HÃY HÀNH ĐỘNG ĐỂ LÀM CHỦ BIỂN ĐẢO CỦA TỔ QUỐC THÂN YÊU

TS NGUYỄN VIẾT NHIÊN, CHỦ TỊCH HỘI KH-KT VÀ KINH TẾ BIỂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thế kỷ XXI là thế kỷ loài người tiến mạnh ra biển và đại dương. Sự gia tăng dân số, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên trên đất liền, nạn ô nhiễm môi trường sống, biến đổi khí hậu và sự thay đổi chiến lược của các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn, khiến các quốc gia có biển phải đổi mới mạnh mẽ tư duy chiến lược trên nhiều bình diện khác nhau, trong đó có lĩnh vực khai thác và bảo vệ biển.

Biển Đông là một trong bốn biển lớn trên thế giới và là biển lớn nhất Châu Á- Thái Bình Dương, có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với 10 quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh (Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Cămpuchia, Thái Lan, Malaixia, Singapo, Inđônêxia, Philippin và Brunây) mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới, bởi vì Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á; là một phần của tuyến đường biển nối trực tiếp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong thương mại hàng hải quốc tế. Đây là “yết hầu” cho giao lưu hàng hóa của Đông Nam Á và nhiều nước Châu Á, với gía trị thương mại khoảng trên năm nghìn tỷ đô la Mỹ. Mỗi ngày có khoảng 300 tàu vận tải các loại qua lại Biển Đông. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản; khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua Biển Đông. Lượng xuất khẩu hàng hóa qua Biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á là 55%, các quốc gia công nghiệp mới là 26%, Ôxtrâylia  là 40%. Có 4/16 tuyến đường chiến lược của thế giới qua Biển Đông nằm trong khu vực Đông Nam Á và có nhiều eo biển quan trọng đối với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới như: Malacca, Luzon, Lombok, Sunda, Makascha và Ombai-Wetar. Đặc biệt, eo biển Malacca nằm giữa đảo Sumatra của Indonesia, Malaysia và Singapore, có vị trí vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hóa của Đông Nam Á và Bắc Á đều phải đi qua đây. Eo biển này có lượng tàu thuyền hoạt động nhộn nhịp và lượng dầu vận tải hàng năm qua đây chiếm vị trí thứ hai thế giới, sau eo biển Homuz (Cộng hòa Iran). Tuyến đường vận tải quốc tế qua Biển Đông được coi là nhộn nhịp nhất nhì trên thế giới và điểm gần nhất của tuyến vận tải biển này chỉ cách Côn Đảo (Việt Nam) trên 20 hải lý. Trong Biển Đông có các đảo, các quần đảo ngoài khơi rất quan trọng như Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm ở vị trí trung tâm – một trong những nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua nhất trên thế giới.

Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược, không gian sinh tồn (phát triển và an ninh) và chiếm vị trí địa chính trị quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực mà còn cả của Châu Á – Thái Bình Dương, có nguồn lợi về tài nguyên dầu khí lên tới hàng ngàn tỉ đô la Mỹ; là một trung tâm của thế giới về đa dạng sinh học và có nguồn lợi hải sản dồi dào, xếp hạng thứ 4 trong số 19 khu vực đánh cá tốt nhất trên thế giới về tổng sản lượng đánh bắt cá hàng năm (Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc/ FAO). Hiện nay, một số ngành kinh tế trọng điểm đều tập trung ở vùng ven biển và gắn với biển như khai thác và chế biến dầu khí, khai thác và xuất khẩu thủy sản, dịch vụ du lịch, công nghiệp đóng tàu, giao thông vận tải đường thủy, cảng biển…

Thực tiễn xây dựng và phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy vùng biển và ven biển là vùng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và năng động.  Đặc biệt, Biển Đông đã trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của các nước lớn trong lịch sử và trở thành vấn đề quốc tế bởi sự tranh chấp giữa nhiều quốc gia trong khu vực. Đây cũng là nơi tích tụ, tập trung các mô hình chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa đa dạng của thế giới, bao gồm sự giao thoa của các nền văn minh: Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á đảo và Đông Nam Á lục địa. Do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố lịch sử, các tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong Biển Đông giữa một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực phức tạp và kéo dài. Mọi cuộc xung đột, khủng hoảng cũng như các vấn đề an ninh ở Biển Đông đều ảnh hưởng đến các nền kinh tế các nước trong khu vực và thế giới.

