Nguyễn Văn Đấu
Biển và đại dương thế giới chiếm 361/510 triệu kilômét vuông, tức khoảng gần 3/4 diện tích bề mặt hành tinh, tích trữ nhiều tài nguyên thiên nhiên. Từ lâu loài người đã biết làm muối, đánh bắt thủy sản, vận tải biển và buôn bán giữa các châu lục. Đặc biệt, khi con người biết sử dụng những giàn khoan lấy dầu mỏ từ lòng đáy biển thì biển được sử dụng một cách có hệ thống và khai thác trên quy mô công nghiệp. Bắt đầu từ thế kỷ XVIII đến nay, dầu khí đã trở thành một loại hàng hóa chiến lược vì nó chi phối toàn bộ các hoạt động kinh tế, chính trị, quốc phòng của cả thế giới. Ngoài dầu mỏ, biển còn cung cấp cho loài người nhiều tài nguyên khác như muối mỏ, than đá, băng cháy, khí thiên nhiên, các loại quặng (đồng, côban, titan, manhê, mănggan…).
Dầu khí (petroleum) là các dạng hydrocarbon tự nhiên, có thể tồn tại dưới 3 trạng thái: khí (khí thiên nhiên), lỏng (dầu thô, khí lỏng tự nhiên, khí hóa lỏng…), rắn (bitum, băng cháy). Dầu khí thuộc nhóm các loại năng lượng hóa thạch (fossil fuels) hữu hạn. Các sản phẩm dầu khí có thể được sử dụng làm nhiên liệu đốt (combustion fuels) trực tiếp và cũng có thể là nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp (lọc dầu, hóa dầu, sản xuất hóa chất nói chung, sản xuất vật liệu xây dựng, dược phẩm, hàng tiêu dùng…).
Ngày nay, trước tình trạng gia tăng nhanh dân số, nạn khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên trên đất liền và ô nhiễm trầm trọng môi trường sống thì biển và đại dương thế giới sẽ là nơi hấp dẫn và triển vọng sống rất sáng sủa, vì thế cuộc chạy đua vươn ra biển để tìm kiếm tài nguyên nói chung và dầu mỏ nói riêng ngày càng quyết liệt, nhất là đối với những nước có biển và thềm lục địa, bất chấp những khó khăn về kỹ thuật, rủi ro và chi phí lớn[1].
Nguồn dầu mỏ lớn nhất tập trung ở Trung Đông, chiếm trên 50% trữ lượng dầu mỏ thế giới, đứng đầu là khu vực Ảrập Xêút và tiếp đến là Iran. Tiếp sau Trung Đông là Châu Mỹ (chiếm 11%, trong đó Bắc Mỹ 6,5% và Mỹ La-tinh 4,5%) và Châu Phi 9,5%. Các nước ở ven biển Địa Trung Hải (trừ Ma Rốc) đều sở hữu các mỏ dầu và khí đốt với trữ lượng lớn, đang tập trung hàng trăm giàn khoan khai thác dầu mỏ và năng lượng hóa thạch.
Trữ lượng dầu mỏ ở khu vực hồ Caspiên ước khoảng 12.000 tỷ mét khối. Việc thăm dò, khai thác dầu ở đây bắt đầu từ thế kỷ X và đến đầu thế kỷ XX. Bacu (thuộc Azerbaijan) đã trở thành trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí thế giới. Các nước có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới là Nga, Iran, Qatar và Turmenistan, trong đó trữ lượng khí đốt của Turmenistan khoảng 24,6 nghìn tỷ mét khối. Đầu thế kỷ XXI, nhiều hợp đồng lớn về khí đốt được ký kết và triển khai ở hồ Caspiên để cung cấp cho Châu Âu và lân cận như tuyến đường ống duyên hải CCP giữa Nga và Turmenistan, Kazakhstan; Azerbaijan, Grudia, Lithuania, Ba Lan và Ukraina, Pakistan, ấn Độ….
