Miền Trung Việt Nam là vùng đồng bằng hẹp và dài chạy dọc theo bờ đông dãy Trường Sơn. Dãy đồng bằng miền Bắc thì được che chắn bởi đảo Hải Nam, nhưng dãy đồng bằng miền Trung hứng trọn gió mùa đông bắc và bão tố. Các vết tích tàu chìm ở miền Trung trong lịch sử đã nói lên sự hiểm nguy của tất cả tàu thuyền thương mại và cả tàu cá khi phải hành trình qua ngoài khơi bờ biển miền Trung.
(Mô hình khu trú bão Hòn Rùa tại bắc Nha Trang – Khánh Hòa , đê dài 0,86 km)
Nguyên nhân khi bão hay gió mùa đông bắc lớn kèm theo mưa thì các con sông ở miền Trung vừa ngắn, vừa dốc nên có vận tốc dòng chảy rất lớn. Khi đó tàu thuyền từ biển không thể vào sông để tránh bão hay gió mùa đông bắc.
Bão và gió mùa đông bắc ở miền Trung đã tạo ra dòng chảy mặt theo hướng ngược kim đồng hồ có nghĩa là gió đẩy tàu thuyền từ bắc xuống nam từ tây sang đông. Với nguyên tắc di chuyển của dòng nước tầng mặt như trên, bạn sẽ thấy rất ít vịnh biển ở miền Trung đáp ứng được là nơi tránh bão và gió mùa cho các tàu thuyền khi hàng hải qua miền Trung.
Chúng ta từng chứng kiến các tàu thuyền đang neo tại vịnh Đà Nẵng bị bão đưa lên bờ. Vịnh Dung Quất và vịnh Chân May thì càng nguy hiểm hơn, vì vịnh cửa vịnh nhìn về hướng Bắc. Hơn nữa tại vịnh Dung Quất có cửa sông Trà Bồng, ngoài cửa có hòn Ông, bên trong cửa sông có hòn Bà nên càng nguy hiểm cho tàu thuyền.
Cách xây dựng các khu tránh bão cho tàu thuyền ven biển miền Trung theo nguyên tắc như sau:
Khu trú bão phải có cửa nhìn về hướng Nam hay Đông Nam. Đê chắn sa bồi và đồng thời chắn bão phải có hướng thích hợp với từng vùng địa lý để bảo đảm đê ổn định với vốn đầu tư thấp.
Việc xây dựng hệ thống tránh bão cho tàu thuyền ở miền Trung đã được quan tâm từ nhiều năm nhưng thiếu hiệu quả.
Hội Biển Tp Hồ Chí Minh sẵn sàng tư vấn cho Chính phủ đưa ra quy hoạch và mô hình hệ thống trú bão cho tàu thuyền thương mại và tàu cá cho từng tỉnh và toàn bộ miền Trung Việt Nam.
KS Doãn Mạnh Dũng