Ðường Hồ Chí Minh trên biển – Điểm sáng của nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

*** Kỷ niệm 60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển và thành lập Lữ đoàn 125 Hải quân (1961- 2021)

                                              Nguyễn Văn Đấu

Trong giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, để “chống xâm nhập” từ hướng biển, đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đã thiết lập 3 hệ thống tuần tiễu, bao gồm: hệ thống ven bờ, đến cách bờ 12 hải lý; hệ thống xa bờ, cách bờ từ 12 hải lý trở ra đến 40 hải lý. Ở đây, địch sử dụng các lực lượng đặc nhiệm giám sát ven biển miền Nam 115, cùng lực lượng đặc nhiệm giám sát trên sông 116 và lực lượng đặc nhiệm cơ động trên sông 117, với hàng trăm tàu chiến lớn nhỏ, ngày đêm thay nhau tuần tiễu, lùng sục vào các căn cứ, nơi trú đậu tàu, cửa sông rạch… nhằm phát hiện tàu lạ. Ngoài hai hệ thống trên, địch còn sử dụng hệ thống tuần tiễu trên không, trên biển, dùng các máy bay và tàu chiến lớn (lực lượng đặc nhiệm 71) vừa tổ chức đánh phá miền Bắc, vừa tuần tra ngoài khơi, cách bờ đến 200 hải lý để phát hiện tàu xâm nhập tư Bắc vào Nam. Ở những hòn đảo, vùng cửa sông, cửa biển được coi là nhạy cảm và có tính chiến lược, địch thiết lập những trận địa hỏa lực mạnh, những đơn vị tàu lớn để không chỉ kiểm soát vùng ven bờ mà còn mở rộng tầm kiểm soát ra vùng biển  quốc tế.

Trong điều kiện chống kẻ thù hung bạo có tiềm lực và sức mạnh quân sự, kinh tế, trình độ khoa học, công nghệ hiện đại hơn ta nhiều lần, có ưu thế và sức cơ động trên không, trên biển…, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về cung cấp vũ khí cho chiến trường miền Nam, cùng với việc thành lập Đoàn 559 với nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc bằng đường bộ, tháng 7-1959, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603 hoạt động bí mật dưới tên gọi “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, đóng quân tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, có nhiệm vụ tăng cường công tác chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ở chiến trường Nam Trung Bộ và Nam Bộ trực tiếp đánh Mỹ -ngụy.

Sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu, thử nghiệm, ngày 23 tháng 10 năm 1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn 759 đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Tháng 8-1963, Đoàn 759 được giao cho Quân chủng Hải quân phụ trác. Đầu năm 1964, Đoàn 759 được đổi tên thành Đoàn 125 Hải quân.

Trong hoạt động vận chuyển biển chiến lược liên tục trong 14 năm (1961-1975), cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách và sự vây ráp, ngăn chặn quyết liệt của kẻ thù, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bạn và nhân dân tại các bến ở hai đầu đất nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mua sắm phương tiện, tổ chức tổng cộng trên 1.500 lần chuyến tàu, vận chuyển khoảng 110.000 tấn vũ khí và hàng hóa các loại cùng hàng chục ngàn lượt cán bộ chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, được Đảng, Nhà nước ta tuyên dương hai lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần cùng quân và dân ta đánh thắng mọi chiến lược chiến tranh của kẻ địch, đưa cuộc kháng chiến sống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn; viết lên bản hùng ca của tuyến đường vận chuyển chiến lược huyền thoại xuyên Biển Đông – Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên một phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm chi viện cho các chiến trường miền Nam thực sự trở thành mũi thọc sâu, vu hồi lợi hại để vận chuyển, chi viện vào những địa bàn ven biển trọng yếu, nơi mà sự chi viện bằng tuyến vận tải chiến lược 559 trên bộ chưa thể vươn tới được. Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đưa đón hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội và chuyên gia quân sự vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam.

Có thể nói, Ðường Hồ Chí Minh trên biển là sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc, phát huy tới mức cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc của dân tộc ta có từ ngàn xưa và được phát huy mạnh mẽ ở thời đại Hồ Chí Minh. Đấu tranh vũ trang không còn là lĩnh vực dành riêng cho quân đội chính quy. Ở đâu có địch là ở đó có lực lượng đánh địch. Ta đánh địch ngay trên đất nước ta, lực lượng vũ trang với ba thứ quân có mặt khắp mọi nơi, tận dụng được những thuận lợi về địa hình và khí hậu thủy văn, khoét sâu vào những sơ hở, điểm yếu và mâu thuẫn của địch (giữa đánh nhanh thắng nhanh và đánh lâu dài, giữa giữ đất và chiếm đất, giữa phân tán và tập trung…), làm cho địch quân đông mà hóa ít, vũ khí trang bị mạnh mà hóa yếu, cơ động mà kém linh hoạt… Nét nổi bật trong tư tưởng cách mạng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là chiến tranh toàn dân và phải dựa vào dân, lấy “dân (công nông) làm gốc”, chăm lo bồi dưỡng sức dân, khơi nguồn lực lượng và sức sáng tạo của nhân dân, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, khác hẳn với quan điểm quân sự tư sản thường dựa vào quân đội nhà nghề, dựa vào vũ khí trang bị kỹ thuật, nhấn mạnh vai trò của các tướng lĩnh…

