ẤN TƯỢNG VỀ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN VÀ VIỆC TIẾP NHẬN, SỬ DỤNG NHỮNG CON “TÀU KHÔNG SỐ”

NGUYỄN VĂN ĐỨC       

                                                                                   Nguyên Thuyền trưởng “Tàu Không số”

Với tư cách là một cán bộ tham gia hoạt động trên những con “Tàu Không số” từ ngày mở đường trinh sát tuyến đường biển từ Nam ra Bắc, cũng là thành viên từ những ngày đầu thành lập Đoàn 759 (23/10/1961), sau này là Lữ đoàn 125 Hải quân, tôi đã đi suốt cuộc hành trình trên Biển Đông cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Qua 14 năm cùng đồng đội lăn lộn trên Biển Đông đi Nam về Bắc, trưởng thành từ một thủy thủ đến cán bộ chỉ huy, bản thân tôi cũng tích lũy nhận thức được những bài học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Tôi mạnh dạn nêu lên một số suy nghĩ của mình để góp phần vào kho tàng lịch sử của Hải quân. Vì mở đường Hồ Chí Minh trên Biển là một chủ trương đúng đắn, táo bạo, độc đáo, hiệu quả ngoài mong đợi của Đảng và quân đội ta.

I. Chuẩn bị, ra đời Đoàn 759

Phong trào Đồng khởi bắt đầu từ ngày 17/01/1960 của lực lượng cách mạng tại huyện Mỏ Cày, Bến Tre làm rung chuyển chế độ “gia đình trị” Ngô Đình Diệm, nhanh chóng lan tỏa khắp Miền Nam. Đây là một bước tiến nhảy vọt của cách mạng Miền Nam với một lực lượng chính trị hùng mạnh, được sự hỗ trợ lực lượng vũ trang còn non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đứng lên diệt ác, phá kìm, mở rộng vùng giải phóng. Vấn đề đặt ra cấp bách lúc này là phải xây dựng lực lượng vũ trang đủ mạnh để hỗ trợ cho lực lượng chính trị, không thể dựa vào một số vũ khí thô sơ hiện có và lấy của địch để phát triển Quân giải phóng, mà phải dựa vào hậu phương Miền Bắc.

Mặc dù lúc này “Đường Trường Sơn” do “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” 559 đảm nhiệm đã mở nhưng không thể đáp ứng kịp yêu cầu vũ khí cho phát triển lực lượng vũ trang, vì nếu đi theo đường bộ, mỗi người chỉ mang được khoảng 20kg, kể cá đồ dùng cá nhân; phải mất gần 6 tháng mới tới miền Đông Nam Bộ, chưa nói tới hao hụt trên đường đi; còn việc đưa vũ khí đến Đồng bằng Sông Cửu Long thì cực kỳ khó khăn vì gặp các tuyến phong tỏa gắt gao của địch, không tránh khỏi tiêu hao nhiều cả người và vũ khí.

Xuất phát từ những khó khăn đó, Bộ Chính trị giao cho Tổng Quân uỷ phối hợp với Uỷ ban Thống nhất Trung ương đảm nhiệm công tác chi viện cho cách mạng miền Nam và tổ chức đưa đón cán bộ vào Nam và tù Nam ra Bắc; đồng thời đồng ý cho Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức nghiên cứu vận chuyển bằng đường biển, nếu thành công sẽ mở ra triển vọng mới cho cách mạng Miền Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng. Kinh nghiệm cho thấy Đơn vi Tiểu đoàn vận tải thuỷ 603, tức “Tập đoàn Đánh cá sông Gianh” (thành lập tháng 7/1959)  tổ chức đưa vũ khí vào khu V không thành công vì đi trong lúc phong trào cách mạng chưa lên, chưa có cơ sở bên trong, không có người địa phương, không có cửa sông được khảo sát kỹ để vào bốc hàng, ngụy trang…

