BÁO CÁO TỔNG KẾT CÔNG TÁC NHIỆM KỲ 2014-2019 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ 2019-2024

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TÁC NHIỆM KỲ 2014-2019

VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ 2019-2024

Nhiệm kỳ thứ 2 của Hội Khoa học Kỹ Thuật và Kinh Tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh – (sau đây gọi tắt là Hội) chịu nhiều tác động của tình hình chung trong nước và thế giới với những biến động về kinh tế, chính trị, xung đột bạo lực, tranh chấp quốc gia, đặc biệt ở các nước lớn khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, Hội đã có nhiều nỗ lực và sáng tạo để tổ chức, thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2 đề ra theo đúng Điều lệ hoạt động đã được Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh phê duyệt.

Đại hội của Hội nhiệm kỳ 3 (2019-2024) ngày 12/9/2019 vừa qua đánh giá những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, yếu kém cần khắc phục trong nhiệm kỳ II và phương hướng, nhiệm vụ hoạt động trong nhiệm kỳ III với những nội dung chủ yếu sau:

PHẦN I: TỔNG KẾT CÔNG TÁC NHIỆM KỲ 2014-2019

1.1 Công tác tổ chức

Hội Khoa học Kỹ Thuật và Kinh Tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo quyết định số 1180/QĐ-UBND ngày 26/3/2009 của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Hội được kế thừa cơ sở và kinh nghiệm hoạt động hơn 10 năm của chi hội Khoa học – kỹ thuật Biển TP. HCM.

Sau ngày thành lập, Hội đã được UBND Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt Điều lệ hoạt động và công nhận Ban chấp hành Hội.

Với việc đăng ký là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, thành viên của Hội KHKT Biển Việt Nam, Hội có điều kiện được giao lưu, học hỏi và hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường, kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển – đảo của Việt Nam.

Công tác tổ chức, vận động Hội viên gia nhập hội được thực hiện thường xuyên. Tại nhiệm kỳ I có gần 300 hội viên cá nhân và 14 hội viên đơn vị. Tuy nhiên đến nhiệm kỳ 2, do những điều kiện khách quan như: Một số hội viên đơn vị khác không còn tham gia hoạt động Hội, các hội viên cá nhân khác do điều kiện sức khỏe hạn chế, công tác… dẫn đến số lượng hội viên cá nhân của Hội giảm còn 102 hội viên.

Ngày 15/11/2014, Hội tổ chức đại hội lần thứ 2, bầu ra Ban chấp hành gồm có 31 ủy viên, ban kiểm tra có 3 ủy viên.

Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ kinh phí của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, sự giúp đỡ của một số Hội viên cá nhân (như công ty của ông Phan Duy Hoàng và một số ủy viên Ban chấp hành), hỗ trợ về văn phòng và nhân sự của Trường ĐH GTVT TP. HCM, nên Hội đã duy trì được chế độ hội họp định kỳ và Họp mặt toàn thể hội viên hàng năm.

Phát triển trang web hội: Đổi tên và phát triển trang web của Hội từ địa chỉ www.bientoancanh.vn thành: www.bientoancanh.org và giao cho Ông Nguyễn Văn Độ phụ trách đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả.

Danh sách Hội viên đơn vị Nhiệm kỳ 2014-2019 của Hội Biển TPHCM:

  1. Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM 
  2. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn
  3. CLB Thuyền trưởng
  4. Công ty CP Tư vấn và đầu tư VTB VN

1.2 Công tác nghiên cứu khoa học, phản biện xã hội:

1.2.1 Nghiên cứu khoa học:

Nhiều hội viên của Hội tích cực tham gia nghiên cứu khoa học lĩnh vực cảng biển, điện hải lưu và được hội thống nhất đề xuất như:

+ Khảo sát, nghiên cứu đề xuất xây dựng cảng nước sâu Trần Đề ( Sóc Trăng) (2014).

