CHÀO MỪNG NĂM ĐẦU TIÊN NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ HÀNG HẢI

                                                                                                               Nguyễn Văn Thư

Chủ tịch Câu lạc bộ Thuyền trưởng Việt Nam

Lịch sử về việc phụ nữ tham gia ngành Hàng hải

Sự tham gia của phụ nữ trong ngành hàng hải đã có một lịch sử phong phú mà hiếm khi được tôn vinh xứng đáng. Từ xa xưa đã có nhiều câu chuyện về những nam thủy thủ, đồng thời cũng đã có những phụ nữ tạo dựng được hình ảnh, tên tuổi của mình trong những hành trình rong ruổi trên biển hàng trăm năm qua.

Trong quá khứ, phụ nữ tham gia vào ngành công nghiệp từng do nam giới thống trị này, vì nhiều lý do khác nhau – chẳng hạn như trong một tình huống khẩn cấp cần họ đứng lên để chống lại một thách thức, làm một nghĩa vụ thời chiến, để hỗ trợ gia đình mình, để tìm một cuộc sống tốt hơn hoặc thậm chí chỉ là để tìm kiếm một cuộc phiêu lưu và tìm các môi trường mới ở xung quanh…  Bất kể lý do là gì, nhưng phụ nữ đã để lại dấu ấn của họ trong lịch sử ngành hàng hải.

Một trường hợp được ghi lại ở Hy Lạp mà do sự khẩn cấp trên tàu, người phụ nữ đã dũng cảm đứng lên nắm quyền chỉ huy con tàu của mình vào năm 1846. Đó là bà Caroline Mayhew. Bà là vợ của William Mayhew, Thuyền trưởng của chiếc tàu săn cá voi Powhaton, khởi hành từ Martha’s Vineyard. Một trận dịch đậu mùa xảy ra trên con tàu làm chồng bà và một số thành viên thủy thủ đoàn khác không còn làm việc được. Caroline đã đảm nhận vị trí thuyền trưởng và sử dụng kinh nghiệm trên biển của mình để cứu sống toàn bộ thủy thủ đoàn của tàu.

Nhiều phụ nữ trong thế kỷ XIX trở nên nổi tiếng như những nữ anh hùng trên biển theo cách trên. Họ đã thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới vì những hành động của mình và có lẽ đã đặt nền tảng cho phụ nữ ở các thế hệ sau phá bỏ các ranh giới xã hội về giới tính trên biển.

Năm 1856 ở Mỹ, Mary Patten đã ra khơi cùng chồng là Thuyền trưởng Joshua Patten trên chiếc tàu Neptune’s Car, một con tàu cao tốc đi từ Thành phố New York đến San Francisco. Sau khi đuổi việc viên thuyền phó nhất của tàu thì thuyền trưởng đã bị ốm, thính giác và thị lực của ông bắt đầu suy giảm. Thuyền phó ba là người ở cấp bậc tiếp theo phải đảm nhận quyền chỉ huy tàu, nhưng anh này đã không biết cách hành hải cho đúng. Khi đó, Mary, 19 tuổi, đang mang thai đã nắm quyền điều khiển con tàu và sử dụng các kiến ​​thức từ những chuyến đi trước của mình để đưa con tàu đến San Francisco một cách an toàn, trong khi vẫn tận tình chăm sóc chồng. Con tàu đã đến San Francisco an toàn và các công ty bảo hiểm của tàu đã thưởng cho Mary 1.000 đô la vì đã có công giúp chuyến đi thành công.

Một ví dụ khác về một nữ anh hùng trên biển là Eliza Thorrold, vợ của Thuyền trưởng Charles Thorrold. Chồng bà chết vì nhiễm độc máu vào năm 1893 và để lại Eliza một mình nuôi năm đứa con nhỏ. Bà đã biết cách vận hành chiếc tàu kéo Ethel and Marion của họ và bà đã chính thức được cấp bằng thuyền trưởng để điều khiển con tàu, phá vỡ ranh giới về bất bình đẳng tại nơi làm việc trong quá trình này.

Năm 1974, nhóm phụ nữ đầu tiên được nhận vào Học viện Hàng hải Thương mại Hoa Kỳ ở Kings Point, New York. Một trong những người phụ nữ này, Thuyền trưởng Wagner, đã trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận được Bằng Thuyền trưởng cấp không hạn chế – có nghĩa là bà có thể chỉ huy bất kỳ con tàu nào, ở bất kỳ đâu trên khắp các đại dương trên thế giới. Sau đó, bà trở thành hoa tiêu cảng ở San Francisco – dẫn các tàu lớn trên các tuyến đường thủy chật hẹp khó điều khiển.

