VỊ THẾ QUỐC TẾ CỦA BIỂN ĐỐI VỚI QUY MÔ TĂNG TRƯỞNG CỦA TP. HỒ CHÍ MINH – TIỀM NĂNG, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP

Nguyễn Văn Đấu     

  (Hội KH-KT và Kinh tế Biển Tp.HCM)

Thành phố Hồ Chí Minhcó hơn 20 km chiều dài bờ biển và vùng biển rộng trên 7.400km2, trải dài từ bờ biển ra đến hết vùng thềm lục địa và vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý (theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982). Đó là vùng biển của huyện Cần Giờ và cũng nằm trong vùng biển Đông Nam Bộ, rất gần tuyến đường hàng hải quốc tế chạy qua. Nhiệm vụ đầu tiên trong các nhiệm vụ phát triển địa phương, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thành phố là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động: Nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao…; Đồng thời, huy động nguồn lực, khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế biển…; Phấn đấu xây dựng thành phố trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của Đông Nam Á vào năm 2030.

Để khai thác đầy đủ tiềm năng và vị thế quốc tế của biển đối với quy mô tăng trưởng và đổi mới mô hình kinh tế sang mô hình chất lượng cao của Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta cần vượt qua nhiều thách thức và thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

  1. Phát huy lợi thế, tiềm năng của biển, coi biển là cửa ngõ vươn ra khu vực và thế giới

Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo, phát triển kinh tế biển nói chung và phát triển cảng biển nói riêng, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về chiến lược biển, chiến lược quy hoạch, xây dựng, phát triển cảng biển, gắn liền với việc triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nhờ vậy đến nay, hệ thống cảng biển nước ta được quy hoạch, đầu tư phát triển khá toàn diện cả về quy mô, số lượng, chiều dài cầu cảng, công suất, trọng tải và mức độ hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, vận tải hàng hóa đường biển nội địa và quốc tế.Hệ thống cảng của nước ta nói chung và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng được kết nối với Tây Âu và Bắc Mỹ thông qua các dịch vụ vận tải biển trực tiếp, thay vì phải chuyển tải qua Singapore, Hồng Kông hay một số điểm trung chuyển trong khu vực. Năm 2020, cả nước có 588 cầu cảng, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng là hơn 680 triệu tấn.

Thách thức lớn nhất hiện nay là cảng biển chúng ta hiện chưa đáp ứng yêu cầu mô hình quản lý, đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển hiện đại, đạt chuẩn mực quốc tế như các nước mạnh về lĩnh vực hàng hải trong khu vực và quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singarpore, Ôxtrâylia… Tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng nhanh hơn nhiều so với tốc độ đầu tư xây dựng cảng. Quy hoạch cảng lạc hậu, không theo kịp yêu cầu hàng hóa thông qua cảng. Trong 10 năm gần đây, tốc độ xây dựng cảng ở nước ta tăng khoảng 4 lần, trong khi lượng hàng hóa qua cảng tăng khoảng 8 lần. Vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, dẫn tới tình hình nhiều cảng không phát huy hết công suất, kinh doanh thua lỗ, trong khi đó có cảng lại quá tải, gây hiện tượng ùn ứ hàng tại cảng, gây tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông cục bộ. Còn tình trạng hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ nối cảng với hệ thống giao thông quốc gia còn thiếu và chưa đồng bộ. Hầu hết các cảng chưa có đường sắt nối đến bến tàu. Luồng vào cảng nông và hẹp, phải tốn kém chi phí nạo vét và hạn chế đến việc ra vào, quay trở của tàu thuyền lớn.Khu hậu phương của cảng hẹp, chỉ đóng vai trò xếp dỡ hàng hóa là chính. Thiếu nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh nên còn hiện tượng đầu tư xây dựng manh mún; một số cảng tổng hợp của địa phương có kết cấu hạ tầng và trang thiết bị bốc xếp lạc hậu, năng suất thấp, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu của thị trường hàng hải;thậm chí có khi tàu lớn vào cảng,đầu tàu ở cảng của doanh nghiệp này, trong khi đuôi tàu lại nằm ở cảng của doanh nghiệp khác…Hệ thống cảng biển của Thành phố Hồ Chí Minh cũng có tình trạng tương tự như vậy.

