Một số bài học lịch sử về tổ chứ và hoạt động của “Đoàn tàu không số” trong Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

                                                         NGUYỄN VĂN ĐẤU

Ngày 23 tháng 10 năm 1961, Đoàn 125 Hải quân mà Tiền thân là Đoàn 759 vận tải quân sự đường biển (Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay) được thành lập. Từ Ngay sau đó, tuyến vận tải biển chiến lược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam được khai thông và phát huy tác dụng, hiệu quả cao, khi mà tuyến đường bộ xuyên Trường Sơn (Đường 559) chưa kịp vươn tới các chiến trường ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ…

Đoàn 125 vận tải quân sự Hải quân (Đoàn tàu “Không số”) đã làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển, mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Đoàn đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân 2 lần (năm 1967 và 1976). Sau đây là một số bài học lịch sử về tổ chức xây dựng và hoạt động của (Đoàn tàu “Không số”) – lực lượng vận tải biển chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Một là, tổ chức gọn, nhẹ, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến lược trong suốt cuộc chiến tranh và trong từng giai đoạn lịch sử

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, giữa năm 1959 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ thị: Đồng thời với mở tuyến đường trên bộ, phải tiến hành mở tuyến đường trên biển để vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam. Thực hiện chỉ thị trên, tháng 7 năm 1959, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Tiểu đoàn 603 vận tải thủy mang tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” thuộc “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho miền Nam. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về tình hình mọi mặt còn hạn chế nên chuyến thuyền vượt biển đầu tiên của Tiểu đoàn không thành công. Để giữ bí mật về nhiệm vụ, đầu năm 1960, Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động và toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn được điều sang Tiểu đoàn 301 để mở đường Trường Sơn trên bộ. Sau khi nghiên cứu, khảo sát, báo cáo, được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chấp thuận, ngày 23 tháng 10 năm 1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn 759 đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, với nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển các loại hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.

Tháng 8-1963, Đoàn 759 được giao cho Quân chủng Hải quân phụ trách và trực tiếp đảm đương nhiệm vụ vận chuyển, chi viện đường biển cho các chiến trường miền Nam. Ngày 24-1-1964, Đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Đoàn 125 Hải quân.

Ngay sau khi thành lập, đơn vị bắt tay vào học tập chính trị, huấn luyện quân sự và tổ chức nghiên cứu đường vận chuyển chiến lược trên biển, trinh sát và mang chỉ thị của Trung ương về mở đường vận tải trên biển đến truyền đạt cho lãnh đạo một số tỉnh phía Nam và các đơn vị mở bến để tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc. Từ thực tiễn hoạt động, đơn vị đã báo cáo Bộ Quốc phòng về tổ chức lực lượng cho phù hợp với thực tế tình hình mọi mặt và khả năng của ta.

Từ 5 chiếc thuyền máy của đồng bào Nam Bộ đưa ra miền Bắc trong những ngày đầu thành lập (1961), đến đầu năm 1964 – khi đơn vị trực thuộc Quân chủng Hải quân, Đoàn 125 được tổ chức thành 2 tiểu đoàn vận tải, 1 tiểu đoàn huấn luyện nghiệp vụ, phát triển thành 4 tiểu đoàn (năm 1972) với tổng số 51 đầu tàu vận tải các loại. Ngay từ giữa năm 1962, ta tổ chức đặt các xưởng đóng tàu I và III (của Bộ Giao thông vận tải – trên địa phận Hải Phòng), Xưởng Cơ khí Hạ Long (Quảng Ninh) đóng và giao cho Đoàn các tàu vỏ gỗ, vỏ sắt dạng tàu vận tải giả dạng tàu đánh cá có trọng tải 20 đến 60 tấn; sau đó đặt hàng và từng bước tiếp nhận từ nước bạn (Trung Quốc) một số tàu vỏ sắt với nhiều kiểu loại khác nhau như Quảng Châu (50 tấn), Trạm Giang (100 tấn), Nhật Lệ (200 tấn), Đại Khánh (400 – 500 tấn), tăngkít vận tải đổ bộ K67 (50 tấn) và tàu chở dầu (50 tấn). Các tàu đều được cải dạng hoặc ngụy trang cho phù hợp với yêu cầu hoạt động ở từng khu vực biển; trang bị súng bộ binh 12,7mm hoặc 14,5mm, có thể có thêm súng B41, ĐKZ-76, ĐKZ-82, bom chìm M1, bộc phá gói, bộc phá khối và khói mù…Tàu được trang bị máy thông tin tốt, có công suất lớn, bảo đảm liên lạc xa và bảo đảm luôn thực hiện đúng quy chế thông tin liên lạc. Quân số biên chế theo từng tàu bảo đảm đủ các vị trí và được tăng cường thêm nhân viên báo vụ, mã dịch.

