HÀNH TRÌNH TỚI TRƯỜNG SA, DKI CỦA ĐOÀN CÔNG TÁC SỐ 17 NĂM 2024 – CẢM NGHĨ VÀ KIẾN NGHỊ

Nguyễn Văn Đấu

Được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Hải quân, Vùng 2, Vùng 4, Lữ đoàn 955 và cán bộ chiến sĩ tàu 561 – Khánh Hoà 01, Đoàn công tác số 17 năm 2024 gồm các đồng chí đại diện của Đảng uỷ – UBND, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai và tỉnh Đắc Nông, của đại diện Viện Kiểm sát cấp cao, Toà án cấp cao tại Hà Nội; đại diện của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Học viện Hàng không Việt Nam, Hội Quân dân y Việt Nam, đại diện BLL Truyền thống HQ tại TPHCM, đại diện  cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân, Vùng 4, Vùng 2 Hải quân và một số cơ quan, đơn vị khác…vinh dự được thăm, làm việc, đem đến cho quân và dân huyện đảo Trường Sa, DK1 tình cảm, hơi ấm từ đất liền.

Càng thấm thía sự vất vả, mệt mỏi do say sóng bao nhiêu, chúng tôi càng khâm phục cán bộ chiến sĩ Trường Sa bấy nhiêu. Các anh đã vượt qua biết bao khó khăn vất vả đời thường và đối phó với sự khắc nghiệt, phức tạp, thất thường của khí hậu, thời tiết, sự rình rập của kẻ thù để ngày đêm luyện tập, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cảm súc của chúng tôi trào dâng, nghẹn ngào trong lòng khi đến thăm Đảo Sinh Tồn và Đảo Trường Sa. Các thành viên Đoàn công tác đã đến thăm Sở chỉ huy, UBND xã, Trường Tiểu học, Chùa Sinh Tồn, Bia chủ quyền, Nhà văn hoá và một số công trình khác của Đảo Sinh Tồn.

Đồng chí Trung tá Phạm Thế Thoại, Chỉ huy trưởng Đảo Sinh Tồn cho biết: 100% bộ đội trên đảo yên tâm công tác, ý chí quyết tâm cao. Phát huy truyền thống đơn vị qua 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ chiến sĩ luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với nhân dân xã đảo trong hoạt động kinh tế- văn hoá – xã hội; giữ gìn trật tự an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo; đặc biệt là luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, cứu nạn cứu hộ, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân làm ăn trên biển, tạo niềm tin, yêu mến của nhân dân; góp phần quan trọng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; xây nên truyền thống vẻ vang: Đoàn kết, chủ động, kiên trì, cảnh giác, hoàn thành nhiệm vụ.

Khi đến Đảo Trường Sa, trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, chúng tôi lần lượt đi thăm, thắp hương tại Chùa Trường Sa, Tượng đài liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh… Ngoài hoạt động chung như chào cờ, họp Đoàn công tác, giao lưu văn nghệ, tặng quà…, chúng tôi còn đi thăm UBND, bia chủ quyền, nhà đèn, bệnh xá – trung tâm y tế, trường học, trạm khí tượng thuỷ văn, Nhà khách Thủ Đô, nhà dân…

Cảm nhận chung của Đoàn công tác là đảo thay da đổi thịt, sạch, đẹp, lớn mạnh hơn nhiều so với vài chục năm về trước. Nhiều công trình quân sự và dân sự mọc lên, cây xanh phủ rộng trên đảo. Đời sống vật chất và tinh thần của quân và dân trên đảo được cải thiện nhiều. Bộ đội yên tâm công tác, phấn khởi, đoàn kết xây dựng đảo ngày càng vững mạnh về mọi mặt.

Ngoài Ban chỉ huy đảo, UBND, trên đảo còn có lực lượng các đơn vị chiến đấu, các hộ gia đình dân và một số lực lượng khác. Có nhiều công trình dân sự và quân sự. Chúng tôi luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân, sự giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất của các cơ quan, đơn vị từ Trung ương tới cơ sở và nhân dân, các đoàn cán bộ đến kiểm tra và thăm đảo.

