Giải pháp nào cho TP. Hồ Chí Minh phát triển kinh tế và xã hội trong tương lai gần?

Đầu năm Canh Tý – 2020, cả thế giới tang thương bởi Đại dịch COVID-19. Cái khó nhất của loài người là vượt qua cái chết để tìm sự sống. Tp HCM cùng cả nước Việt Nam đã trở thành nơi bình an cho con người. Sự thành công chống dịch của Việt Nam đã làm thay đổi nhận thức của thế giới với Việt Nam. Người Việt Nam đã tự đưa ra các giải pháp chưa có tiền lệ để bảo vệ tính mạng của nhân dân nước mình và cưu mang những người nước ngoài lỡ bước giữa dịch bệnh COVID-19. Vì vậy người Việt Nam chắc chắn là bạn đồng hành với tất cả các dân tộc trên thế giới.

Sự quyết đoán của các nhà lãnh đạo Việt Nam với sự tham mưu tài giỏi của các thầy thuốc Việt Nam là nền tảng để Việt Nam đạt được những thắng lợi vang dội trên và giúp Việt Nam bước vào một trang mới của nền văn minh. Đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi bộ mặt kinh tế và xã hội Việt Nam.

Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đang chuẩn bị Tọa đàm: “Giải pháp khoa học – kỹ thuật phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong thời gian tới”.

Tôi , hội viên Hội Biển Tp. HCM đề xuất 3 giải pháp cụ thể trong phạm vi nghiên cứu của chính mình.

Giải pháp 1: Xây dựng Cảng chuyên dụng xuất khẩu gạo Bình Khánh và Ngân hàng thóc.

Mục tiêu của giải pháp này là tổ chức lại hệ thống logistic cho hạt gạo ĐBSCL. Sau khi nghiên cứu thành công cảng cửa ngõ Trần Đề cho ĐBSCL, chúng tôi xác định ĐBSCL cần có 2 cảng chuyên dụng xuất gạo gắn liền với hệ thống trữ thóc. Đó là cảng chuyên xuất khẩu gạo tại Bình Khánh -Cần Giờ Tp. HCM và cảng Trần Đề – Sóc Trăng.

Nhiệm vụ của cảng Bình Khánh là tiếp nhận luồng thóc về Tp. HCM bằng đường sông để dự trữ ở các si-lô công nghiệp và xuất đi bằng tàu biển với lô hàng đạt đến 25.000 tấn gạo.

Sơ đồ bố trí hệ thống cảng biển, cảng sông và kho thóc tại Bình Khánh- Cần Giờ

Giải pháp 2 ; Xây dựng Khu du lịch rừng ngập mặn Cần Giờ gắn liền với bãi tắm nhân tạo tại bãi biển Cần Giờ.

Mục tiêu của giải pháp này là tổ chức bãi tắm nhân tạo ở bờ biển Cần giờ và xây dựng khu du lịch rừng ngập mặn Cần Giờ.

Giải pháp kỹ thuật đặc biệt ở đây là xây dựng bãi tắm Cần Giờ theo quy luật tự nhiên, thay đổi bộ mặt huyện Cần Giờ bằng các giải pháp xây dựng theo tự nhiên. Tạo quỹ đất mới, cách khai thác du lịch gắn liền với quy luật của tự nhiên. Giải pháp là biểu tượng của thành phố thông minh khi con người biết sử dụng những quy luật tự nhiên để phục vụ cho con người.

Giải pháp lấn biển với tổng diện tích: 3045 ha

Bãi tắm nhân tạo với chiều dài bãi tắm là 14,5 km

Tổng diện tích mặt nước bãi tắm 2003 ha

Tuyến đê bao bằng vãi địa kỹ thuật dài 11,2 km.

Tuyến cầu tàu cho các tàu du lịch: 5,5 km.

Diện tích lấn biển để làm khách sạn cao cấp và mặt bằng cho cầu tàu du lịch: 492 ha.

Các nhà nghỉ bình dân nằm trong rừng ngập mặn được làm bằng nhà sàn hoặc nhà nổi và đi lại bằng thuyền.

Khu vực cho sân bay trực thăng: 250 ha.

Khu vực cho thủy phi cơ: 300 ha.

Mô hình trên đáp ứng nhu cầu không tăng dân số vùng Cần Giờ, chỉ đón nhận khách vãng lai nhằm bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Đáp ứng được nhu cầu tắm biển của nhân dân Tp HCM vì giải pháp giúp bãi tắm chống được sự ô nhiểm từ sông Lòng Tàu hay sông Soài Rạp.

Sơ đồ Khu du lịch rừng ngập mặn và bãi tắm Cần Giờ:

Giải pháp 3 : Khởi động dự án Máy phát điện bằng dòng chảy tự nhiên.

Dòng chảy tự nhiên trên thế giới rất phổ biến là dòng sông, dòng thủy triều, dòng hải lưu, dòng chảy ở đuôi các thủy điện.

Mục tiêu của dự án: Tp HCM là trung tâm cung cấp Máy phát điện bằng dòng chảy tự nhiên không chỉ cho thị trường Việt Nam mà cho cả thế giới. Người Sài Gòn đã phát minh ra tua-bin mới gọi là “trống quay “ đầu tiên trên thế giới dùng để chuyển đổi năng lượng dòng chảy tự nhiên thành điện năng.Tác giả chấp nhận mọi sự cạnh tranh giữa tua-bin mới này với các loại tua-bin hiện có của thế giới miễn rằng bản quyền phải được tôn trọng. Đây là cơ sở để Tp HCM có thể tập trung các nguồn lực để phát triển một loại thương phẩm mới cho nhu cầu của thế giới.

Mô hình mặt bằng các tua-bin được định vị giữa dòng chảy:

Cả 3 giải pháp trên đã nghiên cứu từ giữa thập niên 1990 và hoàn toàn hữu dụng cho Việt Nam hôm nay.

Thế hệ trẻ Việt Nam đều đọc “Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài”. Câu chuyện trên dạy chúng ta cần ước mơ. Nhưng ước mơ chỉ có thể thực hiện bằng hành động nếu không, mọi chuyện chỉ là một giấc mơ. Những nhà lảnh đạo Tp HCM đã đề xuất xây dựng một thành phố thông minh và tôi hiểu rằng đó là một thành phố văn minh. Mọi việc cần bắt đầu với những hành động. Tác giả sẵn sàng đưa ra những giải pháp khả thi để thực hiện.

 

                                                                                                                               KS Doãn Mạnh Dũng  

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*