Một số tư liệu về tình hình tiếp nhận, điều động, sử dụng tàu của Đoàn 125 (1961-1975)

Lời nói đầu: Từ năm trước, Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức cuộc Hội thảo khoa học về hoạt động đóng và sử dụng “Tàu không số” trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Tuy nhiên, vì nhiều ý do, cho đến nay tư liệu thu thập chưa được đầy đủ. Do vậy, Thường vụ Ban Chấp hành Hội quyết định xây dựng một cuốn kỷ yếu về nội dung trên. Chúng tôi xin lần lượt trích đăng một số nội dung chính trong cuốn kỷ yếu này và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Nhân dịp Tết đến Xuân Giáp Thìn về, chúc tất cả hội viên, cộng tác viên và bạn đọc luôn mạnh khoẻ, nhiều niềm vui !

                                                      BAN BIÊN TẬP

_____________

Một số tư liệu về tình hình tiếp nhận, điều động,

sử dụng tàu của Đoàn 125 (1961-1975)

                                 Nguyễn Văn Đấu

Từ năm 1957 đến 7/1964…

Được Mỹ viện trợ và xây dựng, từ năm 1957 đến 1960, quân số hải quân ngụy khoảng 3.500 người và khoảng 80 chiếc tàu thuyền các loại, với các thành phần chính là các lực lượng hải lực, giang lực, thuỷ quân lục chiến. Hệ thống phòng thủ quản lý vùng biển Miền Nam triển khai tương đối rộng khắp, tập trung nhất là dọc ven biển, các cửa sông bến cảng lớn và trong sông ngòi vùng châu thổ.

Từ năm 1961, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Hải quân ngụy được Mỹ trang bị và huấn luyện với số lượng tàu thuyền lên tới 650 chiếc, tổ chức thành hai khu hải đội và bố trí dọc ven biển Miền Nam, trọng điểm là vùng giáp ranh vĩ tuyến 17. Hải quân Mỹ bắt đầu cho tàu MSO (quét lôi biển) dùng ra đa tuần tiễu quan sát phát hiện “mục tiêu” giúp hải quân nguỵ kiểm soát dọc theo vùng biển giáp ranh vĩ tuyến 17, tuần tiễu trên tuyến ven biển Cà Mau, Phú Quốc, Vịnh Thái Lan; bí mật tiến hành chiến dịch DESOTO thu thập tin tức tình báo, điều tra tình hình giao thông ở Miền Bắc và Đông Dương, gây ra các vụ phá hoại… Các năm 1961-1963 địch đã tiến hành 38 vụ biệt kích, hầu hết đều bị quân và dân ta phát hiện, đánh trả.

Về phía ta, dưới ánh sáng của Nghị quyết 15-NQ/TW của Trung ương Đảng (khóa II), phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Miền Nam phát triển mạnh mẽ và thực hiện quyết tâm đánh Mỹ, giải phóng Miền Nam. Đảng ta chủ trương tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí cho cách mạng Miền Nam. Bộ Chính trị giao cho Tổng Quân uỷ phối hợp với Ban Thống nhất Trung ương đảm nhiệm công tác chi viện cho cách mạng Miền Nam và quyết định mở đường giao thông quân sự đặc biệt, do Tổng Quân uỷ trực tiếp chỉ đạo.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Quân uỷ và Trung ­ương Cục Miền Nam, Khu uỷ Khu 8, Khu 9 và Khu Miền Đông Nam Bộ đã chỉ đạo một số tỉnh ở Nam Bộ khẩn trương tổ chức lực lượng và phương tiện ra Bắc nhận vũ khí. Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962 lần lượt 5 chiếc thuyền của các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu -Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa ra đến Miền Bắc, trong đó tỉnh Bến Tre có 2 thuyền. Toàn bộ số cán bộ, chiến sĩ trên 5 thuyền đó và số cán bộ thuộc Tiểu đoàn 603 trước đây được điều về Đoàn 759 và trở thành bộ phận nòng cốt ban đầu để xây dựng lực lượng vận tải biển chi viện cách mạng Miền Nam.

