Quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền của VN tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Tác giả: Hồ Sĩ Qúy*

1. Ít nhất, từ thế kỷ XVII, Hoàng Sa không phải là lãnh thổ vô chủ (Terra Nullius)

Sử sách Trung Hoa suốt từ các đời Tần, Hán đến tận sau Thế chiến thứ II, không có tài liệu nào xác nhận, Biển Đông với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc (Biển Đông được người Trung Quốc và giới hàng hải gọi là中国南海 Trung Quốc Nam Hải, 花南Hoa Nam, South China Sea, người Philippines từ 2012 gọi là biển Tây Philippines, West Philippine Sea; quần đảo Hoàng Sa được người Trung Quốc gọi là西沙Tây Sa, tiếng Anh: Paracels và Trường Sa người Trung Quốc được gọi là 南沙 Nam Sa, tiếng Anh: Spratlys). Trong khi đó, không ít bản đồ phương Tây vẽ trước thế kỷ XIX, thư tịch cổ Trung Hoa do chính người Trung Hoa viết, lại đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.[1]

Phía Trung Quốc thường tuyên truyền chủ quyền của họ đối với biển Đông có từ hơn 2000 năm trước. Nhưng những chứng cứ chủ yếu lại chỉ là những ghi chép của người đương thời và người đời sau về các con đường hàng hải từ Trung Quốc ra nước ngoài, các hoạt động thám hiểm, buôn bán, đánh cá… và qua đó có ghi chép về địa lý, lịch sử, phong tục… ở các vùng mà những người chứng kiến đã đi qua. Cũng có tài liệu nói người đánh cá Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và các nước khác khi buôn bán, đánh cá hoặc gặp thiên tai trên biển… đã từng sống trên các đảo tuỳ theo mùa vụ, nhưng cụ thể từ khi nào và mùa vụ là bao nhiêu lâu thì chưa thấy tài liệu nào ghi chép thật rõ,[2] và chỉ riêng điều đó thì cũng không có ý nghĩa về mặt chủ quyền. Ở đây các nhà nghiên cứu đôi khi thường bắt gặp có sự nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn của những người làm sử thiếu khách quan. Theo luật pháp quốc tế, việc thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển đảo, ngày nay, không phụ thuộc vào việc phát hiện, thám hiểm hay thực thi buôn bán, làm ăn trên biển. Cũng không phụ thuộc vào sự hiểu biết của người quan sát về biển đảo. Từ thế kỷ thứ VIII, người Bắc Âu, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh… đã có tiếng là những Viking[3] gồm những nhà thám hiểm, nhà buôn, chiến binh, và cả những hải tặc đã tung hoành trên nhiều vùng biển của địa cầu. Những ghi chép của người Anglo-Saxon về hải dương từ lâu đã là nguồn tra cứu phong phú và quý giá của nhân loại. Tiếp theo là những người Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam… cũng có mặt ở nhiều vùng trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Phương Đông không có các Viking, ít các nhà thám hiểm nên người phương Đông có mặt trên biển chủ yếu là buôn bán, làm ăn, đánh cá…

Trước đây, phía Trung Quốc còn đưa thêm nhà thám hiểm người Hồi là Trịnh Hòa vào hồ sơ tranh chấp biển đảo. Nhưng thực ra Trịnh Hòa chỉ đi ngang qua biển Đông và các ghi chép về 7 chuyến đi của ông cũng không thấy nói gì đến Hoàng Sa, Trường Sa: Từ năm 1405-1433, Minh Thành Tổ cử Đô đốc Thái giám Trịnh Hòa chỉ huy đoàn thám hiểm “hạ Tây dương” 7 lần đến Ấn Độ Dương và Biển Ả Rập nhằm thiết lập bang giao với trên 30 quốc gia duyên hải, triển khai Con đường Tơ lụa trên biển tại Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông. Những chuyến hải hành của Trịnh Hòa trên thực tế không hề dừng ở Biển Đông. Trạm trú chân duy nhất của đoàn trong khu vực này là Đồ Bàn (Chaban) thủ phủ Chiêm Thành bấy giờ. Sau khi Minh Thành Tổ mất, triều Minh đã phê phán những cuộc hải trình này chỉ là phô diễn và làm suy yếu kinh tế quốc gia.[4] (Gần đây, khi đụng đến những vấn đề Biển Đông, các chuyến thám hiểm của Trịnh Hòa không còn được phía Trung Quốc nhắc đến như trước đó nữa).

Trên thực tế, kể từ Định ước Berlin năm 1885, nguyên tắc “quyền phát hiện” và nguyên tắc “chủ quyền lịch sử” không còn phù hợp và đã bị thay thế bới nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” và “có hiệu lực”. Ngày nay, nguyên tắc chiếm hữu biển đảo còn được quy định chặt chẽ hơn: thực sự, không gián đoạn, hòa bình và minh bạch.[5] Nghĩa là, nếu giả sử luật pháp quốc tế vẫn còn căn cứ vào luận thuyết chủ quyền lịch sử hay sự phát hiện biển đảo để xác định chủ quyền thì quyền chiếm hữu và sở hữu các châu lục ngày nay hầu hết đã thuộc về các Viking, các nhà thám hiểm hoặc các tay cướp biển Tây Âu.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa được các triều đại phong kiến Việt Nam thực thi từ rất sớm. Có tài liệu nói từ thế kỷ XV. Nhưng rõ nhất là từ đầu thế kỷ XVII đến tận năm 1932, khi Pháp chính thức tuyên bố kế thừa và tiếp tục chủ quyền tại hai quần đảo này, các triều đại phong kiến Việt Nam đều đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền thực tế đối với Hoàng sa và Trường Sa. Quá trình này diễn ra một cách liên tục, với những hoạt động kinh tế – xã hội rất hòa bình và lúc đó cũng chưa hề có tranh chấp. Về mặt pháp lý, ít nhất từ thế kỷ XVII, Hoàng Sa đã không còn là lãnh thổ vô chủ nữa (Terra Nullius).[6]

Năm 1698, Hoàng Sa trở thành địa danh nổi tiếng được các nhà hàng hải phương Tây biết đến qua các biên niên sử hàng hải với các vụ mắc cạn của tàu l’Amphitrite dưới thời vua Louis XIV khi đi từ Pháp sang Trung Quốc.[7] Nghĩa là, Hoàng Sa được biết đến như một bãi cát nguy hiểm ở vùng Biển Đông Việt Nam. Tàu bè quốc tế đến vùng này nếu không biết có thể mắc cạn, làm mồi cho đói, khát và chết.

