NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐẾN THUYỀN VIÊN VÀ NHỮNG BIỆN PHÁP BẢO VỆ THUYỀN VIÊN

Nguyễn Văn Thư (Hội KH-KT và Kinh tế biển TP.HCM)

I.    Tác động của đại dịch

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây nên(Covid 19)đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động vận tải biển và đặc biệt là đội ngũ thuyền viên làm việc trên tàu biển, trong đó có thuyền viên Việt Nam, biểu hiện ở những mặt sau:

  1. Trong hoạt động nghề nghiệp
  • Thuyền viên đứng trước nguy cơ rất cao bị nhiễm Covid 19 do phải di chuyển thường xuyên giữa các cảng và tiếp xúc với nhiều người khi bốc xếp hàng hóa, làm thủ tục xuất nhập cảnh, tiếp nhận vật tư, nhiên liệu v.v. trong thời gian lưu lại trong cảng. Thực tế đã có trường hợp hầu hết thuyền bộ của một tàu biển Việt Nam bị nhiễm bệnh.
  • Thuyền viên bị tổn hại cả về thể chất và tinh thần do cường độ công việc tăng lên vì ngoài công việc chuyên môn nay còn phải làm thêm thêm công việc vệ sinh, phòng dịch trên tàu hoặc do tàu không được định biên đủ thuyền bộ theo quy định. Nhiều thuyền viên phải làm việc quá thời hạn hợp đồng do việc thay thế thuyền viên đã không thực hiện được vì các biện pháp hạn chế di chuyển, dừng xuất nhập cảnh của các quốc gia.
  • Các tổn hại còn bị tăng lên do thuyền viên bị cách biệt với xã hội không chỉ trong thời gian tàu ở trên biển mà cả khi tàu ở trong cảng do không được lên bờ và giao tiếp thông thường. Nhiều thuyền viên đã bị kẹt lại trên bờ hàng tháng trời và không thể hồi hương sau khi rời tàu do không thể thu xếp được chuyến bay về nước. Việc cung ứng lương thực, thực phẩm, vật tư cho thuyền viên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; đã có những thuyền bộ Việt Nam bị chủ tàu bỏ lại cùng với tàu ở cảng nước ngoài. Thuyền viên rất khó tiếp cận với dịch vụ y tế trên bờ trong trường hợp bị bệnh tật hay bị thương trong khi ở trên tàu không có người có đủ chuyên môn để giúp chăm sóc y tế dẫn đến quyền được chăm sóc y tết của thuyền viên không được đảm bảo. Ngược lại, nhiều thuyền viên đang ở trên bờ lại không được xuống tàu làm việc nên bị ảnh hưởng lớn về thu nhập và tinh thần. Gia đình và người thân của thuyền viên cũng bị ảnh hưởng do lo lắng cho người thân hoặc thuyền viên không thể về nhà khi có người thân ốm đau, bị chết hoặc những tình huống khẩn cấp khác.
  • Chi phí đi lại tăng rất cao, thời gian cách ly thay đổi và đôi khi chồng chéo nhau, cùng với chi phí cách ly cao trong một số trường hợp đã gây khó khăn cho cả chủ tàu và thuyền viên và dẫn đến nguy cơ tàu bị lưu giữ do vi phạm quy định về thời hạn làm việc trên tàu của thuyền viên.

Những tổn hại này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của cá nhân thuyền viên cũng như an toàn cho tàu và cho an toàn hàng hải nói chung.

  1. Trong việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ
  • Nhiều khóa huấn luyện, cập nhật cho thuyền viên bị hoãn, hủy hoặc không tổ chức được do quy định về dãn cách xã hội trong khi việc huấn luyện và cấp giấy chứng nhận trực tuyến chưa thực hiện được do thiếu hành lang pháp lý cả ở bình diện quốc gia và quốc tế.
  • Do nhiều loại bằng cấp chuyên môn của thuyền viên chỉ có thời hạn 5 năm nên việc cấp lại, gia hạn chúng đã gặp khó khăn các cơ quan thẩm quyền chưa linh hoạt trong việc gia hạn, cấp lại, hậu quả là thuyền viên có thể không tích lũy đủ thời gian đi biển để duy trì giấy chứng nhận, mất cơ hội thăng cấp trong nghề nghiệp.
  1. Việc hỗ trợ của nhà nước, xã hội
  • Các chính sách hỗ trợ người lao động của chính phủ đã không tới được với những thuyền viên đang bị thất nghiệp vì đại dịch.

