Nguyễn Văn Đấu
Căn cứ vào các nguyên tắc của luật pháp, thông lệ và thực tiễn quốc tế có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đồng thời, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và thềm lục địa được xác lập phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Tuy nhiên, do trong quá trình lịch sử tồn tại trên một trăm năm nay, cùng với sự phát triển của luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là với Công ước UNCLOS 1982 và do đặc điểm địa lý của Biển Đông…, nên giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực còn tồn tại một số vấn đề tranh chấp hoặc chưa thống nhất cần được giải quyết trên các vùng biển và thềm lục địa.
Chúng ta đều biết rằng, Biển Đông nhiều lần là trọng điểm của những cuộc tranh chấp quốc tế gay go, quyết liệt. Ngay từ thế kỷ XIV – XV, Tây Ban Nha đã tới đây tranh giành những vùng đất màu mỡ ở Philippin, Inđônêxia. Đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII, đế quốc Hà Lan và thế kỷ XIX, XX là Pháp, Nhật, Mỹ lần lượt xâm chiếm hoặc gây chiến tranh chống một số nước quanh khu vực Biển Đông. Đặc biệt từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, cuộc chạy đua tìm kiếm, khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông đang trên đà phát triển đã làm cho vấn đề tranh chấp ở đây thêm sâu sắc, gay gắt và căng thẳng.
Từ thực tế đó, hiện nay trên Biển Đông đang tồn tại hai loại tranh chấp chủ yếu: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; tranh chấp trong việc xác định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước có bờ biển liền kề hay đối diện nhau ở xung quanh Biển Đông khi vận dụng quy định Công ước UNCLOS 1982 (khi xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình, đã tạo ra những vùng chồng lấn). Tranh chấp ở khu vực quần đảo Trường Sa là phức tạp nhất vì nó liên quan đến các quốc gia và vùng lãnh thổ: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippin, Malaixia, Brunây.
I-Khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
- Tranh chấp quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam với Trung Quốc
- Trung Quốc: Năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đưa lực lượng ra chiếm đóng nhóm phía đông Hoàng Sa. Khi Trung Hoa Dân quốc bị đuổi khỏi lục địa Trung Hoa (năm 1949), họ phải rút luôn số quân đang chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1950, Trung Quốc đã xuất bản bản đồ, trong đó có phụ đồ vẽ cả 3 quần đảo (có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) và bãi ngầm Maclesfield – thể hiện đường biên giới của Trung Quốc ôm gần hết Biển Đông (chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông).
Từ năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Giơnevơ và khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt Nam) chưa kịp tiếp quản, Trung Quốc cho quân lên chiếm đóng nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa (gồm các đảo Phú Lâm và Linh Côn).
Năm 1959, Trung Quốc định cho quân đổ bộ chiếm một số đảo ở phía tây quần đảo, nhưng quân đội Việt Nam Cộng hòa có mặt tại đó ngăn cản nên họ không thực hiện được. Sau đó, họ hoàn thành việc chiếm đóng toàn bộ quần đảo này vào tháng 1/1974 – khi quân đội Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam và quân đội Việt Nam Cộng hòa đang trên đà sụp đổ (lực lượng tại chỗ giảm từ một tiều đoàn xuống còn một trung đội quân địa phương).
- Tranh chấp quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam với Trung Quốc, Phi lippin, Malaixia, Brunây
- Trung Quốc: Ngay từ những năm 1930, Công sứ Trung Quốc ở Pari đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Pháp, cho rằng “các đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) là bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc”. Nhưng tại thời điểm này cho đến hết năm 1987, Trung Quốc chưa hề đóng quân trên bất cứ đảo hay bãi đá nào ở đây.
Từ tháng 1/1988, Trung Quốc cho lực lượng Hải quân sử dụng vũ lực xâm chiếm một số điểm và bãi đá ngầm ở tây bắc đảo Trường Sa; tăng cường xây dựng, nâng cấp các công trình như sân bay, bến cảng, trạm ra đa, đài khí tượng…, biến các bãi đá này thành các điểm đóng quân kiên cố và tổ chức các đội tàu tuần tiễu, thăm dò, khai thác dầu khí, hải sản…Năm 1995, Trung Quốc lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn nằm phía đông nam quần đảo Trường Sa. Gần đây, họ dùng sức mạnh bao vây, hòng chiếm đóng bãi cạn Cỏ Mây, gần đá Vành Khăn. Như vậy Trung Quốc đã chiếm 7 bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa.