Thời các Chúa Nguyễn, tức là từ giữa thế kỷ XVI cho đến khi Tây Sơn chiến thắng năm 1777, hàng năm các Chúa nguyễn đều phái người ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ trên đảo nhằm thực thi chủ quyền và thu hoạch sản vật trên đảo cùng những sản vật của các tàu bị đắm trôi dạt vào đảo. Trong sách “Lịch triều Hiến chương loại chí” Quyển “chi Ngũ dư địa chí”, trang 11a, 12a, Phan Huy Chú ghi chép: “Các vương triều trước (thời các Chúa Nguyễn) đặt đội Hoàng Sa 70 suất, người xã An Vĩnh luân phiên đi. Hàng năm vào tháng 3 nhận chỉ thị sai đi, mang 6 tháng lương, dùng 5 chiếc thuyền nhỏ, trương buồm xuất dương, 3 ngày 3 đêm đến đảo. Đến đây mặc tình đánh bắt cá ăn, được đồ quí khí vật trên thuyền rất nhiều, lại lấy được hải sản rất nhiều. Tháng 8 trở về, vào cửa Eo (Thuận An) để đến thành Phú Xuân”.[8]

Năm 1753, một sự kiện có liên quan đến chủ quyền Hoàng sa xảy ra với những người lính của Đội Bắc Hải đã được Lê Quý Đôn ghi chép khá kỹ trong “Phủ biên tạp lục”: “Hoàng Sa gần Hải Nam, châu Liêm. Người đi thuyền thường gặp người Bắc quốc (Trung Quốc) đánh cá ngoài biển, hỏi thăm thì được biết họ là người huyện Văn Xương, Quỳnh Châu. Quan Chính đường sưu tra công văn trong đó kể rằng vào tháng 7 năm Càn Long thứ 18 (1753), 10 người lính thuộc đội Cát Liêm, xã An Bình, huyện Chương Nghĩa (Quảng Ngãi ngày nay) đến Vạn Lý Trường Sa 萬里長沙 thu thập các vật, 8 tên lính lên bờ thu thập, chỉ có 2 người lưu lại giữ thuyền. Chợt cuồng phong nỗi lên, đẩy thuyền xa đến cảng Thanh Lan 青瀾港 (Hải Nam, Trung Quốc). Viên quan tại đây điều tra sự thực bèn cho áp giải trở về. Nguyễn Phúc Chu sai Cai bạ Thuận Hóa Thức lượng hầu gửi thư phúc đáp”.[9] Sự kiện này cũng là một dấu hiệu về việc người Trung Quốc không coi Hoàng Sa là của mình.

Năm 1816, vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo Hoàng Sa, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình. Khâm sứ Pháp tại Đông Dương Jules Brevie đã ra lệnh thành lập cơ quan hành chính quản lý quần đảo Hoàng Sa và cho dựng trên quần đảo một tấm bia có dòng chữ “Cộng hòa Pháp – Vương quốc An Nam – quần đảo Hoàng Sa, 1816”.[10]

Năm 1835, vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiệm vụ khai thác, tuần tiễu, thu thuế trên đảo, và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi người Pháp vào Đông Dương. Từ đó đến năm 1847-1848, việc quản lý hành chính các đảo này được triều Nguyễn duy trì nhằm giúp đỡ các cuộc hải trình và cũng để thu thuế ngư dân trong vùng.[11]

Theo nhà nghiên cứu Vũ Quang Việt, các dữ kiện lịch sử chiếm hữu Hoàng Sa cho thấy “Việt Nam đã có tuyên bố rõ ràng và thực thi quyền của mình ở Paracels ít nhất suốt 70 năm từ trước 1770 cho tới khi vua Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền năm 1816, và tiếp tục cho đến thời Minh Mạng được ghi rõ ràng trong chính sử Việt Nam cho đến 1837… Thời gian có mặt của Việt Nam ở Paracels như thế kéo dài liên tục ít nhất là 74 năm từ 1774 tới ít nhất là (từ lúc Lê Quý Đôn nói về chuyến đi Hoàng Sa cho tới năm sau khi Minh Mạng ra lệnh vẽ bản đồ), thời gian này được ghi nhận trong chính sử. Ý chí và hành động nhằm khẳng định chủ quyền được vua Gia Long và vua Minh Mạng đã thể hiện trong văn bản. Các chuyến ra đảo dù chỉ kéo dài nhiều nhất là sáu tháng nhưng liên tục năm này qua năm khác. Và như thế là đủ”.[12]

2. Nước Pháp công nhận việc thực thi chủ quyền của các triều đại phong kiến Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chịu trách nhiệm kế thừa

Năm 1884, Hiệp ước Patenotre Huế áp đặt chế độ thuộc địa, nước Pháp có nghĩa vụ bảo hộ, giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ xứ An Nam. Ngày 9/6/1885, Hiệp ước Pháp – Thanh tại Thiên Tân chấm dứt xung đột Pháp Thanh; Việt Nam vĩnh viễn thoát khỏi chế độ phên thuộc. Ngày 26/6/1887, Hiệp ước Pháp – Thanh ấn định biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa. Nghĩa là từ đây, mọi tuyên bố hay hành vi của Pháp về Hoàng Sa, Trường Sa, được hiểu là và trên thực tế là, đại diện cho Việt Nam, của Việt Nam.

Năm 1895 con tàu La Bellona và năm 1896 con tàu Imeji Maru bị đắm gần Hoàng Sa. Những người đánh cá ở Hải Nam đến thu lượm đồng từ hai chiếc tàu đắm này. Các công ty bảo hiểm của hai con tàu này phản đối chính quyền Trung Hoa. Chính quyền Trung Hoa trả lời là không chịu trách nhiệm, lấy lý do là Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Hoa, cũng không phải là lãnh thổ Việt Nam.[13]

Năm 1899, Toàn quyền Paul Doumer đề nghị chính phủ Pháp xây ngọn hải đăng nhưng việc này không thành vì lý do tài chính.

Vào năm 1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng ra lệnh cho đô đốc Lý Chuẩn đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa. Cuộc đổ bộ không quá 24 giờ. Họ kéo cờ và bắn súng để biểu thị chủ quyền của Trung Quốc. Sự kiện này không gây ra phản ứng gì của các nước, kể cả nước Pháp đại diện cho An Nam vì cho rằng đó chỉ là một nghi thức hải quân nhân chuyến thám sát đảo xa.[14] Sự kiện này cũng làm lộ ra mâu thuẫn trong lập luận của Trung Quốc. Nếu quần đảo Hoàng Sa đã được Trung Quốc chiếm cứ thực sự từ lâu, thì tại sao Lý Chuẩn lại không biết điều này và hành xử với tư cách là người lần đầu tiên phát hiện ra quần đảo.