Để phát huy lợi thế của biển và cảng biển, trước hết, Thành phố cần xây dựng quy hoạch sử dụng biển mang tính tổng hợp với phương thức tiếp cận sinh thái; đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch theo hướng mở về phía biển; phát triển mô hình “Cảng – Đô thị” ven biển; phấn đấu để đạt kỳ vọng “Cảng nuôi thành phố”.

Hiện tại, Cảng Tân Cảng – Cát Lái là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam tại thành phố Thủ Đức – thành phố Hồ Chí Minh, lọt Top 25 cảng hàng đầu thế giới với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước.Năng suất giải phóng tàu năm 2019 trung bình đạt 71,4 container/h, tăng 11% so với năm 2018… Điều đó khẳng định hiện tại Cảng Tân Cảng – Cát Lái là cửa ngõ quan trọng và là cảng biển phát triển năng động nhất khu vực phía Nam. Thu thuế xuất nhập khẩu qua Cảng Tân Cảng – Cát Lái trong năm 2019 đạt trên 70.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% nguồn thuế thu ngân sách của Thành phố… Tuy nhiên, hiện số lượng hàng hóa thông qua cảng đã vượt công suất thiết kế của cảng, do vậy, việc nối dài thêm bến cảng, tăng công suất xếp dỡ hàng là việc làm cần thiết trước mắt.

Cảng Hiệp Phước có thể sẽ là một trong những khu cảng hiện đại nhất Việt Nam và tại đây hình thành một khu đô thị cảng Hiệp Phước – Nhà Bè kết nối, song hành cùng với cảng Cát Lái và Thị Vải – Cái Mép Bà Rịa – Vũng Tàu để trở thành cụm cảng lớn, hình thành mô hình “Cảng – Đô thị” ven biển TP. Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu. Kết nối cụm đô thị cảng biển lớn TP. Hồ Chí Minh với đô thị cảng biển hiện đại Bà Rịa – Vũng Tàu trong vùng TP. Hồ Chí Minh để hình thành cửa ngõ kinh tế kết nối Việt Nam với khu vực và thế giới… Đây là một chủ trương lớn thu hút sự quan tâm và đồng tình của đông đảo người dân. Tuy  nhiênThành phố cần nghiên cứu, có câu trả lời dứt khoát: Cần nghiên cứu qui hoạch, kế hoạch xây dựng một cảng biển nước sâu tại bờ phải sông Thị Vải tại khu vực Cù lao Gò Gia- thuộc huyện Cần Giờ nhằm phục vụ tàu biển có trọng tải lớn hay không để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành hàng hải và tốc độ phát triển kinh tế của Thành phố?

Với trọng trách làđầu tàu kinh tế của đất nước, trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh đang có kế hoạch đẩy mạnh phát triển kinh tế biển song song với chiến lược phát triển thành phố thông minh. Với kế hoạch này, cùng với việc triển khai xây dựng Thành phố Thủ Đức – Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Thành phố tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh; từng bước triển khai phát triển thành phố về hướng nam ra biển. Theo đó, Khu công nghiệp – dịch vụ cảng – logistics Hiệp Phước sẽ phát triển đa dạng các ngành dịch vụ cảng, phục vụ có hiệu quả các hoạt động của tàu, thủy thủ và hành khách, là đầu tàu cho “khu kinh tế đặc biệt” của Thành phố Hồ Chí Minh, là không gian kinh tế tạo “lực tác động chủ đạo” cho phát triển cả vùng Thành phố Hồ Chí Minh và là một đô thị cảng biển thành phần của đô thị cảng biển lớn Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần cùng Đô thị cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu đóng “vai trò cửa ngõ chính” kết nối Việt Nam với thế giới và có thể cạnh tranh được với các đô thị cảng hiện đại trên thế giới.