Các thế hệ cán bộ chiến sĩ và các lực lượng trên đảo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, viết nên truyền thống: Đoàn kết, khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn, phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo vệ  môi trường; xây dựng đơn vị vững mạnh, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội và nhân dân; là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển kết hợp làm kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo. 100% cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, thống nhất ý chí và hành động, cảnh giác cao, không bị bất ngờ, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển được phân công; xây dựng đơn vị mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống,  đẹp về cảnh quan môi tường. Đảo vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1985), Huân chương Quân công, Huân chương chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng và nhiều phần thưởng vinh dự nhà nước khác; được UBND tỉnh Khánh Hoà tặng Bằng khen (năm 2012, 2021, 2022), được Quân chủng Hải quân tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen…

Tiếp theo, Đoàn công tác đã đến thăm các đảo chìm Côlin. Gọi là đảo chìm vì đó là đá ngầm san hô, chỉ có thể lộ ra khi thuỷ triều xuống thấp và ngôi nhà được làm ngay trên đá ngầm san hô đó. Đây vừa là nhà ở vừa là pháo đài giữ đảo. Đảng, Nhà nước, Quân đội đã từng bước đầu tư xây dựng công trình khang trang và lắp đặt một số thiết bị bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và phục vụ đời sống bộ đội.

Trong sự kiện ngày 14/3/1988, đối phương cho quân dùng vũ lực chiếm giữ đảo chìm Gạc Ma của ta, dùng pháo tàu bắn vào 03 tàu vận tải của ta, làm chìm tàu HQ604 và 64 cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ hy sinh. Tàu HQ505 bị thương đã nhanh chóng lao lên đảo chìm Côlin, giữ vững chủ quyền Tổ quóc ở đây. Từ đó, Côlin dần được xây dựng một ngôi nhà hiện đại. Bộ đội trên đảo luôn yên tâm công tác, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, quản lý bộ đội, tiếp đón các đoàn công tác ra thăm hoặc kiểm tra đơn vị; quan sát phát hiện nhiều mục tiêu lạ, xử lý đúng đối sách. Đặc biệt các năm gần đây đảo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc mục tiêu được phân công…

Đoàn công tác tổ chức lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc nói trên. Các thành viên Đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình dâng hương, thả hoa và vật phẩm xuống biển, tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ trong niềm tiếc thương vô hạn. Cầu mong cho linh hồn các anh siêu thoát nơi cực lạc!

Ngày tiếp theo của hành trình, Đoàn công tác tới thăm đảo chìm Đá Đông A và Đá Tây C. Nhiều năm qua, nhất là từ đầu năm 2023 đến nay, cán bộ chiến sĩ đảo Đá Đông A luôn cảnh giác cao, nâng cao nhận thức về tình hình nhiệm vụ, về trình độ sẵn sàng chiến đấu, không để bị bất ngờ, xử lý các tình huống đúng đối sách; xây dựng đơn vị chính quy, chấp hành nghiêm pháp luật nhà nước và kỷ luật quân đội, bảo quản tốt vũ khí trang bị, nâng cao đời sống bộ đội; hỗ trợ 96 lượt ngư dân vào đảo tránh bão, cấp cứu người bị nạn, làm điểm tựa cho ngư dân làm kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tương tự như đảo Đá Đông A, cán bộ chiến sĩ trên đảo Đá Tây C liên tục nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tổ chức canh gác, quản lý biển đảo; sử dụng thành thạo và bảo quản giữ gìn tốt vũ khí trang bị kỹ thuật; cứu hộ cứu nạn. Hơn một năm qua, đơn vị đã hỗ trợ 88 lượt ngư dân đưa thuyền vào đảo tránh bão, vận động và tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển làm kinh tế, là điểm tựa cho ngư dân làm ăn kết hợp bảo vệ chủ quyền từng tấc đất sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà giàn DKI/11 là một trong 15 Nhà giàn DKI (Cụm dịch vụ Kinh tế- Khoa học – Kỹ thuật) và là những cột mốc chủ quyền – được xây dựng trên bãi ngầm san hô thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đặc điểm nổi bật của Nhà giàn này là nằm cạnh đường hàng hải quốc tế, là khu vực hoạt động nhạy cảm và hết sức phức tạp. Các thế lực nước ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng có tàu chiến bảo vệ vào thăm dò địa chấn, trinh sát, quấy rối, vi phạm quyền chủ quyền vùng biển của ta. Ngoài ra còn có nhiều tàu cá nước ngoài đến đây đánh bắt hải sản trái phép, bởi vậy công tác bảo vệ vùng biển thềm lục địa và các nhà giàn ở đây rất gian nan, phức tạp, căng thẳng.

Mặt khác, DK1 nằm trên khu vực biển có thời tiết khí hậu rất khắc nghiệt, phức tạp, năm nào cũng có những cơn bão lớn đi qua. Một vài cơn bão lớn đã gây ra gió giật mạnh và sóng biển dữ dội làm ngôi nhà giàn rung lắc mạnh liên hồi, rồi đổ sập và chìm xuống biển. Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp của Nhà giàn đã kiên trì bám trụ, chống chọi với gió bão, giữ vững thông tin liên lạc và báo cáo chính xác mọi diễn biến về Sở chỉ huy, kiên quyết bảo vệ Nhà giàn đến phút cuối cùng. Hình ảnh và dư âm về những cơn bão lớn đó quét qua khu vực DKI không thể phai mờ trong ký ức những người còn sống. Nó đã cướp đi sinh mạng của một số đồng chí của vài nhà giàn. Các anh đã mãi mãi ở lại với biển khơi khi tuổi còn rất trẻ, nhưng tinh thần quả cảm, tấm gương anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc thì mãi tỏa sáng.