Năm 1920, một công ty Nhật Bản là Mitsui Busan Kaisha xin phép Pháp khai thác quần đảo Hoàng Sa, Pháp từ chối. Cũng bắt đầu năm 1920, Pháp kiểm soát quan thuế và tuần tiễu trên đảo.

Ngày 30/3/1921, Tổng đốc Lưỡng Quảng tuyên bố sát nhập Hoàng Sa với Hải Nam, Pháp không phản đối. Ngay sau đó các nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội người Pháp ở Hà Nội đã chỉ trích Toàn quyền Đông Dương về thái độ này. Ngày 8/3/1925 Toàn quyền Đông Dương là Martial Henri Merlin long trọng ra tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trương Sa là lãnh thổ của Pháp. Chính phủ bảo hộ nhận trách nhiệm về chủ quyền của mình ở Hoàng Sa, Trường Sa và đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, kiểm soát và nghiên cứu khoa học.

Cũng bắt đầu từ năm 1925, Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành những thí nghiệm khoa học trên đảo Hoàng Sa do tiến sỹ Krempt tổ chức.

Năm 1927, Tàu De Lanessan viếng thăm quần đảo Trường Sa.

Đầu năm 1930, Ba tàu Pháp La Malicieuse, L’Alerte và L’Astrobale đã khảo sát chuẩn bị cho việc chiếm hữu quần đảo Trường Sa.

Ngày 13/4/1930, toàn quyền Đông Dương Pasquier điều Thông báo hạm La Malicieuse ra quần đảo Trường Sa. Tại đây, đại úy hải quân De Lattrie đã nhân danh nước Pháp bắn 21 loạt đại bác, tuyên bố chủ quyền toàn bộ các đảo ở Trường Sa với các vùng biển phụ cận và kéo cờ trên đảo “Île de la Tempête” (đảo Bão Tố, tức đảo Spratly, nay gọi là đảo Trường Sa Lớn). Văn bản báo cáo ghi rõ, Trường Sa nằm ở 8039 độ vĩ Bắc và 111055 kinh đông.

Ngày 23/9/1930 Pháp gửi thông báo ngoại giao tới các nước có liên quan về chủ quyền của Pháp trên đảo Trường Sa, Nói rõ: “Phủ Toàn quyền Đông Dương ra thông cáo để thông báo cho các nước thứ ba biết việc Cộng hòa Pháp chiếm hữu toàn bộ quần đảo Spratly (Trường Sa)”. Thông báo này cũng được đăng trên Công báo của Phủ Toàn quyền.

Năm 1931, Trung Hoa ra lệnh khai thác phân chim tại quần đảo Hoàng Sa, bán quyền khai thác cho Công ty Anglo – Chinese Development. Pháp phản đối.

Năm 1932, Pháp chính thức tuyên bố An Nam có chủ quyền lịch sử lâu đời trên quần đảo Hoàng Sa, sát nhập quần đảo Hoàng Sa với tỉnh Thừa Thiên. Nghĩa là Pháp công nhận và chịu trách nhiệm kế thừa chủ quyền của Việt Nam từ trước đó, tiếp tục thực thi chủ quyền tại hai quần đảo này. Đây là một bước đi quan trọng và là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền một cách liên tục đối với lãnh thổ quốc gia.

Năm 1933, quần đảo Trường Sa được sáp nhập với tỉnh Bà Rịa. Ngày 26/7/1933 nước Pháp ra thông báo chính thức về sự chiếm hữu các đảo Trường Sa trên nhật báo của Pháp. Pháp cũng đề nghị với Trung Hoa đưa vấn đề ra Toà án Quốc tế, nhưng Trung Hoa từ chối.

Việc thuyết phục nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương quan tâm ngày càng thiết thực hơn đến chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào những năm đầu thế kỷ XX, nên hiểu là một quá trình không đơn giản. Lúc đó, khác với ngày nay, việc chiếm hữu các đảo xa mang lại tốn kém, phức tạp, nguy hiểm nhiều hơn là lợi ích. Chính chủ quyền hiển nhiên đã có từ lâu trong lịch sử của các vương triều An Nam đối với biển đảo mới là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy các quan chức Pháp tại Hà Nội thiết tha hơn và cảm thấy trách nhiệm nặng nề hơn với Hoàng Sa, Trường Sa. Công đầu trong việc này thuộc về tờ tuần báo “Thức tỉnh kinh tế Đông Dương” (L’Éveil Économique de l’Indochine).

Tuần báo L’Éveil économique de l’Indochine ra số đầu tiên vào thứ bảy, ngày 16/6/1917 và số cuối cùng vào năm 1934. Người sáng lập, là Chủ bút và cũng là tác giả của nhiều bài viết trong tuần báo này là Henri Cucheroussset (1879 – 1934, ông qua đời tại Hà Nội và cũng là người đặc biệt yêu mến Hoàng Sa, chiến đấu không mệt mỏi cho chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa). Trong 835 số tuần báo, Chính phủ Pháp và An Nam đã triệt để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa với chính quyền Quảng Đông (lúc đó ly khai khỏi Trung Quốc và cũng không được Trung Quốc và các nước khác thừa nhận). Ông Henri Cucheroussset đã đưa vấn đề ra Thượng viện và Hạ viện Pháp, vì lý do Toàn quyền Đông dương ở Hà Nội không đủ nỗ lực quan tâm đến vấn đề. Trên tờ tạp chí này, các sự kiện sau đây đã được phản ánh:

    • Các đề nghị đối với chính quyền bảo hộ: Đặt trạm hải đăng, trạm khí tượng, trạm phát sóng cực ngắn, các phao đèn và cọc tiêu, vẽ các bản đồ quần đảo Hoàng Sa: tỷ lệ 1:200.000, & 1 :25.000; Xây dựng cảng cá và tổ chức nơi trú ẩn cho ngư dân, phát triển công nghiệp cá, phát triển các tầu đánh cá có thể đánh bắt xa bờ từ 2 đến 300 km ; Thiết lập hệ thống hành chính trên hai quần đảo và cần thiết có quân đội thường trú bảo vệ và tuần tra khu vực.[15]
    • Trách nhiệm của nước Pháp và các quan chức Pháp tại Đông Dương: Tác giả trách cứ một số quan chức Đông Dương vô trách nhiệm đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa như Ông Monguillot (Thống sứ Bắc Kỳ, có lúc được cử làm quyền Toàn quyền Đông Dương), Trung tá Rémy hạm trưởng Hải quân Pháp tại Sài Gòn và đặc biệt là ông Toàn quyền Pière Pasquier. Và nhờ đó, các chính khách đã quan tâm đến vấn đề quần đảo Hoàng Sa như Thượng nghị sĩ Albert Sarraut, Nghị sĩ Ernest Outrey, Thượng nghi sĩ Bergeon … và đề nghị tổ chức một hội nghị về quần đảo này tại Luxembourg (Thượng nghị viện Pháp) và lâu đài Bourbon (Hạ nghị viện Pháp).
    • Vỉa phốt phát có diện tích khoảng 4 triệu m2 có độ dầy trung bình 2m, tức 8 triệu mét khối và với có thể thu được 2 tấn / m3 phốt phát tức 16 triệu tấn. Phốt phát ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, chính quyền quản lí lơ là để Nhật Bản và Trung Quốc khai thác bất hợp pháp, không mang lại lợi ích nào cho An Nam.
    • Bằng con tầu Malicieuse, ngày 13/4/1930, nước Pháp đã chính thức đặt chủ quyền của An Nam dưới sự bảo hộ của Pháp đối với quần đảo Trường Sa.[16]
    • Chính quyền Pháp và An Nam đã dựng lại bia chủ quyền cho quần đảo Hoàng Sa trên đảo Pattle (đảo Hoàng Sa) với dòng chữ: République française – Royaume d’An Nam – Archipel des Paracels 1816 – île Pattle – 1938 (Cộng hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Paracels 1816 – đảo Pattle 1938). Chính quyền Pháp đã lần lượt đặt hai trạm khí tượng trên đảo Boisée (Phú Lâm) và trên đảo Pattle (Hoàng Sa). Trước đó, vào năm 1933, Quần đảo Trường Sa đã được sáp nhập với tỉnh Bà Rịa.

3.. Việt Nam “xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa” trước cộng đồng quốc tế tại Sanfransico 1951

Ngày 14/3/1933, Pháp cho đội tàu gồm Malicieuse, tàu pháo Arlete và hai tàu thuỷ văn Astrobale và de Lanessan từ Sài Gòn đến Trường Sa với hàng loạt các đảo như đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), cụm rạn London Reefs (Trường Sa Đông, đá Đông, đá Tây và đá Châu Viên gọi là London Reefs), bãi san hô Tizard (Ba bình, Bàn Than, Sơn ca, Núi thị, Én đất, Nam yết, Đá Lạc, Ga ven), bãi san hô Loại Ta, cụm rạn Thị Tứ và rạn Thám hiểm Phía Bắc. Tại từng địa điểm đi qua, người Pháp đã tổ chức nghi lễ chiếm hữu các đảo chính thuộc nơi đó. White Paper on the Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) Islands Republic of Vietnam Ministry of Foreign Affairs Saigon, 1975.

Ngày 19/7/1933, Bộ Ngoại giao Pháp ra bản thông báo về tuyên bố chủ quyền của Pháp, kèm theo danh sách liệt kê tên các đảo đã chiếm hữu, gồm: 6 thực thể

    1. Trường Sa Lớn; tuyên bố chủ quyền 13/4/1930 (île de la Tempête, Spratly).
    2. An Bang; tuyên bố chủ quyền 7/4/1933 (Caye-d’Amboine, Amboyna Cay; Trung Quốc gọi là 安波沙洲: An Ba sa châu).
    3. Ba Bình; tuyên bố chủ quyền 10/4/1933 (Itu-Aba, Đài Loan gọi là太平).
    4. Nhóm Song Tử; tuyên bố chủ quyền 10/4/1933 (Groupe de Deux-îles; Song Tử Đông (Northeast Cay, tiếng Filipino: Parola, Trung Quốc gọi là 北子岛 Bắc Tử đảo; & Song Tử Tây (Southwest Cay, Trung Quốc gọi là 南子岛 Nam Tử đảo),
    5. Loại Ta, tuyên bố chủ quyền 11/4/1933 (Loaita Island (South Island of Horsburgh); Trung Quốc gọi là 南钥岛 Nam Thược đảo)
    6. Thị Tứ; tuyên bố chủ quyền 12/4/1933 (Thitu Island; Trung Quốc gọi là中业岛 Trung Nghiệp đảo).

“Những hòn đảo nói trên và các đảo phụ thuộc từng đảo này thuộc chủ quyền của Pháp”

Từ ngày 24/7/1933 đến 25/9/1933, Pháp lần lượt thông báo cho các quốc gia có thể có lợi ích tại Trường Sa biết về hành động của Pháp. Trừ Nhật Bản, tất cả các nước được thông báo đều không phản đối; Trung Quốc, Hà Lan (đang kiểm soát Indonesia) và Mỹ đều im lặng.

Ngày 21/12/1933, thống đốc Nam Kỳ là Jean-Félix Krautheimer kí Nghị định số 4702-CP sát nhập số đảo trên và “các đảo phụ thuộc” vào địa phận tỉnh bà Rịa.

Năm 1939, Thứ trưởng Ngoại giao Anh là Butter tuyên bố rằng Pháp đã thực thi đầy đủ chủ quyền trên quần đảo.

Năm 1937, bất chấp sự phản đối của Pháp, Nhật chiếm các đảo nằm ngoài khơi Đông Dương, đổi tên thành Shinnan Gunto (Tân Nam Quần Đảo) và đặt dưới quyền tài phán của Cao Hùng (Đài Loan). Trong suốt thời gian Thế chiến II, các quần đảo bị Nhật tuyên bố là bị chiếm đóng.

Năm 1938, Pháp cho đặt bia đá, xây hải đăng, đài khí tượng và đưa đội biên phòng người Việt ra để bảo vệ đảo Pattle (đảo Hoàng Sa) của quần đảo Hoàng Sa. Ngày 4/4/1939, chính phủ Pháp gửi Công hàm phản đối các quyết định của Nhật và bảo lưu chủ quyền của Pháp tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 5/5/1939, Toàn quyền Đông Dương J. Brevie ký Nghị định số 3282 tách đơn vị hành chính Hoàng Sa thành 2 đơn vị: “Croissant và các đảo phụ thuộc”, “Amphitrite và các đảo phụ thuộc”.