+ “Đê biển bằng cát Cải tạo bãi tắm bắc thành phố Nha Trang dài 4, 5 km trên đường Phạm Văn Đồng cho mục tiêu bãi tắm cộng đồng;  Máy phát điện bằng dòng hải lưu với vị trí đầu tiên đặt tại bờ cực đông bán đảo Hòn Gốm” (2015).

+ Góp ý phương hướng giải quyết ùn tắc giao thông tuyến Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống cần nghiên cứu mở một con đường nối từ Trạm 2 cao tốc Long Thành – Dầu Dây vào cảng Cát Lái (2016);

+ Nghiên cứu thực địa và đề xuất dự án sơ bộ xây dựng Cảng gạo Bình Khánh để tạo điều kiện xuất nhập khẩu lương thực cho vùng Nam bộ (2016).

+ Phối hợp Liên hiệp hội tổ chức tọa đàm: “Nguồn tài nguyên và mô hình máy phát điện bằng dòng hải lưu ở miền Trung Việt Nam” (2016). “Lấy ý kiến chuyên gia góp ý về dự án điện hải lưu” với đông đảo các nhà khoa học tham gia (2017).

+ Đề xuất xây dựng và nêu các giải pháp xây dựng khu du lịch sinh thái Cần Giờ (2019)

1.2.2 Phản biện khoa học:

Thực hiện đúng điều lệ hoạt động, Hội đã có nhiều hoạt động phản biện xã hội có hiệu quả như:

+ Góp ý dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam gửi cho văn phòng Quốc hội (2015);

+ Kiến nghị về việc sau khi phá bỏ nhà máy tàu Bason gửi báo Tuổi trẻ, Quân đội nhân dân (2015).

+ Góp ý cho dự thảo Luật đặc khu: Nhận thức được những bất cập trong chính sách và dự thảo Luật này, Ban chấp hành hội viết thư kiến nghị Quốc hội tạm đình hoãn chính sách mở các Đặc khu kinh tế trong năm 2018.

1.3. Tuyên truyền biển đảo

+ Websites của Hội tại địa chỉ: bientoancanh.org đã được xây dựng và đi vào hoạt động khá hiệu quả. Trang web đã góp phần tích cực vào việc cung cấp thông tin, nói lên tiếng nói của các hội viên cũng như kết nối quan hệ với nhiều cơ quan, tổ chức, các hội xã hội khác.

1.4. Phối hợp hoạt động với các cơ quan, tổ chức và các hội xã hội:

+ Tham dự lễ kỷ niệm ngày thành lập CLB Thuyền trưởng (Hội viên đơn vị của Hội Biển TPHCM), kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, chương trình giao lưu “Ngọn lửa biển đảo trong lòng sinh viên…

+ Phối hợp với Viện Công đoàn – Công nhân của Tổng Liên Đoàn VN để nghiên cứu thực hiện dự án “Củng cố tổ chức, mở rộng liên kết hội viên và hoạt động của Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP. Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức về quyền lao động – công đoàn trong lĩnh vực hàng hải”.

Mặc dù kinh phí hạn hẹp, song Hội vẫn duy trì hoạt động đóng góp xã hội như:

+ Giúp đỡ đồng bào các tỉnh phía Bắc gặp thiên tai theo công văn 128/TB-LHH-PHC ngày 9/8/2017: 1.000.000đ

+ Đóng góp ủng hộ quỹ “Vì biển đảo quê hương – vì tuyến đầu tổ quốc” do Ủy ban mặt trận tổ quốc VN TP.HCM phát động: 1.000.000đ

+ Đóng góp ủng hộ Đại hội Nhiệm kỳ VII của Liên hiệp hội (4/2019): 5.000.000đ

1.5. Tóm tắt thành tích của các hội viên tập thể đối với hoạt động Hội và hoạt động khoa học vì biển đảo

1.5.1 Trường Đại học GTVT TPHCM:

Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh là Trường Đại học hàng đầu tại khu vực phía Nam về đào tạo nhân lực cho các ngành giao thông vận tải như hàng hải, đường bộ, đường sắt, đường sông và hàng không dân dụng.