Ảnh Tư liệu: Một tàu của Đoàn 125 Hải quân hoạt động trên biển – do Bảo tàng Hải quân cung cấp…

Để đảm bảo thắng lợi, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Khu uỷ Khu 8, Khu 9 và Khu uỷ miền Đông chỉ đạo các tỉnh: Bạc Liêu (Cà Mau), Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa chuẩn bị người và phương tiện vượt biển trinh sát để mở đường vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường Nam Bộ với tinh thần chỉ đạo:

  1. Dùng phương tiện đánh cá của ngư dân ven bờ cải trang hợp pháp.
  2. Bố trí cán bộ chiến sĩ người địa phương có tinh thần yêu nước, dũng cảm, có kinh nghiệm đi biển, không say sóng, nắm chắc địa hình ven biển, cửa sông, đặc điểm từng vùng để có thể che chở cho tàu ta và làm hoa tiêu dẫn vào cửa sông.
  3. Giữ tuyệt đối bí mật, lấy danh nghĩa sản xuất cung cấp cho Quân giải phóng.
  4. Chọn thời gian đi cho thích hợp với tình hình trên biển và thời tiết.
  5. Cử cán bộ cải trang hợp pháp đi dọc các tỉnh ven biển quan sát nắm bắt tình hình của ngụy quân hoạt động ở ven bờ từ Đà Nẵng trở vào để có thể dự kiến kế hoạch đối phó.

Thực hiện chủ trương trên, đầu năm 1961 các tỉnh nói trên khẩn trương chuẩn bị những chuyến đi vượt biển, mở đường trong hoàn cảnh hết sức khó khăn vì địch còn chiếm đóng và kiểm soát nghiêm ngặt khắp các làng xã ở Miền Nam, chỉ có một số vùng “lõm” mới giải phóng, nên phải dựa vào cơ sở nằm vùng và căn cứ trong rừng để mua sắm phương tiện, ngư lưới cụ, sửa chữa thuyền, lắp máy, may buồm, chuẩn bị lương thực thực phẩm, xăng dầu… Khó khăn nhất là tài chính rất eo hẹp, không đủ tiền mua sắm, như ở Trà Vinh không có máy, thuyền chỉ đi bằng buồm; Bà Rịa chỉ mua được chiếc ghe câu mực nhỏ nhoi (6 người kéo lên bờ được). Cuối cùng, với quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, các tỉnh cũng chuẩn bị được những đội thuyền sẵn sàng vượt biển. Với những phương tiện thô sơ, nhỏ nhoi và chưa có kinh nghiệm đi biển xa thì cán bộ chiến sĩ phải chọn phương thức đi sao cho thích hợp.

  • Về thời gian: chọn giữa hai mùa gió: Đông Bắc và Tây Nam, khoảng tháng 5 và tháng 6 bắt đầu có gió Tây Nam, đi ra thuận hướng gió, nếu đi muộn sẽ gặp mùa bão.
  • Về hướng đi: theo kinh nghiệm, đêm đi gần bờ, lái theo mục tiêu thiên văn  (sao Bắc Đẩu), ngày ra khơi dựa vào Mặt trời và dãy núi Trường Sơn trên đất liền, gặp thấy tàu địch thì phải giả vờ thả lưới đánh cá ngụy trang.

Thực hiện cách thức trên đây, sau khi khẩn trương chuẩn bị, ngày 01/6/1961 chiếc thuyền đầu tiên của Bến Tre xuất phát đúng theo kế hoạch. Sau đó lần lượt các thuyền của các tỉnh Cà Mau và thuyền Bến Tre 2 tiếp tục lên đường. Các chuyến đi thuận lợi, đưa được 22 đồng chí ra đến Hà Tĩnh, Quảng Bình an toàn. Riêng ở Trà Vinh, do quá khó khăn, phải đi bằng thuyền buồm và tỉnh Bà Rịa chỉ đủ tiền mua chiếc thuyền câu mực ven bờ, đi giữa mùa gió Tây Nam và gặp bão nên bị trôi dạt sang Ma Cao (bấy giờ thuộc Bồ Đào Nha) và Hải Nam (Trung Quốc), từ đó phải về Hà Nội thông qua đường ngoại giao…