Với đề án điều chỉnh Quy họach chung điều chỉnh quy họach xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 sẽ định hướng phát triển Thành phố hướng ra Biển Đông dựa trên khu Du lịch sinh thái lấn biển Cần Giờ và khu đô thị cảng Hiệp Phước- Nhà Bè. Thành phố đang cho triển khai Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Điều này phù hợp với quy luật các thành phố lớn trên thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với ưu thế phát triển nhanh khi tận dụng được vị trí ven biển, đã đặt ra yêu cầu cấp bách mở rộng quy mô đô thị và cơ sở hạ tầng giao thông; định hướng đưaThành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị rộng lớn ven biển có khu dự trữ sinh quyển của thế giới, bảo đảm cho Thành phố có điều kiện hội nhập vào chuỗi các thành phố ven biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương, như các đô thị ven biển của Thái Lan, Malaisia, philippin, Inđônêsia, Singapore, Trung Quốc…

Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đó, song cần tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học để phát triển chuỗi đô thị ở Cần Giờ. Huyện Cần Giờ được đánh giá là có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển và nghỉ dưỡng, song chưa đủ, cần nghiên cứu phát triển cảng biển, công nghiệp biển.Tổng diện tích tự nhiên của huyện Cần Giờ là 704km2 (70.421 ha), tương đương với diện tích cả quốc gia đảo Singapore, lớn hơn diện tích đảo Phú Quốc và chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm Thành phố khoảng 50km đường chim bay; có một số cửa sông lớn của các con sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Da, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh…và có luồng tàu chạy Cái Mép – Cần Giờ.Đặc biệt, ở đây quỹ đất còn dồi dào, môi trường thiên nhiên trong lành, cảnh quan hấp dẫn, còn nhiều dư địa phát triển kinh tế – xã hội.Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (Long Beach hay Vinhomes và Vinpearl Cần Giờ) tại xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh do Tập đoàn  Vingroup  đầu tư mới được phê duyệt điều chỉnh quy mô từ 600 ha lên 2.870 ha và tổng mức đầu tư lên tới 10 tỷ đô la Mỹ. Dự án này có thể sẽ biến Cần Giờ thành đô thị nghỉ dưỡng hấp dẫn ở Đông Nam Á. Hy vọng khi dự án hoàn thành sẽ là “Một cú huých”, “Đột phá” tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế – xã hội ven biển của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng. Tuy vậy, để khai thác thế mạnh “đặc biệt” của Cần Giờ, Thành phố cần nghiên cứu, kiến nghị với Đảng, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan quy hoạch sao cho đạt được lợi ích tối ưu cả trước mắt và lâu dài, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo tồn thiên nhiên; trong đó cần cân nhắc thận trọng giữa quy hoạch phát triển cảng biển, chuẩn bị điều kiện, từng bước tiến tới thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc huyện Cần Giờ, nhưng vẫn giữ được hệ sinh thái sinh quyển của Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam – được UNESCO công nhận (năm 2000)…Thách thức đặt ra là bài toán quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế…phải có tính khoa học, khả thi, nhưng phải phù hợp với quy luật tự nhiên và thuyết phục để được cấp trên phê duyệt. Vấn đề khác là tạo được hạ tầng kinh tế – xã hội hấp dẫn để có cơ sở kêu gọi được các nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính và công nghệ cao, nhất là các tập đoàn đa quốc gia cùng hợp tác. Tiếp theo là kế hoạch và biện pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm môi trường do lấn biển, hoạt động khai thác quá mức vật liệu tại chỗ, hoạt động khác trái với quy luật tự nhiên và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái…Thực tế, khi triển khai các hoạt động kinh tế thường ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường tự nhiên, do đó, trong  khi phát triển kinh tế, nhất là khi triển khai khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, cần giữ nguyên tắc: không đánh đổi phát triển kinh tế để làm suy giảm hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên. Mặc dù  đã có ý kiến ủng hộ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như cơ quan quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ, nhưng chúng ta không được chủ quan, cần có sự giám sát chặt chẽ, thu nhận ý kiến phản biện từ các cơ quan chức năng, các nhà khoa học chuyên ngành và nhân dân, nhất là trong quá trình triển khai, thi công dự án… để có đầy đủ cơ sở và biện pháp giảm thiểu tác động môi trường tự nhiên và xã hội, tính toán để đạt lợi ích kép: phát triển kinh tế bền vững và giữ được hệ sinh thái sinh quyển của Khu dự trữ sinh quyển, bảo đảm cân bằng sinh thái, phù hợp với pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tôn trọng các quy luật và điều kiện tự nhiên, trong đó có yếu tố đặc thù rừng ngập mặn Cần Giờ, bảo đảm tốt liên kết vùng trong phát triển “chuỗi” khu kinh tế biển đảo, chuỗi đô thị ven biển và đảo.