Trường tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; hợp tác liên doanh liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước; thực hiện các dự án khoa học nhằm ứng dụng công nghệ mới. Nhiều hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức, nhiều đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ đã được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tế.

Trường đã thành lập các Trung tâm, Công ty hoạt động dịch vụ nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục. Các đơn vị này đã tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho thuyền viên, những người đi biển…

Nhà trường đã gắn chương trình đào tạo với việc tuyên truyền vận động giảng viên và người học về quan điểm đường lối của Đảng và pháp luật về biển đảo, cập nhật tình hình thời sự về biển đảo trong các buổi hội nghị đảng bộ, tổ chức các hoạt động tuyên truyền ngày quốc tế Người đi biển 25/6 hàng năm, góp ý xây dựng luật Hàng hải, luật Biển Việt Nam.

Nhà trường cũng chú trọng phát triển các ngành kinh tế vận tải logictics, tổ chức các hoạt động về logistics với nhiều nhà khoa học tham gia nghiên cứu, khám phá, định hướng vận tải logistics và vận tải biển, chương trình EU về đánh bắt hải sản.

**Đóng góp hoạt động Hội Biển TPHCM:

Từ năm 2009, Nhà trường đăng ký là Hội viên tập thể của Hội khoa học kỹ thuật và Kinh tế Biển TP. Hồ Chí Minh, tích cực tham gia các hoạt động của Hội trong việc phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kinh tế biển, các buổi tuyên truyền phổ biến về tình hình an ninh biển đảo. Đồng thời, cử 2 thành viên trong Ban giám hiệu tham gia vào Ban chấp hành hội tại Nhiệm kỳ 1 và nhiệm kỳ 2.

Nhà trường đã cử nhân sự hỗ trợ công tác thư ký văn phòng Hội và cho Hội mượn trụ sở văn phòng, hỗ trợ phòng họp phục vụ các cuộc họp Ban chấp hành, ban thường vụ Hội, và các buổi hội thảo của Hội. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí hoạt động và kinh phí tổ chức Đại hội của Hội.

1.5.2 Tổng công ty TNHH Tân Cảng Sài Gòn

* Một số thành tích trong việc thực hiện các nhiệm vụ quân sự quốc phòng của tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (gọi tắt là Tổng công ty) như:

  1.Tổng công ty đã thực hiện các kế hoạch và nhiệm vụ tác chiến theo mệnh lệnh của Tư lệnh Hải quân; cung cấp hoa tiêu; lai dắt tàu ngầm, tàu quân sự; cung ứng hậu cần cho các đơn vị Hải quân; dịch vụ kỹ thuật, sữa chữa phương tiện, trang thiết bị Hải quân; hợp tác sản xuất trang thiết bị Hải quân

2.Tuần tra, trinh sát, ngăn cản, xua đuổi tàu thuyền Nước ngoài; làm nhiệm vụ BM, BV, CV, CH bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc (với đội hình gần 40 tàu của Hải đoàn 128, Hải đoàn 129); tham gia các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; ứng phó sự cố tràn dầu; dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân tại các vùng biển đảo; sẵn sàng thực hiện tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển.