Hiện trạng về phụ nữ trong ngành Hàng hải

Theo BIMCO/ICS- Công hội Vận tải biển quốc tế cùng Ban Tích/Văn phòng Vận tải biển quốc tế- báo cáo về lực lượng lao động Hàng hải năm 2021, ước tính có 24.059 phụ nữ làm thuyền viên, chiếm 2% trong tổng số thuyền viên trên toàn thế giới., tăng 45,8% so với báo cáo năm 2015 nhưng vẫn là một con số rất khiêm tốn. Đã có nhiều phân tích về nguyên nhân của việc thiếu vắng phụ nữ trong ngành này, dưới đây là ý kiến của một nữ Thuyền phó 3 về vấn đề này:

7 lý do chính dẫn tới có ít thuyền viên nữ trong ngành Hàng hải

  1. Thiếu hiểu biết và thiếu thông tin: Không giống như các lựa chọn nghề nghiệp khác, nghề hàng hải không được nhiều phụ nữ trẻ biết đến. Học sinh nữ thường chọn các nghề phổ biến như công nghệ thông tin, khoa học máy tính, điện tử hoặc y học. Điều này là do họ biết ít hoặc không biết về sự nghiệp thành công mà họ có thể đạt được trong lĩnh vực hàng hải. Bên cạnh đó, các trường học còn ít chủ động trong việc hướng nghiệp về hàng hải cho học sinh của mình. Cần thiết phải nâng cao nhận thức và sự chuẩn bị về nghề nghiệp cho học sinh. Các trường có thể đưa ra hướng nghiệp và giải đáp cho phụ nữ trẻ về các nghề nghiệp trong thế giới hàng hải, giúp họ biết được những triển vọng nghề nghiệp tươi sáng. Các nhà giáo cũng có thể giúp học sinh chuyển nhận thức thành nghề nghiệp đi biển để theo đuổi. Để thu hút phụ nữ vào ngành, các cơ sở giáo dục đại học cần có chính sách giúp phụ nữ hiểu và biết về nghề hàng hải một cách tốt hơn. Các tạp chí liên quan đến nghề nghiệp có thể là một nguồn thông tin và các bản tin từ ngành Hàng hải có thể được sử dụng như một phương tiện để quảng bá và làm nổi bật nghề đi biển như một nghề tiềm năng cho cả phụ nữ cũng như nam giới.
  2. Ngành do nam giới thống trị: Vận tải biển có một lịch sử là ngành do nam giới thống trị và truyền thống đó đã tồn tại lâu đời. Một trong những lý do tại sao phụ nữ chưa bao giờ coi trọng chọn nghề hàng hải là do thực tế này. Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất đối với phụ nữ trong lĩnh vực này là đấu tranh lại với nhận thức rằng những công việc như vậy chỉ dành cho nam giới và đòi hỏi một bộ kỹ năng gắn liền với nam giới hơn. Nhiều phụ nữ sợ hãi khi bước vào thế giới của đàn ông vì họ tin rằng họ có thể phải đối mặt với các hành vi quấy rối và bạo lực về thể xác hoặc lạm dụng bằng lời nói nghiêm trọng cũng như mức độ hỗ trợ thấp từ đồng nghiệp.

Nhưng đây không phải là câu chuyện có thật. Công ty thuê thuyền viên nữ có các chính sách nghiêm ngặt để bảo vệ bảo vệ nữ quyền và danh tính của họ. Họ có nhiều quy trình cho việc khiếu nại. Với số lượng thuyền viên nữ tham gia nhiều hơn, chướng ngại vật này có thể dễ dàng bị loại bỏ. Chúng ta phải tìm cách làm cho phụ nữ cảm thấy rằng giới tính của họ không chi phối cách họ thể hiện trong môi trường làm việc và do đó giúp phụ nữ dễ dàng hơn trong việc theo đuổi và đạt được ước mơ của mình.

  1. Không hoặc ít được hỗ trợ: Phụ nữ nhìn chung không nhận được sự hỗ trợ thỏa đáng (cả từ gia đình và xã hội) để chọn nghề đi biển. Các nhà giáo dục thường không cung cấp các kỹ năng và hỗ trợ cần thiết để giúp phụ nữ trẻ leo lên nấc thang danh vọng trong lĩnh vực vận tải biển. Phụ nữ cũng thiếu sự hỗ trợ của gia đình, điều rất cần thiết và quan trọng để họ thiết lập bản sắc riêng của mình trong một lĩnh vực mà số lượng phụ nữ còn rất hạn chế.

