Ban Tham mưu Trung đoàn 126 chỉ huy. Đồng chí Mai Năng đi trên tàu 675 án ngữ phía Bắc đảo chỉ huy chung. 19 giờ ngày 13/4, tàu 673 tiếp cận đảo Song Tử Tây. 2 tàu 674 và 675 vòng ra án ngữ ở phía Bắc, phía Nam đảo, sẵn sàng chi viện khi cần thiết. Với kinh nghiệm đi biển, cán bộ tàu 673 khôn khéo điều khiển tàu cơ động ém sát đảo, tìm vị trí có lợi nhất để tiến hành đổ quân. 2 giờ ngày 14/4, tàu cách đảo chừng 5km, phân đội chiến đấu bí mật dùng xuồng bơi vào áp sát đảo. Sau hơn 2 giờ vật lộn với dòng nước xoáy, những cơn sóng lớn và những mỏm san hô lởm chởm vây quanh đảo, lực lượng đổ bộ đã tiến vào đảo, chiếm lĩnh các vị trí. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quế giao nhiệm vụ cho các mũi chiến đấu.

4 giờ 30 phút ngày 14/4, sau phát súng lệnh báo hiệu hiệp đồng toàn đơn vị bắt đầu tiến công, hỏa lực các cỡ của quân ta nã tới tấp vào công sự địch. Bị đánh bất ngờ, bọn địch hoang mang, chống trả. Địch dùng súng 12,7mm, cối 82, DKZ bắn vào đội hình của ta. Các chiến sĩ Đội 1 lập tức đánh chia cắt đội hình địch. Sau 30 phút chiến đấu, bộ đội ta diệt gọn các vị trí hỏa lực của quân địch. Bọn địch tháo chạy tán loạn. Thừa thắng, quân ta tiếp tục truy lùng và kêu gọi địch đầu hàng. 5 giờ 15 phút ngày 14/4, toàn bộ số địch còn lại trên đảo đầu hàng. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột trước bia chủ quyền của Tổ quốc. Quân ta hoàn toàn làm chủ đảo. Ngay sau đó, cán bộ chỉ huy Đội 1 tổ chức thu dọn chiến trường, thiết lập máy vô tuyến điện trên đảo và liên lạc với sở chỉ huy của Quân chủng. Trong trận chiến đấu này, bộ đội ta tiêu diệt 6 tên, bắt 33 tên sĩ quan và binh lính địch, thu 1 khẩu ĐKZ, 2 súng cối 60mm, 2 đại liên, 2 trung liên và 45 súng bộ binh.

Song Tử Tây bị mất, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Chúng vội điều hai tàu HQ16 và HQ402 từ Vũng Tàu ra định phản kích chiếm lại đảo, nhưng do sự nhụt chí trước sự bố phòng chặt chẽ và tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao của ta ở đảo, cộng với những thất bại nặng nề của chúng trên khắp các chiến trường, đặc biệt là tuyến phòng thủ Phan Rang bị vỡ, đã làm cho tinh thần bọn sĩ quan đi chi viện hoang mang, dao động, không dám trở lại Song Tử Tây, mà cho tàu quay về tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết, nơi đặt trung tâm chỉ huy của địch ở Quần đảo Trường Sa.

Trên vùng biển quần đảo Trường Sa lúc này xuất hiện nhiều tàu chiến và máy bay địch. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân chủ trương để một bộ phận lực lượng ở lại phòng thủ đảo Song Tử Tây. Lực lượng còn lại chuyển về Đà Nẵng củng cố, bổ sung vũ khí trang bị, tổ chức rút kinh nghiệm, xây dựng phương án tác chiến, chuẩn bị kế hoạch giải phóng tiếp các đảo còn lại khi thời cơ đến.

Ngày 21/4, Bộ Tư lệnh Hải quân ra chỉ thị cho các lực lượng giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa – giai đoạn 2 với tinh thần “Táo bạo, kiên quyết, độc lập tiến công, đánh địch ngay từ trận đầu, phòng ngự đảo vững chắc”. Trong kế hoạch tác chiến đợt hai, ta chủ trương sử dụng tàu 673 và tàu 641 (do đồng chí Trần Tú làm thuyền trưởng) chở lực lượng của Đội 1 (Đoàn 126) và một số cán bộ của Tiểu đoàn 471 đặc công của Quân khu 5 đi giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn, Trường Sa trong cùng một đêm.

