(PLO)- “Tôi nghĩ đừng nghe những gì họ ngụy biện, ru ngủ bởi những tuyên bố, hứa hẹn hão huyền nào đó nữa. Chúng ta phải mổ xẻ cho được tư duy của TQ để mà đối xử với họ” – Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân.
Tiếp tục vấn đề Trung Quốc (TQ) xâm phạm vùng biển của Việt Nam (VN) khi cho lực lượng chuyên trách hỗ trợ ngư dân xâm nhập sâu vào khu vực chỉ cách Lý Sơn 40-50 hải lý để đánh bắt, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến hải quân, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân.
TQ tìm mọi cách thực quyền đường “lưỡi bò”
Phóng viên: Tàu cá có sự hỗ trợ của lực lượng thực thi pháp luật của TQ đã xâm nhập rất sâu vào vùng biển của VN – có khi cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 30 hải lý. Họ còn tuyên bố đây là vùng biển của TQ và xua đuổi ngư dân VN ra khỏi khu vực này. Vi phạm đó cho thấy mức độ nguy hiểm của nó ra sao, thưa ông?
+ Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: TQ cho tàu đánh cá cách đảo Lý Sơn 40-50 hải lý là muốn đưa ra thông điệp cho VN thấy là TQ vẫn muốn hiện thực hóa đường lưỡi bò phi lý của họ ở biển Đông. Bởi TQ biết là họ đang thất thế, khi năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế đã ra phán quyết đường lưỡi bò là phi lý, không có cơ sở pháp lý, vì thế họ tìm mọi cách để có thực quyền đường lưỡi bò.
Với hành động này của TQ đã vi phạm nghiêm trọng luật biển của VN, vi phạm chủ quyền của VN, quyền chủ quyền của VN đã được Công ước Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc quy định.
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm. Ảnh: Zing.vn
. Trong trường hợp tàu cá TQ xâm phạm chủ quyền biển, các nước trong khu vực đã ứng xử ra sao, thưa ông?
+ Khi tàu đánh cá của các nước, kể cả của TQ vào vùng biển của Indonesia thì Chính phủ Indonesia rất cương quyết, cho tàu hải quân ra đánh chìm hết và bắt ngư dân về đất liền, trả người sau. Indonesia làm như vậy để bảo vệ chủ quyền, khiến các nước phải tôn trọng, kể cả TQ cũng phải tôn trọng.
TQ cũng từng dùng những đoàn tàu đánh cá lớn xâm nhập vào vùng biển của Hàn Quốc ở gần đảo Gageodo. Lực lượng Hàn Quốc đã phát đi cảnh báo nhưng tàu cá TQ tìm cách bủa vây và va chạm với tàu tuần tra của Hàn Quốc, phát lờ cảnh báo. Tình thế đó buộc Hàn Quốc phải bắn nhiều phát đạn cảnh cáo cho đến khi nhóm tàu TQ rút lui. Điều này cho thấy bản thân TQ mặc dù là nước lớn nhưng vẫn kiêng nể vì Hàn Quốc là nước mạnh, sản xuất được máy bay, tàu ngầm, tên lửa…
“Con giun xéo lắm cũng quằn”
. VN cần làm gì khi TQ xâm phạm sâu vào vùng biển của VN, thưa ông?
+ Đối với VN, TQ dùng sức mạnh hải quân để hù dọa. VN cũng muốn giữ lấy hòa khí ở trên biển để cùng nhau phát triển. TQ nói với thế giới rằng đối với láng giềng là TQ muốn cùng thắng nhưng “cùng thắng” của họ không thể nào là việc dùng sức mạnh để lấn đến giới tuyến mà họ muốn. Nếu chúng ta động đến là TQ nói ta vi phạm, còn nếu ta im lặng, nhún nhường thì họ càng lấn tới. Đó là một quy luật của TQ nhiều năm nay.
Tôi nghĩ đừng nghe những gì họ ngụy biện, ru ngủ bởi những tuyên bố, hứa hẹn hão huyền nào đó nữa. Chúng ta phải mổ xẻ cho được tư duy, mưu đồ của TQ để mà đối xử với họ.