3.Trực tiếp thi công các công trình quân sự trên các vùng biên giới, hải đảo (đã tổ chức vận chuyển trang thiết bị, vật liệu xây dựng; triển khai thi công 20 công trình quốc phòng tại các đảo khu vực quần đảo Trường Sa, đảm bảo an toàn, bí mật, đúng tiến độ); Hoàn thành tốt nhiệm vụ đón, tiễn, bảo đảm hậu cần trước sau rời cập bến cho các đồng chí lãnh đạo các cấp, doanh nghiệp và thân nhân cán bộ, chiến sỹ đi thăm, kiểm tra QĐ Trường Sa và DK1 (mỗi năm đảm bảo cho gần 20 đoàn với trên 5.000 người)

4.Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quân sự tại tại cảng quốc tế Cam Ranh: ngày 08/3/2016 tổ chức khánh thành cảng, đến nay đã đón thành công trên 70 lượt tàu quân sự từ Hải quân các nước, góp phần nâng cao hình ảnh đối ngoại quân sự của Hải quân nhân dân Việt Nam, thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng về sử dụng căn cứ quân sự Cam Ranh phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế

5.Tham gia tốt các diễn tập lớn: VT-15, CH-CQ2, VT-17 trong thành phần Cụm Lực lượng Hải quân 2; TP-17 do UBND TP. Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức (diễn tập CH-TM một bên, một cấp trên bản đồ có một phần thực binh chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tại khu hàng hóa chất cảng Cát Lái); HP-18; VT-18; RC-18…

6. Các cơ sở cảng, kho bãi, phương tiện, thiết bị của Tân cảng đều mang tính lưỡng dụng quốc phòng – kinh tế, sẵn sàng thực hiện các phương án chuyển đổi mục đích thực hiện nhiệm vụ quân sự khi có yêu cầu.

* Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Tổng công ty có 03 trụ cột kinh doanh chính: Khai thác cảng; Dịch vụ logistics; Vận tải và các dịch vụ kinh tế biển.

7. Khai thác cảng:  Là nhà khai thác cảng chuyên nghiệp, hiện đại và lớn nhất Việt Nam. Sản lượng hàng hóa qua các cơ sở của TCT Tân Cảng Sài Gòn tăng trưởng tốt; hiện TCSG chiếm trên 92% thị phần container XNK khu vực TPHCM; gần 70% thị phần container XNK khu vực Cái Mép và gần 50% thị phần thông qua cả nước. Tất cả các cơ sở trong toàn hệ thống duy trì chất lượng dịch vụ hàng đầu và tính chuyên nghiệp cao, đạt hiệu quả kinh doanh tốt. Trong đó, cảng Tân cảng Tân Cảng Cát Lái là cảng container hiện đại, quy mô lớn nhất Việt Nam, đứng trong TOP 25 cảng có sản lượng hàng hóa thông qua lớn nhất thế giới; 03 cơ sở cảng tại khu vực Cái Mép (TCCT, TCIT, TCTT) tạo thành cụm cảng nước sâu trung chuyển quốc tế liên hoàn lớn nhất Việt Nam; cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) là cảng nước sâu đầu tiên tại khu vực phía Bắc, tiếp nhận tàu trên 100.000 DWT.

 8. Dịch vụ Logistics: Từ năm 2013, TCT TCSG chính thức triển khai hoạt động Trung tâm dịch vụ logistics Tân Cảng, phát triển thương hiệu Tân Cảng Sài Gòn trong lĩnh vực logistics (SNP Logistics). Sau 06 năm tham gia chính thức vào thị trường này, thương hiệu SNP Logistics đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, liên tiếp đứng đầu TOP 20 doanh nghiệp logistics hàng đầu Việt Nam.

9. Vận tải và các ngành kinh tế biển: Lần đầu tiên đưa tàu container vào Cần Thơ (năm 2016), khai trương luồng Quan Chánh Bố; mở ra hướng khai thác mới cho thị trường vận tải hàng hóa bằng container cho khu vực ĐBSCL. Khánh thành và đưa vào khai thác cảng quốc tế Cam Ranh (8/3/2016);..

**Đóng góp hoạt động Hội Biển TPHCM:

Từ năm 2009, Tổng công ty đăng ký là Hội viên tập thể của Hội khoa học kỹ thuật và Kinh tế Biển TP. Hồ Chí Minh, tích cực tham gia các hoạt động của Hội trong việc phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kinh tế biển. Đồng thời, cử thành viên trong Ban giám đốc Tổng công ty tham gia vào Ban chấp hành hội tại các nhiệm kỳ 1 và 2 của Hội.