Giữa tháng 8 năm 1962, Quân uỷ Trung ­ương họp thông qua Nghị quyết mở đ­ường vận chuyển chiến lư­ợc trên biển. Từ đây, Đoàn 759 (sau này là Đoàn 125) chính thức bước vào thực hiện nhiệm vụ vận chuyển trên biển để đưa con người, vũ khí, hàng hoá từ hậu phương lớn Miền Bắc vào chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam đánh Mỹ -ngụy.

Sau chuyến thuyền trinh sát (đêm 10/4 -18/4/1962) đi từ Quảng Bình vào cập vào bến Vàm Lũng – Cà Mau thành công, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Đoàn 759 đặt Xưởng đóng tàu I Hải Phòng sửa chữa chiếc thuyền của Trà Vinh. Cùng với đó, ngày 20 tháng 6 năm 1962, đại diện Bộ Tổng tư lệnh ký hợp đồng với Cục Cơ khí, Bộ Giao thông Vận tải, đóng mới 4 chiếc thuyền gỗ gắn máy, có buồm, theo kiểu thuyền đánh cá của ngư dân Miền Nam, trọng tải 30 tấn, với yêu cầu hoàn thành sớm. Nhiệm vụ này được giao cho Xưởng đóng tàu I Hải Phòng thực hiện. Tháng 8/1962 Xưởng đóng tàu I bàn giao cho Đoàn 759 bốn chiếc thuyền gỗ đúng kế hoạch và bảo đảm yêu cầu thiết kế. Tàu dài 12m, rộng 4m, trọng tải 30-35 tấn.

Sau khi nhận bàn giao thuyền gỗ, Đoàn 759 lựa chọn và bố trí các đội tàu thuyền, tổ chức cho các đội lần lượt lên đường. Ban Chỉ huy Đoàn chỉ huy trực tiếp từng đội tàu. Tư tưởng chỉ đạo chung về vận chuyển chiến đấu trong thời gian dài là “du kich”,  phương châm chung là “bí mật, bất ngờ, lấy đơn tàu độc lập đi lẻ tránh địch là chính, giữ bí mật nhiệm vụ; kết hợp chặt chẽ giữa vận chuyển và chiến đấu, lợi dụng điều kiện sơ hở của địch và thuận lợi của chiến trường, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phát huy tinh thần độc lập của từng lực lượng, tích cực chủ động, kiên quyết dũng cảm, mưu trí sáng tạo để thực hiện cho kỳ được nhiệm vụ được giao”.

Ngày 11 tháng 10 năm 1962, chiếc thuyền gỗ đầu tiên gọi là tàu “Phương Đông 1” chở hơn 30 tấn hàng hoá, vũ khí rời bến Vạn Sét, Đồ Sơn lên đ­ường. Ngày 19 tháng 10, tàu cập bến rạch Chùm Gọng (Cà Mau) và tiến hành giao nhận hàng. Thắng lợi của chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí vào Cà Mau đư­ợc báo cáo kịp thời lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ư­ơng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, tàu chở được 30 tấn vũ khí trang bị cho một tiểu đoàn, tàu chạy trong 9 ngày với một tiểu đội, lợi hơn gấp bao nhiêu lần đường bộ, bằng 1.500 người đi trong 5 tháng, không kể những khó khăn, trở ngại trên đường  Trường Sơn do Đoàn 559 đảm nhiệm…

Tiếp theo chuyến thứ nhất, Đoàn 759 điều động 3 đội tàu thuyền tiếp theo, gồm tàu “Phương Đông 2”; “Phương Đông 3”; “Phương Đông 4” chở vũ khí vào chi viện chiến trường Nam Bộ.

Trong vòng hai tháng, Đoàn 759 đã thực hiện được 4 chuyến vận chuyển, tất cả đều đến đích an toàn, đ­ưa đ­ược 112 tấn vũ khí cung cấp cho Khu 9; củng cố thêm niềm tin vững chắc vào Đảng, vào hậu phương lớn Miền Bắc xã hội chủ nghĩa và ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của đồng bào, chiến sĩ Miền Nam.