Thực tế cho thấy những con tàu vỏ sắt dạng tàu vận tải giả dạng tàu đánh cá có trọng tải 50 đến 100 tấn – do Xưởng đóng tàu III thiết kế là phù hợp nhất trong vận chuyển chiến lược trên biển. Với những con tàu giả dạng tàu đánh cá nhỏ bé nhưng chứa đầy vũ khí, dưới sự điều khiển của các “khung tàu” đã thường xuyên thay đổi số tàu – số giả (còn nói vui là “Tàu không số”), bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm vượt qua mọi sóng to, gió lớn, bão táp của biển cả, vượt qua sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của lực lượng hải quân, không quân hùng hậu với hệ thống quan sát, cảnh giới từ xa và vũ khí hiện đại của Mỹ – ngụy để đi đến các chiến trường ven biển miền Nam. Mỗi chuyến đi là một lần quyết tử, một lần đấu trí căng thẳng; vừa phải vật lộn với thời tiết khắc nghiệt và hiểm nguy rình rập, vừa phải bình tĩnh mưu trí, quả cảm nguỵ trang, nghi binh, đánh lừa địch, tránh gặp địch… với mục đích cao nhất là đưa hàng đến đích; đồng thời sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh, nhiều khi phải phá hủy cả con tàu nếu không may bị địch phát hiện và tấn công… để bảo vệ bí mật tuyến đường vận chuyển.

Ngoài việc chăm lo chỉ đạo, chỉ huy điều hành đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân còn sâu sát chỉ đạo, tạo điều kiện cho đơn vị trong việc tuyển chọn, đào tạo, duy trì và phát triển đội ngũ cán bộ, chiến sĩ các giai đoạn luôn trung thành với Đảng và nhân dân, mưu lược, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, kỷ luật tự giác nghiêm minh; tạo điều kiện củng cố qun hệ giữa Hải quân với các lực lương khác trong và ngoài quân đội, kể cả nước bạn hỗ trợ công tác bảo đảm mọi mặt cho vận tải quân sự đường biển.

Trong suốt 14 năm tồn tại của tuyến vận chuyển biển chiến lược  này (1961-1975), lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã thực hành vận chuyển trên 5 tuyến đi, vượt qua hàng chục cơn bão và nhiều khó khăn gian khổ, hy sinh, đối phó với sự bao vây, phong tỏa, tìm diệt của kẻ thù; áp dụng nhiều cách thức và các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật; tổ chức trên 1.500 chuyến tàu, vận chuyển tổng cộng (trực tiếp và gián tiếp) trên 110.000 tấn vũ khí và hàng hóa các loại, gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ vào tham gia chiến đấu tại các chiến trường Nam bộ, Nam Trung bộ, Khu 5, góp phần cùng quân và dân ta đánh thắng mọi chiến lược chiến tranh của địch, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Hai là, nắm chắc tình hình mọi mặt, thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo tác chiến, phương châm, cách thức hoạt động vận chuyển

Căn cứ vào chỉ thị và thông báo của cấp trên về tình hình mọi mặt, trong kế hoạch đi biển, vận chuyển chiến đấu, các kíp tàu đều phải đánh giá và rút ra kết luận đầy đủ về tình hình địch, tình hình chiến trường và tình hình ta; trong đó nắm chắc những thuận lợi để tận dụng, phát huy, nắm chắc những khó khăn chính để tìm cách tránh, khắc phục hoặc có phương án đối phó. Mặt khác, trong quá trình đi biển, kíp tàu phải luôn cập nhật thông tin tình hình, tổ chức quan sát, trinh sát, dự kiến các phương án và luôn sẵn sàng chiến đấu cao, bình tĩnh, sáng suốt xử lý đúng tình huống mọi lúc mọi nơi.

Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào đơn vị cũng luôn quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh và quy định của cấp trên; thực hiện tư tưởng chỉ đạo tác chiến: đánh du kích, từng tàu hoạt động độc lập, đơn lẻ là chính. Khi tàu đi trên biển, thông thường là một chiếc đơn lẻ hoạt động độc lập (đi biển, giao hàng và trở về). Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh cụ thể mà cấp trên có thể điều động chiếc đi trước, chiếc đi sau; chiếc vào bến gần, chiếc vào bến xa, bảo đảm trong một con nước (trung bình 10 đến 15 ngày) có thể có 2 đến 3 tàu vào các bến khác nhau; khi các tàu ở trong bến bắt đầu quay ra thì có tàu ở hậu phương bắt đầu xuất phát. Cũng có ngày trên Biển Đông có 3-4 tàu hoạt động theo các tuyến và khu vực khác nhau, nhưng có lúc có thể 2 tàu gặp nhau trên biển.

Phương châm hoạt động vận chuyển chiến đấu của đơn vị là: bí mật bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch, điều kiện thuận lợi của chiến trường và thời tiết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, phát huy tinh thần độc lập, sáng tạo, tích cực chủ động, kiên quyết, mạnh dạn, mưu trí, linh hoạt, liên tục, sẵn sàng chiến đấu cao; dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu và bảo vệ bí mật nhiệm vụ.

Với phương châm hoạt động bí mật, bất ngờ, sử dụng các loại tàu nhỏ, ngụy trang giống tàu đánh cá, tuyến đường vận chuyển chiến lược trên biển đã mở ra một hướng chi viện mới, hết sức quan trọng, đưa hàng chi viện của miền Bắc đến với các chiến trường xa, nhất là trong những giai đoạn đầu, khi mà tuyến đường vận chuyển chiến lược trên bộ chưa có điều kiện vươn tới được.

Nhờ nắm chắc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng chỉ đạo và phương châm vận chuyển, đơn vị luôn chủ động trong lập và thực hiện các kế hoạch công tác, lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, đơn vị luôn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ được giao với hiệu suất cao.

Trong hoạt động vận chuyển, cùng với việc sử dụng lực lượng hợp lý, đơn vị đã kết hợp giữa hoạt động bí mật và công khai; xuất phát ở nhiều bến và cập bến ở nhiều điểm, có khi phải cập bến ở cả cảng của nước bạn trước khi cập vào các bến ở miền Nam để giao hàng; đi trên nhiều tuyến, nhiều cung đường khác nhau, có khi phải ra tận hải phận quốc tế để tránh sự phát hiện, ngăn chặn của địch. Địch ngăn chặn đường trong ta đi đường ngoài; địch ngăn chặn đường dài, ta đi cung ngắn; hoặc có lúc ta kết hợp cả đường trong và đường ngoài, kết hợp đường dài với cung ngắn; khi địch phát hiện bám đuôi thì ta đi ra vùng biển quốc tế; khi địch phát hiện và tấn công tàu thì ta đánh trả quyết liệt, khi cần thiết thì tiến hành phá hủy tàu và hàng hoá để giữ bí mật; đồng thời tranh thủ tối đa điều kiện thuận lợi (địch tuyên bố tạm ngừng bắn phá) để đẩy nhanh tốc độ vận chuyển (như vận chuyển gián tiếp trong Chiến dịch VT5 năm 1968-1969). Đại đa số các chuyến tàu giữ được bí mật, cán bộ chiến sĩ trên tàu xử lý khôn khéo, đưa hàng tới đích và trở về an toàn. Nhưng một số tàu bị địch phát hiện, bám sát và tiến công, buộc phải đánh trả để tìm cách thoát khỏi vòng vây hoặc phá hủy tàu và hàng hóa, không để rơi vào tay địch.

Khi giao hàng, kíp tàu tự tìm cửa sông hoặc kênh rạch để đưa tàu vào kênh rạch, bắt liên lạc với lực lượng ở bến để phối hợp bốc hàng lên bến hay sang mạn; hoặc tàu đến điểm quy định (hiệp đồng với bến) gần cửa sông thì thả hàng (thả hàng bãi ngang) để lực lượng ở các cơ sở của ta ra vớt hàng sau đó.

Ngoài hoạt động giao hàng, tàu còn làm nhiệm vụ đưa tổ công tác lên bờ. Tổ công tác được thành lập gồm 6 đến 9 người, đi theo tàu và được tàu bàn giao cho bến cùng với hàng hóa. Tàu chở tổ công tác đến điểm quy định (tốt nhất là trong sông rạch), ém tàu, bắt liên lạc với bến, giao hàng, giao tổ công tác. Hoặc tàu chở hàng và tổ công tác đến điểm quy định ngoải cửa vịnh hoặc bãi ngang, thả hàng, đánh dấu vị trí, thông báo cho tổ công tác biết để tổ công tác tự dùng xuồng cao su vào bờ bắt liên lạc với bến và có trách nhiệm phối hợp với bến làm nhiệm vụ bốc xếp, vận chuyển, bảo vệ hàng hóa ở khu vực bến.

