CÓ MỘT “ĐIỆN BIÊN PHỦ DƯỚI NƯỚC” NHƯ THẾ !

 

                                                                                      Nguyễn Văn Đấu

Trong chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế, phong tỏa sông biển miền Bắc Việt Nam bằng thủy lôi và bom từ trường (1967-1968 và 1972-1973). 50 năm đã trôi qua kể từ khi quân và dân miền Bắc thành công trong cuộc chiến phong tỏa nói trên, dư âm chiến thắng “Điện Biên Phủ dưới nước”, sức truyền cảm, lan tỏa và những bài học lịch sử khi đó vẫn còn nguyên giá trị. Cùng với chiến thắng trên khắp chiến trường miền Nam, chiến thắng 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, chiến thắng “Điện Biên Phủ dưới nước”góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, buộc đế quốc Mỹ và tay chấp nhận thất bại, ngồi vào bàn đám phán và ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973).

I- Đế quốc Mỹ mở chiến dịch “Pocket Money” phong tỏa biển miền Bắc Việt Nam bằng thủy lôi và bom từ trường

1Lần 1: Khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, đế quốc Mỹ phải chuyển sang “Chiến tranh cục bộ”. Cùng với việc trực tiếp đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam, tháng 2/1965 chúng bắt đầu mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất bằng việc sử dụng nhiều lực lượng không quân, hải quân. Phong tỏa sông, biển bằng thủy lôi, bom từ trường là một bước leo thang cao hơn của Mỹ nhằm cô lập, cắt đứt đường viện trợ và ngăn chặn tối đa sự chi viện của các nước XHCN cho miền Bắc và ngăn chặn miền Bắc chi viện sức người, sức của vào miền Nam, coi đó là “biện pháp bổ sung chứ không phải thay thế cho cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam” ([1]) .

Từ đêm 26/2 đến ngày 20/5/1967, lực lượng Đặc nhiệm 77 của Mỹ ở Biển Đông huy động máy bay hải quân trên tàu sân bay thả nhiều đợt với tổng số 106 quả thuỷ lôi MK50, MK52 và hàng nghìn bom từ trường DST-36 (Mod0) tại 4 cửa sông lớn ở nam Khu 4 để thăm dò dư luận. Sau đó, từ tháng 6/1967 đến đầu năm 1968, địch phong toả từ Khu 4 ra phía Bắc. Tổng cộng, chúng thả 6.680 quả thuỷ lôi và bom từ trường xuống hầu hết 24 cửa sông lớn, nhỏ và các luồng lạch ven biển của miền Bắc. Nếu tính cả trên bộ, các đầu mối giao thông quan trọng thì địch thả tổng số trên 74.000 quả bom mìn các loại [2].

2- Lần 2: Ngày 16 tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ đã cho máy bay chiến lược B52, tàu chiến Hải quân Mỹ đánh phá ác liệt Hải Phòng và các vùng phụ cận. Ngày 9 tháng 5 năm 1972, chúng mở đầu chiến dịch “Pocket Money”, cho máy bay từ tàu sân bay ồ ạt thả thuỷ lôi, bom từ trường phong toả cảng Hải Phòng, vùng biển Hòn Gai, Cẩm Phả và các luồng lạch chính từ Hải Phòng vào Khu 4 nhằm “đưa Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Tính đến tháng 1/1973, đế quốc Mỹ đã thả tổng cộng 17.080 quả bom, mìn các loại xuống miền Bắc, trong đó có 7.963 quả thuỷ lôi và bom từ trường (Mod 1, 2, 3) xuống các khu vực sông, ven biển thuộc 10 tỉnh duyên hải từ Quảng Ninh đến Quảng Trị ([3]). Các khu vực bị phong toả nặng nhất là Hải Phòng: 1.733 quả (có 120 thủy lôi), Cửa Hội: 1.352 quả, Hòn La: 1.162 quả…

                         Hình 1: Máy bay Mỹ thả bom DST36 phong tỏa sông biển miền Bắc lần thứ hai (1972).