Riêng Liên bang Nga cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 xuyên qua biển Baltic, dài 1.222km vận hành cuối năm 2011. Cùng với việc hoàn thành đường ống khí đốt Power of Siberia 1 dài hơn 2.250km đi qua Trung Quốc năm 2019, Nga hợp tác với Châu Âu đã bắt đầu xây dựng đường ống khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2, cung cấp khí đốt cho Ðức, khu vực Bắc Âu và Tây Âu) từ năm 2018[2] và dự án TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Nam Âu và Ðông Nam Âu, từ vùng Krasnodar của Nga đi qua Biển Ðen đến tỉnh Kirklareli, Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ dài 930km) từ năm 2017; dự án đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu cho thấy lượng khí đốt chảy vào Ba Lan, đường ống dẫn khí đốt TSO Eustream (Slovakia), lượng khí đốt Nga cung cấp cho Slovakia qua Ukraine. Tóm lại, từ trước đến nay, Nga có các tuyến đường ống tới Ukraina và qua các nước Slovakia, CH Séc, Áo, Hungary và Romania; các tuyến đường đi qua lãnh thổ Romania tới Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Bắc Macedonia; tuyến đường ống đi qua Belarus, Ba Lan và Ðức; tuyến đường ống tới Phần Lan… Năm 2020, 29% nhập khẩu dầu thô của EU là từ Nga, trong khi Mỹ – nhà cung cấp dầu thô lớn thứ nhì của EU – chiếm 9%. Nga cũng là một nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm dầu tinh luyện sang châu Âu, đáp ứng 10% nhu cầu dầu diesel của khu vực này trong năm 2021, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). EU hiện phải nhập khẩu 90% lượng khí đốt từ bên ngoài, trong đó khí đốt của Nga chiếm 40%; trong đó Đức, Italia và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này.
Một số dự án của Châu Âu cạnh tranh với Nga, không đi qua Nga như các dự án truyền dẫn khí đốt đã có và đang xây dựng như: Ống dẫn Tây Nabucco, ống dẫn Trans Adriatic, ống mở rộng Nam Caucasus, ống dẫn Blue Stream, Nam Corridor (Hành lang phía Nam) với lưu lượng hàng chục tỷ mét khối/năm và các tuyến đường ống dẫn dầu như EAOTC, TCOP có thể vận chuyển hàng trăm nghìn thùng dầu/ngày.
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nổi lên một số “vương quốc dầu mỏ”. Inđônêxia có trữ lượng dầu mỏ tới 4 tỷ thùng, nhưng do công tác quản lý và đầu tư công nghệ hạn chế nên trong thời gian dài Inđônêxia là nước thành viên duy nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới OPEC phải nhập dầu mỏ. Trữ lượng dầu mỏ của Mianma khoảng 3,2 tỷ thùng, của Ôxtrâylia: trên 3 tỷ thùng, Brunây: 1,4 tỷ thùng. Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia và Philippin có trữ lượng dầu mỏ ở ngoài khơi khá lớn. Cămpuchia trở thành quốc gia dầu mỏ lớn sau khi phát hiện các mỏ dầu phía ngoài cảng Côngpôngxom.
Nếu như những năm 70 của thế kỷ XX, con người chỉ khai thác dầu mỏ ở độ sâu trên 300m dưới biển thì hiện nay có thể khai thác ở độ sâu 2.000 – 3.000m và lớn hơn nữa. Nhu cầu sử dụng cũng như lượng dầu mỏ khai thác được ngày càng tăng. Các nhà khảo sát địa – vật lý đánh giá lượng dầu đã khai thác trên thế giới (năm 2007) khoảng gần 200 tỷ tấn, nhiều nhất là ả Rập Xêút: 35,5 tỷ tấn, tiếp đến Canađa: 24,1 tỷ tấn. Mỗi năm thế giới tiêu thụ khoảng 4 tỷ tấn, tăng 2%/năm. Theo số liệu của Cơ quan năng lượng thế giới, Mỹ nhập 9.514 triệu thùng dầu/ ngày, bằng 50% nhu cầu (tháng 2.2008), là nước đứng đầu về tiêu thụ nhiều dầu mỏ, chiếm trên 25% toàn bộ lượng tiêu thụ của thế giới. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 7,6 triệu thùng/ngày, bằng 30% nhu cầu của họ, chiếm 9% sản lượng toàn thế giới và là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Mức tiêu thụ dầu của họ (2001-2007) tăng 8,7%/năm, gấp gần 6 lần so với tốc độ trung bình của thế giới. Ấn Độ và một số nước ở Trung Đông cũng có nhu cầu tiêu thụ dầu rất lớn.