Sau khi xuất phát thời gian ngắn, chiếc tàu gỗ bọc đồng Bình Minh phải dừng lại do thân vỏ yếu, một mặt Tổng Quân ủy chỉ đạo Đoàn 759 tiếp tục sử dụng thuyền gỗ, mặt khác quyết định tổ chức đóng tàu sắt với sức chở lớn hơn vừa bảo đảm khả năng đi biển tốt vừa tăng nhanh số lượng vũ khí vận chuyển vào Miền Nam. Ngày 27 tháng 10 năm 1962, Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu thay mặt Bộ Quốc phòng ký với Bộ Giao thông Vận tải đóng mới 6 tàu vận tải vỏ sắt, có trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn. Kế hoạch được giao cho Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng) thực hiện, thời gian từ quí 4 năm 1962 đến cuối năm 1963 phải hoàn thành.

Ngày 8 tháng 2 năm 1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên có trọng tải 60 tấn đ­ược Xưởng đóng tàu III bàn giao cho Đoàn 759. Đây là một cố gắng v­ượt bậc của cán bộ, công nhân trong xưởng. Tàu được lắp máy của Cộng hoà dân chủ Đức; có các ph­ương tiện hàng hải bảo đảm cho tàu đi biển dài ngày. Mớn nước nông, nên tàu có thể ra vào các kênh rạch thuộc châu thổ sông Cửu Long dễ dàng. Năm 1963 Xưởng đóng tàu III Hải Phòng đóng và bàn giao cho Đoàn 759 sáu tàu sắt trọng tải 50 tấn đến 100 tấn (C54, C55, C56, C67, C68, C69).

Thời điểm này, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần đều có tổ chức bộ phận “B” chuyên lo công tác vận chuyển chi viện chiến trường bằng đường biển. Mọi việc làm đều hết sức bí mật, bí mật ngay cả với cơ quan của mình. Bộ phận “B” của Bộ Tổng Tham mưu phụ trách chỉ huy, xây dựng kế hoạch vận chuyển, nắm tình hình ta, tình hình địch trên biển; Tổng cục Chính trị phụ trách công tác đảng, bảo đảm an ninh, an toàn chính trị; Tổng cục Hậu cần phụ trách chuẩn bị hàng hóa theo kế hoạch của bộ phận “B” Bộ Tổng Tham mưu. Bộ phận “B” của các ngành theo ngành dọc xuống trực tiếp chỉ đạo Đoàn 759.

Nhằm bảo đảm cho nhiệm vụ vận chuyển trước mắt và lâu dài của Đoàn 759, đầu năm 1963, một số thuyền trưởng, máy trưởng được đào tạo cơ bản ở trường Sĩ quan Hải quân có trình độ hàng hải khá và đã từng chỉ huy các tàu tuần tiễu, săn ngầm, qua rèn luyện thử thách cùng một số cán bộ đã qua đào tạo ở trường Hàng hải của Bộ Giao thông Vận tải và học tập ở nước ngoài được điều động về Đoàn.

Với tinh thần tích cực, khẩn trương, cấp uỷ, Ban Chỉ huy Đoàn 759 đã chủ động chỉ đạo đơn vị tổ chức các đội tàu. Đến tháng 8 năm 1963, Đoàn 759 có 9 đội tàu (9 chi bộ). Về cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, mỗi đội tàu cố gắng có biên chế thuyền trưởng, thuyền phó và chính trị viên. Do đó, khi nhận bàn giao tàu nào là đơn vị đưa vào sử dụng làm nhiệm vụ được ngay, để tranh thủ thời gian quay vòng tăng chuyến. Để bảo đảm bí mật, tất cả các con tàu của Đoàn 759 đều không sơn số hiệu chính thức. Khi hành trình trên biển, các tàu căn cứ vào tình hình cụ thể để gắn những tên và số hiệu giả nhằm đánh lạc hướng sự theo dõi của địch. Vì vậy anh em nói vui là “Tàu không số”, sau này thành quen gọi đơn vị là “Đoàn tàu không số”.