3– Đội hình và kỹ thuật, chiến thuật:

Địch sử dụng Lực lượng đặc nhiệm 77, có các cụm tàu sân bay (lúc cao nhất là 6 cụm); mỗi tàu chở từ 70-80 máy bay các loại; kèm theo đó là 2-4 tàu tuần dương, 24-35 tàu khu trục, 3-4 tàu ngầm, 20 tàu yểm trợ hậu cần, 6-11 tàu đổ bộ…

Vì điều kiện địa lý chiến trường Vịnh Bắc Bộ phức tạp và để tránh lực lượng phòng thủ bờ biển cuả ta nên địch không sử dụng tàu mặt nước và tàu ngầm mà dùng máy bay để thả thủy lôi và bom từ trường. Các máy bay A6A, A3B mang được 10-12 quả DST36 hoặc 3-5 quả MK52; A7E mang được 8-12 quả DST36 hoặc 2 quả MK52. Khi thả thủy lôi, máy bay thường bay với vận tốc 200-300 hải lý/giờ; độ cao 200-300m (khi thả bom từ trường từ, độ cao nhỏ hơn); thường bay đơn lẻ hoặc phi đội 2 chiếc, bay đội hình bậc thang, đường bay 2 chiếc gần trùng nhau và có độ chênh từ 1-2 phút để đảm bảo an toàn; thả làm nhiều lần xuống một khu vực. Chúng thường thả giữa luồng tàu chạy hoặc cắt chéo lòng sông. Máy bay bay bằng để thả, không bổ nhào như ném bom, chỉ lượn vòng một lần để thả, sau đó bay ra biển. Thủy lôi thường được thả ban đêm, thả bổ sung nhiều đợt, kết hợp dùng máy bay nghi binh, tìm diệt tàu thuyền, lực lượng phòng không và ngăn chặn lực lượng rà phá thủy lôi của ta. Cả hai lần phong tỏa, địch dùng chủ yếu các loại máy bay hải quân chuyên dụng A6A, A3B, A7E (có trang bị ra đa tốt, bay trong mọi thời tiết); lợi dụng đêm tối, thời tiết phức tạp để thả lén trên 14.000 thủy lôi và bom từ trường. Địch thả loại thủy lôi đáy (không sử dụng thủy lôi neo và thủy lôi trôi) và bom từ trường nổ chậm, kết hợp bom phá nổ tức thì (nơi ta có mật độ tàu thuyền cao).

Hình 2: Thủy lôi MK50 và MK52 (dưới).

Thủy lôi MK50 nổ theo nguyên lý tác động không tiếp xúc bằng âm thanh; dùng để phá hủy tàu thuyền chạy bằng động cơ khi đi qua phát ra tiếng động; có khối lượng 260kg, chứa 130kg thuốc nổ; đường kính 34cm, dài 126cm; định thời gian an toàn đến 1.000 ngày đêm; định lần đến 14; định thời gian tự hủy đến 145 ngày; độ sâu tác dụng trên 4m. Thủy lôi MK52 nổ theo nguyên lý không tiếp xúc bằng từ trường, dùng để phá tàu thuyền vỏ sắt thép, có khối lượng 542-572kg, thuốc nổ HBX 300-350kg, đường kính 34cm, dài 225cm. Thủy lôi MK52 định thời gian an toàn đến 90 ngày đêm; định lần từ 1-30; định thời gian tự hủy trên 1 năm; độ sâu tác dụng 4-6m, dùng để phong tỏa cảng biển và các cửa sông với thời gian kéo dài khá lâu (gần 5 tháng).  Khi được thả, thủy lôi MK50 MK52 có dù lớn để giảm tốc độ rơi và định hướng đầu nổ.

Bom từ trường DST36, lắp ngòi nổ MK42 và MK30 (còn gọi là mìn từ trường MK42): Ngòi nổ hoạt động theo nguyên lý cảm ứng từ trường, sử dụng để diệt mục tiêu (nhiễm từ, phát từ, có sắt thép) di động gần nó cả trên bộ và dưới nước. Bom có tác dụng và cấu tạo như bom phá nổ chậm MK82 cỡ 500 bảng Anh, chiều dài 145cm, đường kính 28cm, khối lượng 227kg, chứa 93kg thuốc nổ. Loại bom này có cánh đuôi dù bằng kim loại, mở ra khi thả từ máy bay xuống.