10 năm sau, tức năm 2018: Tiêu thụ dầu khí trên thế giới đạt 100 triệu thùng dầu/ngày (4662.1 Mtoe/năm) và 3,8 nghìn tỷ m3 khí thiên nhiên/năm (3309.4 Mtoe/năm), tăng lần lượt 1,5%/năm và 5,3%/năm so với mức tiêu thụ dầu và khí thiên nhiên của năm 2017. Đây là những mức tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình ghi nhận trong giai đoạn 10 năm gần đây (1,2%/năm với dầu, 2,2%/năm với khí). Dầu và khí kết hợp đang đóng góp 58% trong 13865 Mtoe tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp trên thế giới năm 2018. Đặc biệt, trong ngành giao thông vận tải, dầu cung cấp tới 95% tổng nhu cầu năng lượng tiêu thụ trong ngành này.
Hiện nay, 10 quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới về mức tiêu thụ năng lượng/đầu người [3] gồm: 1. Iceland – 18.774 kg, đứng đầu thế giới; 2. Qatar – 17.418 kg; 3. Trinidad và Tobago – 15.691 kg; 4. Kuwait – 10.408 kg; 5. Brunei – 9.427 kg; 6. Luxembourg – 7.684 kg; 7.Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) – 7.407 kg; 8. Canada – 7.333 kg; 9. Mỹ – 6.793 kg; 10. Phần Lan – 6.183 kg.
Tuy nhiên, dầu và khí đốt không phải là vô tận. Dự báo với tốc độ khai thác như hiện nay, nguồn năng lượng chiến lược này đang vơi đi rất nhanh và chỉ có thể tiếp tục khai thác trong vòng hơn 30 năm nữa. Để có nguồn năng lượng thay thế, con người tập trung khai thác khí tự nhiên tại các vùng Sibiari, Alaska, Trung Đông…, nhưng cũng chỉ có thể tồn tại trong vòng 50 năm nữa và phải chịu chi phí chuyên chở cao trung bình gấp 7 lần so với chi phí chuyên chở dầu mỏ. Lượng than trên thế giới dự tính còn khoảng trên 900 tỷ tấn và sẽ cạn kiệt sau khoảng 100 năm khai thác. Gần đây, một số nước quan tâm đến năng lượng điện hạt nhân, nhưng phải chịu chi phí rất lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro (ví dụ như những thảm họa nổ lò phản ứng hạt nhân từ Nga, Mỹ, Nhật Bản gần đây); mặt khác trữ lượng uranium hạn chế, chỉ có thể khai thác được trong vài chục năm tới. Trong khi nguồn dầu mỏ ngày càng cạn kiệt, nguồn năng lượng thay thế (kể cả các nguồn năng lượng tái tạo từ biển như năng lượng gió, sóng biển, thủy triều, hải lưu…) chưa có nhiều và tương lai chưa chắc chắn, nhiều nhà khoa học nổi tiếng của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Braxin, Trung Quốc, Ấn Độ… đã từng đưa ra cảnh báo rằng loài người sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong thế kỷ XXI.
Các nhà kinh tế học dự đoán, với nguồn “cung” có hạn nhưng “cầu” rất lớn về dầu khí, cộng với tác động của những biến đổi lớn lao về kinh tế, chính trị – xã hội toàn cầu, nếu xảy ra chiến tranh, xung đột quân sự, giá dầu mỏ sẽ tăng vọt một cách bất ngờ, kéo theo các bất ổn về kinh tế-xã hội.
Trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhiều quốc gia tìm cách dự trữ, mua bán, trao đổi hoặc vươn tới những vùng biển công, thậm chí cả những vùng biển của nước khác để tìm kiếm, khai thác, bổ sung cho kho dự trữ dầu mỏ của nước mình dưới mọi hình thức. Kết quả là nhiều cuộc tranh chấp, xung đột, thậm chí chiến tranh giữa nước này với nước khác hoặc một nhóm nước này với nhóm nước khác là điều khó tránh khỏi. Gần đây một số nước rất quan tâm đến dầu mỏ ở Bắc cực vì ở đây, ngoài lượng khổng lồ về khoáng sản như vàng, bạch kim, kim cương và hải sản, còn có khoảng 25% lượng dầu thô và khí thiên nhiên chưa được khai thác. Năm 2007, đoàn thám hiểm Nga đã cắm cờ đánh dấu dưới đáy biển Bắc cực. Mỹ, Na Uy, Đan Mạch và Canađa cũng chi nhiều tỷ đôla Mỹ để xây dựng lực lượng và căn cứ quân sự ở đây làm cho cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cũng như tìm kiếm dầu khí “nóng” dần lên.
Các nước OPEC tập trung vào việc xây dựng các dự án lọc dầu lớn và coi đây là nguồn lợi nhuận tăng thêm bên cạnh việc xuất khẩu dầu thô. Xinhgapo là một nước nhỏ và ít tài nguyên thiên nhiên đang phấn đấu vươn lên là một trong những trung tâm công nghiệp hoá dầu ở Đông Nam Á với giá trị 50 – 65 tỷ USD/năm. Một số nước khác giảm xuất khẩu dầu thô hoặc xây dựng các kho dự trữ dầu chiến lược để dùng trong trường hợp khẩn cấp, giữ thế chủ động về nguồn dầu và giảm chi phí biến động khi giá dầu tăng. Kho dự trữ chiến lược của Mỹ được coi là lớn nhất với trên 720 triệu thùng dầu thô, của Nhật Bản khoảng gần 600 triệu thùng được coi là lớn thứ hai; tiếp theo là Trung Quốc với trên 100 triệu thùng (năm 2003). Xinhgapo phấn đấu trở thành trung tâm dự trữ dầu khu vực với dự án xây dựng 5 hang động trị giá 740 triệu USD (năm 2009), có thể dự trữ 9 triệu thùng dầu nằm sâu 160m dưới đáy biển Banyan Basin ngoài khơi đảo Jurông.
Gần đây, Mỹ đẩy mạnh can thiệp quân sự vào một số nước như Libi (1986, 2011), Xômali (1990), Irắc (1991, 2003), Côxôvô (Nam Tư, 1999), Apganixtan (2001)… mà một trong những mục tiêu chính của họ là giành quyền kiểm soát nguồn dầu mỏ ở đó. Với học thuyết Ca-tơ từ những năm 1980, mọi hành động của bất kỳ thế lực nào nhằm kiểm soát vùng Vịnh Pecxích đều được coi là hành động tiến công vào quyền lợi của nước Mỹ và buộc phải ngăn chặn bằng mọi biện pháp, kể cả vũ lực. Iran, quốc gia chiếm 20% trữ lượng dầu mỏ thế giới, có quyền lợi kinh tế, đặc biệt là về dầu mỏ liên quan chặt chẽ đến nhiều nước khác trong và ngoài khu vực (được coi là thù địch với Mỹ từ năm 1979 đến nay) đang tìm cách chống lại sự bao vây, can thiệp của Mỹ, làm cho mâu thuẫn giữa Iran với Mỹ cùng đồng minh thêm sâu sắc. Xiry cũng là một trong những quốc gia dầu mỏ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức cả về đối nội, đối ngoại và xung đột quân sự.