II.     Thuyền viên ở những nước chưa được công nhận là “lao động chủ chốt” theo khuyến nghị của tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức lao động quốc tế (ILO)sẽ không được hưởng bất cứ ưu tiên nào trong việc hỗ trợ nghề nghiệp, di chuyển nội địa và quốc tế, tiêm vắc xin phòng Covid 19.

III.    Ngoài việc hỗ trợ theo chính sách bảo hộ công dân nói chung, nhiều nước cũng chưa có sự hợp tác song phương hoặc đa phương nào trong việc hỗ trợ thay đổi/di chuyển thuyền viên.

IV.    Một số quy định hạn chế về di chuyển, xuất nhập cảnh tại các tỉnh/thành phố có cảng được đưa ra đột ngột với thời hạn áp dụng quá ngắn ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác tàu và việc thay thế/di chuyển của thuyền viên.

V.      Một số nước không có quy định riêng về việc hỗ trợ giảm các loại thuế, phí cho các tàu chỉ ghé các cảng để thay thế thuyền viên nên đây là một gánh nặng cho các chủ tàu. Do sự phức tạp và tốn kém về chi phí và thời gian cho việc thay thế thuyền viên nên một số người thuê tàu đưa ra các điều khoản đòi hỏi chủ tàu không được thay thế thuyền viên trong thời gian thuê tàu đã gây áp lực lên các chủ tàu/người khai thác tàu và thuyền viên.

 VI.    Những biện pháp bảo vệ thuyền viên đã được đề xuất, kiến nghị

Với khoảng 1,6 triệu thuyền viên đang vận hành các con tàu trên toàn thế giới, ngành hàng hải đang đảm nhận chức năng tuyến đầu trong đảm bảo lưu thông hàng hóa vớigần 90% lượng hàng của thương mại quốc tế. Để đảm bảo cho dòng chảy thương mại này không đứt đoạn thì việc bảo vệ thuyền viên là hết sức quan trọng.Đã có nhiều giải pháp được các nước đưa ra như công nhận thuyền viên là “lao động chủ chốt” để có chính sách ưu tiên riêng trong việc đi lại để thay người, được ưu tiên tiêm chủng ngừa Covid 19 và các quyền được tiếp cận với các dịch vụ y tế … trên bờ đã được nhiều nước đưa ra. Tuy nhiên, những biện pháp đó còn mang tính rời rạc và không triệt để và cần có các giải pháp mang tính toàn diện và quyết liệt hơn. Xin giới thiệu một số đề xuất của các tổ chức quốc tế về hàng hải liên quan đế vấn đề này.

  1.  Với vai trò là tổ chức lớn nhất thế giới về bảo vệ quyền lợi của người lao động, Tổ chức Lao đông Quốc tế (ILO) đã ban hành nhiều Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của thuyền viên, trong đó có Công ước về Lao động Hàng hải năm 2006 (MLC 2006), một tài liệu được coi là “Hiến chương của những người lao động hàng hải”. Trong bối cảnh của đại dịch Covid -19, Tổ chức này đã thành lập một Ủy ban các chuyên gia về áp dụng các công ước của ILO và khuyến nghị. Trong một tài liệu của Ủy ban này: “Quan sát chung về các vấn đề phát sinh từ việc áp dụng Công ước Lao động Hàng hải 2006, đã được sửa đổi (MLC, 2006) trong đại dịch COVID-19” đã đưa ra những đề xuất sau:

a.    Các quốc gia, với vai trò là nước cho các tàu biển mang cờ, cần quy định rõ:

  • Bất kỳ việc gia hạn hợp đồng lao động nào giữa chủ tàu và thuyền viên cũng phải được thực hiện với sự đồng ý một cách rõ ràng, tự do của thuyền viên (theo Quy định 2.1, đoạn 2 của MLC 2006) để tránh tình trạng thuyền viên bị làm việc cưỡng bức trên tàu biển;
  • Chủ tàu, đơn vị cung ứng thuyền viên không được thu lệ phí hoặc các khoản phí khác cho việc tuyển dụng hoặc bố trí thuyền viên, bao gồm cả chi phí cho bất kỳ nghĩa vụ kiểm dịch nào trước khi nhập tàu, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, toàn bộ hoặc một phần, từ thuyền viên ngoài những chi phí được phép theo Tiêu chuẩn A1.4, đoạn 5 của MLC 2006;
  • Cấm hủy bỏ quyền nghỉ phép tối thiểu hàng năm có lương của thuyền viên, trừ những trường hợp ngoại lệ hạn chế được cơ quan có thẩm quyền cho phép (theo Quy định 2.4 và Tiêu chuẩn A2.4, đoạn 3 của MLC 2006);
  • Thuyền viên phải được phép lên bờ khi tàu vào các cảng phù hợp với yêu cầu hoạt động của vị trí công việc của họ, với điều kiện tôn trọng nghiêm ngặt bất kỳ biện pháp y tế công cộng nào áp dụng cho người dân địa phương (theo Quy định 2.4, khoản 2 của MLC 2006);
  • Thuyền viên phải được hồi hương miễn phí trong những trường hợp được quy định trong Công ước MLC 2006, tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn làm việc tối đa 11 tháng mặc định trên tàu theo các quy định của Công ước (theo Quy định 2.5 và Quy định 2.4 của MLC 2006);
  • Các tàu phải có đủ số lượng theo định biên tối thiểu để đảm bảo cho tàu được vận hành an toàn, hiệu quả và quan tâm đến an ninh trong mọi điều kiện, có tính đến những lo ngại về sự mệt mỏi của thuyền viên cũng như tính chất và điều kiện cụ thể của chuyến đi (theo Quy định 2.7 MLC 2006);
  • Thuyền viên trên tàu phải được bảo vệ bằng các biện pháp thích hợp để bảo vệ sức khỏe và được chăm sóc y tế kịp thời và đầy đủ trong thời gian làm việc trên tàu, bao gồm cả việc được tiêm chủng (theo Quy định 4.1 của MLC 2006);
  • Thuyền viên trên tàu phải được bảo vệ sức khỏe nghề nghiệp và được sống, làm việc và huấn luyện trên tàu trong một môi trường an toàn và vệ sinh (theo Quy định 4.3 MLC 2006);
  • Thuyền viên trên các tàu phải được tiếp cận với các cơ sở phúc lợi trên bờ nếu có sẵn, với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt của bất kỳ biện pháp y tế công cộng nào áp dụng cho người dân địa phương (theo Quy định 4.4 của MLC 2006); và
  • Có các biện pháp được thực hiện để hỗ trợ phúc lợi của thuyền viên trên tàu, đặc biệt là trong thời gian làm việc thêm trên tàu, bao gồm cả việc thu xếp để liên lạc được với gia đình và những người thân.

b. Các quốc gia, trong vai trò của quốc gia có cảng cần:

  • Cho phép thuyền viên được hưởng quyền đi bờ theo Quy định 2.4, khoản 2 của MLC 2006, nhưng phải tuân theo sự tôn trọng nghiêm ngặt của bất kỳ biện pháp y tế công cộng nào áp dụng cho người dân địa phương;
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương của các thuyền viên làm việc trên các tàu ghé vào cảng hoặc đi qua lãnh hải hoặc nội thủy của mình (theo Tiêu chuẩn A2.5.1, đoạn 7, của MLC 2006);
  • Cho phép và tạo điều kiện thay thế cho những thuyền viên đã rời tàu và qua đó đảm bảo an toàn định biên của tàu, bằng cách đối xử nhanh chóng và không phân biệt đối với các thuyền viên mới vào lãnh thổ chỉ để xuống tàu của họ (theo Tiêu chuẩn A2.5.1, đoạn 7 của MLC 2006);
  • Đảm bảo rằng các thuyền viên ở trên tàu đang ở trong lãnh thổ của mình cần được chăm sóc y tế được tiếp cận ngay lập tức với các cơ sở y tế trên bờ (Quy định 4.1);
  • Hạn chế việc đưa ra và / hoặc liên tục thay đổi các biện pháp hạn chế của quốc gia và / hoặc những quy định của cảng có thể cản trở việc lập kế hoạch trước cho chuyến đi một cách hợp lý của tàu và tránh việc thực thi và bắt buộc thực hiện Công ước một cách không nhất quán so với các nước thành viên khác.

c.      Các quốc gia với vai trò của quốc gia cung ứng thuyền viên: hợp tác với các Quốc gia cho tàu mang cờ và quốc gia có cảng để đảm bảo tôn trọng các quyền của thuyền viên nước mình.