Khi Chiến tranh Thế giới II sắp kết thúc, ba cường quốc Anh – Mỹ – Trung (lúc đó Tưởng Giới Thạch đại diện cho Trung Quốc) đã nhóm họp tại Cairo, Ai Cập ngày 27/11/1943 để bàn về những quyết định hậu chiến và ra Tuyên bố Cairo. Về biển đảo ở Thái Bình Dương, Tuyên bố viết rõ: “Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu Chiến tranh thế giới I năm 1914 và tất cả những lãnh thổ mà Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa”. Trong Tuyên bố này, Không có gì liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này có nghĩa rằng, Tuyên bố Cairo khẳng định các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc chỉ có “Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ”. Và ngày 26/7/1945, tại Posdam của nước Đức bại trận, các nguyên thủ quốc gia gồm Harry Truman, Winston Churchill và Tưởng Giới Thạch khẳng định các Điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện. Tuyên bố Potsdam về “các điều kiện định cho sự đầu hàng của Nhật” tương tự như một tối hậu thư đối với Nhật Bản. Sự thực thì Trung Quốc lúc đó đã quá thỏa mãn với phần thưởng hậu chiến là có được Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ, mà không có Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 15/8/1945, Nhật Bản thua trận phải rút khỏi Đông Dương và ngày 26/8/1945, quân đội Nhật phải rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 6/1946, Pháp khôi phục lại sự có mặt của mình tại Hoàng Sa tại đảo An Vĩnh, nhưng ngay sau đó phải rút vì lý do chi viện cho chiến cuộc đang căng thẳng ở Bắc Việt Nam.

Chúng tôi một lần nữa muốn lưu ý rằng, suốt chiều dài lịch sử cho đến tận năm 1945, ngoài nỗ lực thị uy của chính quyền Quảng Đông năm 1909, Trung Quốc không hề có sự chiếm cứ thực sự, liên tục hay sự quản lý hành chính thực tế nào trên các đảo ở biển Đông.

Cuối năm 1946, Trung Quốc (lúc đó là Chính thể Tưởng Giới Thạch) đưa quân chiếm đóng đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa), sau khi Pháp đặt bia chủ quyền ở đó. Tháng 1/1947, Trung Quốc đổ bộ lên đảo Woody (Phú Lâm) của quần đảo Hoàng Sa. Pháp lập tức phản đối việc xâm phạm trái phép này của Trung Quốc và cử một phân đội ra quần đảo Hoàng Sa, lập đồn binh và xây trạm khí tượng. Các trạm khí tượng này hoạt động trong suốt 26 năm với những nhân viên Việt Nam cần mẫn cho đến khi Trung Hoa đại lục cưỡng chiếm bằng quân sự vào năm 1974. Ngày nay thông tin về khí tượng thủy văn phát đi từ Hoàng Sa vẫn được toàn thế giới biết đến với danh nghĩa một trạm khí tượng của một hòn đảo nhiệt đới Việt Nam. Hai bên đàm phán tại Paris. Cũng năm 1947, Pháp đề nghị đưa vấn đề tranh chấp ra Trọng tài quốc tế nhưng Trung Hoa lại từ chối.

Tháng 10/1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, chính phủ Trung Hoa Dân quốc chạy ra Đài Loan. Tháng 5/1950, Quân đội Quốc dân Đảng phải rút khỏi các đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và Ba Bình (quần đảo Trường Sa). Các trại đồn trú của Pháp vẫn được tiếp tục duy trì ở Hoàng Sa.

Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý quần đảo này. Thủ hiến Trung phần Việt Nam lúc bấy giờ là Phan Văn Giáo đã chủ trì việc chuyển giao quyền hành quản lý quần đảo Hoàng Sa. Một năm sau đó, với thế giới và với Hoàng Sa – Trường Sa, đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đó là hội nghị San Francisco, California (Mỹ) giữa lực lượng Đồng minh với Nhật Bản.

Trước khi hội nghị San Francisco diễn ra, Trung Quốc đại lục đã thể hiện yêu sách của họ đối với các quần đảo qua tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai ngày 15/8/1951. Nhưng chính quyền Tưởng Giới Thạch thì không phản ứng gì. Lúc đó, đa số các nước vẫn công nhận chính phủ Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch là đại diện chính thức cho Trung Quốc.

Hội nghị San Fransisco diễn ra từ ngày 5/9 đến 8/9/1951, có phái đoàn của 51 quốc gia tham dự để thảo luận về vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á – Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến. Trong hội nghị này, Trung Hoa Đại lục và Trung Hoa Dân quốc không được mời tham dự do giữa Mỹ và Liên Xô không thống nhất được ai là người đại diện chính thức cho quyền lợi của Trung Hoa.

Ngày 5/9/1951, Ngoại trưởng Liên Xô Gromyko đã đề nghị 13 khoản tu chính. Trong đó, có khoản tu chính liên quan đến việc Nhật Bản nhìn nhận chủ quyền của Trung Hoa đại lục đối với đảo Hoàng Sa. Hội nghị bác bỏ với 46 phiếu chống, 1 phiếu trắng và 2 phiếu thuận.[17] Danh nghĩa chủ quyền Trung Quốc đối với các quần đảo ngoài khơi Biển Đông đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ rõ ràng trong khuôn khổ của một hội nghị quốc tế.

Ngày 7/9/1951, cũng tại hội nghị, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ Bảo Đại là Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam: “Cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt các mầm mống tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.[18] Kết thúc hội nghị là việc ký kết Hòa ước với Nhật ngày 8/9/1951. Trong hòa ước này, ở Điều 2, đoạn F, ghi rõ: “Nhật Bản khước từ mọi chủ quyền và đòi hỏi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. 50 phái đoàn nghe lời tuyên bố của phái đoàn Việt Nam, không quốc gia nào phản đối.[19]

Sau Hội nghị San Francisco, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn do chính quyền Bảo Đại quản lý. Đến năm 1954, 2 quần đảo này được đặt dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Tháng 4/1956, quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, đội tuần tra của Pháp trên đảo Hoàng Sa được thay thế bởi đội tuần tra của chính phủ Việt Nam cộng hòa. Nhưng khi đó chính quyền Trung Quốc đại lục đã bí mật cho quân đổ bộ chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa (cụm An Vĩnh, Amphitrite Group, 宣德群岛, Tuyên Đức quần đảo). Trong khi phía Tây, nhóm Lưỡi Liềm, còn gọi là Nguyệt thiềm (Crescent Group, 永乐群岛, Vĩnh Lạc quần đảo) vẫn do quân đội Việt Nam đóng trên đảo Pattle nắm giữ. Ngày 1/6/1956, ngoại trưởng Việt Nam Cộng hoà Vũ Văn Mẫu xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo. Ngày 22/8/1956, Một đơn vị hải quân của Việt Nam Cộng hoà cắm cờ trên quần đảo Trường Sa và dựng bia. Ngày 13/7/1961, Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 174-NV về việc đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy danh là xã Định Hải thuộc quận Hoà Vang.[20]

4. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa là trắng trợn vi phạm tuyên ngôn 1970 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc

Ngày 4/9/1958, Trung Quốc ra tuyên bố về hải phận 12 hải lý, áp dụng cho cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 14/9/1958 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi công thư cho Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Chu Ân Lai thông báo “tán thành” và “tôn trọng” quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. Công thư này không hề nói gì về Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1961, quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của tỉnh Quảng Nam. Năm 1973, thuộc tỉnh Phước Tuy.