Châu Á – Thái Bình Dương đang nổi lên là một trong những trung tâm kinh tế – chính trị lớn nhất của thế giới, có nhiều thuận lợi về hợp tác và phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn định. Nga và Mỹ đều quyết tâm chuyển trọng tâm quốc phòng, an ninh sang Châu Á- Thái Bình Dương. Mỹ sẽ chi ít nhất 2,8 tỷ USD mua sắm vũ khí trang bị cho quá trình này trong năm 2013, trong đó có 600 triệu USD cho một căn cứ nổi di động trên biển và tăng quân số đóng ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ôxtâylia và triển khai nhiều tàu chiến ở gần bờ singapo…
Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ nước Mỹ cuối năm 2007, giá dầu thế giới biến động mạnh, liên tục tăng từ mức 95USD/thùng giữa năm 2007 lên khoảng 150USD/thùng giữa năm 2008 – mức cao nhất kể từ năm 1980 (sau đó giảm dần và có dấu hiệu tăng trở lại); cuối tháng 3/2012 đạt khoảng 110 USD/thùng. Đầu tháng 9/2019 ở mức 58USD/thùng, nhưng giữa tháng 9/2019 tăng tới 19,5% lên 71,95 USD/thùng, sau khi xảy ra hai vụ tấn công nhằm vào hai cơ sở lọc dầu của Ảrập Xêút…Đầu năm 2020, giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đạt mức cao nhất trong hơn 7 tháng, sau khi Mỹ không kích khiến một đại tướng của Iran thiệt mạng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 3 tăng 2,35 USD/thùng, tương đương tăng khoảng 3,6%, đạt 68,6 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau vào tháng 5 tại thị trường New York tăng 1,87 USD/thùng, tương đương tăng 3,1%, đạt 63,05 USD/thùng.
Tuy vậy, lần đầu tiên giá dầu thô WTI rơi xuống mức âm, tức -37,63USD/thùng vào ngày 20/4/2020. Đây là mức giá thấp nhất trên sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) từ năm 1983 – theo đài CNN. Nguyên nhân vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 tới nền kinh tế thế giới, nhiều hoạt động sử dụng dầu khí bị ngừng trệ. Đây cũng là lần dầu tiên trong lịch sử giá dầu giảm xuống dưới 0USD/thùng. Tuy nhiên, sau đấy vài ngày, giá dầu thô đã tăng trở lại, nhưng vẫn ở mức thấp: trên 10USD/thùng, sau đó tăng lên và giữ ở mức 50-60USD/thùng …
Cuộc xung đột quân sự Nga – Ucraina bắt đầu từ 24/2/2022 lại tiếp tục đẩy giá dầu và khí đốt lên cao. Trong phiên giao dịch 24/2, giá dầu Brent đã lần đầu tiên kể từ năm 2014 tăng lên 105 USD/thùng, trong giá khí đốt tự nhiên cũng tăng tới 6,5%. Trong khi đó, Đức thông báo tạm dừng dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) ở Biển Baltic, dự án nhằm tăng dòng khí đốt trực tiếp của Nga đến Đức. Trong phiên giao dịch chiều 3/3/2022, do các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU nhắm vào khí đốt và dầu của Nga đã khiến giá dầu Brent tăng lên gần 120 USD/thùng, mức cao nhất trong gần một thập kỷ. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 114,10 USD/thùng, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 119,48 USD/thùng. Theo các chuyên gia, giá dầu đã vượt mức 100 USD/thùng và điều này có thể làm giảm tốc độ chuyển đổi của toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn trong nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu./.
[1] Chi phí chó 1 giếng khoan dầu ở biển khoảng vài triệu tới hàng trăm triệu USD. Chi phí đóng 1 giàn khoan khoảng vài chục triệu tới hàng trăm triệu USD. Chi phí cho 1 giàn khoan hoạt động mỗi ngày khoảng 30.000 – 100.000 USD. Ngoài ra còn chi phí cho hệ thống ống dẫn dầu và tàu chở dầu…ngốn tới hàng tỷ USD.
[2] North Stream 2 là một dự án đường ống dẫn khí đốt xa bờ từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Ðức) dọc theo đáy biển Baltic, bao gồm cả các đường ống cung cấp khí trên cạn ở Nga và xa hơn nữa là nối liền hệ thống này với khu vực Tây Âu. Dự án gồm 2 đường ống nêu trên có tổng chiều dài 1.230km. Tuy nhiên, do cuộc xung đột Nga – Ucraina bắt đầu từ 24/2/2022, đường ống này tạm dừng hoạt động.
[3] Bài phân tích của tác giả Andrew Topf đăng trên trang mạng OilPrice gần đây đã tập hợp các dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới về việc sử dụng năng lượng từ các nguồn khác nhau, bao gồm cả nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo.
Để lại một phản hồi