Với Ðường Hồ Chí Minh trên biển, trước hết phải nói đến các lực lực lượng Hải quân mà vai trò nòng cốt là Đoàn 125. Cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn, giáo dục và huấn luyện rất bài bản, công phu, nhất là về ý chí chiến đấu, bản lĩnh chính trị – lòng trung thành với Đảng và nhân dân, tính kỷ luật và thành thạo về chuyên  môn nghiệp vụ đi biển, trong đó có khả năng điều khiển tàu đi trong điều kiện thời tiết phức tạp, xa bờ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật nhiệm vụ, luôn ứng phó với các tình huống địch lùng sục, kiểm soát, đánh chặn gắt gao…Nhờ giải quyết tốt vấn đề trên, cán bộ chiến sĩ lực lượng vận tải quân sự đường biển đã sử dụng thành thạo những trang bị vũ khí có trong tay, mặc dù trang bị và vũ khí còn thô sơ, ít hiện đại, hoạt động độc lập đơn lẻ trên biển là chính, nhưng bằng lòng dũng cảm, chí căm thu giặc và trình độ và kinh nghiệm dày dạn, đã linh hoạt và sáng tạo đề chủ động đề ra các tình huống và các biện pháp xử trí thích hợp, nhất là đối phó với âm mưu thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt và hoạt động ngăn chặn gắt gao của kẻ thù để đưa hàng tới đích, bảo vệ bí mật tuyến đường. Chính kẻ thù cũng thửa nhận điều này. Trong cuốn sách: “Một số quan điểm chiến lược để bảo vệ duyên hải Việt Nam Cộng hòa”, Nguyễn Hữu Chí – Phó Đô đốc Hải quân Sài Gòn đã viết: “…Trên thực tế, đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển… Trên phương diện quân sự, Bắc Việt đã biết khai thác biển khơi một cách thực tiễn hơn ta (Mỹ – ngụy). Giá trị của Hải quân Bắc Việt đã nói lên trước dư luận quốc tế” và “Nhà nước Bắc Việt nếu sử dụng tàu tiếp vận theo đường lối đó, xét rằng không những có phần tin tưởng ở cấp cán bộ chuyên nghiệp của họ, mà điều họ tin tưởng mạnh mẽ hơn, chính là tỷ lệ nguy hiểm chấp nhận được thấp hơn tỷ lệ thành công thâm nhập. Có thế họ mới duy trì kế hoạch đưa súng đạn vào bằng đường biển…”

Trong quá trình hoạt động, cán bộ chiến sĩ Đoàn 125 luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân; được sự phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương; nhất là Xưởng đóng tàu I, Xưởng đóng tàu III Hải Phòng – Cục Cơ khi, Bộ Giao thông Vận tải… đã có nhiều công sức đóng các loại tàu gỗ, tàu sắt và sửa chữa tàu thuyền phục vụ công tác vận chuyển của đơn vị.

Quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân của Ðảng và hiểu sâu sắc nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc của ông cha ta, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị được giao nhiệm vụ vận tải chiến lược trên biển thường xuyên được giáo dục tinh thần vì nhân dân mà chiến đấu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Vì thế, trong suốt hành trình vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, từ những chuyến vượt biển đầu tiên của các đội thuyền Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa… ra Bắc, cho đến khi thành lập Ðoàn 759, Ðoàn 125, tuyến vận tải quân sự chiến lược – Đường Hồ Chí Minh trên biển luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân và các lực lượng nơi có bến đến và bến đi của các địa phương ven biển..