Ở lần phong tỏa thứ hai, Mỹ không sử dụng MK50, nhưng cải tiến đầu nổ MK42 từ Mod 0 đến Mod 3; cải tiến đầu nổ thủy lôi MK52 thành đầu nổ suy giảm số 5 để đánh tàu lớn, có trọng tải trên 800 tấn. Tuy nhiên, Mỹ phải phân tán đối phó trên nhiều chiến trường, do đó việc tập trung vào phong tỏa bị hạn chế. Khi bị ta đánh trả thì máy bay Mỹ buốc phải né tránh, thả không đúng ý đồ chiến thuật, vì vậy không phát huy được hết tác dụng của vũ khí thủy lôi, nhất là ở khu vực gần bờ. Mặt khác, do giá thành rất đắt nên những loại thủy lôi hiện đại như MK52 được sử dụng với số lượng hạn chế.

III- Cuộc chiến đấu chống phong tỏa của quân và dân miền Bắc

Với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên [4], cả hai lần, nhất là lần thứ hai, quân và dân ta đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật và chiến thuật, thông qua các nội dung chính sau đây:

1- Tổ chức quan sát: Ta tổ chức tập huấn cho hàng ngàn cán bộ, nhân viên quan sát và tổ chức mạng quan sát chắc chắn, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu qủa. Có trên 1.000 đài trạm quan sát từ Quảng Ninh tới nam Quân khu 4; trong đó có trên 110 trạm của Hải quân, gồm các trạm ra đa, các đài trạm quan sát mắt phòng không và hệ thống quan sát biển … nên ta sớm quan sát, nhận dạng, phát hiện theo dõi được hành động di chuyển của tàu sân bay và các máy bay đi ném bom, rải mìn; theo dõi được số lượng, đánh dấu lên bản đồ tương đối chính xác các khu vực, bãi thủy lôi và bom từ trường.

2- Rà quét thí điểm: Đội 8 công binh Hải quân là đơn vị chủ lực trong mò, tìm, tháo gỡ thủy lôi, bom từ trường để nghiên cứu kỹ thuật (đáng chủ ý là tháo nguyên vẹn những quả thủy lôi đầu tiên ở cả 2 lần chống phong tỏa) [5]; đồng thời tổ chức huấn luyện cho các lực lượng khác cách thức mò tìm, tháo gỡ, rà phá thủy lôi…Sau khi tháo gỡ, mổ xẻ, nghiên cứu tìm hiểu bí mật, cấu tạo và nguyên lý hoạt động của thủy lôi, bom từ trường mò vớt được, ta khẩn trương nghiên cứu chế tạo các thiết bị rà phá: HDL9, HT5, HT6 (và nhờ nước bạn chế tạo thêm 480, 311 phỏng theo HT5, HT6). Lần 1, ta sử dụng các thiết bị này đặt trên tàu hoặc kéo theo tàu để rà phá thành công, nhưng lần 2 những thiết bị nói trên không phát huy tác dụng đối với vũ khí đã được địch cải tiến. Lần 2, ta sử dụng 5 phương thức: mò lặn, thả bộc phá, bắn pháo kích nổ; kéo khung dây điện từ sau tàu và dùng tàu xuồng phóng từ mạnh để rà phá thủy lôi, bom từ trường.

Hình 3: Ông Trương Thế Hùng đang tháo thủy lôi

Sau khi dùng tàu T150 sử dụng thiết bị nhẹ như kiểu 480, 311, và HDL-9 chỉ phá nổ bom từ trường, không nổ thủy lôi, ta dùng T150 kéo khung dây điện từ phá nổ 1 thủy lôi MK52 tại phao số 24, Hoàng Châu, Cát Hải (6/1972). Sau khi Xưởng 46 Hải quân cải tiến tàu Tăng-kit V412 với kiểu cuốn các cuộn dây xung quanh tàu và sử dụng máy phát điện một chiều công suất lớn, biến con tàu thành bộ phóng từ mạnh, phá nổ thủy lôi MK2 ở phao số 20 luồng Nam Triệu (27/7/1972)[6]. Sau đó, Cục Vận tải đường biển cũng chế tạo được thiết bị phóng từ mạnh tương tự (ĐB/72/3) vào tháng 10/1972. Đến đây ta khẳng định hoàn toàn làm chủ công nghệ rà phá thủy lôi và bom từ trường.