Ngày 17 đến ngày 24 tháng 3 năm 1963, con tàu sắt số 1 chở 44 tấn vũ khí xuất phát tại bến K20 (Hải Phòng) cập bến Rạch Láng Nước- Trà Vinh an toàn, đánh dấu sự phát triển nhảy vọt bước sang giai đoạn mới của công tác vận tải quân sự đường biển với phương tiện hiện đại và trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ tàu cao hơn, được Ban Chấp hành Trung ư­ơng Đảng và Quân uỷ Trung ư­ơng, Bộ Tổng tư lệnh biểu dương, khen ngợi. Tiếp theo chiếc tàu sắt thứ nhất là tàu sắt thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7, xuất phát, chở hàng vào Nam Bộ thành công…Cả năm 1963, đơn vị đã thực hiện được 23 lần chuyến tàu, trừ 2 chuyến bị mắc cạn ở khu vực biển Quần đảo Hoàng Sa, còn lại tuyệt đối an toàn, đưa được 1.318,68 tấn vũ khí, hàng hoá vào chiến trường. Tính từ quí IV năm 1962 đến hết năm 1963, Đoàn đã tổ chức được 28 chuyến tàu, (trừ 2 chuyến bị mắc cạn, một chuyến tàu Bình Minh bị hỏng phải cứu kéo quay về), còn 25 chuyến thành công, đưa gần 1.500 tấn vũ khí đến đích an toàn.

Nhằm tận dụng mọi khả năng sản xuất phương tiện của Nhà nước và khả năng vận chuyển hiện có, tăng khối lượng vận chuyển vào chiến trường, Trung ương chỉ đạo tiếp tục đóng tàu sắt trọng tải từ 50 đến 100 tấn và một số tàu gỗ trọng tải 30 tấn. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác sửa chữa tàu thuyền của Xưởng đóng tàu III, Xưởng đóng tàu I (Hải Phòng) và Xưởng 46 của Cục Hải quân để duy trì hệ số kỹ thuật cao cho Đoàn 759.

Để đẩy nhanh tiến độ đóng tàu, cùng với việc tổ chức đóng tàu vỏ sắt và vỏ gỗ ở trong nước, Trung ương chủ trương đặt vấn đề hợp đồng với Trung Quốc đóng tàu vận tải. Tháng 1 năm 1964, đoàn cán bộ Hải quân Việt Nam do đồng chí Huỳnh Công Đạo, Phó đoàn trưởng- Tham mưu trưởng Đoàn 125, làm trưởng đoàn được cử sang Trung Quốc tìm hiểu và ký hợp đồng đóng tàu. Ngay trong quí I năm 1964, ta đã ký hợp đồng với xưởng đóng tàu của Bạn ở Quảng Châu đóng 15 tàu vận tải biển, trọng tải 50 tấn, chịu được sóng cấp 7, cấp 8. Cuối tháng 8 đầu tháng 9 sẽ bàn giao chiếc tàu đầu tiên; và đến cuối tháng 12 năm 1964 Bạn sẽ giao đủ số tàu nói trên.

Ngày 29 tháng 1 năm 1964, Bộ Tổng tư lệnh ra Quyết định số 30 QĐ- QP chính thức chuyển Đoàn 759 về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân; đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125. Ngày 19 tháng 2 năm 1964, cơ quan đoàn bộ Đoàn 125 chuyển từ Hà Nội về Hải Phòng. Thời điểm này, cơ cấu tổ chức của Đoàn 125 cũng thay đổi cho phù hợp với quy mô tổ chức lãnh đạo, chỉ huy của Đoàn. Khối đơn vị trực thuộc gồm 3 khung cảng vụ: K15, K20, K35; 2 tiểu đoàn tàu vận tải và 1 tiểu đoàn huấn luyện; hai tiểu đoàn tàu đóng quân ở 2 nơi là cảng Đồ Sơn (K15) và cảng Bính Động (K20). Tiểu đoàn tàu I có 5 tàu (2 tàu vỏ sắt và 3 tàu vỏ gỗ) mang phiên hiệu C41, C42, C43, C54, C56. Tiểu đoàn tàu II có 4 tàu vỏ sắt phiên hiệu C53, C57, C68, C69. Tiểu đoàn huấn luyện đóng quân ở cảng K35, gồm các khung huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Đến giữa năm 1964, Đoàn đã xây dựng được 17 đội tàu.