Cuối cùng, vài chục cán bộ chiến sĩ cùng 5 chiếc thuyền mở đường thắng lợi được tập trung về Hà Nội vào ngày 23/10/1961, chào đón sự kiện Đoàn 759 – tiền thân của Đoàn 125 “Tàu không số” trên Biển Đông ra đời. Quân số ban đầu của Đoàn gồm 38 cán bộ chiên sĩ.

 II. Những chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí vào Miền Nam

Sau khi 5 chiếc thuyền vượt biển mở đường thành công, giữa năm 1962, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Đoàn 759 ký hợp đồng đặt Xưởng đóng tàu I Hải Phòng sửa chữa chiếc tàu của Trà Vinh. Sau đó, đại diện Bộ Quốc phòng ký hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải đóng mới 4 chiếc thuyền gỗ gắn máy kiểu của ngư dân Miền Nam do Xưởng đóng tàu I Hải Phòng đóng, để kịp mùa Đông năm 1962 đưa vũ khí vào chiến trường; trọng tải mỗi tàu chở được khoảng 30 tấn; riêng tàu của Trà Vinh 20 tấn. Tại sao chỉ dùng tàu chỉ chở 30 tấn ? Lý do như sau:

  • Đặc điểm địa hình cửa sông ở Nam Bộ có hai khu vực khác nhau: Từ Bà Rịa đến cửa sông Hậu, do ảnh hưởng của cửa sông Soài Rạp, đặc biệt các cửa sông ở Đồng Bằng sông Cửu Long bị phù sa lắng đọng thành nhiều cồn cát phía ngoài khơi nên rất khó đưa thuyền vào, dễ bị cạn và sóng vùi lấp. Từ Gành Hào – Bạc Liêu xuống đến mũi Cà Mau có bãi nghiêng, tàu vào thuận lợi hơn nhưng cách bờ xa tới 1000m, độ sâu khi nước xuống còn không quá 2m, nếu đi không đúng cửa sông sẽ bị mắc cạn; khi nước lên có độ sâu cao nhất không quá 4-5m và khi nước xuống thấp thì độ sâu còn trên dưới 2m.
  • Từ những đặc điểm trên đây thì sử dụng tàu có trọng tải 100 tấn trở xuống là thích hợp nhất, vì loại tàu này nhỏ, có thể vào cửa sông, vào các nhánh rạch được rừng đước Cà Mau và rừng lá dừa nước ở Trà Vinh, Bến Tre che phủ, máy bay trinh sát của địch rất khó giờ phát hiện.
  • Cuối năm 1962, đơn vị tiếp nhận 4 tàu gỗ mới đóng và đã hoàn thành công tác chuẩn bị thí điểm cho 4 tàu đi biển theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu: trang bị trên tàu phải xóa hết dấu vết có nguồn gốc Miền Bắc, bố trí biên chế người Miền Nam, vũ khí chở trên tàu phải sử dụng các loại của Pháp hoặc của Mỹ, lợi dụng biển công mà ngụy trang hợp pháp để đi, đặc biệt chiếc tàu đầu tiên lắp máy Grey Marin 220 mã lực của Mỹ, các tàu tiếp theo sử dụng máy Skoda của Tiệp Khắc. Đối sách trên biển thực hiện như một tàu đánh cá. Khi địch đánh ta thì kiên quyết tự vệ, cuối cùng nếu có nguy có bị lộ thì phá hủy tàu, người cùng hy sinh.
  • Tháng 10/1962, mọi công tác chuẩn bị cho chiếc tàu gỗ đầu tiên gọi là “Phương Đông I” hoàn tất và được lệnh xuất phát. Sau 7 ngày vượt Biển Đông trong gió mùa Đông Bắc, sóng phủ mạn tàu, do máy cũ nên liên tiếp hư hỏng, bộ đội phải tập trung khắc phục và cuối cùng cũng vào đến bến an toàn, nhanh chóng báo cáo kinh nghiệm về Chỉ huy sở, sau đó tiếp tục lần lượt cho xuất phát 3 tàu còn lại. Đến tháng 12/1962 các tàu vào đến Cà Mau an toàn, đưa được tất cả 112 tấn hàng hoá, vũ khí trang bị cho Quân giải phóng. Thành công bước đầu của 4 tàu thí điểm là một thắng lợi cực kỳ quan trọng. Bí mật mở ra tuyến đường vận tải trên biển Đông, kịp thời đưa vũ khí vào chiến trường nhanh nhất, nhiều nhất, bảo đảm chất lượng nhất và có cơ sở kết luận rằng: sử dụng phương tiện trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn là phù hợp nhất.

