Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 3/10, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã cung cấp thông tin về hoạt động của nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo đó, Người phát ngôn cho biết: “Theo cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu Hải Dương 8 tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
“Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với Trung Quốc. Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động và rút ngay nhóm tàu, không để xảy ra vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình phù hợp với luật pháp quốc tế”, Người phát ngôn nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phát biểu của phía Trung Quốc cho rằng, hoạt động dầu khí của Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, lập trường của Việt Nam đã được nêu rõ trong phát biểu ngày 12/9:
“Việt Nam khẳng định lại, khu vực mà Trung Quốc gọi là bãi Vạn An là khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định từ những thực thể đất liền phù hợp với với Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), hoàn toàn không phải khu vực tranh chấp hay có chồng lấn. UNCLOS cũng như thực tiễn xét xử trong thời gian vừa qua đã khẳng định rõ điều này”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Trước đó, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 28/9 ở New York, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Việt Nam nhiều lần bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, bao gồm cả những vụ việc nghiêm trọng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam được xác định bởi Công ước LHQ về Luật Biển”.
Phó Thủ tướng khẳng định, Biển Đông có vai trò quan trọng chiến lược với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các quốc gia có liên quan nên thực hiện sự kiềm chế và không có những hành vi đơn phương có thể làm phức tạp hoặc gia tăng căng thẳng trên biển, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Đầu tháng 7 vừa qua, tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc đã hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực Nam Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực.
Theo Báo mới
Để lại một phản hồi