Đối với Việt Nam, Biển Đông là cầu nối quan trọng để giao lưu, hội nhập và hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta đều phải đi qua Biển Đông.

Nước Việt Nam là một quốc gia có biển ở bán đảo Đông Dương, một vị trí chiến lược quan trọng trên đường giao thông quốc tế ngày càng sôi động giữa phương Đông và phương Tây; có diện tích đất liền rộng trên 33 vạn kilômét vuông và diện tích vùng biển rộng khoảng gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, với bờ biển dài trên 3.260km. Biển Việt Nam nằm ở bờ Tây của Biển Đông, án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực; có gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Biển Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao, trong đó có nguồn lợi lớn về khoáng sản (dầu khí, băng cháy…), hải sản, giao thông vận tải biển…; là “cầu nối” cực kỳ quan trọng để giao lưu kinh tế, hội nhập quốc tế giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Các vùng biển, đảo, thềm lục địa nư­ớc ta nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, có nhiều lợi thế và có tầm quan trọng về chiến lư­ợc, mở rộng không gian hoạt động phòng thủ (kể cả chiều sâu của biển, mặt biển và vùng trời trên biển), tạo đư­ợc thế đứng vững vàng thuận lợi cho phòng thủ và phát triển kinh tế. Giữ vững chủ quyền các vùng biển, hải đảo sẽ tạo đư­ợc hành lang an toàn cho đất liền và đẩy lùi nguy cơ xâm lư­ợc của kẻ thù từ hư­ớng biển, tạo điều kiện cho các lực lư­ợng của các bộ, ngành tiến ra khai thác biển và đại dư­ơng, thông báo tình hình mặt biển, tham gia kiểm soát các đư­ờng hàng hải, hàng không trong khu vực, góp phần tích cực bảo vệ hòa bình, ổn định để phát triển đất nư­ớc.

Chính vì vị trí và tầm quan trọng như vậy nên trong lịch sử biển nước ta đã từng bị các thế lực phong kiến phương Bắc và thực dân, đế quốc lợi dụng để tiến công xâm lược nước ta. Trong các cuộc chiến tranh ấy, nhân dân ta cũng sử dụng sông biển để chống lại kẻ thù, bảo vệ lãnh thổ và nền độc lập dân tộc.

Những năm gần đây, nhờ có chủ trương và chính sách thỏa đáng, nước ta đạt được một số thành tựu đáng trân trọng trong khai thác và bảo vệ biển. Một số ngành kinh tế biển và ven biển phát triển nhanh, thực sự trở thành lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế đất nước, đóng góp và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tăng trưởng kinh tế (GDP) của quốc gia. Biển Việt Nam thực sự là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hiện nay, Biển Đông nói chung và biển Việt Nam nói riêng là khu vực nhạy cảm; bên cạnh yếu tố ổn định hoà bình, còn có yếu tố bất ổn định khó lường, trong đó có nhiều vấn đề tranh chấp biển giữa ta với các nư­ớc và vùng lãnh thổ có vùng biển liên quan ch­ưa đ­ược giải quyết; có những nơi, những lúc tranh chấp này trở nên quyết liệt… Hàng ngày hàng giờ chúng ta phải đối mặt với các hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển và vi phạm pháp luật trên biển, có những lúc những nơi rất căng thẳng và phức tạp; nguy cơ xâm lấn biển đảo ngày càng gia tăng. Điều đó ảnh hư­ởng sâu sắc đến vấn đề khai thác, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ an ninh trật tự  trên biển.

