Hôm qua, sáng thứ Sáu, ngày 13 /3/2020, một chàng trai đang làm doanh nghiệp đến gặp tôi để tìm hiểu về giải pháp chống hạn cho ĐBSCL. Nhân đây tôi tóm tắc nội dung đã trao đổi và đưa lên trang web, hy vọng hữu ích cho mọi người.
Trước hết ta cần có quan điểm triết học trong nhận thức sử dụng tài nguyên. Để sản xuất hay làm dịch vụ con người cần ba yếu tố theo thứ tự: Lao động cơ bắp + Tài nguyên thiên nhiên + Tài nguyên trí tuệ. Trong thứ tự trên, cái sau đem lại nhiều lợi nhuận hơn cái trước.
Với Tài nguyên thiên nhiên, ta cần xác định rằng con người cần thiên nhiên để tồn tại, còn thiên nhiên không cần con người. Từ nguyên tắc trên, con người cần khai thác thiên nhiên theo quy luật của tự nhiên chứ không nên buộc thiên nhiên phải thay đổi theo ý muốn của con người.
Để hiểu ĐBSCL, ta cần biết những động lực thiên nhiên đã tạo nên ĐBSCL. Từ rất xa xưa, khi mới hình thành địa mạo đầu tiên của ĐBSCL thì ĐBSCL bao gồm núi đá và biển. Dòng sông Mê Kong đưa phù sa từ Trung Quốc, Lào, Campuchia đổ xuống ĐBSCL. Ở bờ biển Đông, do chênh lệnh nhiệt giữa Xích Đạo và Bắc cực nên hình thành dòng hải lưu tầng đáy di chuyển từ Bắc xuống Nam trong 365 ngày/năm. Vì trái đất quay từ Tây sang Đông nên dòng hải lưu trên di chuyển từ Đông sang Tây. Về mùa Đông, gió mùa Đông Bắc đã tạo nên dòng hải lưu tầng mặt di chuyển dọc theo bờ biển Đông từ Bắc xuống Nam trong 9 tháng/ năm. Cả hai dòng hải lưu trên cộng hưởng, tạo nên động lực chính sắp xếp sa bồi hình thành địa mạo ĐBSCL. Khi dòng hải lưu trên đến bờ biển Vũng Tàu thì bị dãy núi đá hướng dòng chảy về phía Đông Nam của ĐBSCL. Chính vì vậy , đó là nguyên nhân hình thành Biển Hồ ở Campuchia và hồ Đồng Tháp Mười.
Nguyên lý trên đã phù hợp với địa mạo thực tế của ĐBSCL hiện nay. ĐBSCL có cao độ trung bình phía Tây là 1,5 m, trong khi cao độ trung bình của toàn đồng bằng là 0,8 m. Cao độ thấp dần theo hướng từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam nhưng sự chênh lệch không đáng kể. Vùng bờ biển phía Tây với Tứ giác Long xuyên có cao độ đến + 3m. Cần chú ý vùng kênh Thoại Ngọc Hầu là vùng có nền đá.
Sông Mê Kong sau khi vào ĐBSCL thì ra biển bằng 2 nhánh chính: phía Bắc là Sông Tiền, phía Nam là Sông Hậu. Sông Tiền kết nối với sông Hậu bằng sông Vàm nao ở thượng lưu và ở có vị trí là hạ lưu của hồ Đồng Tháp Mười.
ĐBSCL có 2 dãy bờ biển: Bờ biển phía Đông và Bờ biển phía Tây. Bờ biển phía Đông có có thủy triều theo quy luật Bán nhật triều và cao nhất đến 5 mét. Bờ biển phía Tây có thủy triều theo quy luật Nhật triều, có biên độ cao nhất 1.8 m tại Rạch Giá. Biên độ thủy triều biến động tăng từ Hà Tiên đến Rạch Giá.
Bản đồ biên độn thủy triều cường ở bờ biển Đông và Tây ĐBSCL
Trên nền tảng công thức Xê-đi tính toán lưu lượng dòng chảy qua kênh hở ta thấy: Khi B ( độ rộng dòng chảy ) là vô cùng lớn so với H ( độ sâu của dòng chảy) thì lưu lượng tăng nhanh theo dạng Parapon khi tăng H. Từ lý thuyết này của KS Doãn Mạnh Dũng, ta thấy dòng Mê Kong đến Long Xuyên, cách bờ biển Tây chỉ 60 Km nhưng chúng không thể chảy ra bờ biển Tây mà buộc phải chảy ra bờ biển Đông cách Long Xuyên khoãng 120 Km. Nguyên nhân vì biên độ thủy triều bờ biển Đông cao đến 5 m nên chân triều thấp so với bờ biển Tây nên dòng sông buộc phải ưu tiên chảy ra biển Đông.
Với những đặc điểm trên, từ năm 1996, KS Doãn Mạnh Dũng đã đưa ra giải pháp chống lũ và chống hạn cho ĐBSCL theo cách như sau :
Mô hình phương án 3 hình thành hồ Đồng Tháp Mười,và hồ ở Tứ Giác Long Xuyên đề xuất 1996 ( Có đăng ký bản quyền)
Hình thành 2 hồ nước ở ĐBSCL: Hồ Đồng Tháp Mười và Hồ rộng nối cửa Rạch Giá với sông Vàm Nao.
Khi mùa mưa, nước tràn vào hồ Đồng Tháp Mười từ sông Tiền, hoặc từ biên giới Việt-Campuchia qua Vàm Nao đổ vào hồ ở Tứ Giác Long Xuyên. Khi nước quá nhiều thì nước từ hồ Tứ Giác Long Xuyên đổ ra biển Tây qua cửa Rạch Giá. Cách làm này dựa trên sự lệnh pha của thủy triều phía Đông và phía Tây.
Nước ở hồ Đồng Tháp Mười và hồ ở Tứ Giác Long xuyên cũng là nước trữ cho mùa khô khi thiếu nước.
Với cách làm trên, ĐBSCL sẽ chủ động nhiều hơn trong mùa lũ lớn và cả trong mùa khô hạn.
Nhân đây cũng nói thêm, vì biên độ thủy triều tại Rạch Giá cao gấp 2 lần tại Hòn Đất nên việc mở kênh T5 thoát lũ tại Hòn Đất là sai. Dòng lũ sẽ phá con lộ chạy từ Hòn Đất đến Rạch Giá.
Việt Nam đã chứng minh nuôi trồng thủy sản có lợi ích còn cao hơn trồng lúa. Vì vậy việc xây dựng hồ Đồng Tháp Mười và hồ ở Tứ giác Long xuyên theo mô hình trên là hợp lý và cần nghiên cứu sâu hơn.
KS Doãn Mạnh Dũng
Để lại một phản hồi