Cùng với đó, Thành phố cần có kế hoạch xây dựng hạ tầng giao thông, tạo sự lan tỏa và có cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư triển khai nhiều dự án lớn tại đây. Cần phải tính tới phương án xa hơn nữa là đến một lúc nào đó phải di dời Cảng Cát Lái, bởi vì lúc đó hoạt động của cảng này sẽ kém hiệu quả do nhu cầu tiếp nhận tàu lớn hơn, chi phí cơ hội gia tăng của đất trung tâm thành phố và tình trạng tắc nghẽn giao thông do hoạt động cảng gây ra…Nếu có tầm nhìn xa, sớm đầu tư, các cảng mới ở Cần Giờ này sẽ sớm cùng với cảng Cát Lái và hệ thống cảng của Thành phố đem lại nguồn thu lớn cho đất nước và Thành phố; kỳ vọng đạt tới mức “Cảng nuôi Thành phố; thành phố cảng nuôi Thủ đô”. Từ cảng biển mới đến trung tâm thành phố ven biển sẽ xuất hiện nhiều đô thị thành phần, hình thành chuỗi đô thị nối liền cảng với Thành phố. Cần khai thác tối đa lợi thế tự nhiên của Xã đảo Thạnh An (và đảo Thiềng Liềng) với tổng diện tích khoảng 122,31 km2, mật độ xây dựng hiện tại rất thấp và mật độ dân số hiện rất thưa thớt (34 người/ km2).

Để viện dẫn cho việc phát triển Cần Giờ, chúng ta có thể xem xét một số lĩnh vực hoặc mô hình sau đây:

-Chính sách tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển (chỉ xem xét ở góc độ này) đã giúp biến Singapore trở thành cường quốc kinh tế chỉ trong vòng vài chục năm. Hiện tại, cảng biển của Singapore được kết nối với 600 cảng của 123 quốc gia thông qua 200 tuyến vận chuyển. Chưa thỏa mãn với kết quả này, với tầm nhìn  xa  hơn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong khu vực và quốc tế, cuối năm 2019, Singapore đã khởi công xây dựng cảng Tuas – cảng container tự động lớn nhất thế giới; quá trình xây dựng chia làm 4 giai đoạn với chi phí khoảng 20 tỷ đô la Singapore (15 tỷ USD), dự kiến đưa vào sử dụng năm 2040… Thực tế, có tới hàng tỷ đô la Mỹ lưu thông mỗi ngày qua hơn 15.000 thể chế tài chính đặt trụ sở tại Singapore. Tổng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Singapore – tính trên tỷ lệ GDP đạt khoảng 300% vào năm 2019. Singapore đang phát triển theo hướng toàn cầu hóa logistics là bước đi ban đầu cần thiết để đưa nền kinh tế hội nhập sâu với thế giới. Đồng thời, Singapore còn là một thành phố rất sạch, đẹp, thân thiện với môi trường thiên nhiên.

-Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có quần đảo lấn biển The Palm của Dubai rộng tới 560ha, là một trong những đô thị giàu có nhất thế giới bởi có dầu mỏ kết hợp các tổ hợp du lịch, cảng biển, hàng không… với các tòa nhà chọc trời, nơi có nhiều tỷ phú siêu giàu.

-Ở trong nước, từ thời xa xưa ông cha ta dã từng dựa vào các điều kiện và quy luật tự nhiên để lấn biển phục vụ kế quốc dân sinh; điển hình là khu vực huyện ven biển như Tiền Hải – Thái Binh, Kim Sơn- Ninh Bình ngày nay. Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) từng là thương cảng sầm uất, vang bóng một thời, nay chỉ còn là di tích lịch sử- văn hóa hay di sản văn hóa. Quảng Ninh với khu kinh tế Vân Đồn trên huyện đảo Vân Đồn và Khu du lịch Tuần Châu cũng để lại nhiều kinh nghiệm quý về cải tạo địa hình…phát triển kinh tế.

-Gần đây, thành công của Khu công nghiệp Đình Vũ- Hải Phòng là mô hình cần nghiên cứu. Trong hơn 20 năm qua, Thành phố Hải Phòng đã kiên trì biến khu đầm lầy với những bãi sú vẹtĐình Vũ thành nơi có đủ tiềm lực để thực hiện những kỳ vọng mới. Đầu tiên là sự ra đời của tổ hợp Khu công nghiệp Đình Vũ, một KCN tổng hợp, đa ngành trên diện tích 945 ha. Khu công nghiệp đã được lấp đầy gần 90% với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD,  đóng góp tích cực vào thu hút FDI của TP. Hải Phòng, thu hút được hơn 60 dự án từ nhiều nhà đầu tư quốc tế như Chevron (Mỹ), Knauf (Đức), C.Steinweg (Hà Lan), Bridgestone (Nhật Bản), Nippon Express (Nhật Bản), JX (Nhật Bản), Idemitsu (Nhật Bản), Nakashima (Nhật Bản), PVOil (Việt Nam), Petrolimex (Việt Nam), PVGas (Việt Nam)…Gần đây, các ngành công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ thân thiện với môi trường như dự án mới về kính năng lượng mặt trời và linh kiện ngành tự động hóa đã quyết định lựa chọn Đình Vũ làm địa điểm đầu tư…Đình Vũ đang trở thành một cảng mới hiện đại, tầm cỡ khu vực, đáp ứng nhu cầu giao thương, phát triển kinh tế của cả nước thay Cảng Hải Phòng cũ (bên bờ Sông Cấm), nằm sâu trong nội thành, quanh năm lo lắng nạo vét luồng lạch…Cảng Đình Vũ, Cảng container Nam Đình Vũ (có quy mô diện tích hơn 65 ha, với 7 bến cảng container với độ sâu lớn và khu quay trở rộng), cùng với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng dẫn nối trực tiếp đến bán đảo Đình Vũ từ năm 2014; sẽ có thêm dự án đầu tư hệ thống đường sắt kết nối toàn bộ khu vực Cảng. Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Sau khi cầu Tân Vũ-Lạch Huyện hoàn thành, đưa vào khai thác giai đoạn 1, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện – Hải Phòng được đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ bốc xếp đồng bộ và hiện đại, có thể tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn lên đến 8.000 TEU (tương đương với tàu trọng tải 100.000 tấn hoạt động trên tuyến vận tải biển xa), được kỳ vọng đóng vai trò trung tâm trong hệ thống cảng biển của Việt Nam cũng như khu vực và sẽ là cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của miền Bắc. Kinh tế Hải Phòng mấy năm gần đây “cất cánh” được là do chính tiềm năng kinh tế biển, ven biển đã được khai phá. Riêng Nhà máy ô tô Vinfast (Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải) của tập đoàn Vingroup – nhà máy hoàn toàn số hóa đầu tiên ở Đông Nam Á,đã đóng góp gần 5.000 tỷ đồng vào ngân sách năm 2020, tương đương 15% số thu nội địa của Thành phố Hải Phòng.

