Văn Đấu – Hội KH&KT Biển Tp.HCM
Biển và đại dương bao phủ gần 3/4 bề mặt Trái Đất, có nguồn trữ lượng khoáng sản, năng lượng và sinh vật rất lớn. Đó cũng là cội nguồn của sự phát triển, liên quan mật thiết đến sự xuất hiện toàn bộ sự sống trên Trái Đất và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Trong nhiều thế kỷ, con người đã vươn ra khai thác biển và đại dương phục vụ cuộc sống. Hầu hết các quốc gia giàu có đều là những quốc gia có biển.
Từ giữa thế kỷ XX đến nay, các quốc gia có biển tập trung tìm mọi cách tận dụng các lợi thế về điều kiện tự nhiên, ứng dụng các thành tựu khoa học và kỹ thuật tiên tiến, đẩy nhanh nhịp độ khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế biển với quy mô ngày càng lớn. Một số nước có chiến lược vươn ra biển, tăng cường thực lực trên biển, phát triển hải quân mạnh mẽ và chuyển trọng tâm quốc phòng ra biển và đại dương. Bên cạnh các yếu tố tích cực, tình hình trên tạo ra nhiều hệ lụy, tranh chấp quyết liệt về chủ quyền và gia tăng nạn khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên cũng như gia tăng ô nhiễm môi trường biển, đại dương thế giới.
Để quy định, điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế, duy trì sự phát triển bền vững biển và đại dương thế giới, Liên Hợp Quốc có nhiều văn bản pháp luật, trong đó có UNCLOS 1982 (Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982). Gần đây, nhiều quốc gia đưa ra nhiều sáng kiến, biện pháp để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển với các nội dung chính như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý biển, hệ thống pháp lý; khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng và tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm biển; quy hoạch và phân vùng không gian biển và đới bờ; xây dựng các khu bảo tồn biển; chú trọng các giải pháp bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển, đảo…
Việt Nam là một quốc gia có biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển. Trải qua bốn nghìn năm lịch sử, lòng yêu nước, yêu biển, đảo cùng với ý thức tự lực tự cường đã được đúc kết thành nền tảng văn hóa tinh thần vững chắc, xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo đối với đất nước, Đảng, Nhà nước ta có nhiều quyết sách và định hướng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khẳng định biển là bộ phận cấu thành không thể tách rời đất liền và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước. Giai đoạn 2007 – 2017, đóng góp của 28 tỉnh, thành phố ven biển trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) luôn đạt trên 60%, trong đó đặc biệt nổi bật là vai trò của 17 khu kinh tế ven biển, 58 khu công nghiệp tập trung và các cơ sở công nghiệp quan trọng ven biển.
Là một công dân Việt Nam, hưởng ứng Tuần lễ biển và Hải đảo Việt Nam 2020 và Ngày đại dương thế giới 2020, tôi rất tự hào về kết quả đấu tranh khai thác và bảo vệ biển của các thế hệ người Việt, đồng thời liên hệ tới trách nhiệm nặng nề của cá nhân trong công cuộc phát triển bền vững biển. Tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững biển, đảo. Tôi đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội nghề nghiệp một số nội dung sau đây:
1- Quán triệt, thực hiện nghiêm chỉnh và tuyên truyền cho nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, của Hội về các vấn đề có liên quan tới biển, đảo Việt Nam, trong đó có Nghị quyết 36-NQ/TW; vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những cơ sở, chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; UNCLOS 1982 và các văn bản luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà nước ta tham gia liên quan tới biển, đảo… Qua đó góp phần nâng cao tình yêu biển, đảo, ý thức, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với chủ quyền vùng biển Tổ quốc.
2- Chủ động tham mưu và tổ chức khai thác tiềm năng, nguồn lực của đất nước cho phát triển bền vững biển, tạo nền tảng cho Việt Nam dần trở thành quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”. Quản lý và bố trí nguồn lực ven biển, tạo cơ sở vững chắc để phát triển, phát huy hợp lý thế mạnh của các ngành nghề biển với cơ cấu đa dạng, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả. Đề xuất xây dựng một cơ chế, chính sách đặc thù; hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp lý quản lý biển; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
3- Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, nêu cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh thực hiện cam kết quốc tế quan trọng trong đấu tranh chống biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tổn hại nghiêm trọng tới môi trường biển và hệ thống quản lý biển, tránh các hoạt động tiêu cực như đánh bắt cá quá mức, xả chất thải chưa qua xử lý ra biển, gây ô nhiễm biển bởi các chất thải nhựa…Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, kiên trì giải quyết các tranh chấp biển bằng thương lượng hòa bình nhằm tạo dựng cơ sở pháp lý quốc tế rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, thực thi pháp luật và triển khai các hoạt động trên biển, ngăn chặn và hạn chế các hoạt động xâm phạm vùng biển, vi phạm pháp luật trên biển. Đẩy mạnh và mở rộng hợp tác song phương và đa phương trong nghiên cứu khoa học biển, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống tội phạm trên biển nhằm góp phần xây dựng lòng tin, đấu tranh vì hòa bình phát triển chung của khu vực và thế giới; cùng các bên liên quan kiến tạo, giữ vững môi trường an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để hỗ trợ hiệu quả cho việc thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta.
4- Tăng cường các biện pháp, cách tiếp cận mới đa dạng, linh hoạt trong quản lý nhà nước về biển, đảo. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước gọn nhẹ nhưng hợp lý, khoa học, sát thực, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo hoặc trống vắng chức năng nhiệm vụ, bảo đảm tổ chức quản lý chặt chẽ việc khai thác và bảo vệ biển thống nhất từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Trên cơ sở đó tập trung nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo; giải quyết cơ bản các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển, đảo theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thích ứng và có tính khả thi cao./.
Để lại một phản hồi