  • Tổ chức tìm luồng mới để vòng tránh, sơ tán lực lượng. Hải quân và Cục Vận tải đường biển sử dụng tàu đi trinh sát, tìm cảng và luồng lạch mới chưa hoặc ít bị phong tỏa để di chuyển tàu thuyền, vận chuyển hàng hóa.
  • Tổ chức rà quét trọng điểm: Riêng năm 1972, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 171 cùng Đội 8 và các đơn vị trung đoàn 172, 128, Trường Sĩ quan Hải quân phối hợp với Cục Vận tải đường biển cùng lực lượng tại chỗ của Hải quân và địa phương. Kết quả, ta cơ bản khai thông các cửa sông và luồng lạch chính như: Nam Triệu – Hải Phòng (10/1972); luồng Hòn Gai và Cửa Ông (15/8 và 30/8); Sông Lam (17/9); Sông Gianh (11/12)…

Hình 4: Ông Hùng  (thứ hai, bên phải) chỉ huy đồng đội kéo thủy lôi MK52 lên canô (1972).

Từ ngày 18 đến 29 tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ điên cuồng mở chiến dịch Lai-nơ-Bếch-cơ II, dùng máy bay ném bom chiến lược B52 và các máy bay chiến thuật hiện đại nhất, tập trung đánh phá ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng và lân cận, kết hợp dùng tàu chiến bắn phá ác liệt các vùng ven biển; đồng thời tiếp tục cho máy bay thả thuỷ lôi, bom từ trường xuống phong toả luồng Nam Triệu và các khu vực cảng chính Hải Phòng, chia cắt, cô lập các đầu mối giao thông thuỷ bộ miền Bắc… Cụ thể là, Mỹ thả thủy lôi ở luồng Nam Triệu – Hải Phòng ngày 18/12/1972, Cẩm Phả, Hòn Gai ngày 30/12/1972, cảng Sông Gianh (6/1/1973), Cửa Hội (13/1/1973); sau đó là các luồng lạch thuộc Khu 4 ngày 15/1/1073… Ta tiếp tục tổ chức lực lượng rà quét, giải phóng luồng Nam triệu vào ngày 18/1/1973, trước khi Hiệp định Pari được ký kết (27/1/1973).

  • Rà quét dứt điểm, giải quyết hậu quả thủy lôi và giám sát Mỹ thi hành Hiệp định Pari: Hải quân phối hợp với công binh của các quân khu, Cục Vận tải đường biển xây dựng đề án, tổ chức rá quét kiểm tra; sử dụng rộng rãi lực lượng và phương tiện; khoanh ô, phân vùng, sử dụng câc tàu quét từ mạnh rà quét trùng khít, khép kín tới 30 lần ở luồng chính Nam Triệu – Hải Phòng và những nơi có mật độ bom mìn cao. Từ tháng 3 đến 5/1973, ta đã khai thông toàn bộ luồng Nam Triệu- Hải Phòng và các luồng phía Đông Bắc như Hang Trống, Đồng Tráng, cảng Cửa Ông,, Vịnh Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Văn Úc… Tháng 6/1973, ta tổ chức cho 2 tàu phóng từ mạnh rà quét các luồng lạch thuộc Khu 4, tới tận Cửa Việt- Quảng Trị, không có thủy lôi và bom từ trường nổ. Ở những nơi trọng điểm và có điều kiện, ta dùng tàu phòng từ của Hải quân đi trước, tàu kéo sà lan chở nước có mớn nước lớn đi sau, vòng đi vòng lại 30 lần, không phát hiện gì thêm, đề nghị cho thông luồng.

Hình 5: Thiết bị HDL9 và HT5, HT6 (phía trước, bên phải).