Các bến đến ở khu vực Nam Bộ có quy mô lớn nhất, do Đoàn 952 đảm nhiệm, lúc cao điểm, quy mô tương đương cấp sư đoàn, bao gồm các bến ở 4 tỉnh: Cà Mau (mật danh B1), Trà Vinh (B2), Bến Tre (B3), và Bà Rịa (B4). Ngoài ra, còn nhiều bến đến khác như ở Bình Định, Nha Trang …và có khi sử dụng cả bến của bạn Campuchia. Ở đâu cán bộ chiến sĩ Đoàn 125 cũng nhận được sự hỗ trợ và hợp tác đắc lực của nhân dân địa phương trong việc bốc xếp, bảo vệ hàng và bảo vệ tàu, giữ bí mật nhiệm vụ. Tương tự như vậy, nhân dân ở các bến đi phối hợp chặt chẽ với đơn vị, hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho việc nhận hàng xuống tàu an toàn, bố trí các lực lượng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bến, bảo vệ tàu và lực lượng vận chuyển mặt đất, cùng các lực lượng phòng không, công an, bảo vệ và hệ thống kho trạm… Ví dụ, trong chiến dịch vận chuyển VT5 gián tiếp chi viện chiến trường miền Nam năm 1968-1969 do Chính phủ chỉ đạo, tranh thủ lúc địch tuyên bố tạm ngừng bắn phá miền Bắc, Quân chủng Hải quân chỉ đạo Đoàn 125 phối hợp hiệp đồng với Đoàn 170, 171, Phân đội 120 (Cục Hậu cần Hải quân) và một số đơn vị vận tải của Tổng cục Hậu cần, lực lượng vận tải nhỏ lẻ của các quân khu, tỉnh thành ven biển và lực lượng vận tải của Nhà nước (chủ yếu là Cục Vận tải đường biển), cùng một số lực lượng bảo vệ khác, lấy Đoàn 125 làm nòng cốt. Khi hiệp đồng với các lực lượng khác đều có Ban chỉ huy hỗn hợp, do chỉ huy của đơn vị Hải quân làm chỉ huy trưởng, có biên bản hiệp đồng cụ thể. Riêng Đoàn 125 vận chuyển 32.656 tấn hàng hóa từ Hải Phòng vào Sông Gianh – Quảng Bình, sau đó hàng hóa được vận chuyển ngược lên các binh trạm ở Xuân Sơn, theo “Đường Hồ Chí Minh trên bộ” xuyên Trường Son vào chiến trường miền Nam…

Nhờ có sự giúp đỡ, che chở, đùm bọc của nhân dân các địa phương luôn sẵn sàng đóng góp của cải và công sức cho tuyến vận tải chiến lược trên biển được thông suốt, Đường Hồ Chí Minh trên biển – con đường huyền thoại luôn được giữ bí mật trong suốt thời gian dài và đưa các chuyến hàng tiếp viện từ Bắc vào Nam cập bến an toàn, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc. Ðó chính là sự kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc của dân tộc, là thành công to lớn của đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân của Ðảng ta.

Các nước anh em, bè bạn trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ vật chất và ủng hộ tinh thần hết sức lớn lao và hiệu quả, trong đó có cả vũ khí trang bị, quân trang quân dụng và nhu yếu phẩm. Thông qua đường ngoại giao, bạn (Trung Quốc) giúp ta đóng theo đơn đặt hàng và chuyển giao một số tàu với nhiều kiểu loại khác nhau như Quảng Châu, Trạm Giang, Nhật Lệ, Đại Khánh, tăngkít vận tải đổ bộ K67 và tàu chở dầu. Bạn còn giúp ta địa điểm tập kết tàu, hàng hóa, bến đi (A2, A3) ở khu vực đảo Hải Nam trong giai đoạn nhất định và một số tình huống khó khăn, phức tạp.

Đảng ta, Quân ủy Trung ương, toàn quân và nhân dân ta đã kế thừa, nâng lên một tầm cao mới truyền thống, kinh nghiệm, nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc ta trong hàng ngàn năm lịch sử giữ nước oanh liệt, vẻ vang; là việc tiếp thu có chọn lọc nghệ thuật quân sự của các nước trên thế giới, đặc biệt là việc nhận thức và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong thời đại mới. Tư tưởng đó là khả năng quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, kết hợp với khai thác tối đa sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của bạn bè quốc tế để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để chiến thắng kẻ thù.

Giữ gìn và phát huy truyền thống Đơn vị hai lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1975) đến nay, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 đã vượt qua khó khăn, thực hiện trên 5.000 lượt chuyến tàu, vận chuyển chiến đấu và vận tải Trường Sa, chở trên 1.250.000 tấn hàng hóa và trên 126.500 lượt người; thực hiện hàng trăm lần chuyến tàu trực bảo vệ chủ quyền vùng biển được phân công.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực Biển Đông có những diễn biến mới phức tạp, vừa thuận lợi, vừa khó khăn với những thách thức mới. Ðiều đó đặt ra những yêu cầu rất cao đối với nhiệm vụ bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Những bài học, kinh nghiệm về vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc, phát huy tới mức cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn để đánh thắng kẻ thù xâm lược của Ðường Hồ Chí minh trên biển sẽ được toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phát huy lên tầm cao mới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*