-Một ví dụ khác, do kiên trì kiến tạo, sau 15 năm xây dựng và phát triển gần đây, Đảo Phú Quóc đã  trở thành Thành phố Phú Quốc, có 9 đơn vị hành chính cấp xã/ phường. Phú Quốc sẽ có 2 đô thị trung tâm là Dương Đông và An Thới. Đô thị Dương Đông là trung tâm hành chính, thương mại của thành phố. Đô thị An Thới sẽ trở thành đầu mối giao thông, du lịch sinh thái biển với cảng biển quốc tế. Phú Quốc chính thức tạo nên dấu mốc thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Đây là một một mô hình kinh tế biển với siêu quần thể “không ngủ” – Trung tâm giải trí nghỉ dưỡng Phú Quốc United Center – với bước đại nhảy vọt, chứng tỏ tiềm năng to lớn của “Đảo Ngọc” hiện tại và tương lai…

Tóm lại, chúng tôi đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh cần mạnh dạn nghiên cứu, có kế hoạch đầu tư phát triển Cần Giờ để kịp đón bắt dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch vào Việt Nam và kinh tế hàng hải đang trên đà phát triển. Bên cạnh đó, Thành phốcần nghiên cứu sâu, đánh giá tác động môi trường Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ; đánh giá tác động môi trường của việc nạo vét luồng sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu; tiếp tục triển khai nhanh việc chuyển dịch cảng trên sông Sài Gòn ra khỏi khu vực nội đô. Cùng với đó, Thành phố cần mở rộng và khai thác các tuyến đường thủy nội địa: Duyên hải Sài Gòn – Cà Mau và tuyến ven biển từ Thành phốHồ Chí Minhđến Kiên Giang, Sài Gòn – Hà Tiên, Sài Gòn – Kiên Lương, Sài Gòn – Cà Mau. Cần có kế hoạch đề xuất với Bộ Giao thông vận tải và phối hợp với các tỉnh bạn phát triển mạng lưới đường sắt, đường bộ hiện đại vận chuyển hàng hóa, kết nối các cảng biển quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế phía nam. Nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo. Kết nối các cảng biển của Thành phố với các hệ thống các cảng biển, các khu kinh tế, sân bay ven biển ở khu vực phía nam thành một hệ thống hạ tầng liên hoàn.

  1. Đa dạng hóa ngành nghề, ưu tiên, đột phá phát triển các ngành kinh tế biển mũi nhọn để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện tại và trong tương lai

Kinh tế biển là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, tập trung nguồn lực đầu tư và phát triển các thành phố cảng đang trở thành ưu tiên trong chiến lược kinh tế – xã hội ở nhiều quốc gia. Trong quá trình phát triển kinh tế thế giới cho thấy phần lớn các thành phố có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới đều thuộc về các thành phố cảng. Các nước: Hà Lan, Thụy điển, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ôstrâylia, Trung quốc… đều quan tâm xây dựng các thành phố cảng lớn và có chuỗi các thành phố cảng ở ven biển.