Sau khi 4 tàu vào giao hàng xong, đều phải nguỵ trang và nằm lại tại khu vực bến, vì tàu gỗ không không thể đi ngược giò mùa Đông Bắc, cho nên đến tháng 3/1963 ba tàu mới trở ra Bắc. Riêng tàu Phương Đông I phải nằm luôn trong bến vì máy tàu hỏng không thể sửa chữa được.

Sau thành công của tàu Phương Đông I, Đoàn 759 báo cáo và xin Bộ Tổng Tham mưu cho đóng loại tàu có trọng tải 50 và 100 tấn đi biển trong thời tiết gió cấp 8 trở xuống.

Được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, chỉ đạo cụ thể của Quân ủy Trung ương, cuối tháng 10 năm 1962 đại diện Cục Tác chiến thay mặt Bộ Quốc phòng ký hợp đồng với Xưởng đóng tàu III Hải Phòng triển khai cấp bách đóng 10 chiếc tàu sắt, chia thành hai đợt, đợt một 6 chiếc, đợt hai 4 chiếc (5 tàu có trọng tải 100 tấn, 5 tàu có trọng tải 50 tấn).

Ngày 8 tháng 2 năm 1963, đơn vị tiếp nhận chiếc tàu sắt đầu tiên trọng tải 60 tấn và tiến hành làm công tác chuẩn bị cho tàu xuất phát với những cán bộ, chiến sĩ được rút về từ các đơn vị Hải quân và được đào tạo từ Trường Trung cấp Hàng hải có trình độ, được rèn luyện nhiều năm; trên tàu cũng có nhiều trang bị bảo đảm hàng hải tốt hơn các tàu gỗ trước đây. Các loại vũ khí đưa vào cũng thay đổi nhiều chủng loại của Liên Xô và Trung Quốc viện trợ như súng trường bá đỏ, trung liên, B40, 12,7mm… Chiếc tàu sắt đầu tiên được lệnh đi vào bến mới Rạch Láng Nước ở Trà Vinh. Sau 5 ngày 6 đêm hành trình trên biển thuận lợi, giữ được tuyệt đối bí mật, cuối cùng vào được bến an toàn, mặc dù phải dò luồng lạch vì chưa gặp lực lượng đón ở bến; đến 7h sáng mới được vào được bến, ngụy trang, bốc hàng. Ba ngày sau tàu nhận lệnh và đi về Miền Bắc an toàn.

Chiếc tàu sắt đầu tiên này chính là mẫu tàu phù hợp với vận chuyển chiến lược trên biển thời chiến, có các tính năng kỹ thuật, chiến thuật phù hợp với điều kiện chiến trường lúc bấy giờ. Đây một bước đột phá về phương tiện vận tải, cùng với việc mở được bến mới ở Trà Vinh đã mở ra cục diện mới trong công tác vận chuyển chiến đấu của “Đoàn tàu Không số”, mặc dù thời tiết gió bão rất khắc nghiệt nhưng cán bộ chiến sĩ của đơn vị rất dũng cảm, quyết tâm vượt qua, kể cả hy sinh mạng sống của mình cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam.