4 giờ ngày 21/4, hai tàu 673 và 641 rời cảng tiến về phía các đảo. Chiều ngày 24/4, hai tàu tới vị trí tập kết. Đêm 24/4, tàu 673 chở quân chiến đấu đổ bộ lên Nam Yết và tàu 641 chở quân đổ bộ tiến công đảo Sơn Ca, nhưng khi tàu 673 đến gần đảo Nam Yết thì gặp tàu khu trục địch đang hoạt động ở đó. Đồng chí Mai Năng lệnh cho tàu 673 quay tàu về Song Tử Tây chờ thời cơ. Khi tàu 641 vòng qua đảo Ba Bình (do quân Đài Loan chiếm đóng), chúng bắn pháo sáng lên quan sát, nhưng tàu 641 vẫn tiếp tục tiến. 0 giờ 30 phút ngày 25/4, tàu tiến vào cách đảo Sơn Ca 2 hải lý, bộ đội đổ bộ lần thứ nhất không thành công, do nước chảy xiết. Tàu 641 lùi ra chờ đến khi nước dừng. Đến 1 giờ 30 phút ngày 25/4, tàu 641 tiến vào, lực lượng đổ bộ do thiếu úy Đỗ Viết Cường chỉ huy chia thành 3 mũi đổ bộ lần thứ 2. Lần này, các chiến sĩ ta bám được mép đảo. 2 giờ 30 phút, trận đánh bắt đầu. Các cỡ súng của ta nổ mãnh liệt. Bị đánh bất ngờ, bọn địch trên đảo hoang mang chống cự yếu ớt rồi đua nhau chạy vào công sự ẩn nấp. Ta bắt được mấy tên tù binh, khai thác tại chỗ rồi phát loa gọi hàng. Giữa biển cả mênh mông, bị quân ta tập kích bất ngờ, lại không có lực lượng chi viện, quân địch trên đảo vội vã đầu hàng. Khoảng 3 giờ, trận đánh kết thúc, ta đã làm chủ hoàn toàn đảo Sơn Ca. Địch bị diệt 2 tên, bị thương 3 tên, số còn lại bị bắt và đầu hàng. Ta thu 2 máy vô tuyến điện, 4 máy điện thoại, 2 xuồng máy, 1 máy nổ, 40 phuy xăng và toàn bộ vũ khí đạn dược.

Ngày 26/4, địch cho nhiều tàu tuần dương, tàu khu trục qua lại quanh đảo Sơn Ca, với ý định tái chiếm đảo nếu có thời cơ, nhưng sức cùng lực kiệt, địch đành cho tàu quay về lánh ở vùng biển đảo Nam Yết.

20 giờ 45 phút ngày 26/4, đài kỹ thuật của ta bắt được điện của sở chỉ huy địch lệnh cho lực lượng trấn giữ của chúng chuẩn bị rút khỏi các đảo còn lại. Sở chỉ huy Quân chủng liền hạ lệnh cho 2 tàu 673 vàu 641 tiếp tục lên đường giải phóng đảo Nam Yết. 10 giờ 30 phút ngày 27/4, lực lượng của ta trên 2 tàu đổ bộ lên đảo. Sau khi lên đảo, một bộ phận được phân công ở lại kiểm tra toàn bộ trận địa và triển khai công tác bố trí lực lượng, sẵn sàng chiến đấu; một bộ phận khác nhanh chóng xuống tàu, tiếp tục hành quân đi giải phóng đảo Sinh Tồn và đảo Trường Sa.

Cũng như  đảo Nam Yết, quân địch ở đây quá hoang mang đã rút chạy từ sáng 28/4, nên lực lượng ta đổ bộ tiếp quản đảo thuận lợi. 10 giờ 30 phút ngày 28/4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Sinh Tồn.

Phát huy khí thế tiến công giành thắng lợi như vũ bão của quân ta trên khắp các chiến trường, 16 giờ ngày 28/4, tàu 673 chở lực lượng ta tiến thẳng về phía đảo Trường Sa. Đây là đảo xa nhất nằm ở phía nam của Quần đảo Trường Sa, nhưng có diện tích lớn hơn so với các đảo vừa giải phóng. 9 giờ ngày 29/4, phân đội chiến đấu cuối cùng của Trung đoàn 126 đã hoàn thành công tác đổ bộ, tiếp quản và hoàn toàn làm chủ đảo Trường Sa; đồng thời cũng kết thúc một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược, do Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân.