Tháng 1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm các đảo do quân đội Việt Nam Cộng hoà đóng, 75 sĩ quan và binh sỹ Sài Gòn hy sinh, Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Nghĩa là kể từ 1974, trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Việt Nam đã bị tước mất yếu tố vật chất (Corpus), nhưng chủ quyền của Việt Nam vẫn không bị gián đoạn do được đảm bảo bằng yếu tố tinh thần (Animus). Tháng 12/1982, huyện Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được thành lập. Nhưng điều quan trọng hơn, theo luật quốc tế, từ đầu thế kỷ XX việc dùng vũ lực để chinh phục một lãnh thổ đã bị lên án và không được chấp nhận. Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/10/1970 ghi rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lưc. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp”.[21] Do đó, các hành động dùng vũ lực trái ngược với luật quốc tế của Trung Quốc không thể mang lại danh nghĩa pháp lý cho nước này đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đối với quần đảo Trường Sa, theo Jan Rowiński, cho đến thời điểm tháng 1/1974 “Trung Quốc không có khả năng gây ảnh hưởng đối với khu vực quần đảo Trường Sa, chứ chưa nói gì đến chuyện kiểm soát nó”.[22]

Ngày 14/2/1975, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.[23]

Tháng 5/1975, Việt Nam thống nhất, quân đội Nhân dân Việt Nam thay thế quân đội Việt Nam Cộng hoà tại quần đảo Trường Sa. Năm 1977, Việt Nam ra tuyên bố lãnh hải đất nước, kể cả lãnh hải của các đảo. Khoảng thời gian này, một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã chiếm một số đảo của quần đảo Trường Sa.

Tháng 3/1988, lần đầu tiên Trung Quốc có mặt trên quần đảo Trường Sa bằng cách đưa quân tới xâm lược bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, do ba bãi đá này không có quân đội đồn trú nên Hải quân Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ. Ngày 11/3/1988, tàu HQ 604 (Lữ đoàn 125) của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ xuất phát từ Cam Ranh với 70 bộ đội công binh của Trung đoàn 83 và 22 bộ đội của Lữ đoàn 146 ra xây dựng cụm đảo Gạc Ma. Khi đang chuyển vật liệu lên đảo thì ba tàu chiến Trung Quốc áp sát, giật cờ, nã súng xâm chiếm đảo Gạc Ma trái phép. Sau đó, tàu Trung Quốc tiếp tục tấn công tàu HQ 605 đang bảo vệ và xây dựng đảo Len Đao và tàu HQ 505 canh giữ Cô Lin. Trận xung đột đã làm hai tàu của Việt Nam bị chìm, một tàu hỏng, 64 sỹ quan và chiến sĩ hy sinh, 9 người bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh. Trung Quốc còn chặn không cho tàu mang cờ Chữ Thập Đỏ ra cứu hộ. Trung Quốc bị hư hại tàu chiến, thương vong 24 thủy binh. Kể từ đó Trung Quốc chiếm đóng Gạc Ma.

Tháng 4/1988, Trung Quốc thành lập tỉnh thứ 33 bao gồm đảo Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 5/1989, Trung Quốc chiếm thêm một đảo nhỏ trên quần đảo Trường Sa.

Năm 1990, Trung Quốc đề nghị khai thác chung quần đảo Trường Sa.

Năm 1992, Trung Quốc chiếm thêm một số đảo nữa.

Năm 1994, Đụng độ giữa Việt Nam và một chiếc tàu Trung Quốc nghiên cứu cho Công ty Crestone.

Tháng 2/1995, Trung Quốc chiếm bãi đá Vành Khăn, một đảo đá nhỏ do Philippines quản lý trên quần đảo Trường Sa.

Hiện nay Trung Quốc kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Còn quần đảo Trường Sa thì do sáu quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm giữ là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.

***

Những sự kiện điển hình vừa dẫn ra ở trên cho thấy ý đồ và bước đi của nhà cầm quyền Trung Quốc trong nhiều thế kỷ qua đã diễn ra theo một logic đáng ngại cho hòa bình và công pháp quốc tế. Nhưng không dừng ở đó, Ngày 26/5/2011 và này 30/11/2012 tàu Trung Quốc đã vào tận khu vực thềm lục địa Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cắt cáp địa chấn, cáp thu tín hiệu của tàu Binh Minh 02 thuộc Tập đoàn PetroViệt Nam. Tháng 5/2014 Trung Quốc đã đưa giàn khoan khổng lồ Haiyang Shiyou 981 cùng với hàng chục máy bay chiến đấu, hàng trăm tàu bán quân sự và quân sự vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngày 26/5/2014, tàu Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng trong ngư trường truyền thống của Việt Nam ở vị trí cách giàn khoan này 17 hải lý. Tháng 6/2014 Trung Quốc đưa tiếp nhiều giàn khoan khác xuống biển Đông, trong đó giàn khoan Nam Hải 09 hạ đặt ngay tại cửa vịnh Bắc Bộ, nơi đang chờ được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thực chất đây là một cuộc xâm lăng với tất cả các dấu hiệu vừa “cổ điển” vừa chưa có tiền lệ của nó. Cổ điển vì đã vượt biên giới, có vũ khí, hành động đơn phương với mưu đồ cưỡng chiếm lãnh thổ và thôn tính dài lâu. Nhưng lại chưa có tiền lệ vì sử dụng “lãnh thổ di động”, chưa nổ súng và có thể không nổ súng nhưng vẫn có khả năng biến lãnh thổ quốc gia khác thành vùng tranh chấp rồi mới cưỡng đoạt. Giấc mộng Trung Hoa trên thực tế đã dần trút bỏ “lá nho che đậy không kém phần trơ trẽn” của nó.[24]

“Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói”, đây là nhận định của Thủ tướng Việt Nam tại cuộc họp báo ngày 22/5/2014 tại Manila, nhân chuyến viếng thăm Philippines và tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014. Tại cuộc họp báo này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nói rõ: “Chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển. Nhất định Việt Nam không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.[25]

Điều Thủ tướng nói chính là điều thuộc về ý nguyện của nhân dân.

