Ngân hàng thóc và cảng chuyên dụng xuất gạo là giải pháp vừa ổn định cuộc sống của nông dân vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia

Một cách công bằng mà nói, những cố gắng của giới khoa học nông nghiệp và thủy lợi đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền Nam Việt Nam với chất lượng lúa và sản lượng lúa ổn định và phát triển. Nhưng để phát triển bền vững, tôi cho rằng Chính phủ nên tập trung nghiên cứu ngay Ngân hàng thóc và  2 cảng chuyên dụng xuất gạo cho ĐBSCL.

 

Khi mùa gặt lúa đến, người nông dân khó tồn trữ lúa để bán với giá cao. Nhu cầu về vốn, kỹ thuật tồn trữ sau thu hoạch nằm ngoài khả năng của người nông dân. Vì vậy nên hình thành Ngân hàng thóc để giúp người nông dân gửi thóc vào Ngân hàng thóc khi có nhu cầu. Tại Ngân hàng thóc, thóc được sấy và bảo quản theo công nghiệp có thể kéo dài 2 năm. Khi người nông dân có thóc gửi vào Ngân hàng thóc thì thóc gửi tương đương vật thế chấp để vay tín dụng chuẩn bị vật tư và chi phí cho mùa tới. Khi người nông dân chấp nhận bán đứt cho Ngân hàng thóc, thì Ngân hàng thóc dựa trên ngày quyết định bán và giá thị trường thế giới để thanh toán với người nông dân.

 

Về phía Ngân hàng thóc vì có đủ thóc và có cảng chuyên dụng nên có thể giao hàng cho khách đúng thời gian, đúng số lượng và đúng địa điểm nên giá bán luôn luôn cao trên thị trường. Chính nhờ giá bán cao, Ngân hàng thóc đủ khả năng trả giá cao cho người nông dân. Người nông dân có nghĩa vụ bán một phần thóc cho dự trữ quốc gia theo tỷ lệ thóc thu hoạch của chính mình. Ngân hàng thóc có thể là một mắt xích trong dây chuyền tồn trữ lương thực quốc gia. Như vậy lượng lương thực dự trữ quốc gia bảo đãm và Chính phủ có thể hướng dẩn Ngân hàng thóc trong việc cân đối giữa xuất khẩu và an ninh lương thực của quốc gia.

 

Nghiên cứu tập quán kinh doanh buôn bán gạo nhiều năm qua, ta thấy lô gạo lớn nhất là 25.000 tấn. Vì gạo sau khi bóc vỏ thì sau 60 ngày có thể đổi màu. Vì vậy không có những lô gạo lớn hơn. Từ nghiên cứu trên, miền Nam Việt Nam cần có 2 cảng chuyên dùng xuất khẩu gạo. Các cảng trên cần có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 30.000 DWT.

 

Một cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo tại cửa sông Trần Đề tại bờ biển Cù Lao Dung – Sóc Trăng. Cảng biển Trần Đề có tiếp nhận tàu 30.000 DWT.

 

Một cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo tại xã Bình Khánh – Huyện Cần Giờ -Tp Hồ Chí Minh.  Vị trí tại cảng sông Bình Khánh có thể tiếp nhận tàu 30.000 DWT vào theo sông Lòng Tàu. Còn các tàu sông chở thóc đến Bình Khánh theo kênh Chợ Gạo, Sông Vàm Cỏ, ngược Sông Soài Rạp và cập cảng sông Bình Khánh. Mô hình này là tối ưu vì hệ thống tàu sông không cắt luồng tàu biển.

 

Tại cảng chuyên dụng có hệ thống hút thóc từ các xà lan sông lên sấy khô, trữ thóc công nghiệp, có hệ thống xay xát lúa, đóng gói và băng chuyện đưa gạo xuống tàu biển với công suất cao.

 

Chính phủ Việt Nam hiện đang kêu gọi hình thành và phát triển mô hình kinh tế tập thể. Tôi cho rằng nên sử dụng mô hình kinh tế tập thể để thực hiện Ngân hàng thóc và  xây dựng 2 cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo tại cửa sông Trần Đề – Sóc Trăng và tại xã Bình Khánh – huyện Cần Giờ – Tp Hồ Chính Minh. Mô hình hợp tác xã trên vay tín dụng để xây dựng và quản lý Ngân hàng thóc và cảng chuyên dụng xuất gạo. Tư tưởng nghiên cứu Ngân hàng thóc từ đầu thập niên 1990 của nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Hàng hải phía Nam nay gọi là Đại học GTVT Tp HCM.

 

Chúng tôi sẵn sàng giải trình chi tiết hơn với Chính phủ và mong muốn ý tưởng trên sớm được thực hiện.

 

KS Doãn Mạnh Dũng 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*