Tổng công ty là thành viên nòng cốt đã nhiệt tình hỗ trợ vận động sáng lập Hội, tổ chức thành công Đại hội lần thứ I, hỗ trợ xây dựng trang website của Hội và tài trợ kinh phí hoạt động,  kinh phí họp mặt Hội viên hàng năm của Hội.

1.5.3 Công ty TNHH VTB Việt Nam

Là hội viên tập thể của Hội KHKT& KT Biển TPHCM, thời gian qua, công ty TNHH VTB Việt Nam đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai, nổi bật là Dự án điện hải lưu hiện đã hoàn thành 2 máy thí nghiệm và đang tìm nguồn tài chính để thực hiện mô hình ngoài bờ biển miền Trung và hạ lưu thủy điện Trị An; và Dự án cảng Trần Đề đã được Bộ GTVT và tỉnh Sóc Trăng chấp thuận bằng văn bản chủ trương triển khai. Ngoài ra còn có các nghiên cứu và đề xuất phát triển Khu du lịch rừng ngập mặn và tắm biển Cần Giờ.

Lãnh đạo công ty là KS Doãn Mạnh Dũng, người có rất nhiều tâm huyết với hoạt động nghiên cứu khoa học, phản biện xã hội trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật biển. Các đề tài, sáng kiến của Ông được lãnh đạo nhà nước và một số tỉnh thành như Sóc Trăng, Nha Trang và TP. HCM đặc biệt quan tâm. Ông cũng là một trong những thành viên nòng cốt trong việc thành lập và xây dựng, phát triển Hội KHKT& KT Biển TPHCM.

1.5.4 CLB Thuyền trưởng:

CLB Thuyền trưởng là một tổ chức tự nguyện của các Thuyền trưởng Việt Nam.  Câu lạc bộ (CLB) hướng đến mục đích tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cùng nghề nghiệp, tạo điều kiện phát huy nghiệp vụ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các Thành viên CLB; đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn v.v… cho ngành Hàng hải Việt Nam.

CLB đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như các buổi gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập CLB, hội thảo khoa học nhân Ngày thuyền viên 25/6, CLB cũng có đề xuất Đề án thành lập Liên hiệp công đoàn thuyền viên Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi cho thuyền viên Việt Nam.

Chủ tịch CLB là thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh, một trong những người đầu tiên và tâm huyết vận động thành lập Hội KHKT & KT Biển TPHCM, từ đó đến nay, ông vẫn tham gia BCH Hội với tư cách là Phó chủ tịch, có nhiều đóng góp và định hướng đúng đắn cho sự phát triển của Hội.

  1. Nguồn tài chính:

+ Nguồn quỹ duy trì các hoạt động của Hội hầu hết phụ thuộc vào số tiền hội phí hàng năm mà hội viên đóng góp và sự tài trợ của một số ít hội viên tập thể. Tuy nhiên, công tác thu hội phí còn nhiều hạn chế do đặc thù hoạt động riêng lẻ ít tập trung của Hội.

  1. Những mặt còn hạn chế

+ Hoạt động của Hội chưa có các phong trào, các cuộc vận động mang tính nghề nghiệp nên chưa bao quát, chưa hấp dẫn vì vậy khó thu hút các nhân tố trẻ;

+ Hoạt động của Hội còn mang tính tích cực riêng lẻ, chủ yếu là dựa vào sự nhiệt tình và thời gian rảnh rỗi của các hội viên tích cực và các vị thành viên trong Ban chấp hành nhiệt tình với Hội. Vì vậy khi cá nhân có vấn đề sức khỏe hay bận việc thì hoạt động bị ảnh hưởng, không liên tục. Chưa huy động được nguồn lực hội viên, nhất là hội viên trẻ;