Cha mẹ phải hiểu biết về lĩnh vực này để động viên và khuyến khích con gái của họ, những người sẵn sàng tạo ra sự khác biệt. Thiếu sự hỗ trợ là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ trở nên bối rối, thất vọng và cuối cùng lùi bước trước nghề đi biển. Đây cũng là lý do họ không được xem là người được ra quyết định. Những thay đổi về sự hỗ trợ thỏa đáng chắc chắn có thể làm cho nghề đi biển được phụ nữ chấp nhận nhiều hơn.

  1. Ít được các công ty chấp nhận: Khó khăn trong việc tiếp cận việc làm và phát triển nghề nghiệp trong ngành hàng hải cũng là một lý do khiến có ít phụ nữ đi biển trong ngành hàng hải. Thiếu sự hỗ trợ tại nơi làm việc khiến phụ nữ không thể làm được nghề này. Những nữ thuyền viên đầy khát vọng nhận thấy ít có cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực của họ. Nhiều phụ nữ cảm thấy rằng họ sẽ phải chịu những khó khăn như áp lực về hiệu suất làm việc hoặc đối mặt với thời gian khó khăn để thăng tiến trong công ty.

Công ty nên chủ động cho phép một sự đại diện bình đẳng của phụ nữ trong ngành hàng hải và cho họ cơ hội bình đẳng. Có nhiều công ty không sẵn sàng thuê thuyền viên nữ. Các công ty vận tải biển nên có các phương tiện và tiện nghi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh sống của thuyền viên nữ. Do không có cơ hội nghề nghiệp, phụ nữ sẽ từ bỏ nghề và bắt đầu tìm kiếm công việc khác và có suy nghĩ tiêu cực về cơ hội việc làm và triển vọng nghề nghiệp trong ngành hàng hải. Các cơ hội bình đẳng đã vượt qua một chặng đường dài, nhưng vẫn còn phải đi xa hơn nữa. Các công ty nên giảm bớt khoảng cách về giới và thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Chỉ khi chúng ta loại bỏ sự phân biệt đối xử về giới tính tại nơi làm việc, chúng ta mới có thể để những vấn đề này ở phía sau của chúng ta.

  1. Những trở ngại về văn hóa xã hội và thực tiễn: Nhiều phụ nữ không chọn nghề đi biển vì phải có thời gian ở trên biển dài ngày. Tìm kiếm một sự cân bằng giữa các nhu cầu về công việc và gia đình đã là một vấn đề phổ biến. Xa gia đình và bạn bè quá lâu không phải là điều dễ dàng đối với phụ nữ cũng như đàn ông. Ở trên tàu trong vài tháng có thể không đáp ứng được vai trò xã hội của một người phụ nữ, khiến nó không phải là lĩnh vực hấp dẫn đối với phụ nữ. Điều này cũng đòi hỏi phải làm rất nhiều điều liên quan đến một quy ước xã hội của chúng ta, vốn cho rằng phụ nữ phải là người nuôi dưỡng con cái. Niềm tin rằng ngay cả đàn ông cũng không muốn kết hôn với một phụ nữ phải dành hàng tháng trời ở trên tàu là điều cản trở những phụ nữ muốn bước chân vào ngành hàng hải. Phụ nữ cũng phải đối mặt với sự phản đối của cha mẹ vì họ không biết được các quyền và lợi ích thai sản khiến họ nghĩ rằng vận tải biển không phải là nghề lý tưởng cho con gái họ. Do đó, áp lực xã hội và trách nhiệm xã hội truyền thống đã ngăn cản phụ nữ theo đuổi sự nghiệp hành hải và buộc họ phải chọn những công việc trên đất liền. Xã hội cần phải có sự công nhận chung về tầm quan trọng của việc sử dụng lực lượng lao động nữ.
  2. Thiếu các cuộc hội thảo và tọa đàm: Việc thiếu vắng các tổ chức và mạng lưới cấp khu vực là một lý do khác khiến có ít thuyền viên nữ. Các tổ chức như vậy có thể tiến hành các cuộc hội thảo và tọa đàm để giúp các phụ nữ trẻ trao đổi quan điểm của họ với các nữ thuyền viên có kinh nghiệm và giúp họ phát triển sự hiện diện mạnh mẽ trong lĩnh vực hàng hải. Các lựa chọn khác mà các tổ chức này có thể cung cấp là cố vấn và tài trợ. Họ có thể tạo các nhóm hỗ trợ và giúp tăng cường chuẩn bị cho nghề nghiệp. Làm được điều này sẽ thúc đẩy nhiều nữ đi biển hơn trong ngành này.
  3. Việc đảm bảo việc làm: Nhiều công ty vận tải biển tư nhân áp dụng hợp đồng theo thời vụ và không có các khoản trợ cấp hưu trí đáng kể. Cũng giống như các thuyền viên nam, đây là mối quan tâm của nhiều nữ thuyền viên, những người muốn tìm kiếm công việc ổn định và có các khoản trợ cấp hưu trí như lương hưu. Đa số phụ nữ thích những công việc có nguồn thu nhập ổn định và cuộc sống về hưu có kế hoạch. Đây cũng là một lý do khiến phụ nữ ngại tham gia ngành này.

