CUỘC THI VIẾT BÀI THAM LUẬN CHỦ ĐỀ: HƯỚNG VỀ BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG
Sinh viên: Nguyễn Thị Thảo – Lớp: KT17A
Đâu đó trong mỗi chúng ta có lẽ đã từng đứng trước biển. Tôi cũng vậy, như một cách chạy trốn khỏi cuộc sống xô bồ và nhộn nhịp, để thấy lòng mình thanh thản tĩnh lặng hơn, mong có thể hàn gắn những tổn thương hơn sau nhiều thứ đã trải qua.
Những tưởng biển đảo bình yên với những con sóng nhẹ xô bờ, thế nhưng những ngày tháng này cả nước vẫn đang chống chọi với những cơn sóng ngầm, bão giông; sóng gió chưa bao giờ lặng im trên mảnh đất xanh của Tổ quốc… Đó là những cơn sóng dịch bệnh COVID-19 mà Việt Nam đang đối mặt, là những hạn hán, thiếu nước ngọt, mưa đá,…mà một số vùng miền trên cả nước đang đối mặt hiện nay, và không thể không kể đến là nơi đầu sóng gió ngoài khơi bao la mà các chiến sỉ Hải quân, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư… đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc và thực thi pháp luật trên biển.
Việt Nam có vùng biển rộng trên 1.000.000 km2 với hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa; bờ biển kéo dài trên 3.260 km từ Móng Cái đến Hà Tiên, vị trí địa hình thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và ven biển.
Biển như lòng mẹ bao la mang đến cho ta bao nguồn lợi về kinh tế: thủy hải sản, dầu khí, nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, hải sản, dịch vụ biển; ngành công nghiệp đóng tàu biển và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản,… là một trong những thế mạnh mà nước ta đang khai thác, tận dụng nguồn lợi từ biển, ven biển để phát triển đất nước. Ngày nay, phát triển mạnh nghề đánh bắt xa bờ thông qua việc hỗ trợ cho ngư dân vay vốn và phát triển lực lượng quốc doanh cũng đang được đẩy mạnh. Hơn nữa, chúng ta cần phát triển các khu công nghiệp ven biển, tạo thế tiến ra biển, gắn với đa dạng các ngành dịch vụ như xuất – nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dầu khí, vận tải biển … phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo, quần đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn, Cát Bà…
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường biển cũng là vấn đề đang được quan tâm hiện nay. Theo các số liệu thống kê cho thấy, hàng năm có khoảng 70% chất thải đổ ra biển có nguồn gốc từ đất liền, các chất thải, rác không qua xử lý từ các nhà máy công nghiệp nhẹ, hóa chất, xí nghiệp, khu dân cư chưa qua xử lý mà thải thẳng ra sông, ra biển, mang theo một lượng lớn chất bồi lắng, nhựa, hóa chất, kim loại,… . Mặt khác, ô nhiễm do dầu đang có xu hướng ngày càng gia tăng, sự cố tràn dầu do giếng khoan, do tàu chìm trên biển,…Điển hình là vụ ô nhiễm do công ty Formosa tại khu công nghiệp Vũng Áng – Hà tĩnh, đã làm nhiều loài thực vật, hải sản biển, nước biển nhiễm độc, sinh vật chết tràn lan, ảnh hưởng đến đời sống cũng như kinh tế của người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị,… nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2016. Hơn nữa, do đặc điểm biển Việt Nam có dòng hải lưu thay đổi theo mùa, hoạt động của các tuyến tàu thương mại trên tuyến hàng hải quốc tế, lưu lượng tàu bè tấp nập khiến việc ô nhiễm thường xuyên, nặng nề hơn. Điều này đe dọa đến hệ sinh thái, tài nguyên trên biển đang có nguy cơ cảnh báo cao, từ đó tác động đến sinh kế cũng như phát triển kinh tế của đất nước. Để khắc phục tình trạng đó, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, Đảng và Nhà nước ta cần có nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển, đánh thuế môi trường cao, đầu tư các trang thiết bị tàu hiện đại hơn, giảm nguy cơ rò rỉ dầu, thúc đẩy sáng tạo các biện pháp xử lý rác thải, tận dụng rác thải. Một số biện pháp chúng ta có thể học hỏi ở các nước bạn, cụ thể như biến rác thành điện năng, tro như Singapore; ngăn chặn các hành vi khai thác thủy hải sản bằng sử dụng mìn, kích điện; biến rác thành phân hữu cơ, xăng dầu như ở Mỹ, Nga; biến rác thành nhựa MR6 trải đường tại Cumbira của Anh; biến rác thành tiền, áo, gạch tại Nhật Bản; mô hình thu lại rác như chai nhựa sau khi sử dụng tại Na Uy;…
Hiện nay mật độ dân cư trên biển, đảo và quần đảo khá thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội các vùng ven biển, trên biển và trên các đảo còn chưa hoàn thiện. Cần dân sự hóa hơn nữa các vùng biển, đảo; để biển đảo vừa là “nhà”, là cơ sở để chúng ta khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chổ phục vụ chiến lược quốc phòng – an ninh trên biển. Hằng năm, Đảng và Nhà nước thường xuyên vận động người dân tình nguyện ra các vùng biển đảo, sinh sống, làm việc nhằm phát huy sức mạnh biển cả và đất liền. Qua đó, ổn định và nâng cao đời sống người dân trên biển và ven biển, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Tôi hy vọng ngày càng có nhiều hơn các ngôi nhà, các lớp học trên biển đảo với các chiến sĩ hải quân, các giáo viên đang ngày đêm thiện nguyện.