Cũng từ thành công đó, trong năm 1963 lần lượt Xưởng đóng tàu III cho ra đời đủ 10 chiếc tàu sắt. Mỗi tàu chở đầy ắp vũ khí, ngày đêm di chuyển xuyên Biển Đông, trong mọi thời tiết từ gió cấp 8 trở xuống. Đồng thời đơn vị phối hợp với các lực lượng của cấp trên và địa phương khảo sát, mở thêm bến ở Bến Tre, Lộc An – Bà Rịa; đổi mới nhiều chủng loại vũ khí đưa vào chiến trường Miền Nam theo yêu cầu của chiến trường như DK2, B41, 12,7mm, cối 82 và các loại vũ khí hiện đại khác của Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Triều Tiên, Cu Ba… Trên tàu bố trí nhiều cán bộ chiến sĩ có năng lực, chịu đựng được sóng gió để đi khắp mọi vùng biển của Tổ quốc. Trình độ của cán bộ sĩ quan được huấn luyện nâng cao, kể cả kỹ năng đo đạc tính toán vị trí tàu bằng thiên văn hàng hải. Đây là bước tiến mới trong công tác vận tải quân sự trên Biển Đông.

Kết quả thắng lợi của những chuyến tàu mở luồng vào bến mới có sự đóng góp không nhỏ của những đồng chí trên 5 chiếc thuyền mở đường vượt biển ra Bắc, trở thành những hoa tiêu hiệu quả, nhận dạng luồng lạch, địa danh khi tàu vào bến.

Chiến trường ngày càng ác liệt, Quân giải phóng ngày càng phát triển rất nhanh, đòi hỏi phải có đủ súng đạn để trang bị đủ mạnh, sẵn sàng mở những chiến dịch đánh lớn, đảm bảo thuốc men cứu chữa thương bệnh binh và kết hợp chở cán bộ chỉ huy bổ sung cho mặt trận.

Tháng 1 năm 1964, được nước bạn nhận giúp đỡ, đoàn cán bộ của Hải quân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng giao, sang Trung Quốc tìm hiểu và ký hợp đồng với xưởng đóng tàu của bạn ở Quảng Châu đóng 15 tàu sắt trọng tải 50 tấn theo thiết kế của ta, bàn giao trong năm 1964. Bạn còn viện trợ cho ta thêm một số tàu cùng tải trọng. Đơn vị đưa ngay vào đội hình vận chuyển với gần 20 tàu trong năm 1964, liên tục quay vòng vận chuyển. Không ngày đêm nào vắng bóng “Tàu Không số” trên Biển Đông. Có đêm, bến Cà Mau tiếp nhận 2-3 tàu liền; đồng thời đưa tàu vào Lộc An – Bà Rịa mở bến mới, kịp thời cung cấp vũ khí để quân ta chuẩn bị mở chiến dịch Bình Giã. Có thể nói, hai năm 1963 và 1964, đơn vị thành công rực rỡ, liên tục vận chuyển nhiều hàng hoá, vũ khí vào chiến trường Miền Nam, giữ được bí mật con đường vận chuyển chiến lược trên biển.