Đoàn công tác đến thăm nhà giàn DKI/11 trong niềm súc động trào dâng. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình, dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Xin vinh danh các anh, những người con của biển đã quả cảm anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc. Cầu mong các anh an nghỉ bình an lành nơi chín suối, linh hồn được siêu thoát!

Để có một số nhà giàn vững chắc, hiện đại – những pháo đài sừng sững trên vùng thềm lục địa phía Nam cuả Tổ quốc như hiện nay là cả một quá trình vất vả, đầu tư công sức và tài chính của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta. Ban đầu, các nhà giàn DKI là những nhà khung sắt đặt trên móng cột bê tông cốt thép được khoan và gia cố trên bãi ngầm san hô với tuổi thọ và sức chống chịu bão gió còn hạn chế. Các giai đoạn sau, chúng ta đã nghiên cứu, thiết kế, thi công rất công phu, sử dụng vật liệu mới, xây móng và nhà kiên cố, lắp đặt một số thiết bị phục vụ công tác chuyên môn và nâng cao đời sống cho cán bộ nhân viên của trạm – với hàng trăm mét vuông pin mặt trời, có các bồn đựng nước lớn, phương tiện quan sát, khảo sát vùng biển và một số thiết bị khác. Đời sống của cán bộ nhân viên dần dần được cải thiện đáng kể so với trước đây.

Phát huy truyền thống Đơn vị anh hùng, năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 đơn vị đã đoàn kết thống nhất, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tổ chức quan sát phát hiện, theo dõi trên 360 mục tiêu lạ; trồng và thu hoạch trên 1.100 kg rau xanh các loại; đánh bắt hàng trăm kilôgam cá; làm lợi cho công quỹ trên 400 triệu đồng, được bổ sung vào bữa ăn của cán bộ nhân viên. Đơn vị còn cấp hàng nghìn lít nước ngọt hỗ trợ ngư dân; vớt hàng trăm kilôgam rác trôi nổi, làm sạch môi trường; cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển, là điểm tựa cho ngư dân bám biển, bám ngư trường kết hợp làm kinh tế với bảo vệ trật tự an ninh trên biển… Đơn vị đoàn kết thống nhất, an toàn tuyệt đối về mọi mặt, hoàn thành các chỉ tiêu thi đua trên các mặt công tác. Cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, công tác và mong muốn được đón tiếp nhiều đoàn công tác tới thăm, động viên đơn vị, làm vơi đi nỗi gian truân và làm cho tình cảm đất liền – nhà giàn thêm gần gũi…

Ảnh:  Diễu duyệt đội ngũ sau Lễ chào cở tại Đảo Trường Sa Lớn.

Đoàn công tác vượt qua khó khăn, làm việc tích cực, sôi nổi, vui mừng khi đến thăm từng điểm đảo, nhà giàn. Các thành viên trong Đoàn công tác đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ tình cảm, động viên quân và dân trên đảo, nhà giàn; tận mắt chứng kiến, hiểu rõ điều kiện ăn ở, sinh hoạt học tập và công tác của đơn vị; thông cảm với những khó khăn vất vả cũng như tâm tư nguyện vọng của cán bộ, nhân viên ở đây; tin tưởng rằng các anh sẽ vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững chủ quyền vùng biển và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Các phóng viên báo đài, văn nghệ sĩ đi theo Đoàn làm việc tích cực, viết bài, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật phản ánh cuộc sống và công việc của những người giữ biển đảo.

Nội bộ Đoàn công tác tổ chức tốt việc phổ biến và thực hiện các quy định có liên quan đến hành trình thăm đảo, thông tin kịp thời về kết quả chuyến đi, tuyên truyền biển đảo và truyền thống Quân chủng Hải quân; tổ chức thi giao lưu văn nghệ, viết cảm nghĩ về chuyến công tác và sáng tác văn thơ, nhạc, hoạ, ảnh và nhiều hoạt động khác… Đặc biệt, Đoàn Nhà hát nghệ thuật tỉnh Đồng Nai đã cử các diễn viên nòng cốt đem lời ca tiếng hát lạc quan, yêu đời, giao lưu văn nghệ, chia sẻ tình cảm, kịp thời động viên cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo, nhà giàn, góp phần làm vơi đi nỗi gian truân khó nhọc, củng cố niềm tin yêu cuộc sống, yêu biển đảo quê hương của quân và dân trên đảo, nhà giàn.