* GS.TS., Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Bài đã đăng trên tạp chí “Thông tin Khoa học xã hội” số 6/2014.

————————————–

Tài liệu trích dẫn:

[1]. Xem: Lưu Văn Lợi (1995). Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. CAND. // Trần Xuân Hiến (2014). Tư liệu Hoàng sa Trường sa trong thư tịch cổ Trung Quốc (TL Viện Thông tin KHXH). // Thư tịch cổ Trung Hoa thừa nhận Hoàng Sa Trường Sa thuộc Việt Nam. http://www.biendong.net/hoang-sa-truong-sa/372-th-tch-trung-hoa-tha-nhn-hoang-sa-trng-sa-thuc-vit-nam.html.

Về tên gọi Hoàng sa: Năm 1838 nhà truyền giáo người Pháp Joan-Luis-Taberu đã xuất bản cuốn “Dictionarium Latino-An Namiticum completum et novo ordine dispositum (“Từ điển Việt-Latin”). Trong đó quần đảo Hoàng Sa được định nghĩa là “Paracel seu Cát vàng”. Tiếp sau đó, nhà địa lý Hà Lan Villem Blau chính thức đặt tên cho đảo này bằng tiếng châu Âu là “Pracel”. Về sau do sự mai một của thời gian và các nhà đi biển người Pháp truyền khẩu không chính xác nên “Pracel” đã bị gọi chệch đi thành “Le Paracel.” (Xem: Вьетнамцы никогда не смирятся. газета.ru1/6/2014http://www.gazeta.ru/science/2014/06/01_a_6054413.shtml.).

[2]. Xem: Keith Johnson (2014). Lord of the Sea, Foreign Policy, 2014, May 16. http://www.foreignpolicy.com/articles/2014/05/16/lord_of_the_sea // Phạm Hoàng Quân (2013). Về địa danh và vị trí vạn lý trường sa, vạn lý thạch đường trên địa đồ hàng hải thời Minh ở Thư viện Đại học Oxford. http://boxitvn.blogspot.com/2013/01/ve-ia-danh-va-vi-tri-van-ly-truong-sa.html // Phạm Hoàng Quân (2013). Phân tích tổng quan nguồn sử liệu Trung Hoa liên quan đến biển Đông Việt Nam. http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=6363&CategoryID=42.

[3]. Viking: thuật ngữ chỉ những nhà thám hiểm tài ba, phiêu lưu trên biển.

[4]. Xem: Mạnh Kim (2014). Sự thật về các chuyến Tây Dương của thái giám Trịnh Hòa. http://petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/the-gioi-phang/su-that-ve-cac-chuyen-tay-duong-cua-thai-giam-trinh-hoa-183257.html // Từ Đặng Minh Thu (2007). Chủ quyền trên hai quần đảoHoàng Sa và Trường Sa. Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốchttp://www.tapchithoidai.org/ThoiDai11/200711_TuDangMinhThu.htm.

[5]. Xem: Vũ Quang Việt (2010). Tranh chấp Biển Đông Nam Á: đi tìm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế. Tạp chí “Thời đại mới”. Số 19-7/2010. http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai19/201019_VuQuangViet.htm#_edn51.

[6]. Những bản đồ sớm nhất vẽ Hoàng Sa, Trường Sa là “Hồng Đức bản đồ” vẽ năm Hồng Đức thứ 21 (Canh tuất, 1490) dưới triều Lê Thánh Tông và bộ bản đồ trong “Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư” hay “Toản Tập An Nam Lộ” do Đỗ Bá Công Đạo soạn vào năm Chính Hoà thứ 7 (1686), trong đó Hoàng Sa, Trường Sa được thể hiện với tên gọi chung là “Bãi Cát Vàng”. Nghĩa là, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thể hiện trên các bản đồ Việt Nam cách đây khoảng 500 – 600 năm. (Xem: Võ Long Tê (1974). Les archipels de Hoàng – Sa et de Trường – Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d’ histoire et de géographie. Ministere de la Culture, de l’ E’ducation et de la Jeunesse. Sài Gòn. tr. 33-43 và Phụ lục). Trước thời Minh Mạng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xem như một quần đảo, nên gọi là Hoàng Sa, hoặc Vạn Lý Trường Sa. Nhưng sau cuộc thám sát thời Vua Minh Mạng, và cuộc thám sát của Kergariou-Locmaria năm 1787 – 1788, vị trí quần đảo Hoàng Sa mới được xác định chính xác như hiện nay. Từ đó quần đảo Hoàng Sa mới được phân biệt với quần đảo Trường Sa ở phía Nam. Bản đồ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” được vẽ sau đó đã ghi rõ hai tên khác nhau cho hai quần đảo. (Xem: Từ Đặng Minh Thu (2007). Sđd.).

Nhiều tài liệu đã mô tả kỹ quá trình thực thi chủ quyền của Việt Nam. Mới đây, TS. Trần Công Trục một lần nữa mô tả chi tiết lịch sử chiếm hữu và khẳng định, Nhà nước phong kiến Việt Nam suốt từ thời chúa Nguyễn, qua thời Tây Sơn đến thời các triều Nguyễn, với 3 triều đại khác nhau, đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng với tư cách Nhà nước Đại Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xem: Trần Công Trục (2014). Hoàng Sa, Trường Sa chưa từng thuộc về Trung Quốc. http://dantri.com.vn/chinh-tri/ky-2-chu-quyen-lich-su-khong-phai-de-chung-minh-chu-quyen-881793.htm

Cũng về quá trình này, sách trắng của Việt Nam “Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế” công bố 1988 cũng đã dẫn các nguồn tài liệu có giá trị như Đại Nam thực lục tiền biên (1600-1775), Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1630-1653), Phủ biên tạp lục (1776), Đại Nam thực lục chính biên (1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (bộ sách địa lý lịch sử chung của Đại Nam 1865-1882), Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo lược (1876), các châu bản triều Nguyễn về các bản tấu, phúc tấu, các dụ của các Vua, và hàng loạt bản đồ, tài liệu… của nước ngoài.

[7]. Xem: François Froger. Relation du premier voyage des François à la Chine fait en 1698, 1699 et 1700 sur le vaisseau « l’Amphitrite », herausgegeben von E. A. Voretzsch. http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/article/jds_0021-8103_1929_num_6_1_2305.