Trong quí I/1964, Đoàn 125 nhận bàn giao 6 tàu sắt 50 tấn từ Xưởng đóng tàu III. Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đặt nước bạn đóng tiếp 15 chiếc 50-100 tấn theo thiết kế của ta. Các tàu hư hỏng đưa về sửa chữa tại Xưởng 46 Hải quân. Trong quý II năm 1964, Đoàn được Xưởng đóng tàu III bàn giao tiếp 3 chiếc tàu đóng mới đưa vào hoạt động đã làm cho số chuyến vận chuyển tăng lên nhanh chóng, gấp 3 lần quí I. Từ cuối quí II đến quí IV năm 1964, đơn vị được bổ sung thêm 5 tàu vận tải đóng mới ở trong nước và nhận 6 tàu do Bạn đóng.

Từ tháng 7/1964… đến tháng 1/1965, địch tăng cường đánh phá Miền Bắc

Tháng 7 – 8/1964, Mỹ đưa tàu sân bay và nhiều tàu tuần dương, khu trục vào Vịnh Bắc Bộ, khiêu khích, bắn pháo lên bờ biển miền Bắc. Sau vụ tàu khu trục Ma-đốc thực hiện kế hoạch DESOTO bị Hải quân ta trừng trị ngày 2/8/1964, Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, điên cuồng đẩy mạnh phong tỏa trên biển, cho hàng chục lần chiếc máy bay bắn phá nhiều địa phương ven biển Miền Bắc ngày 5/8 và tung biệt kích thám báo, gián điệp phá hoại.

Quí III năm 1964, vùng biển phía Nam thường xuyên có gió mùa Tây Nam mạnh cấp 7, cấp 8, trong khi đó địch phong toả rất gắt gao, nên Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Đoàn 125 phải chờ thời cơ an toàn mới cho tàu xuất phát; có tàu giao hàng xong vẫn phải ở lại bến đợi “yên”, khi nào có lệnh mới trở về miền Bắc. Mặc dù vậy, trong quý, chúng ta vẫn thực hiện được 12 lần chuyến tàu chỏ hàng vào Nam.

Tối 21 tháng 9 năm 1964, tại hội trường của Đoàn 125 ở cảng Bính Động, đơn vị làm lễ xuất quân tiễn tàu 401 cùng 12 cán bộ, thuỷ thủ đi làm nhiệm vụ. Đây là tàu gỗ do Xưởng đóng tàu I Hải Phòng đóng, trọng tải 35 tấn, theo dạng tảu đánh cá Miền Nam (dài 12m, rộng 6m). Các đồng chí Tư­ lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát; Chính uỷ Hải quân Hoàng Trà; cùng đại diện của Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham m­ưu, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của Bộ Tham mưu Hải quân và Đoàn 125 đến dự. Phát biểu dặn dò đội công tác, đồng chí Tư lệnh nêu rõ tầm quan trọng của chuyến đi mở đường vào bến mới ở Khu 5. Đồng chí xúc động nói: “Có thể chuyến đi này các đồng chí không trở về. Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra. Bộ Tư lệnh tin tưởng công tác chi viện cho miền Nam của chúng ta nhất định thắng lợi. Nhưng chuyến đi này có nhiều khó khăn nguy hiểm. Điều đó Bộ Tư lệnh không giấu giếm các đồng chí. Nhiệm vụ chiến đấu vì lợi ích của cách mạng của chúng ta khó tránh khỏi mất mát, hy sinh, như­ng Bộ T­ư lệnh gửi niềm tin nơi các đồng chí, các đồng chí sẽ thắng lợi và trở về khoẻ mạnh”. Cả 12 người của tàu 401 cùng giơ tay tuyên thệ: “Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ!”[1].