Cục diện chiến trường thay đổi nhanh chóng, chiến sự diễn ra rất ác liệt, quyết tâm của quân và dân Miền Nam sẽ dập tan chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ – ngụy, yêu cầu phải cung cấp vũ khí cho cả Miền Nam theo Chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu. Đơn vị nghiên cứu đưa tàu vào các tỉnh Nam Trung Bộ, vì ở ven biển những tỉnh nơi đây chỉ có vách núi, không có nơi tàu vào ngụy trang cất giấu vũ khí, gần trục đường quốc lộ, lực lượng hải quân ngụy kiểm soát và phong tỏa hàng ngày ở trên bộ, trên không và trên biển. Cho nên từ cuối năm 1964 đến 1968, đơn vị đưa vào các bến trên 10 tàu chở hàng nhưng chỉ thành công 3 chuyến, còn lại phải chiến đấu, cho nổ tàu và hy sinh. Trong 3 tàu vào được bến nhưng vũ khí không còn nơi cất giấu phải chuyển hết lên khu vực Quốc lộ I để chuyển lên lên căn cứ. Rủi ro, hao hụt, hy sinh không nhỏ. Theo đánh giá, nhận định của cấp trên, việc đưa hàng hoá vào bãi ngang ven biển Nam Trung Bộ không hiệu quả, mất mát quá lớn, vì địa hình ven biển ở đây trống trải, không có điều kiện nguỵ trang, dễ bị địch phát hiện và tấn công.

III. Sau sự kiện Vũng Rô

Cuối năm 1964, trong lúc công tác vận chuyển rất khẩn trương, tàu vào Nam ra Bắc liên tục thành công thì đây cũng là lúc Mỹ – ngụy nghi ngờ và dùng mọi phương tiện hiện đại để trinh sát theo dõi như vệ tinh do thám, máy bay trinh sát của Hải quân, tàu của Hạm đội 7 Mỹ và tàu của Hải quân ngụy, hệ thống ra đa đối hải ven biển…, hình ảnh của “Tàu không số” dần dần được địch thu thập và lưu trữ ngày càng nhiều.

Ngày 15/02/1965, sau khi giao hàng thì trời sáng, tàu C143 cập vào vách núi Vũng Rô, nguỵ trang, nhưng bị máy bay địch phát hiện. 18 cán bộ thủy thủ cùng một bộ phận du kích, bộ đội địa phương đến hỗ trợ buộc phải chiến đấu, phá hủy tàu, phá huỷ vũ khí. Địch tung nhiều lực lượng bao vây và lấy được một số vũ khí của ta chưa kịp vận chuyển về căn cứ. Sau khi huỷ tàu (không thành công), một số cán bộ, thủy thủ hy sinh; số còn lại lên bờ, nhờ dân che chở, sau đó vượt đường Trường Sơn về Hà Nội. Cũng từ sự kiện này, đường vận chuyển trên biển đã bị lộ hoàn toàn; cả hướng đi, cửa sông, bến đậu bị địch phong tỏa gắt gao hàng ngày. Đường vận chuyển trên biển lúc này gần như bế tắc. Năm 1966, đơn vị điều 2 tàu đi vào Cà Mau, nhưng không thành công, phải chiến đấu và phá huỷ tàu. Có 1 tàu đi vào bến, giao hàng, nhưng khi ra cũng bị địch phát hiện và phải chiến đấu, hy sinh.

Sau khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đầu năm 1965 Mỹ ào ạt đưa quân vào thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở Miền Nam. Chiến trường đòi hỏi phải có đủ súng, đạn để đánh bại chiến lược mới này của địch. Quân ta thiếu nhiều nhất là vũ khí hiện đại mặt đất, trong khi Đoàn 559 – Đường Trường Sơn chưa kịp đáp ứng, cũng trong tình trạng bị địch đánh phá ác liệt, còn đường biển bị địch phong tỏa gắt gao. Quân ủy Trung ương yêu cầu phải tìm trăm phương ngàn kế để kịp chi viện cho chiến trường. Nhà nước ta nhờ bạn Trung Quốc giúp đỡ cải tiến và đóng mới một số loại tàu vận tải. Được sự chỉ đạo cụ thể của Bộ Tổng Tham mưu, đơn vị cử đoàn cán bộ sang nhờ bạn cải dạng một số tàu và đóng mới 12 tàu cao tốc trọng tải 15 tấn và 20 tấn, 5 tàu 5 tấn; tất cả theo dạng đánh cá và tàu buôn nước ngoài; đồng thời Bộ Giiao thông vận tải cũng giao cho Xưởng đóng tàu III Hải Phòng cải tiến và đóng mới một số tàu khác cho Hải quân; tất cả với mục đích vận chuyển nhanh và để che mắt địch, nhưng cũng không vào bến thành công…