Nhắc tới bảo vệ chủ quyền biển đảo, ta không thể không nhắc đến những người lính Hải quân, chiến sĩ Cảnh sát Biển, lực lượng Kiểm ngư,… đang ngày đêm bám biển, vươn khơi, đem nhiệt huyết và tấm thân rám nắng với cát với gió để ngày đêm bảo vệ quê hương đất nước. Tôi đã từng xem một phóng sự ngắn về các chiến sĩ trên biển, có lẽ đọng lại nhất trong tôi là những người lính đảo mang tâm hồn biển cả, thấm đẫm hương vị mặn mòi của biển, từ làn da rám nắng đến tình yêu đều mang hơi thở của biển và đại dương; là những người lính nhỏ bé bên biển cả mênh mông, những ngọn hải đăng, những ra-đa, những con tàu,… như những con mắt trùng khơi giữa lòng biển mẹ; là những bỡ ngỡ, ngơ ngác của những người lính mới khi còn đang ở dưới xuồng nhìn lên hòn đảo bé nhỏ mà mình sắp đặt chân lên, sau đó lại bịn rịn khi hoàn thành nhiệm vụ rời đảo, khi con tàu chuẩn bị về tới đất liền. Các anh ngày đêm canh gác biển cả, sẵn sàng cứu nạn cứu hộ trên biển, vừa tham gia sản xuất vừa bảo vệ chủ quyền, giữ gìn trật tự an ninh biển đảo…Có lẽ đẹp nhất trên mặt trận biển cả là hình tượng người lính biển.
Ngày nay, trong điều kiện đất nước đã hòa bình và phát triển nhưng biển đảo vẫn hiện hữu canh cánh mối lo xâm lấn của các thế lực thù địch. Trong hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa – hai quần đảo lớn xa bờ của nước ta, thì Quần đảo Hoàng Sa và một số bãi đá ngầm trong Quần đảo Trường Sa đã bị Trung Quốc xâm chiếm, mở rộng, xây dựng đảo nhân tạo trái phép và “quân sự hóa”. Cùng với yêu sách về “Đường lưỡi bò” chín đoạn phi pháp chiếm gần hết Biển Đông, Trung Quốc nhiều lần đưa lực lượng lớn cùng giàn khoan Hải Dương 981, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm vùng kinh tế đặc quyền, thềm lục địa của Việt Nam (năm 2014, 2019)… Đặc biệt, ngày 18/4/2020, Trung Quốc tuyên bố thành lập hai “quận” là “Tây Sa” và “Nam Sa” để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta trong khi cả thế giới đang ứng phó với dịch COVID-19. Trước những vấn đề chủ quyền biển đảo ngày càng “nóng”, để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và toàn thế giới đang là vấn đề không chỉ Việt Nam, các nước trong khu vực đang hướng tới, mà còn là ước nguyện của triệu triệu người dân Việt Nam nói riêng, khu vực và thế giới nói chung. Tôi mong muốn hơn nữa, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa một bên là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một bên là Trung Quốc, hướng tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)… và các biện pháp khác, để có thể ràng buộc từng quốc gia tham gia ký kết, với mong muốn giảm dần tiến tới chấm dứt việc xâm phạm chủ quyền và các hoạt động trái pháp luật trên vùng biển Việt Nam, các nước cùng nhau ủng hộ xây dựng hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trên Biển Đông.
Thật chạnh lòng, xót xa, lo lắng khi biển xanh dậy sóng. Tôi mong rằng biển đảo sẽ bình yên và phát triển bền vững. Ý thức về tình yêu biển đảo và người lính biển dần càng lớn theo thời gian. Tình yêu ấy nở hoa và trỗi dậy mạnh mẽ theo tiếng gọi của những con sóng biển, những chuyến tàu chở người lính ra khơi, khi hòa chung nhịp đập của hàng triệu trái tim người dân đất Việt, thấm đậm chất dân ca và những câu hát về biển. Hãy góp tình yêu từ những hành động nhỏ nhất, ra sức học tập, lao động, tình nguyện, bằng những việc làm thiết thực, góp phần giữ vững nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc … Đó là những việc làm mà mỗi người tuổi trẻ nói riêng và mỗi công dân Việt Nam chúng ta cần nỗ lực hơn nữa. Để biển đảo Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế và quốc phòng – an ninh, có nhiều hơn các chiến sĩ tình nguyện ra biển đảo, nhiều hơn các gia đình, các giáo viên tình nguyện, và nhiều hơn các thuyền viên, những người phục vụ công tác biển đảo sẵn sàng ra khơi, góp phần phát triển tổng hợp kinh tế biển đảo, xây dựng một đất nước Việt Nam “mạnh về biển, làm giàu từ biển”, dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
Để lại một phản hồi