+ Sự tích cực tham gia các hoạt động của các thành viên trong BCH chưa đồng đều, còn tình trạng một số thành viên có tên trong danh sách nhưng chưa một lần tham gia các hoạt động của Hội; Hội viên cá nhân (cũ và mới) đăng ký tham gia khá nhiều (gần 102 hội viên) nhưng thực tế ít tham gia hoạt động, có nhiều hội viên vì điều kiện công tác, cư trú xa, sức khỏe hạn chế nên bỏ lỡ các buổi sinh hoạt của hội.

+ Kinh phí của hội hạn hẹp ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng các hoạt động;

+ Các hoạt động giao lưu, chúc mừng hội viên nhân dịp lễ lớn như ngày 20/11, ngày thành lập, thăm hỏi, giúp đỡ hội viên … được thực hiện hàng năm. Tuy nhiên do hoạt động ít tập trung nên Ban chấp hành Hội chưa có điều kiện quan tâm chu đáo đến tất cả Hội viên.

+ Chưa thu hút được sự ủng hộ, hỗ trợ và quan tâm của các cơ quan, ban ngành chức năng;

+ Chưa thu hút được sự đóng góp của các nhà tài trợ, nguồn ủng hộ vật chất của hội viên;

  1. Bài học thực tiễn

* Muốn Hội duy trì sự tồn tại và phát triển thì tập thể Hội viên, trước hết là Ban thường vụ, Ban chấp hành phải tự giác, nhiệt tình hoạt động, dù các hoạt động này không có thu nhập tiền bạc, nhưng bù lại có sự cống hiến nhất định cho địa phương, cho đất nước.

* Là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, Hội viên gắn kết với nhau vì cái tâm với nghề, với sự nghiệp phát triển kinh tế – quốc phòng hướng biển, trong hoạt động có mặt này mặt khác, lúc này, lúc khác chưa tạo được sự nhất trí cao, nhưng đứng trên tinh thần tất cả vì sự tồn tại và phát triển của Hội, vì lợi ích chung của xã hội mà đi đến sự đồng thuận.

* Hoạt động của Hội phải tìm cách gắn kết với các cơ quan, đoàn thể, công ty, Trường học, Doanh nghiệp ở địa phương và các Hội nghề nghiệp bạn bè trong Liên hiệp hội Khoa học – Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh thì mới tranh thủ được sự giúp đỡ và phối hợp hành động trong các hoạt động chuyên môn.

  1. Khen thưởng và kỷ luật

5.1 Khen thưởng:

Để ghi nhận những đóng góp tích cực của các Hội viên tập thể và các cá nhân, Ban chấp hành hội đã đề nghị Liên hiêp hội Khoa học – Kỹ thuật TP. HCM tặng giấy khen 2 tập thể và 3 cá nhân vì đã có những đóng góp trong nghiên cứu khoa học biển đảo và công tác Hội, cụ thể:

Tập thể:

+ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn

+ Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh

Cá nhân:

+ Ông Doãn Mạnh Dũng

+ Ông Phan Bội Trân

+ Ông Nguyễn Văn Công

5.2 Kỷ luật: Không

PHẦN II. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ 2019-2024

  • Mục tiêu chung

+ Tập hợp, đoàn kết các lực lượng làm khoa học công nghệ, môi trường, kinh tế và quốc phòng an ninh hướng biển. Điều hoà phối hợp hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho những người hoạt động trong các lĩnh vực trên có hiệu quả.

+ Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện, giám sát xã hội, nghiên cứu khoa học và phổ biến những vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế và bảo vệ môi trường biển dưới sự lãnh đạo của Đảng và theo chủ trương của Nhà nước. Qua đó góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách, pháp luật và kế hoạch, dự án phát triển khoa học – công nghệ và kinh tế xã hội, tăng cường củng cố an ninh quốc phòng trên hướng biển thuộc Thành phố nói riêng và vùng biển cả nước nói chung.