Đến cuối năm 1964, Đoàn có 3 tàu vỏ gỗ và 17 tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn cùng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn vững, bản lĩnh chính trị tốt. Từ tháng 1/1964 đến đầu tháng 2/1965, Đoàn 125 tổ chức được 88 chuyến đi; trong đó vào Cà Mau 45 chuyến, vào Bến Tre 23 chuyến, Trà Vinh 12 chuyến, Bà Rịa 3 chuyến, Phú Yên 4 chuyến, Bình Định 1 chuyến, chở được tổng cộng 4.719,6 tấn hàng hoá. Đây là giai đoạn đạt hiệu suất vận chuyển cao nhất của Đoàn, đạt 60% kế hoạch, được Bộ Quốc phòng đánh giá rất cao. Đến tháng 2 năm 1965, xảy ra vụ địch phát hiện tàu C143 của ta ở Vũng Rô nên Bộ Tư lệnh Hải quân báo cáo Bộ Quốc phòng xin tạm dừng hoạt động vận chuyển. Với sự kiện này, địch xác nhận: “Nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở bằng tàu trước đó; chắc chắn đối phương còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng và chuyển bằng đường biển[2].

Từ đầu năm 1965 đến năm 1968, Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh Cục bộ”, trực tiếp đưa quân viễn chinh và đồng minh vào Nam Việt Nam.

Thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ huy động hơn 70 ngàn quân Mỹ-nguỵ (14 sư đoàn, 9 lữ đoàn), gần 1.000 khẩu pháo, 1.342 xe tăng thiết giáp, 2.000 máy bay các loại triển khai ra 5 hướng ở Nam Bộ và Trung Trung Bộ. Ngoài Biển Đông, Mỹ lập kế hoạch phong tỏa chặt chẽ tất cả các loại phương tiện thủy từ Miền Bắc vào Miền Nam; duy trì hoạt động của hạm đội 7, thường xuyên có các biên đội tàu sân bay và hàng chục tàu chiến đấu các loại, phối hợp với các lực lượng đặc nhiệm và lực lượng tàu thuyền của quân nguỵ Sài Gòn hoạt động ven bờ. Cuối năm 1965, hải quân nguỵ có khoảng 6.200 người với khoảng 50 chiếc tàu chiến đấu và hơn 200 chiếc tàu vận tải đổ bộ, tổ chức biên chế thành các vùng chiến thuật 1, 2, 3, 5 và vùng sông ngòi 3, 4, có hạm đội, hệ thống phòng thủ ven biển hoàn chỉnh, có hệ thống ra đa bờ, hải thuyền và lực lượng tuần tiễu do hải quân nguỵ chỉ huy; hàng tháng có khoảng 28 chiếc tàu tuần tiễu dọc theo ven biển từ vĩ tuyến 17 đến vùng biển đảo Phú Quốc.

Những lực lượng đáng chú ý của địch là:

+ “Lực lượng đặc nhiệm 71” gồm phần lớn tàu chiến của hạm đội 7, kể cả binh đoàn tàu sân bay tiến công mang tên lửa; duy trì phá hoại miền Bắc lần thứ nhất từ tháng 2 năm 1965 đến tháng 12 năm 1968.

 + Lực lượng đặc nhiệm 115 giám sát ven biển Miền Nam do Mỹ tổ chức, gồm nhiều tàu DER, tàu MSO, tàu LST, một số máy bay SP2H ở sân bay Tân Sơn Nhất – Sài Gòn; thuỷ phi cơ Marine P5 của hạm đội 7.

+ Lực lượng đặc nhiệm 116 được thành lập ngày 18/12/1965 với nhiệm vụ giúp đỡ Chính phủ Việt Nam cộng hoà trong việc ngăn chặn sự thâm nhập của các tàu thuyền từ Miền Bắc…; hoạt động tại các con sông lớn của vùng châu thổ và đặc khu Rừng Sát.