Trong Tổng tấn công và nổi dây của quân và dân Miền Nam Tết Mậu Thân năm 1968, sau khi tổng tấn công đợt 3, vũ khí của ta hao hụt quá lớn, nhất là đạn các loại, có khi gặp địch bộ đội không còn đạn để chiến đấu nên phải chịu tổn thất, hy sinh. Quyết tâm của trên là “Trăm bó đuốc bắt được con ếch” cũng là thắng lợi.

Đơn vị nghiên cứu chiến thuật thu hút địch, tính toán thời gian cho nhiều tàu xuất phát để cùng một đêm vào các bến khác nhau, nếu địch phát hiện theo dõi tàu này thì tàu khác đột nhập vào bến. Cuối tháng 2/1968, theo cách trên, đơn vị cho 4 tàu ra đi nhưng không thành công, 3 tàu phải chiến đấu và hủy tàu, còn 1 tàu bị địch theo dõi về đến tận khu vực biển dảo Hải Nam mới thôi. Trong 3 tàu phải chiến đấu này có tàu C165 khi chuyển hướng vào bến Cà Mau thì bị địch bao vây, xảy ra chiến đấu và hy sinh. Tàu C43B vào gần bến ở Quảng Ngãi thì xảy ra chiến đấu, huỷ tàu. Một số đồng chí hy sinh. 14 đồng chí rời tàu lên bờ, được dân đùm bọc trở về tiếp tục làm nhiệm vụ.  Tàu 235 phải chiến đấu, phá huỷ tàu sau khi thả hàng ở khu vực ven biển Hòn Hèo – Nha Trang, còn 6 đồng chí về được hậu phương. Việc không thành công của đợt hoạt động này một phần là do ta chưa nghiên cứu, chưa nghĩ đến là yếu tố vệ tinh do thám của địch, bởi vì chúng không bỏ sót mục tiêu nào hoạt động trên biển.

Không thể để Quân giải phóng ngày đêm chiến đấu thiếu súng đạn, dù phải hy sinh, thiệt hại cũng phải nghiên cứu mọi cách để đưa bằng được tàu vào bến. Tháng 8 năm 1969, sau chuyến trinh sát của tàu C42, được Bộ Tư lệnh Hải Quân chấp thuận, đơn vị chuẩn bị cho tàu đột phá bằng đường đi mới dựa vào vùng biển các nước Đông Nam Á như Philippin, Indonesia, Malaixia về Hòn Khoai, bất ngờ chuyển hướng vào Vàm Lũng – Cà Mau. Thành công của chuyến tàu này được đồng chí Tổng tham mưu trưởng đánh giá là “vô giá” vì quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long mong từng viên đạn để chiến đấu, dảm hy sinh. Sau khi tàu đột phá trở về, đơn vị tiếp tục cho xuất phát 2 tàu, 1 vào vùng biển CoKong – Cămpuchia, thả được hàng và 1 tàu vào Bến Tre giao hàng thắng lợi, trở về an toàn. Sau đó, năm 1970 – 1971 có 3 tàu đi vào bến không thành công, chỉ về được 1 tàu, còn 2 tàu phải chiến đấu hy sinh. Không để con đường vận chuyển chiến lược bế tắc, Bộ Tổng tham mưu đồng ý cho Quân khu 9 cùng Bộ Tư lệnh Hải quân chuyển phương thức hoạt động hợp pháp bằng việc sử dụng tàu đánh cá hai đáy, “sống chung” với ngụy quân Sài Gòn. Từ đây Đoàn 125 chuyển một bộ phận cán bộ lớn tuổi và các đồng chí cán bộ chỉ huy tàu sang thành lập Đơn vị 371 tiếp tục khai thông con đường vận chuyển chiến lược trên biển, sau này gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

IV. Nguyên nhân thành công của con đường vận chuyển chiến lược trên biển

Trong bản thảo Lịch sử “Đường Hồ Chí Minh trên biển” rút ra được 4 bài học quý giá góp phần vào kho tàng lịch sử sáng tạo, độc đáo trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân ta.