2.2 Nhiệm vụ cụ thể

  • Công tác xây dựng tổ chức của Hội:

+ Vận động và tổ chức thành công Đại hội lần thứ III Nhiệm kỳ 2019-2024 của Hội để hợp pháp hoá về tổ chức và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Ban chấp hành hội.

+ Thực hiện hiệu quả dự án “Củng cố tổ chức, mở rộng liên kết hội viên và hoạt động của Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP. Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức về quyền lao động – công đoàn trong lĩnh vực hàng hải” với sự hỗ trợ của Viện công nhân và Công đoàn và Quỹ châu Á nhằm củng cố phát triển Hội viên và tuyên truyền về quyền lợi của các Hội viên là người đi biển.

+ Tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự tham gia của các nhóm hội viên chuyên ngành sâu rộng. Tăng cường các hoạt động mang tính đại chúng, cộng đồng hơn.

+ Tăng cường nguồn lực, đảm bảo nhân lực, tài lực và môi trường hoạt động xã hội nghề nghiệp về Khoa học – Kỹ thuật và Kinh tế biển. Tạo cơ sở vật chất, nhân sự và các điều kiện làm việc cho văn phòng của Hội.

+ Củng cố tổ chức, phát triển hội viên và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội KHKT và KT Biển TP Hồ Chí Minh. Mở rộng quan hệ đối ngoại với các tổ chức, đơn vị có liên quan để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của hội viên theo quy định pháp luật.

  • Các hoạt động chuyên môn của Hội

+ Tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu tiềm năng và giải pháp phát triển hệ thống cảng biển, di dời cảng biển, hệ thống kết nối hậu phương cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong sự thay đổi hệ thống Cảng biển Đông Nam Á và Nam bộ. Từ đó có đề xuất ý kiến tư vấn, phản biện và các giải pháp cụ thể;

+ Phối hợp với Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường trong vấn đề khoa học về biển, đại dương và môi trường;

+ Hợp tác với Hội đóng tàu trong hoạt động tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm 60 năm đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, tư vấn giải pháp nhằm tăng sức mạnh cho hải quân trên biển;

+ Hợp tác với các tỉnh ĐBSCL và các cơ quan có liên quan nghiên cứu những quy luật tự nhiên ở ĐBSCL và ứng dụng để xây dựng cảng cửa ngõ cho ĐBSCL và phát triển bền vững ĐBSCL;

+ Phối hợp với Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu để đề xuất giải pháp phát triển hệ thống dịch vụ Logistic, dịch vụ hàng hải tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh;

+ Vận động và phối hợp với Hội KHKT Công nghệ Tàu thủy Việt Nam khu vực phía Nam nghiên cứu kỹ thuật tàu biển phục vụ giao thông, du lịch và góp phần phục vụ an ninh quốc phòng vùng đồng bằng và ven biển Nam Bộ;

+ Vận động nghiên cứu và phát triển hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải, hệ thống thông tin liên lạc, bản đồ điện tử hàng hải tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận theo hướng hiện đại và phát triển;

+ Vận động phong trào nghiên cứu khoa học: đầu tư nghiên cứu về các lĩnh vực kinh tế biển có thế mạnh (cảng, trung tâm thủy sản, điện gió…), Tiếp tục hỗ trợ các công trình nghiên cứu của hội viên (nghiên cứu tàu ngầm phục vụ du lịch; xuồng đệm khí; phương tiện vớt rác, bèo lục bình trên sông Sài Gòn và các kênh rạch.

+ Tìm hiểu tiềm năng phát triển kinh tế Biển của huyện Cần Giờ, tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch tắm biển, du lịch văn hóa, các hoạt động dịch vụ để có đóng góp tư vấn và phản biện trong ngành du lịch.