Hiện nay, vận tải biển đảm nhận tới 80% khối lượng hàng hóa trao đổi thương mại giữa các quốc gia. Đối với Việt Nam, 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm của cả nước được thông qua hệ thống cảng biển. Chính vì vậy, việc phát triển mạnh hệ thống cảng biển, giảm chi phí vận tải và dịch vụ logistics sẽ góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho quốc gia cũng như riêng Thành phố Hồ Chí Minh.Thách thức đặt ra là chưa xây dựng được một kế hoạch có tính chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển xứng với tiềm năng của biển. Kinh tế của huyện Cần Giờ – huyện duy nhất của Thành phố có biển – hiện còn chậm phát triển; thu nhập của người dân nơi đây còn thấp hơn so với dân ở một số quận, huyện khác của Thành phố (60 triệu đồng/đầu người/ năm 2019). Trong 5 năm tới, huyện Cần Giờ cũng chỉ đưa ra kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa dịch vụ và du lịch lên 60%. Trong quá khứ và hiện tại, chúng ta tập trung nhiều công sức đầu tư và khai thác kinh tế hàng hải; khai thác, nuôi trồng thuỷ sản;dịch vụ và du lịch biển. Nhưng đến thời điểm hiện tại những ngành, lĩnh vực này ở Cần Giờ chưa phải là thế mạnh; chẳng hạn, Thành phố chưa có nhiều doanh nghiệp cũng như các đội thuyền mạnh để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế biển. Mặt khác, Thành phố chưa chú trọng định hướng xây dựng khu công nghiệp biển và khu kinh tế biển ở đây. Do vậy, cùng với việc khẩn trương xây dựngkế hoạch có tính chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, Thành phố có thể tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực, ngành trụ cột của kinh tế biển như: Kinh tế hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển); khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản biển; công nghiệp biển (công nghiệp chế biến, chế tạo vào công nghiệp phụ trợ); dịch vụ và du lịch biển và kinh tế số; đồng thời có thể nghiên cứu phát triển các ngành nghể khác: khai thác tài nguyên khoáng sản biển; dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; kinh tế đảo. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện đẩy mạnh các hoạt động kinh tế sử dụng các nguồn lực từ biển như chế biến dầu khí; đóng và sửa chữa tàu biển; cung cấp dịch vụ biển; hoạt động kinh tế hỗ trợ hoạt động kinh tế biển; đào tạo nguồn nhân lực; thông tin liên lạc; nghiên cứu khoa học – công nghệ biển. Ngoài ra, Thành phố còn có thể nghiên cứu triển khai một số ngành kinh tế biển khác như năng lượng tái tạo từ biển (điện hải lưu, điện thủy triều); công nghệ sinh học biển; an toàn và giám sát hàng hải, dịch vụ và sản phẩm biển công nghệ cao.Cùng với đó, cần đẩy mạnh gia tăng quy mô kinh tế biển; cơ cấu các ngành nghề trong các lĩnh vực kinh tế biển cho hợp lý, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế (biển công); nỗ lực làm giàu từ biển, khai thác gắn liền với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế biển; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch sinh thái, thám hiểm – khoa học, du lịch cộng đồng, gắn với nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi người dân trong phát triển bền vững biển Việt Nam.Đồng thời cần tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế chung của huyện Cần Giờ và Thành phố.

Ngoài các giải pháp trên,thiết nghĩ cần phát huy sức mạnh tổng hợp các yếu tố chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao và quốc phòng-an ninh, y tế – kiểm dịch…, giải quyết tốt mối quan hệ giữa khai thác và bảo vệ biển, giữa phát triểnvới bảo tồn thiên nhiên, luôn là sự lựa chọn tối ưu cho phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển – đảo nói riêng. Do đó, Thành phố cần có kế hoạch toàn diện về phát triển kinh tế biển, gắn kết với kinh tế trên đất liền; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khai thác cơ hội của công nghệ số; tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật; ưu tiên đầu tư đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển. Đồng thời tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng nguồn lực nghiên cứu khoa học biển và hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển, nhất là các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… gắn với quy hoạch sử dụng biển, nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo vệ tài nguyên biển./.

*Tài liệu tham khảo:

– Báo Đô thị ngày 20/7/2020; báo Tuổi trẻ ngày 9/11/2020.

– Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

-Nghị quyết 36/-NQ/TW (khóa XII): Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

-Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

– Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg, ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2010;

– Quyết định số 1037/QĐ-TTg, ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*