[8].  Nguyên văn: “Tiền vương lịch triều tri Hoàng Sa đội thất thập suất, dĩ An vĩnh nhân luân phiên thái thủ. Tuế dĩ tam nguyệt thụ thị hành sai, tệ lục nguyệt lương, giá tiểu thuyền ngũ chích, xuất dương tam nhật tam dạ thỉ chí thử đảo cư tứ tình thái thủ, bổ ngư vi thực, sở đắc tào vật khí bửu thậm chúng, dữ thái thủ hải (vật) phả đa, dĩ bát nguyệt hồi nhập yêu môn tựu Phú – xuân thành. (pp. 11a. 12a). (Trích theo: Võ Long Tê (1974). Les archipels de Hoàng – Sa et de Trường – Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d’ histoire et de géographie. Ministere de la Culture, de l’ E’ducation et de la Jeunesse. Sài Gòn. tr. 76.).

[9]. Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Quyển chi Nhị. Tờ 82b-85a: “Hoàng sa chử chính cận Hải nam Liêm Châu phủ. Thuyền nhân thời ngộ Bắc quốc ngư châu, dương trung tương vấn, thường kiến Quỳnh châu Văn xương huyện. Chính đường quan, tra thuận hóa công văn nội xưng, Càn long thập bát niên, An nam Quảng nghĩa phủ Chương nghĩa huyện Cát liêm đội An bình xã quan nhân thập danh, ư thất nguyệt vãng Vạn Lý Trường sa thái thập các vật. Bát danh đăng ngạn, tầm mích các vật, chỉ tồn nhị danh thủ thuyền. Cuồng phong đoản xúc phiêu nhập Thanh lan cảng, y quan tra thực áp tống hồi tịch. Nguyễn phúc Chu lịnh Thuận hóa cai bạ thức lượng hầu vi thư dĩ phục”. (Trích theo: Võ Long Tê (1974). Sđd. tr. 56.).

[10]. Võ Long Tê trích M.A. Dubois de Jancigny và Jean Baptiste Chaigneau. Xem: Võ Long Tê (1974). Sđd. tr. 168.)// Вьетнамцы никогда не смирятся. газета.ru1/6/2014http://www.gazeta.ru/science/2014/06/01_a_6054413.shtml.

[11]. Xem: Lưu Văn Lợi (1995). Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nxb. CAND.

[12]. Vũ Quang Việt (2010). Sđd.

[13]. Xem: L’Éveil économique de l’Indochine số 741.

[14]. Duy Chiến. Chủ quyền Hoàng Sa thời Pháp thuộc. http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/180461/chu-quyen-hoang-sa-thoi-phap-thuoc.html // Nguyễn Nhã. Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến tranh chấp chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Nguyên nhân và giải pháp. Hội thảo Việt Nam học lần thứ III. Hà Nội 2009. Tiểu ban 1.

[15]L’Éveil économique de l’Indochine số 394, 398, 491, 602, 627, 644 …

[16]L’Éveil économique de l’Indochine. 4/5/1930. – No 672,  Tr. 18…

[17]. Theo sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa (1975). Xem: République du Vietnam, Ministère des affaires étrangères. Saigon, 1975. Livre blanc sur Hoang SA (Paracel) et des îles de Truong SA (Spratly). http://saigonfilms.com/official_documents_rvn/Livre%20blanc%20sur%20Hoang%20SA.htm// Bản tiếng Anh: White Paper on the Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) Islands. http://www.spratlys.org/collection/claims/vietnam/vietnam2a.htm // Phạm Ngọc Bảo Liêm (2010). Hội nghị San Francisco với vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tạp chí Xưa và Nay, Số 360, 7/2010 (tài liệu này ghi 48 phiếu chống, 3 phiếu thuận).

[18]Les États Associés à la conference de San Francisco. les 6 et 7 Septembre 1951Viet-nam Declaration du Président Trần Văn Hữu. France-Asie – Saigon, 1951, 6o année, tome VII, 66-67 (Déc. 1951), pp. 502-505.

[19]. Sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa (1975). Sđd // Phạm Ngọc Bảo Liêm (2010). Sđd.

[20]. Sắc lệnh này in trong Công báo Việt Nam Cộng Hoà, số ra ngày 29/7/1961, tr. 2695, cột 1, chụp từ microfilm kí hiệu “Film S 3419 1961: no.25-58 (June-Dec.) reel 13“, barcode: HX7G6V, Thư viện Lamont, Đại học Harvard. // Xem: Nguyễn Tuấn Cường (2014) Sắc lệnh 1961 của Việt Nam cộng hòa về quần đảo Hoàng Sa. http://boxitvn.blogspot.com/2014/01/sac-lenh-nam-1961-cua-viet-nam-cong-hoa.html

[21]Declaration on Princ Ples of International Law Concerning Friendly Relations and Co-operation among States in Accordance with the Charter of The United Nations. United Nations General Assembly Resolution 2625 (XXV), 24 October 1970. http://thuvienphapluat.vn/archive/Dieu-uoc-quoc-te/Tuyen-bo-nguyen-tac-cua-Luat-Quoc-te-dieu-chinh-quan-he-huu-nghi-hop-tac-giua-cac-quoc-gia-phu-hop-voi-Hien-chuong-lien-hop-quoc-1970-vb65775t31.aspx.

[22]. Rowiński Jan (1990). Biển Đông, khu vực tiềm tàng tranh chấp ở châu Á, Warszawa. (Trích theo: Nguyễn Thái Linh (2014). Tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế. http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=42&News=4605).

[23]. République du Vietnam, Ministère des affaires étrangères. Saigon, 1975. Livre blanc sur Hoang SA (Paracel) et des îles de Truong SA (Spratly) http://saigonfilms.com/official_documents_rvn/Livre%20blanc%20sur%20Hoang%20SA.htm. Bản tiếng Anh: http://www.spratlys.org/collection/claims/vietnam/vietnam2a.htm

[24].同主题阅读:[ZGPT]未来50年中国的六场战争:将彻底打破世界格局 http://www.mitbbs.com/article_t/MiscNews/31207047.html (Website Chinanew nói về 6 cuộc chiến tranh mà Trung Quốc sẽ tiến hành để thực hiện Giấc mộng Trung Hoa trong 50 năm tới: 1/ Đài Loan 2020-2025; 2/ Biển Đông 2025-2030; 3/ Tây tạng 2035-2040; 4/ Điếu Ngư-Lưu Cầu 2040-2045; 5/ Ngoại Mông 2045-2050; Nga 2055-2060. Từ năm 2011 đến nay, 6/2014, bài viết này đã bị phản đối gay gắt trên khắp thế giới. Nhưng Trung Quốc vẫn không chịu gỡ bỏ).

[25]Thủ tướng: Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/thu-tuong-khong-danh-doi-chu-quyen-lay-huu-nghi-vien-vong-2994075.html

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*