Gần đây, cùng với việc xây cất, mở rộng các đảo, đá mới chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, Trung Quốc đã từng bước đơn phương “quân sự hóa”, thiết lập sự kiểm soát các tầng không gian của Biển Đông, làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường bãi san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo về môi trường sinh thái biển. Từ tháng 7 đến cuối tháng 10/2019 Trung Quốc liên tục cho các tàu thăm dò và tàu hải cảnh cản trở, hoạt động phi pháp quấy phá ở bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mặc dù Việt Nam nhiều lần lên án và dư luận quốc tế phản đối. Đầu năm 2020, lợi dụng tình hình hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tập trung chống dịch COVID-19 lây nhiễm từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc tăng cường hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Sau khi bị vô hiệu hóa và phản đối về yêu sách “Đường lưỡi bò” ôm đến khoảng 90% Biển Đông (đã bị Tòa án quốc tế được thành lập theo phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về luật biển/ UNCLOS 1982 bác bỏ năm 2016), ngày 18 và 19/4/2020, Trung Quốc loan báo thành lập hai “quận” hành chính “Tây Sa” và “Nam Sa” trực thuộc “Thành phố Tam Sa” mà họ gọi là “Nam Hải chư đảo”, bao gồm bốn nhóm đảo, đá: Đông Sa (đảo đá Pratas), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield); công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” đặt tên chính thức cho 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới mặt nước ở Biển Đông (hầu hết là thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) mà Trung Quốc tự cho là của họ, bất chấp tuyên bố chủ quyền của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và dư luận quốc tế. Nhiều đảo, đá và thực thể này nằm ở phần phía tây Biển Đông và nằm dọc theo “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra, trong đó có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc cách đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam khoảng 50 hải lý. Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc đưa vào hoạt động hai “trạm nghiên cứu” trên đá Subi và đá Chữ Thập ở Quần đảo Trường Sa và sau đó cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam; đưa nhóm tàu khảo sát Địa chất hải dương 8 hoạt động trái phép ở Biển Đông để thăm dò tài nguyên và tổ chức đánh cá phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Ngày 1/5/2020, Trung Quốc lại ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp ở Biển Đông, bắt đầu được áp dụng từ 12 giờ ngày 1/5 đến 12 giờ ngày 16/8, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm cả một phần Vịnh Bắc bộ và Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Những hành vi mới nhất của Trung Quốc là những hành vi cố tình gây hấn, hăm dọa các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam, quốc gia có chủ quyền đối với những thực thể ở Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và đặt tên. Hành động vi phạm luật pháp và thông lệ quốc tế của Trung Quốc đã lập tức bị Việt Nam cực lực phản đối, xem đó là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Qua đây cho thấy, Trung Quốc là nước thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, nhưng họ liên tục vi phạm luật pháp quốc tế và chưa bao giờ từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông, thôn tính Trường Sa, sẵn sàng chọn lựa thời điểm để “leo thang” triển khai hành động tăng dần sự hiện diện và tần suất gây rối ở Biển Đông, xâm lấn biển đảo của Việt Nam và nước khác xung quanh Biển Đông…Cần nói thêm rằng, trước đây Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng vũ lực để kiểm soát và chiếm đóng trái phép các đảo, đá trên Biển Đông; trong đó có Quần đảo Hoàng Sa (năm 1956 và năm 1974 từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa) và một số bãi đá như Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, … thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (năm 1988)…

Với chủ trương là bạn với các nước, hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực sẽ tạo ra cho Việt Nam những cơ hội và thử thách mới. Rồi đây các hoạt động của các bộ, ngành sẽ diễn ra trên biển, ven biển với nhịp độ ngày một cao hơn; trư­ớc mắt là các hoạt động dịch vụ cảng biển, th­ương mại, giao thông vận tải, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, du lịch, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ môi trướng sinh thái, nghiên cứu biển, tuần tra chung giữa Hải quân Việt Nam với hải quân một số n­ước trong khu vực, bảo vệ chủ quyền … Điều đó càng làm tăng cao vị trí và vai trò của biển, đồng thời đặt n­ước ta vào đư­ờng đua quốc tế và khu vực.