- Đài Loan: Năm 1946, lợi dụng khi quân đội Nhật rút khỏi Việt Nam, quân đội Pháp chưa kịp tiếp quản, quân đội Trung Hoa Dân quốc đã xâm chiếm đảo Ba Bình (đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa). Khi bị đuổi khỏi lục địa Trung Hoa, họ rút quân và năm 1956, sau khi quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Giơnevơ và quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa kịp cho quân ra tiếp quản, quân đội Đài Loan tái chiếm đảo Ba Bình – đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa. Hiện nay họ đang đóng giữ và củng cố căn cứ quân sự ở đây. Năm 2003, Đài Loan đã cho quân cắm cờ, làm nhà chòi trên Bãi cạn Bàn Than. Như vậy, Đài Loan đã chiếm 2 đảo và bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa.
- Philippin: Bắt đầu chuẩn bị dư luận tranh chấp quần đảo Trường Sa từ năm 1951. Đến năm 1971-1973, Philippin cho quân chiếm 5 đảo và năm 1977-1978, chiếm 2 đảo nữa ở phía Bắc quần đảo Trường Sa; tăng cường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí và tổ chức đánh bắt hải sản, xây dựng các kho ướp lạnh, xây dựng đường băng cho máy bay chiến đấu cất hạ cánh, mở đường hàng không qua khu vực này… Năm 1979, tổng thống Philippin Marcos công bố sắc lệnh coi quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa) là lãnh thổ của Philippin. Năm 1980, họ mở rộng chiếm đóng đảo Công Đo ở phía Nam quần đảo. Năm 2003, Philippin công bố vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các đảo của họ là 350 hải lý. Đến nay Philippin đã chiếm đóng tổng cộng là 8 đảo, đá, bãi cạn trong quần đảo Trường Sa.
- Malaixia: bắt đầu tham gia tranh chấp quần đảo Trường Sa từ năm 1971. Năm 1979, họ cho xuất bản bản đồ: gộp phần phía Nam quần đảo (có đảo An Bang của Việt Nam) vào lãnh thổ Malaixia; năm 1983 – 1984, Malaixia cho quân chiếm đóng các bãi đá Hoa Lau, Kiệu Ngựa, Kỳ Vân ở phía nam quần đảo Trường Sa. Năm 1988, họ cho quân chiếm đóng thêm hai bãi đá nữa là Én Đất và Thám Hiểm ở khu vực nói trên. Tổng cộng, Malaixia hiện đóng giữ 7 đảo, đá, bãi cạn trong quần đảo Trường Sa.
- Brunây: Nước có yêu sách chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (phần bản đồ – chồng lấn lên khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa) nhưng chưa đóng quân ở bất kỳ một vị trí nào trong quần đảo này.
II- Tranh chấp vùng biển
1.- Vùng biển phía Nam giữa Việt Nam, Inđônêxia và Malaixia:
Inđônêxia và Malaixia đã ký kết một hiệp ước phân chia ranh giới vùng biển và thềm lục địa giữa hai nước ở khu vực này (10/1969). Vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Inđônêxia hiện còn rộng khoảng 4.500km2. Vùng biển khác chồng lấn giữa Việt Nam và Malaixia rộng khoảng 2.800km2.
Sau hàng chục năm đàm phán kể từ tháng 6/1978, thể hiện sự nỗ lực, thiện chí và có tính chất đầy đủ đến luật pháp quốc tế, thực tiễn quốc tế, điều kiện cụ thể và sự nhân nhượng của các bên, với nhiều vòng đàm phán giữa chính phủ Việt Nam và từng nước, vấn đề tranh chấp vùng biển và thềm lục địa ở đây đã có những tiến bộ đáng kể. Việt Nam và Inđônêxia đã ký kết hiệp định phân định biển và ranh giới thềm lục địa giữa hai nước (tháng 6/2003). Đặc biệt, ngày 22//12/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng thông báo: Sau 12 năm nỗ lực, Việt Nam và Indonesia đã kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Trong khi đó, Việt Nam và Malaixia đã có thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực biển chồng lấn giữa hai nước (ký ngày 5/6/1992). Sau đó, năm 2009, Việt Nam và Malaixia cùng gửi lên Liên Hợp Quốc báo cáo chung về ranh giới rìa ngoài thềm lục địa liên quan đến hai nước…
2.- Vùng biển vịnh Thái Lan:
Do còn có những điểm khác biệt trong yêu sách chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của các nước trong khu vực nên còn tồn tại vùng biển chồng lấn giữa Thái Lan và Cămpuchia rộng trên 20.000km2. Trải qua nhiều vòng đàm phán cấp chuyên viên và cấp chính phủ, ngày 9/8/1997 Chính phủ Việt Nam và Thái Lan đã ký Hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước (có hiệu lực từ ngày 27/2/1998).
Chính phủ hai nước Việt Nam và Cămpuchia đã ký hiệp định về vùng nước lịch sử chung giữa hai nước (7/7/1982) và tiếp tục đàm phán để phân định ranh giới vùng biển giữa hai nước.