  • Ở lần chồng phong tỏa thứ hai, Hải quân đã huy động trên 1.000 lần chiếc tàu, trong đó có 878 lần chiếc trực tiếp rà phá thuỷ lôi, bom từ trường ở nhiều khu vực, trong đó có các luồng lạch khu vực trọng điểm Hải Phòng – Quảng Ninh với hơn 400 ngày đêm liên tục, hành trình 13.000 hải lý, phá nổ 1.151 quả thuỷ lôi và bom từ trường; quan sát được trên 1.000 quả tự nổ [7]. Đội phá lôi Bảo đảm hàng hải, Cục Vận tải đường biển sử dụng 14 tàu với hàng trăm lượt tàu sử dụng các thiết bị PĐ67/3, T480, ĐB67/72, phá nổ 466 quả các loại[8]. Đội tàu của Trung Quốc huy động 5 đợt với tống số 318 lượt người, 16 lượt tàu các loại (trong đó có 12 lần chiếc tàu quét lôi loại nhỏ), phá nổ một số thủy lôi và bom từ trường, chủ yếu là ở luồng Hải Phòng- Đông Bắc, ngoại vi luồng Nam Triệu[9].

Hình 6: Tàu V412 của Đoàn 125 phối thuộc cho Tiểu đoàn 1, Đoàn 171 Hải quân rà quét thủy lôi ở cửa Nam Triệu-Hải Phòng (1972).

7- Ban Chỉ đạo chống phong tỏa của Chính phủ cử đồng chí Hoàng Hữu Thái – Phó Tư lệnh Hải quân làm Trưởng đoàn đại biểu (8 người) đại diện của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, đấu tranh yêu cầu Chính phủ Mỹ tôn trọng và thực hiện Nghị định thư (kèm theo Hiệp định Pari); đồng thời chỉ đạo Trung đoàn 171 phối hợp với lực lượng của Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Bộ Tư lệnh 350 theo dõi, giám sát lực lượng đặc nhiệm 78 của Hải quân Mỹ thực hiện Nghị định thư, tham gia rà phá thủy lôi “kéo cày trả nợ”, chủ yếu ở khu vực ngoài cửa Nam Triệu, Cửa Cấm và Lạch Huyện (Hải Phòng) và một số khu vực khác bằng các biện pháp: lập các trạm quan sát, theo dõi, đánh dấu khu vực đã rà quét; canh phòng bảo vệ khu vực đã quy định, cùng kiểm tra đánh giá kết quả, đặt phao tiêu báo hiệu…; góp phần giành thắng lợi trên nhiều mặt; rút được nhiều bài học, kinh nghiệm bổ ích trong chống địch phong tỏa sông biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường [10]. (Theo Nghị định kèm theo Hiệp định Pari, tháng 2- 6/1973, Mỹ điều lực lượng Đặc nhiệm 78 gồm 18 tàu chuyên dụng, 34 trực thăng, 4.632 sĩ quan và nhân viên kỹ thuật tham gia Chiến dịch End Sweep; sử dụng 143 lần chiếc trực thăng quét 1.547 lượt, bị cháy 1 tàu quét mìn EMSO, 1 trực thăng CH53 chìm xuống biển; chết 1, bị thương 9 tên; nhưng chỉ phá nổ được 3 quả thủy lôi phía ngoài luồng Nam Triệu).

  • Kết quả: Quân và dân miền Bắc đã làm nên một “Điện Biên Phủ duới nước”, đánh bại ý chí và các chiến dịch phong tỏa sông biển miền Bắc bằng thuỷ lôi và bom từ trường của đế quốc Mỹ (1965-1973). Điều đó khẳng định chúng ta đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của quân và dân miền Bắc, lấy Hải quân nhân dân làm nòng cốt. Hải quân nhân dân Việt Nam còn là trung tâm hiệp đồng các lực lượng chống phong toả; trực tiếp rà phá 2.398 quả thuỷ lôi và bom từ trường (lần thứ nhất 1.247 quả; lần thứ hai 1.151 quả) trong tổng số 13.346 quả mà toàn quân toàn dân ta đã rà phá, chiếm 18%. Nếu chỉ tính riêng bộ đội và công binh chủ lực thì Hải quân rà phá được 2.398/3.906 quả = 61,4% ([11]). Đội 8 Công binh, Tiểu đoàn 1 – Trung đoàn 171 là các đơn vị làm nòng cốt trong hoạt động chống phong toả của Hải quân được Đảng và Quốc hội tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVTND; cùng một số đơn vị, cá nhân được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và các phần thưởng cao quý khác của Nhà nước ([12]).