+ Tìm hiểu sự diễn biến môi trường các con sông khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, các giải pháp chống ô nhiễm, hệ lụy thủy triều dâng cao và giải pháp khắc phục có tính ổn định lâu dài của thành phố để có cơ sở tham gia phản biện và đề xuất giải pháp.

+ Tìm hiểu nghiên cứu và đề xuất biện pháp phát triển bền vững ngành thuỷ sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng lân cận.

+ Tăng cường các hoạt động tư vấn xử ký rác thải ở biển đảo nhằm bảo vệ môi trường biển.

+ Phát huy vị thế của Hội viên đơn vị Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn.  Tích cực chủ động phối hợp với các Hội bạn, các cơ quan ban ngành Thành phố; Bộ Tư lệnh Hải quân (cơ quan, đơn vị hải quân), cảnh sát biển Việt Nam, kiểm ngư Việt Nam và Trung ương tuyên truyền về chủ quyền Biển và hải đảo của Việt Nam; tham gia nghiên cứu hoặc cung cấp thông tin về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật quân sự hải quân, khoa học thuật hải quân đã được tổng kết; động viên thế hệ trẻ hướng ra biển, góp phần bảo vệ quyền lợi quốc gia trên biển.

+ Quan tâm theo dõi tình hình diễn biến trên biển Đông, kịp thời phối hợp các cơ quan Nhà nước trong việc tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển – đảo.

+ Nghiên cứu triển khai sâu rộng trong hoạt động của Hội các nội dung quan trọng theo tinh thần Nghị quyết 36, TW8 về phát triển Biển.

+ Duy trì và cập nhật thường xuyên nội dung hoạt động của Ban chấp hành, ban thường vụ Hội, của các hội viên và các thông tin liên quan tình hình biển Đông trên Website Hội.

  • Giải pháp tổ chức thực hiện

+ Tích cực chủ động phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh qua các hoạt động chuyên môn đa dạng của Hội, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, định hướng quy hoạch, Chương trình hành động về chiến lược biển trên địa bàn thành phố đến năm 2020 để kịp thời đề xuất các chương trình kế hoạch hoạt động chuyên môn của Hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh các mặt hoạt động về khoa học – công nghệ, ngành nghề kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển – đảo và an ninh quốc phòng hướng biển.

+ Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để các tổ chức thành viên và cá nhân Hội viên hiểu rõ vai trò, vị trí và chức năng của Hội, tự giác, tích cực hoạt động theo sở trường và năng lực của mình tạo cơ sở cho Hội phát triển.

+ Liên kết website của Liên hiệp hội với website của Hội nhằm đẩy mạnh quan hệ với các đối tác nước ngoài.

+ Mở rộng phương thức liên kết giữa Hội và các Hội viên thông qua mạng xã hội (như facebook) để liên tục cập nhật các thông tin về tình hình hoạt động, kết nối hiệu quả và mở rộng hội viên tham gia.

+ Phối hợp với các cơ quan chức năng và mở rộng thêm các đối tác thực hiện phối hợp hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin và phản biện xã hội, đóng góp cho phát triển kinh tế biển của đất nước.

PHẦN III: KẾT LUẬN

Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển Tp HCM đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ 2014-2019 với những kết quả tích cực. Hình ảnh các hoạt động của Hội luôn được đánh giá cao trong các Hội nghị ở Hội Biển Trung ương, ở Liên hiệp các Hội KHKT TP. HCM và trong giới nghề nghiệp.

Nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra trong hoàn cảnh Việt Nam đang tái cơ cấu nền kinh tế và ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển và cạnh tranh trên thương trường ngày càng quyết liệt hơn. Chính vì vậy việc hỗ trợ nhau nâng cao nghề nghiệp vừa là mục tiêu của Hội vừa là nhu cầu để hội viên có thể tự tồn tại và phát triển.

 

 

 

 

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ

Chủ tịch

TS. Nguyễn Viết Nhiên

 

 

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*