Như vậy, Việt Nam và Cămpuchia, Malaixia còn phải tiếp tục giải quyết vấn đề phân định ranh giới trên biển ở Vịnh Thái Lan.
3- Vùng biển phía Bắc: Sau khi ký kết Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ) và Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc (Hiệp định Hợp tác Nghề cá), chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức trên hai chục cuộc đàm phán về phân định vùng biển giữa hai nước phía ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và sẽ tiếp tục đàm phán về nội dung này trên tinh thần áp dụng Luật biển quốc tế 1982 và thông lệ quốc tế, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên…
Tóm lại, hiện nay vẫn còn sự tranh chấp chủ quyền biển – đảo giữa nước ta với một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực…
ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG
Có nhiều biện pháp để giải quyết các tranh chấp nói chung và tranh chấp trên Biển Đông nói riêng. Việc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình đã được nêu trong Điều 33 Hiến chương Liên Hợp Quốc, có thể bằng viện pháp ngoại giao hoặc tài phán; bao gồm: Đàm phán trực tiếp; áp dụng những biện pháp hỗ trợ như môi giới và trung gian; nhờ cậy đến các ủy ban điều tra và hòa giải; các biện pháp xét xử; giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền biển, đảo tại các tổ chức quốc tế. Trong khuôn khổ Công ước quốc tế về Luật biển 1982, Điều 287 quy định bốn cơ quan giải quyết tranh chấp: (1) Tòa quốc tế về Luật biển được thành lập theo Phụ lục VI; (2) Tòa án Công lý quốc tế; (3) Tòa Trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII để giải quyết một hay nhiều tranh chấp đã được quy định rõ trong đó; (4) Tòa trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII…
Quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, chúng tôi xin lĩnh hội và đề xuất một vài giải pháp giải quyết tranh chấp hiện nay ở Biển Đông như sau:
1- Quán triệt, thực hiện nghiêm chỉnh và tuyên truyền cho nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của bộ, ngành, địa phương về các vấn đề có liên quan tới Biển Đông nói chung và biển, đảo Việt Nam, trong đó có Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; tình hình tranh chấp chủ quyền biển – đảo giữa nước ta với một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực Biển Đông; vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những cơ sở, chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Công ước UNCLOS 1982 và các văn bản luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà nước ta tham gia liên quan tới biển, đảo… Qua đó góp phần nâng cao tình yêu biển, đảo, ý thức, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển – đảo của Tổ quốc.
2- Chính phủ và Nhân dân Việt Nam tiếp tục kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, thượng tôn pháp luật, thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, kiên định với lập trường giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế nhằm tạo dựng cơ sở pháp lý quốc tế rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, thực thi pháp luật và triển khai các hoạt động trên biển, ngăn chặn và hạn chế các hoạt động xâm phạm vùng biển, vi phạm pháp luật trên biển. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; bình tĩnh, khôn khéo “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
3- Phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, sẵn sàng xử lý tốt mọi tình huống, không để bị động bất ngờ. Kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích; không mắc mưu khiêu khích; đấu tranh chống việc biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp; không để nước ngoài lấn chiếm biển – đảo; hết sức bình tĩnh, kiềm chế, hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không để xảy ra xung đột đụng độ vũ trang trên biển; đồng thời cùng các nước liên quan trong khu vực tiếp tục giải quyết việc phân định biên giới trên biển và các vấn đề về các vùng biển, thềm lục địa cũng như giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển bằng con đường thương lượng hòa bình, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau và các bên cùng có lợi.
4- Đẩy mạnh và mở rộng hợp tác song phương và đa phương trong nghiên cứu khoa học biển, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống tội phạm trên biển nhằm góp phần xây dựng lòng tin, đấu tranh vì hòa bình phát triển chung của khu vực và thế giới; cùng các bên liên quan kiến tạo, giữ vững môi trường an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tăng cường mở rộng hợp tác, nhất là ASEAN, các nước trong khu vực và quốc tế – trong đó có các nước lớn, để tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tận dụng sự hỗ trợ có thể được; nỗ lực cùng đề ra “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông” (COC) nhằm giải quyết thỏa đáng những vấn đề phức tạp nảy sinh ở khu vực Biển Đông thông qua thương lượng.
5- Ủng hộ việc hợp tác giữa các nước liên quan để cùng nhau đàm phán, giải quyết bất đồng và các vấn đề biên giới, lãnh thổ do lịch sử để lại liên quan đến Biển Đông trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982; duy trì hòa bình, ổn định trật tự pháp lý trên biển, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy phát triển bền vững biển và đại dương, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới./.
Để lại một phản hồi