IV- Một số kinh nghiệm và bài học chính trong chống phong tỏa lần 1 (1967-1968) và lần 2 (1972-1973) là:

Một là, chấp hành nghiêm mệnh lệnh; chủ động tổ chức xây dựng lực lượng; xây dựng kế hoạch, đề án;

Hai là, tổ chức hệ thống quan sát rộng khắp, hiệu quả; tháo gỡ những quả thủy lôi đầu tiên; huấn luyện cho các đơn vị hải quân và các lực lượng khác;

Ba là, tổ chức nghiên cứu chiến thuật, kỹ thuật; sản xuất phương tiện và linh hoạt, quyết liệt tổ chức rà phá thủy lôi và bom từ trường từ đầu đến cuối;

Bốn là, Hải quân đảm nhận nhiệm vụ phá lôi ở luồng chính, khu vực trọng điểm, đồng thời là trung tâm chỉ huy hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đông đảo của Cục Vận tải đường biển, lực lượng khác và nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp chống phong toả.

*Thay lời kết

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng trong quá trình bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, chúng ta vẫn phải cảnh giác và phải luôn có một lực lượng khung sẵn sàng chống phong tỏa. Bởi vì hiện nay 60 nước trên thế giới vẫn có thủy lôi trong kho dự trữ của họ. Thủy lôi ngày một cải tiến tinh vi, thậm chí là vũ khí thông minh như thủy lôi MK60 Captor của Mỹ, có hệ thống tự điều khiển; khi thả nó nằm im dưới đáy biển, nhưng khi bắt được tín hiệu mục tiêu xác định xuất hiện thì nó tự động lao lên tấn công mục tiêu tàu thuyền đối phương như một ngư lôi chủ động. Mặt khác, rà quét và giải quyết hậu quả thủy lôi hết sức khó khăn, phức tạp và tốn kém. Ví dụ, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đồng minh tổ chức một ủy ban giải quyết hậu quả thủy lôi, chủ yếu ở khu vực Địa Trung Hải, với sự tham gia của lực lượng phá lôi của hàng chục nước trong gần một năm trời, phá nổ nhiều nghìn thủy lôi, bom mìn nhưng nhiều chục năm sau vẫn con tàu thuyền  bị chìm do thủy lôi nổ. Ví dụ khác, bom, mìn, thủy lôi vẫn liên tục gây họa cho người dân Việt, vì chúng sẽ còn tồn tại lẫn trong đất đá và có thể gây tai họa cho nhiều thế hệ hoặc hàng nhiều chục năm nữa. Vụ nổ lớn tại quận Hà Đông ngày 19/3/2016 làm 4 người chết, 10 người bị thương, hơn 100 ngôi nhà hư hỏng… là một lời cảnh báo thật khó quên./.

Tài liệu tham khảo:

(1). Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chống phong toả thuỷ lôi, bom mìn của địch ở các cảng, cửa sông, ven biển miền Bắc (9/5/1972 đến 30/6/1973) của BTL Hải quân, số 382/TC ngày 27/8/1973, hồ sơ 382 lưu VT-BM, QCHQ.

(2). Chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Nxb Quân đội nhân dân, 1982, trang 34.

(3). Chiến tranh nhân dân địa phương trong KCCMCN 1954-1975-chuyên đề DQTV biển, Nxb Quân đội nhân dân, 1977, tr.127.

(4). Tổng kết công binh toàn quân, toàn dân đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc (1965-1972), số TKB.98, lưu BTL Binh chủng Công binh.

[1]  Chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Nxb Quân đội nhân dân, 1982, trang 34.