Đoàn công tác đã trao 280 phần quà, vật phẩm – những món quà có ý nghĩa từ đất liền, góp phần động viên cả về tinh thần và vất chất cho quân và dân trên đảo, nhà giàn; đồng thời phát động đợt thi đua đột kích với chủ đề: “Đoàn kết, nghĩa tình, lập công, quyết thắng”.

Ảnh: Giao lưu văn nghệ giữa Đội xung kích của Đoàn Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai với chiến sĩ Nhà giàn DKI/11.

Chuyến hành trình đã thành công tốt đẹp, an toàn tuyết đối về người và phương tiện, là một kỷ niệm đẹp và đáng nhớ, để lại tình cảm, ấn tượng sâu sắc trong lòng quân dân trên đảo, nhà giàn cũng như các thành viên trong Đoàn công tác. Tổng kết chuyến đi, Ban tổ chức đã khen ngợi, biểu dương và trao nhiều món quà có ý nghĩa cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp vào sự thành công trọn vẹn của chuyến hành trình đến với quần đảo Trường Sa và DK1. Từ thành công này, các cơ quan, đơn vị và thành viên đoàn công tác hứa hẹn thi đua tích cực học tập, lao động, sản xuất, làm ra nhiểu sản phẩm, làm giàu cho quê hương đất nước, góp phần ủng hộ, hỗ trợ Trường Sa và DK1, đẩy mạnh phong trào “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”.

Để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thiết thực hỗ trợ quân dân huyện đảo, nhà giàn DKI, thiết nghĩ chúng ta cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về biển đảo và thềm lục địa cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có vấn đề lịch sử, pháp lý, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quần đảo Trường Sa, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc Việt Nam; những tranh chấp biển, đảo hiện nay và những chủ trương, giải pháp cơ bản của ta để giải quyết các tranh chấp này.

Hai là, Quân đội và các bộ, ngành từ Trung ương tới cơ sở, tuỳ theo chức năng nhiệm vụ của mình, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách ưu đãi, đầu tư, nâng cao chất lượng các công trình trên đảo, chất lượng vũ khí trang bị kỹ thuật, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho quân dân trên đảo, nhà giàn; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có điều kiện nên trích một phần quỹ phúc lợi ủng hộ, hỗ trợ góp phần động viên, cải thiện đời sống quân và dân ở đây, thiết thực đẩy mạnh phong trào“Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”.

Ba là, thành lập Ban chỉ huy chung của Đoàn công tác, do người của Quân chủng Hải quân là chỉ huy trưởng; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chỉ huy của Quân chủng Hải quân với chỉ huy của đơn vị, đảo, nhà giàn, tàu để tham mưu đúng và trúng cho người chỉ huy. Chỉ huy tập trung, thống nhất; điều phối hoạt động một cách khoa học, chính quy, nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất hành động chung trong suốt hành trình và trong từng giai đoạn, từng khâu, nhất là khi tàu rời cập bến, thả neo, sử dụng xuồng đưa đón thành viên đoàn công tác lên xuống tàu, lên xuống đảo, nhà giàn; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, thành viên đoàn công tác; xử lý tốt các tình huống phức tạp, khó khăn trong suốt hành trình công tác.

Bốn là, các thành viên của các đoàn công tác cần được phổ biến, quán triệt, nêu cao trách nhiệm thực hiện tốt các quy định chung trước, trong và sau chuyến công tác liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, bảo đảm hậu cần, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn mọi mặt, nhất là khi lên xuống tàu, lên xuống đảo, nhà giàn…

Năm là, đề nghị cơ quan, đơn vị Hải quân có liên quan tiếp tục đề xuất và mở rộng đối tượng, tổ chức các đoàn công tác đến với Trường Sa và DK1, trong đó ưu tiên các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm có nhiều đóng góp, hỗ trợ cho Trường Sa, DKI; tiếp tục nắm tình hình, nghiên cứu đề xuất về thành phần các đoàn công tác và tổ chức cải tiến nội dung, hình thức tổ chức các đoàn công tác, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí kết hợp trong suốt hành trình công tác như thi tìm hiểu về Trường Sa, DKI; thi sáng tác văn học nghệ thuật, giao lưu văn nghệ; bài viết thu hoạch sau chuyến công tác; thăm hỏi động viên, chuẩn bị và trao quà cho quân dân trên đảo, nhà giàn cho phong phú, tươi vui, hiệu quả thiết thực./.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*