Cha ông mình có câu: “Cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng”. Tôi muốn yên bình nhưng anh chẳng chịu cho tôi yên bình. VN cũng có câu “Con giun xéo lắm cũng quằn”, bây giờ TQ ép quá thì VN phải đấu tranh lại.
VN có hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư – những lực lượng này phải sẵn sàng. Tất nhiên, cách xử lý phải chuyên nghiệp. Chúng ta phải xác lập giới hạn để TQ không được nước lấn tới bằng việc phối hợp nhuần nhuyễn các biện pháp đấu tranh ngoại giao lẫn trên thực địa.
Lần thứ nhất chúng ta cảnh báo việc TQ xâm phạm chủ quyền, đồng thời ghi hình, ghi nhật ký ngày giờ nào, tọa độ nào, có bao nhiêu tàu TQ xâm phạm… đưa lên công luận thế giới và phản đối thẳng thừng. Lần thứ hai cảnh báo và đề nghị tàu TQ đi ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của VN.
Nhưng đến lần thứ ba thì chúng ta phải phản ứng đủ mạnh mẽ như cách các nước đang làm để ngăn chặn sự xâm phạm của tàu thuyền TQ vào vùng biển chủ quyền của mình. Tức là phải xử lý một cách chuyên nghiệp, không sợ sệt.
Tất nhiên muốn làm được điều này phải có thống nhất từ lãnh đạo cấp trung ương đến các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, hải quân. Bởi muốn thành công thì từ cấp trung ương đến cơ sở phải đồng lòng.
. Thực lực bây giờ VN có đuổi được tàu TQ ra khỏi vùng biển của VN không?
+ Nếu cương quyết thì VN hoàn toàn đuổi được tàu TQ ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta. Tôi không làm gì cả, anh khiêu khích tôi, tôi đã cho thế giới biết nhưng anh vẫn dùng cơ bắp để ép tôi thì tôi buộc phải đáp trả thích đáng.
Phải làm gì trước tình hình TQ ngày càng leo thang?
. Gần đây, TQ đã tăng cường khí tài quân sự, kể cả máy bay ném bom hạng nặng, tên lửa hành trình ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. TQ bất chấp luật pháp quốc tế, các cam kết của khu vực và giữa VN với TQ thì mức độ này cảnh báo điều gì, thưa ông?
+ Đây là chủ trương lấn từng bước, tiến tới bá chủ, độc chiếm hoàn toàn biển Đông của TQ. Họ luôn luôn lợi dụng thời cơ của thế giới, khi có biến động là TQ tìm cách chiếm đoạt dần dần biển Đông. Như vụ tàu TQ vào gần đảo Lý Sơn là TQ đang lợi dụng tình thế những nước lớn như Mỹ đang lo vụ Bắc Triền Tiên, hạt nhân ở Iran… để thể hiện sức mạnh của TQ và thử thái độ của chúng ta.
Vì vậy, vhúng ta phải luôn tỉnh táo và cương quyết trong vấn đề đấu tranh trước TQ.
. VN phải làm gì trước tình hình ngày càng leo thang trên biển Đông của TQ, thưa ông?
Trước hết phải làm cho đất nước mạnh một cách thực sự. Chúng ta phải tiến tới sản xuất được tên lửa, tàu chiến, xe tăng – những cái đó nằm trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta phải giành một phần đầu tư thích đáng cho việc này. Chúng ta có thể mua vũ khí của nước ngoài nhưng không mua được mãi, về lâu dài phải tự sản xuất lấy. Đồng thời cần phải tăng cường tiềm lực quốc phòng một cách thực chất, tương thích.
Tiếp đó, phải làm cho ý thức tự tôn dân tộc của người VN luôn luôn được nuôi dưỡng. Cha ông mình đã đổ biết bao xương máu, trí tuệ để giữ cho đất nước được như hiện nay, chúng ta phải giữ cho kỳ được chủ quyền đất nước.
Một điều cực kỳ quan trọng mà lãnh đạo VN cần phải làm nữa là làm sao giáo dục cho mọi người VN yêu chuộng hòa bình nhưng không sợ chiến tranh. Chúng ta không gây chiến tranh, nhưng phải chuẩn bị trong tình huống xấu nhất, mọi người VN đều đồng lòng đứng lên bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc!
Xin cảm ơn ông!
TÁ LÂM thực hiện
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh
Để lại một phản hồi