[2] Từ ngày 28/11/1965, Mỹ thả loại mìn cảm thụ chấn động Mineland MLU-10B xuống đoạn đường sắt Lý Sơn, Hạ Hòa, Phú Thọ; sau khi thấy không hiệu quả đã ngừng thả. Ngày 30/9/1966, Mỹ đã thả thủy lôi trôi (mìn trôi 8 cạnh) nhằm phá cầu Hàm Rồng, nhưng không hiệu quả nên ngừng thả.

[3]  – Chiến tranh nhân dân địa phương trong KCCMCN 1954-1975-chuyên đề DQTV biển, Nxb Quân đội nhân dân, 1977, tr.127.

[4] Lần 1: Chỉ thị số 390/CT-TM ngày 20/6/1966; Chỉ thị 16/CT-TM ngày 14/4/1967 của Bộ Tổng Tham mưu. Lần 2, chấp hành Nghị quyết số 81/QUTW ngày 3/5/1972 của Quân ủy Trung ương và Chỉ thị số 31/CT-TM ngày 16/5/1972 cuả BTTM giao cho Hải quân nhiệm vụ: Tổ chức mò tìm, tháo gỡ, rà phá thuỷ lôi, bom từ trường do địch thả ở các cảng, cửa sông, ven biển; phối hợp với các quân khu, quân binh chủng và chính quyền điạ phương tích cực thực hiện chống phong tỏa; tổ chức mạng lưới quan sát dọc ven sông biển, tiến hành tháo gỡ thủy lôi, tập trung nghiên cứu và tổng kết kinh nghiệm…”.

[5] Lần 1, ông Trương Thế Hùng (Đội phó Đội 8) cùng 2 chiến sĩ tháo được 2 quả MK-50 và MK-52 ở Nghệ An  ngày 15/3/1967; lần 2 ông Trương Thế Hùng (Đội trưởng Đội 8) cùng một số chiến sĩ trong Đội 8, Công an Biên phòng, dân quân xã Tràng Cát, An Hải, Hải Phòng, tháo được 2 quả MK-52 ở Hải Phòng ngày 13/5 và 18/5/1972). Cuối tháng 5/1972, ta dùng 1 ca nô C47 thả bom chìm,làm nổ 1 thủy lôi; dùng máy bay AN-2 thả 318 gói bộc phá loại 10kg, kích nổ 9 bom; dùng tàu  tuần tiễu, vận tải đổ bộ thả bom chìm kích nổ 17 bom từ trường.

[6] Sau đó, ta cải tiến thêm một số tàu tương tự, gồm các tàu V416, 418, 420, 422….

[7] – Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chống phong toả thuỷ lôi, bom mìn của địch ở các cảng, cửa sông, ven biển miền Bắc (9 tháng 5 năm 1972 đến 30 tháng 6 năm 1973) của BTL Hải quân, số 382/TC ngày 27 tháng 8 năm 1973, hồ sơ 382 lưu VT-BM, QCHQ.

[8] Hải phòng – Thành phố kiên cường, hậu phương lớn trong KCCMCN, Nxb Hải Phòng, 2007, tr.68.

[9] Có đối chiếu với tài liệu tổng kết “Trung Quốc giúp Việt Nam quét thủy lôi và bom từ trường” của Hải quân  Trung Quốc – lưu tại Văn thư-  bảo mật, BTL Hải quân.

[11]  – Hồ sơ 58, phông Hải quân;  công văn 382, hồ sơ 328, lưu BTL Hải quân; Tổng kết công binh toàn quân, toàn dân đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc (1965-1972), số TKB.98, lưu BTL Binh chủng Công binh. Trong khi đó, lực lượng Vận tải đường biển tổ chức rà quét gần 1.430 quả các loại (theo “Cuộc chiến chống phong tỏa đường biển: khúc tráng ca của ngành Hàng Hải
Việt Nam – Tổng công ty Bảo đảm an toàn miền Bắc- Website Cục Hàng Hải Việt Nam, 2014.

[12]   – Sau này, 11 đồng chí cán bộ hải quân được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Mình về khoa học công nghệ.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*