+ Lực lượng đặc nhiệm 117 cơ động trên sông vùng châu thổ sông Cửu Long.

Về ta: Đầu năm 1965, Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ cho Xưởng đóng tàu I đóng 4 tàu gỗ; Xưởng đóng tàu III Hải Phòng cải dạng và đóng mới một số tàu vận tải cho Hải quân. Cuối quý I/năm 1965, Trung Quốc bàn giao 3 tàu Quảng Châu mới (Đợt 3, phần còn lại của hợp đồng năm 1964). Quý II/1965, ta đặt hàng Trung Quốc đóng 6 tàu vỏ sắt; đóng 12 tàu vận tải cao tốc nhỏ, trọng tải 15 đến 20 tấn và 5 tàu cao tốc trọng tải 50 tấn – phỏng dạng đánh cá và tàu buôn nước ngoài. Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho Cục Hậu cần, Đoàn 125 phối hợp với các cơ quan chức năng và các xưởng sửa chữa, cải hoán các tàu vận tải của Đoàn 125 thành dạng tàu đánh cá, tàu buôn, tàu câu cá song (C42, C68, C69 và C100); xong và bàn giao trong tháng 8 và 10/1965.

Giữa năm 1965, nhận định rằng địch vẫn còn có nhiều sơ hở do phạm vi vùng biển rộng, nhiều loại tàu thuyền đi lại, đồng thời yếu tố tinh thần và trách nhiệm của quân đội nguỵ còn nhiều điểm hạn chế …, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo Bộ Tham mưu, Đoàn 125 tổ chức các đoàn cán bộ đi trinh sát, khảo sát thực địa nắm lại tình hình địch và giao thông cả ở khu vực ven bờ và ngoài khơi, đường hàng hải quốc tế; tổ chức mạng thông tin riêng phục vụ chỉ huy các tàu của Đoàn 125; tổ chức nghiên cứu đề xuất phương thức hoạt động vận chuyển mới. Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1965, Đoàn 125 điều 4 tàu đi làm nhiệm vụ, trong đó 3 chuyến thành công (tàu 42, 69, 68) nhưng chuyến thứ 4, tàu 100 xuất phát đêm 25/1/1965, gặp tàu địch được lệnh quay về.

Đầu năm 1966, Đoàn 125 nhận 2 tàu cao tốc do Trung Quốc đóng và bàn giao. Tàu trọng tải 20 tấn, đạt vận tốc 21-27 hải lý/giờ. Lúc này Đoàn 125 có 27 tàu các loại đang hoạt động. Ban chỉ huy Đoàn tổ chức cho đơn vị sơ tán tránh máy bay và củng cố đơn vị, sau đó tiếp tục tổ chức cho tàu 42 đi chuyến thứ 5 vào Cà Mau, tàu 69 đi chuyến thứ 6 vào Cà Mau thành công. Sau đó, Đoàn điều lần lượt các tàu 649, tàu 100, tàu 43 và tàu 187 (các chuyến 7, 8, 9, 10) xuất phát nhưng đều gặp địch nên cấp trên lệnh cho tàu quay về, trong đó có 2 tàu buộc phải chiến đấu là tàu 100 và tàu 187. Tàu 187 bị địch cướp, Bộ Tư lệnh chỉ đạo đoàn 125 tạm dừng công tác vận chuyển đường biển để rút kinh nghiệm.

Đầu năm 1967, đế quốc Mỹ tổ chức phong tỏa vùng biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường. Đoàn nhận thêm một số tàu đổ bộ cỡ nhỏ (20 tấn). Từ cuối năm 1966 đến giữa năm 1967, Đoàn 125 liên tục tổ chức 11 lần chuyến đi vào chiến trường Trung Bộ nhưng không đưa được hàng tới đích. 9 lần chuyến gặp địch phải quay về và 2 lần chuyến xảy ra chiến đấu phải phá huỷ tàu, hàng hoá; còn người thì lên bờ tìm cách đi theo đường bộ ra Bắc. Cả 2 vụ chiến đấu giữa tàu ta và tàu địch với tỷ lệ quân số “một chọi mười”. Tàu 43 đã đánh trả địch và phá huỷ tàu cùng với hàng hoá. Tàu 198 bị địch cướp.