Trong khi lực lượng Hải quân tiến ra giải phóng các đảo trong quần đảo Trường Sa, bộ phận cán bộ Tham mưu Hải quân được giao nhiệm vụ phối hợp với một số cán bộ chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức sở chỉ huy tại Cam Ranh, làm kế hoạch và sử dụng lực lượng tiến công giải phóng đảo Cù Lao Thu. Lực lượng giải phóng đảo gồm một số cán bộ Hải quân (vừa tiếp quản Nha Trang), 1 phân đội đặc công nước (Tiểu đoàn 407, Quân khu 5), 1 đại đội bộ binh (của Trung đoàn 95, Sư đoàn 3), tàu 643 (Trung đoàn 125), 43 cán bộ chiến sĩ quân địa phương Ninh Thuận, cùng 3 tàu đánh cá của nhân dân tỉnh Khánh Hòa và 1 thuyền gỗ của nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Kết quả, Cù Lao Thu được giải phóng hoàn toàn ngày 27/4, thể hiện đúng ý đồ tác chiến, giải phóng đảo nhanh. Ta diệt và bắt 382 tên địch, thu 900 súng các loại, bắn bị thương một tàu địch, một xuồng máy, thu hai máy vô tuyến điện và nhiều đồ dùng quân sự.

13 giờ ngày 30/4, dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hải quân, các lực lượng Hải quân tiến vào tiếp quản cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân nguỵ Sài Gòn ở trại Bạch Đằng, cơ quan Bộ Tư lệnh Hạm đội, xưởng Ba Son, Bộ Tư lệnh sư đoàn lính thuỷ đánh bộ, trại Trịnh Minh Thế và một số căn cứ xung quanh Sài Gòn. Ngay sau khi tiếp quản, Bộ Bộ Tư lệnh chỉ đạo các bộ phận khẩn trương ổn định nơi ăn ở, làm việc, làm tốt công tác canh phòng và bảo đảm phục vụ đời sống cho bộ đội. Được cấp trên đồng ý, Bộ T­ư lệnh Hải quân được tổ chức thành hai bộ phận: bộ phận Sở chỉ huy tiền phư­ơng (tại Sài Gòn) do đồng chí Nguyễn Bá Phát và đồng chí Trần Văn Giang – Chính ủy Hải quân phụ trách để chỉ huy các lực lượng Hải quân hoạt động từ Nha Trang trở vào phía Nam; bộ phận hậu phương (tại Hải Phòng) do đồng chí Đoàn Bá Khánh – Tư lệnh Hải quân và đồng chí Hoàng Trà phụ trách.

Đầu tháng 5 năm 1975, chấp hành chỉ thị của Trung ương Cục miền Nam,  Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Hải quân điều động và chỉ huy các lực lượng hải quân phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương khẩn trương tiến ra giải phóng, tiếp quản Côn Đảo và các đảo khác do quân ngụy Sài Gòn đóng giữ ở phía Nam, Tây Nam Tổ quốc, trong đó tiếp quản đảo Phú Quốc và Vùng 5 duyên hải; đảo Nam Du (6/5) đảo Hòn Khoai (3/5), căn cứ Năm Căn (5/5), căn cứ Bình Thuỷ, Đồng Tâm, Vùng 3 chiến thuật, Vùng 4 Sông ngòi  (7/5)…

Lợi dụng lúc nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn tan rã, bọn phản động Campuchia cho quân đổ bộ đánh chiếm một số đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở phía Tây Nam. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ, ngày 6 tháng 5 năm 1975, Quân chủng Hải quân chỉ đạo Đoàn 125 cử hai tàu 643 và 657 cùng một bộ phận lực lượng vũ trang Quân khu 9 đến đấu tranh, truy bức, buộc một tiểu đoàn của bọn phản động Campuchia phải rút khỏi đảo Phú Quốc. Song, ngày 10 tháng 5, chúng lại cho quân lén lút đánh chiếm đảo Thổ Chu.

Trước tình hình đó, Bộ tổng Tham mưu chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân đánh chiếm lại đảo Thổ Chu. Đây là một quần đảo nhỏ gồm 7 đảo, hòn lớn nhất có tên là Thổ Chu. Theo kế hoạch, Quân chủng sử dụng lực lượng tàu hải quân kết hợp với bộ binh và du kích trên đảo Phú Quốc bí mật hành quân áp sát đánh chia cắt, từng bước tiêu diệt chúng. Trung tâm chỉ huy của ta được đặt ở đảo Phú Quốc.

Ngày 23/5, Đoàn 125 hải quân sử dụng hai tàu 643 và 657 chở bộ đội rời bến tiến đánh đảo Thổ Chu. Ngày 24/5, quân ta đổ bộ, tổ chức tiến công các vị trí chiếm đóng trái phép của địch trên đảo. Ngày 25’5, bộ đội ta làm chủ hoàn toàn đảo, bắt nhiều tù binh, thu một số thuyền và nhiều vũ khí.