2.     Các biện pháp mà các chủ tàu, người khai thác tàu, người thuê tàu, đơn vị cung ứng thuyền viên và các dịch vụ hàng hải cần làm, bao gồm:

Nghiên cứu và áp dụng đầy đủ các hướng dẫn trong tài liệu “Human Rights Due Diligence Tool – HRDD” do Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hợp Quốc (UNGC), Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đồng xây dựng cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào ngành hàng hải (có thể tải xuống tại: https://www.standard-club.com/fileadmin/uploads/standardclub/Documents/Import/news/2021-news/Human_Rights_Due_Diligence_Tool.pdf).

Nghiên cứu và áp dụng Hướng dẫn của IMO trong Nghị quyết MSC.1/Circ.1636 về Khung giao thức được đề xuất để đảm bảo an toàn cho việc thay đổi và di chuyển của thuyền viên trong đại dịch Covid 19 và đưa vào hệ thống quản lý an toàn. Có thể tải xuống tại:

https://wwwcdn.imo.org/localresources/en/MediaCentre/HotTopics/Documents/MSC%201636%20protocols/MSC.1-Circ.1636%20-%20Industry%20Recommended%20Framework%20Of%20Protocols%20For%20Ensuring%20Safe%20Ship%20Crew%20Changes%20And%20Travel.pdf

Tham khảo tài liệu hướng dẫn của ICS về các vấn đề pháp lý, trách nhiệm và bảo hiểm nảy sinh từ việc tiêm chủng ngừa Covid 19 cho thuyền viên tại:

https://www.ics-shipping.org/publication/coronavirus-covid-19-legal-liability-and-insurance-issues-arising-from-vaccination-of-seafarers/

Các chủ tàu cần chủ động liên hệ với đại lý tại các quốc gia dễ tiếp cận với dịch vụ tiêm vắc xin để tiêm vắc xin ngừa Covid 19 cho thuyền viên khi tàu ghé cảng có điều kiện.

  1. Phần mềm hỗ trợ thuyền viên trên biển

Mạng lưới Quốc tế về Phúc lợi và Hỗ trợ thuyền viên (International Seafarers’ Welfare and Assistance Network – ISWAN), được thành lập vào tháng 4 năm 2013. Là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động để thúc đẩy và hỗ trợ phúc lợi của thuyền viên trên toàn thế giới. Ngoài việc vận hành đường dây trợ giúp 24 giờ như một dịch vụ trực tiếp cho thuyền viên, ISWAN cũng điều hành một số dự án và chiến dịch khác nhằm hỗ trợ phúc lợi cho thuyền viên. Tổ chức này vừa giới thiệu ứng dụng ISWAN for seafarers, một ứng dụng trên điện thoại di động để hỗ trợ thuyền viên với chức năng chính được giới thiệu dưới đây:

ISWAN for Seafarers: Một ứng dụng mới trên điện thoại di động cho thuyền viên

ISWAN đã hợp tác với Câu lạc bộ các Chủ tàu để khởi chạy ISWAN cho Người đi biển, một ứng dụng di động mới có thể được sử dụng ngoại tuyến để truy cập sự hỗ trợ, thông tin và giúp đỡ trong suốt 24/24 giờ với những ưu điểm sau:

  • Không cần kết nối internet

Ứng dụng này không sử dụng dữ liệu khi mở và thuyền viên có thể tiếp cận với sự hỗ trợ và các nguồn lực bất cứ lúc nào khi ở dưới biển hoặc trên bờ.

  • Tiếpcận ngay được với trợ giúp và hỗ trợ suốt 24/24 giờ

Chỉ bằng một nút bấm trong ứng dụng, thuyền viên có thể liên hệ với một trong các đường dây trợ giúp quốc tế, bí mật, miễn phí của ISWAN: SeafarerHelp (for all seafarers and their families) và Yacht Crew Help (for professional yacht crew).

  • Thông tin hữu ích và các nguồn lực dành riêng cho thuyền viên

… Bao gồm các tài liệu hướng dẫn về tự bảo vệ sức khỏe của ISWAN, quyền truy cập vào Danh bạ các Trung tâm Thuyền viên của ISWAN và hướng dẫn về các chủ đề như vấn đề hợp đồng, bị bỏ rơi, bắt nạt và quấy rối.

  • Các tin tức và bài báo mới nhất

Ứng dụng này có một blog chứa các bài báo gần đây về các chủ đề và tin tức liên quan đến phúc lợi của thuyền viên và có thể được cập nhật khi có kết nối internet.

Có thể tải ứng dụngISWAN for Seafarers app trong Google Play hoặc trong App Store./.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*