Hưởng ứng Tuần lễ biển và Hải đảo Việt Nam 2020 và Ngày đại dương thế giới 2020, chúng ta cần làm tốt những công việc sau đây:

Một là: Tich cực tham gia Diễn đàn đầu tư phát triển bền vững kinh tế biển. Các tổ chức, cá nhân tích cực hoạt động truyền thông tuyên truyền, giáo dục và đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng như triển lãm tranh ảnh về tài nguyên, phát triển kinh tế biển, các hình ảnh, sản phẩm thân thiện với môi trường biển đảo, hoạt động thu gom rác thải làm sạch bãi biển, trồng cây xanh…, góp phần nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, về vị trí, tầm quan trọng của biển và các lực lư­ợng quản lý, bảo vệ biển; tạo đồng thuận trong toàn xã hội và ý thức tự giác chấp hành Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Luật biển Việt Nam, Pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo … cho cộng đồng; tạo điều kiện và quyền hợp pháp cho mọi người dân tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm và đóng góp chung vào những nỗ lực quốc gia về bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Hai là: Huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển. Ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ biển. Cân nhắc lựa chọn và tập trung sức mạnh, phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá phát triển các ngành kinh tế biển mà ta có tiềm năng và nhiều lợi thế như: Du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác thủy sản; công nghiệp ven biển …; đồng thời thực hiện tốt Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ (Nghị quyết số 26/NQ-CP) về phát triển bền vững kinh tế biển, ven biển.

Ba là: Tiếp tục khẳng định mọi hoạt động của Việt Nam đều dựa trên trật tự và quy tắc quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 cũng như quyền bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình. Đẩy mạnh hợp tác và đấu tranh. Kiên quyết chống lại âm mưu độc chiếm Biển Đông, thôn tính Trường Sa của bất cứ thế lực nào. Chống các âm mưu, hành động lấn chiếm biển đảo bằng vũ lực và các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử nhằm thực hiện mưu đồ xâm lấn biển đảo. Tùy theo phạm vị và nhiệm vụ đ­ược phân công, cấp các ngành, các địa phư­ơng cần nêu cao trách nhiệm, tr­ước hết là luôn chủ động nắm chắc đư­ờng lối, chủ tr­ương của Đảng và Nhà n­ước ta; nắm chắc tình hình, đối tư­ợng, đối tác; tham mưu đề xuất với Đảng và Nhà nước, đồng thời có kế hoạch, triển khai lực lượng để khẳng định chủ quyền và giám sát hòa bình; tiếp cận qua đường ngoại giao và các cách thức có thể bày tỏ sự phản đối, yêu cầu đối tượng chấm dứt các hoạt động phi pháp; tuân thủ triệt để luật pháp và trật tự quốc tế; kiên trì đoàn kết, hợp tác với các nước trong khu vực Biển Đông, các nước ASEAN và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền hợp pháp của quốc gia theo Luật biển quốc tế, sẵn sàng giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng và bằng biện pháp hòa bình.

Bốn là: Hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, luôn nêu cao cảnh giác, tránh mắc mưu khiêu khích của đối phương và có phư­ơng án, xử lý các tình huống đúng đối sách; kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao và pháp lý; không ngừng nâng cao năng lực quản lý, cạnh tranh; luôn học hỏi kinh nghiệm, luật pháp quốc tế để phát huy lợi thế, nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ thách thức, hướng tới tương lai tươi sáng hơn, thực hiện tốt những mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW) đã đề ra là: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng”…

Thực hiện được các biện pháp nêu trên là bư­ớc đi chủ động nhất hòa nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, bảo đảm quốc phòng – an ninh gắn liền với phát triển kinh tế biển, góp phần xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới./.

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*