Ba là, quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân, tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ

Thực tiễn xây dựng lực lượng, mở đường vận chuyển chiến lược bằng đường biển chi viện cho cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ đã minh chứng rằng, để thực hiện thành công nhiệm vụ đặc biệt này, phải có quyết tâm rất cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công của Đảng, tiến hành chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển do toàn quân, toàn dân ở trên biển, trên sông và ven biển, ven sông tiến hành.

Đặc thù của vận tải đường biển chiến lược trên biển là hoạt động vận tải chiến đấu, do đó một đơn vị của lực lượng vũ trang đảm nhận nhiệm vụ này là hoàn toàn khách quan, đúng đắn. Thực hiện nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam, lực lượng hải quân mà cụ thể là lực lượng của Đoàn 125 Hải quân vận tải quân sự đường biển là lực lượng nòng cốt, lực lượng chủ yếu.

Trong quá trình hoạt động, Đoàn 125 Hải quân luôn phối hợp chặt chẽ với nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương ở trên sông, trên biển và ven sông, ven biển. Sức mạnh của các lực lượng này là một yếu tố rất cơ bản quyết định thắng lợi trên chiến trường sông biển. Đoàn 125 Hải quân phối hợp với Đoàn 962, Đoàn 371 của Quân khu 9 làm nhiệm vụ vận chuyển, cất giữ, phân phối hàng hóa; đồng thời phối hợp với lực lượng bốc dỡ, vận chuyển đường bộ, bảo vệ, phân phối hàng, cung cấp hậu cần… tương đối đông đảo ở hai đầu bến, bãi, được bố trí ở một số tình thành phía Bắc  (Hải Phòng, Quảng Ninh…) và các bến đến ở chiến trường miền Nam (do tỉnh đội, quân khu 5, 7, 9 quản lý, quy mô có nơi tới cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn; phối hợp với lực lượng của Tổng cục Hậu cần, các binh trạm, lực lượng bảo vệ bến của các địa phương, trong đó có Đoàn 371 của Quân khu 9 để bốc xếp, vận chuyển, bảo vệ hàng hóa, bảo vệ lực lượng tàu khi tàu cập bến. Các lực lượng này còn làm nhiệm vụ cung cấp tình hình địch, tình hình chiến trường phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo chỉ huy cấp trên trong từng đợt, từng chuyến vận chuyển. Khi địch áp dụng những thủ đoạn ngăn chặn ác liệt nhất, nếu không có lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương phối hợp xây dựng các bến bãi, tìm ra những phương thức đưa hàng vào bến, thì sẽ không thể vượt qua lá chắn phong tỏa của địch. Do vậy, khi giải quyết các vấn đề về xây dựng lực lượng và hoạt động tác chiến của lực lượng vận tải chiến lược trên biển, ta cần xây dựng lực lượng vận tải biển của Hải quân làm nòng cốt, đồng thời cần đặc biệt chú trọng tới vai trò và phát huy sức mạnh của nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương.

Việc tổ chức, định hình tuyến vận tải chiến lược trên biển; phát huy nội lực  để phát triển các “vũ khí tự tạo” – đó là các loại tàu vận tải phù hợp – cùng với việc tuyển chọn, đào tạo và sử dụng lực lượng hợp lý, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, lựa chọn tuyến đường đi linh hoạt; chỉ huy tập trung thống nhất… là những nét tiêu biểu, độc đáo, sáng tạo, kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” mà lực lượng vận tải biển chiến lược thực hiện thành công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

*

*   *

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, các bài học nêu trên vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục phát huy, thể hiện rõ bằng các hành động anh hùng quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang và địa phương ven biển là cần quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng; không ngừng xây dựng bản lính chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng và ý chí chiến đấu cho bộ đội; đồng thời phải luôn bám sát thực tiễn sẵn sàng chiến đấu và động viên cán bộ, chiến sĩ tiến quân vào làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự, ra sức học tập rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ kỹ thuật, chiến thuật, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có và ngày càng được tăng cường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hải quân nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt trong chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển; độc lập và hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, lực lượng của các bộ, ngành và nhân dân ven biển hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống./.

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*