Trải qua ba tháng kể từ tháng 2 năm 1975, Quân chủng Hải quân bắt đầu huy động các loại tàu vận chuyển bộ đội, xe tăng cho các binh đoàn chủ lực, kịp thời tham gia cuộc Tổng tiến công chiến lược đến 30 tháng 4 và đầu tháng 5 năm 1975, kết thúc toàn thắng chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, Quân chủng Hải quân đã khắc phục mọi khó khăn, tập trung huy động toàn bộ lực lượng của Quân chủng ra phía trước, vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu và làm các nhiệm vụ công tác khác. Hải quân nhân dân Việt Nam đã có bước phát triển và tiến bộ vượt bậc trong tác chiến cũng như trong các hoạt động khác. Điển hình là Đoàn 125 đã huy động 143 lần chiếc tàu ra khơi, với đường hành trình là 65.721 hải lý, thực hiện chuyên chở được 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và pháo, đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu, đánh chìm một tàu PCR, đánh bị thương 3 tàu khác, gọi hàng một tàu, bắt 42 tên địch.

Thắng lợi của Hải quân nhân dân Việt Nam trong Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1975 còn là thắng lợi của sự tích lũy và biết khai thác tiềm năng của Quân chủng, tổ chức sử dụng đúng lực lượng, hiệp đồng chặt chẽ, khoa học giữa các lực lượng trong Quân chủng với các đơn vị bạn, tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển. Trong quá trình chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ đã tận dụng yếu tố bí mật bất ngờ, hành động kiên quyết, kịp thời phát huy một cách cao độ sự kết hợp giữa con người và vũ khí, trang bị kỹ thuật. Về chiến thuật, các tàu hải quân đã vận dụng linh hoạt và thích hợp chiến thuật chuyển quân đường dài trên biển đến đúng mục tiêu. Tùy theo tình hình cụ thể, lực lượng đổ bộ đã xác định đúng thời điểm đổ bộ với lực lượng tập trung, tạo nên những mũi đột kích bất ngờ, phát huy hiệu quả chiến đấu, tiêu diệt địch nhanh gọn.

Như vậy, từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1975, Bộ Tư lệnh Hải quân đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ, các quân khu ven biển, tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy điều hành các lực lượng Hải quân và một bộ phận lực lượng khác tiến công giải phóng và tiếp quản các đảo trong quần đảo Trường Sa cùng các đảo phía Nam và Tây Nam của Tổ quốc do quân ngụy Sài Gòn đóng giữ, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam; xây dựng cơ sở chính trị ở vùng mới giải phóng; tiếp quản, khôi phục, quản lý các cơ sở hậu cần-kỹ thuật (kho tàng, trạm xưởng, cầu cảng). Hải quân nhân dân Việt Nam có bước phát triển tiến bộ vượt bậc trong xây dựng và chiến đấu.

Với thành tích xuất sắc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hải quân nhân dân Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh hạng nhì; 4 đơn vị thuộc Quân chủng được tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

50 năm đã trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quân chủng Hải quân đã có bước tiến dài, tiến nhanh lên xây dựng chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, thiện chiến. Nhưng những bài học về xây dựng và sử dụng lực lượng Hải quân trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Từ thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 50 năm qua, Bộ Tư lệnh Hải quân đã vận dụng khéo léo các bài học xây dựng Hải quân thời chiến vào thực tiễn xây dựng, sẵn sàng chiến đấu trong thời bình, trong đó có một số bài học, kinh nghiệm chủ yếu như bài học về quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân chủng vững mạnh về chính trị tư tưởng và tổ chức; xây dựng đồng bộ các binh chủng, chú trọng lực lượng vận tải chiến lược trên biển và lực lượng hải quân đánh bộ – đặc công hải quân; vận dụng đúng đắn đường lối quốc phòng toàn dân – chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển của Đảng vào thực tiễn thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; tham mưu đúng, tham mưu trúng; phân công nhiệm vụ rõ ràng, tổ chức thực hiện kiên quyết, linh hoạt; thường xuyên đôn đốc kiểm tra công tác xây dựng và vận hành hệ thống chỉ huy các cấp trong Quân chủng; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, phòng, ban, đơn vị trong nội bộ Quân chủng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong Quân đội, tranh thủ sự bảo đảm của các cơ quan cấp trên và sự giúp đỡ của đơn vị bạn, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.

Tài liệu tham khảo:

  • Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam – Biên niên sự kiện (1955-1995); NXB Quân đội nhân dân 1995;
  • Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2015); ); NXB Quân đội nhân dân 2015;
  • Một số trận đánh của Hải quân, NXB Quân đội nhân dân 1993.

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*