Vườn quốc gia Mũi Cà Mau – khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau – khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam

Tháng 4/2013, Cà Mau  tổ chức lễ đón nhận bằng chứng nhận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và thứ 2088 của thế giới.

Nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (được UNESCO công nhận vào tháng 4- 2010), Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên 41.862 ha (vùng đệm 8.194 ha), với nhiều phân khu chức năng. Về giá trị đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có những đặc thù riêng về hệ động thực vật. Hệ động vật có 93 loài chim, 26 loài thú, 43 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 252 loài thủy hải sản, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Bồ Nông chân xám, Giang Sen, Cò trắng Trung Quốc, Rái Cá, Cầy Giông đốm lớn, Rùa hộp lưng đen, Rùa răng, Rùa ba gờ, Rùa cổ bự, Ba ba Nam Bộ. Về hệ thực vật, trong số 60 loài thực vật bậc cao thì có đến 26 loài cây ngập mặn và 2 loài Đước Đôi và Quao Nước nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nằm trên địa bàn các xã Đất Mũi, Viên An, Đất Mới là Lâm Hải, với dân số gần 55.000 người. Thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Trong những năm qua, chính quyền địa phương phát động các hộ dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra nhiều mô hình thâm canh, nuôi-trồng có hiệu quả, khai thác được tiềm năng và lợi thế của từng tiểu vùng sinh thái như: mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, mô hình nuôi ốc len, mô hình nuôi cá mú, cá chẽm, sò huyết…, đạt thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm.

Công ước Ramsar là công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước. Công ước này được tạo ra và phê chuẩn bởi các quốc gia tham gia tại cuộc họp tại thành phố Ramsar, Iran ngày 2 tháng 2 năm 1971 và có hiệu lực ngày 21 tháng 12 năm 1975. Danh sách Ramsar về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế hiện nay (gọi là khu Ramsar).

 

Theo SGGP