Ngành hàng hải mang đến cơ hội việc làm lớn cho cả nam và nữ đi biển. Tuy nhiên, bình đẳng việc làm đã là một vấn đề ám ảnh ngành công nghiệp này trong một thời gian dài. Trừ khi một số bước quyết liệt được thực hiện để nâng cao nhận thức của các nữ thuyền viên tương lai và tăng cường các chính sách hỗ trợ phúc lợi của họ, con số phụ nữ trong ngành hàng hải sẽ tiếp tục giảm.

Tại sao phải cân bằng giới tính trong ngành Hàng hải

Theo Nghiên cứu “Điểm mấu chốt: Hiệu suất của Công ty và Sự đại diện của Phụ nữ trong Hội đồng quản trị” của Liên Hợp Quốc, có nhiều bằng chứng cho thấy đầu tư vào phụ nữ là cách hiệu quả nhất để nâng cao các cộng đồng, các công ty và thậm chí cả các quốc gia. “Các quốc gia bình đẳng giới nhiều hơn sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Các công ty có nhiều lãnh đạo nữ thì hoạt động tốt hơn. Các hiệp định hòa bình có phụ nữ tham gia thì lâu bền hơn. Các nghị viện có nhiều phụ nữ sẽ ban hành nhiều luật hơn về các vấn đề xã hội quan trọng như y tế, giáo dục, chống phân biệt đối xử và hỗ trợ trẻ em

Nhu cầu nội tại của ngành Hàng hải

Mong muốn rất lớn của ngành Hàng hải có thêm lao động nữ là để đạt được một lực lượng lao động đa dạng, tránh bị thiếu hụt nghiêm trọng trong tổng nguồn cung sĩ quan vào năm 2026 với dự báo là ngành này sẽ cần thêm 89.510 sĩ quan vào năm 2026 để vận hành đội tàu buôn thế giới. Mặt khác, việc này cũng giúp ngành Hàng hải đạt được mục tiêu số 5 về Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc ‘Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái’

Những việc đã và đang làm ở bình diện quốc tế

Trong hơn 30 năm qua, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) có một cam kết mạnh mẽ trong việc giúp đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) bằng “Chương trình xây dựng năng lực và giới”, “Chương trình Phụ nữ trong ngành Hàng hải” và đang tiếp tục hỗ trợ sự tham gia của phụ nữ trong các công việc cả ở trên bờ và đi biển. Năm 2021, Tổ chức này đã đề xuất chọn ngày 18/5 hàng năm là Ngày Quốc tế Phụ nữ Hàng hải, đã được các nước thành viên chấp thuận và năm nay là năm đầu tiên thế giới kỷ niệm ngày này.

Tình hình thuyền viên nữ ở Việt Nam

Trong bối cảnh chung của tình hình kinh tế, xã hội ở Việt Nam, Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH đã từng cấm bố trí lao động nữ làm việc trên tàu biển đã lý giải cho việc chúng ta đã không có thuyền viên nữ.

Với nhận thức cao hơn về bình đẳng giới trong lao động, Quy định này đã được loại bỏ gần đây trong Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH. Hiện nay, ngành Hàng hải đã có những chuyển biến tích cực hơn trong việc thu hút thuyền viên nữ bằng các hành động cụ thể. Các trường đào tạo ngành đi biển đã tuyển chọn sinh viên nữ, một số chủ tàu Việt Nam đã tiếp bước các chủ tàu Châu Âu chấp nhận và hỗ trợ thuyền viên nữ làm việc tại công ty, Cục Hàng hải Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền và cổ vũ thuyền viên nữ như lễ tuyên dương những thuyền viên nữ Việt Nam đầu tiên vào ngày 1/4/2022.

Hy vọng là trong thời gian tới, số nữ thuyền viên Việt Nam sẽ tăng lên, góp phần đảm bảo quyền bình đẳng về tiếp cận việc làm của Phụ nữ./.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*