Quốc hội dự kiến bầu Chủ tịch nước trong tuần sau

Nhân sự để bầu Chủ tịch nước có thể được trình Quốc hội đầu tuần sau và đại biểu sẽ quyết định bằng phiếu kín.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu ứng cử Chủ tịch nước

Chiều 16/10, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc vào sáng thứ hai, ngày 22/10.

Theo ông Phúc, so với dự kiến trước đó, kỳ họp thứ 6 bổ sung thêm ba nội dung: bầu Chủ tịch nước; xem xét, thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; xem xét, thông qua nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội. Ảnh: Q.H. 

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình, xem xét các nội dung thuộc thẩm quyền.

Cụ thể, chiều 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ đọc tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Sáng 23/10, các đại biểu thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự; tiếp đó Uỷ ban Thường vụ báo cáo kết quả thảo luận và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu.

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử và bỏ phiếu bầu nhân sự cụ thể bằng phiếu kín.

Ban kiểm phiếu công bố kết quả và căn cứ vào kết quả này, theo dự kiến chương trình, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trong buổi lễ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Trước đó, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được phân công giữ chức Quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu nhân sự mới.

Ngày 3/10, Hội nghị Trung ương 8, khóa XII đã thống nhất 100% giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6.

Tại kỳ họp tới đây, Quốc hội còn thực hiện quy trình theo luật định việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin Truyền thông với ông Trương Minh Tuấn (Phó ban Tuyên giáo Trung ương); phê chuẩn bổ nhiệm quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo phân công của Bộ Chính trị, vào đầu tháng 8, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), giữ chức quyền Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin Truyền thông, kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Do các vi phạm liên quan đến dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, ông Trương Minh Tuấn nhận kỷ luật cảnh cáo; Bộ Chính trị cho thôi chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin Truyền thông và Chủ tịch nước tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng.

Ngoài nội dung nêu trên, trong kỳ họp thứ 6, đại biểu sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến vào 6 dự án luật khác, trong đó có: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…

Dự kiến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong 24 ngày.

Viết Tuân – VNEXPRESS

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*