Tóm tắt 4 bài học đó là:

  1. Luôn xây dựng được lòng trung thành tuyệt đối và có phương châm, phương thức hoạt động linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.
  2. Tích cực xây dựng lực lượng, chủ động, sáng tạọ, phát huy nội lực, phát triển phương tiện, trang bị kỹ thuật phù hợp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
  3. Bảo đảm sự đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ hiệu quả của ban bè quốc tế.
  4. Nêu cao vai trò của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, tuyệt đối giữ bí mật nhiệm vụ.

Theo tôi, một trong những người trong cuộc cần đưa thêm bài học thứ 5 rất quan trọng, đó là: “Được sự ủng hộ, đùm bọc, che chở, giúp đỡ tận tình của đồng bào, đồng chí ở các bến Miền Nam, kể cả sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ an toàn cho những chiếc tàu vào cất giấu vũ khí cho Quân Giải phóng”.

Những nghĩa cử cao đẹp trên đây, thể hiện rõ trong quá trình thực hiện chủ trương mở con đường chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cho đến thực hiện thắng lợi của Đường Hồ Chí Minh trên biển, đều được nhân dân các địa phương ủng hộ, che chở nuôi dưỡng, luôn giữ bí mật, mặc dù bà con nhiều năm sống với chế độ cai trị hà khắc, tàn ác của ngụy quyền Sài Gòn, nhưng vẫn luôn tin tưởng vào thành công của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Khi có chủ trương tổ chức những chiếc thuyền mở đường cũng dựa vào dân giúp đỡ mua phương tiện, ngư – lưới cụ, máy móc, dầu mỡ, thậm chí cả tiền, bà con sẵn sàng hiến tài sản của mình để mua sắm phương tiện như má Mười Riều ở Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa.

Khi tàu vào các bến, bộ đội đều sống chung với dân và được dân che chở, chăm lo và luôn giữ tuyệt đối bí mật, không có trường hợp nào rò rỉ bí mật từ dân. Điển hình như: cuối năm 1964, tàu 67 vào Bến Tre, bị cạn ở cồn cát cách bờ gần 10km, không có cách nào ra được. Chỉ huy sở lệnh: “Đưa hết hàng vào bờ và phá tàu”. Các đồng chí chỉ huy bến huy động hàng chục ghe, xuồng, hàng trăm dân trong xã chuyển tải gần 3 ngày liền, trong khi đồn địch cách chưa đầy 10km không hề hay biết. Ngoài ra tất cả các tàu vào bãi ngang ở ven biển miền Trung, bị địch phát hiện phải chiến đấu, trong số cán bộ, chiến sĩ còn sống sót vào được bờ đều được dân che chở, nuôi dưỡng để trở về để tiếp tục làm nhiệm vụ.

Đồng thời, nhiều cơ sở, nhiều cán bộ, nhân viên các xưởng đóng và sửa chữa tàu ở Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ninh… đã miệt mài, say sưa để tìm cách sửa chữa tàu tốt nhất, tìm ra mẫu tàu tốt nhất để thực hiện công tác vận chuyển chiến lược trên biển.

Những việc lo toan của nhân dân cho Đoàn “Tàu không số” nói riêng, con đường huyền thoại – “Đường Hồ Chí Minh trên biển” nói chung đã chứng minh một chân lý: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”./.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*