Đầu xuân Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ mở chiến dịch phản công để giành giật lại những vị trí đã mất. Hải quân Mỹ đưa lực lượng tham gia chiến dịch phản công vào Huế, tung lực lượng đặc nhiệm 116 phối hợp với lực lượng không quân và pháo binh bắt đầu hoạt động dưới sự chỉ huy của tướng chỉ huy đơn vị lính thuỷ đánh bộ số 3 đặt ở Tân Mỹ. Địch triển khai thêm lực lượng trên chiến trường Cửa Việt. Từ đó hình thành hai cụm an ninh ở Huế và Đông Hà. Sở chỉ huy của địch đặt tại Cửa Việt. Thời gian này, lực lượng Hải quân Mỹ – nguỵ triển khai hoạt động ráo riết khắp nơi.

Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo Đoàn 125 huy động 4 tàu đi vào 4 bến ở 4 hướng (chiến trường) khác nhau với ý định là tạo bất ngờ, làm cho địch khó phán đoán, nếu tàu ở hướng này không vào bờ được thì nghi binh lừa địch để cho tàu ở hướng khác tiến vào bờ. Trong đợt vận chuyển này, tàu 56 gặp địch rồi quay về, còn 3 tàu là 165, 235 và 43 gặp địch, tổ chức chiến đấu chống trả quyết liệt, gây cho địch tổn thất nhất định và đã phá huỷ được tàu, hàng hoá không để rơi vào tay địch.

Tính chung, giai đoạn 1965-2/1968, Đoàn 125 được điều tăng thêm 17 chiếc tàu vận tải; tổ chức vận chuyển trực tiếp 26 chuyến hàng vào các chiến trường Nam Bộ và Trung Bộ, trong đó có 6 chuyến an toàn, 10 chuyến gặp địch phải quay về và 6 chuyến hủy tàu, 3 chuyến không hủy được tàu; bị địch cướp 1 tàu.

Từ năm 1969 đến năm 1972

Từ năm 1969 đến năm 1972, Mỹ-ngụy tăng cường lực lượng, tăng cường đánh phá, phong tỏa sông biển Miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường lần thứ 2 (tháng 5-12/1972) và tổ chức kiểm soát, ngăn ngặn quyết liệt chiến trường sông biển Miền Nam nhằm cắt đứt mọi hoạt động vận tải quân sự của ta từ nước ngoài vào miền Bắc và từ Bắc vào Nam bằng đường biển. Sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (tháng 1-1973) được ký kết, hải quân Mỹ rút bớt lực lượng nhưng vần duy trì trên 20 tàu chiến hoạt động ở Biển Đông, đồng thời dần dần chuyển giao nhiệm vụ và vũ khí trang bị cho hải quân ngụy Sài Gòn.

Năm 1970, Đoàn 125 tiếp nhận một số tàu vận tải đổ bộ 50 tấn, 4 tàu Nhật Lệ 200 tấn từ nước bạn[3]. Năm 1972 – 1973 Đoàn tổ chức 10 khung tàu, tiếp nhận 5 tàu vận tải quân sự loại trọng tải 100 tấn, một ca nô và 4 tàu vận tải đổ bộ do Trung Quốc viện trợ. Năm 1973, Đoàn tiếp nhận 10 tàu giả dạng tàu đánh cá 50-60 tấn (và chuyển giao cho các trung đoàn 171, 172 Hải quân và Tổng cục Hậu cấn 13 tàu các loại). Năm 1974, Đoàn tiếp nhận 5 tàu Đại Khánh 400 tấn do Trung Quốc viện trợ. Bên cạnh đó, năm 1971 Thường trực Quân ủy Trung ương giao Hải quân đặt Xí nghiệp đóng tàu Hạ Long đóng 10 thuyền hai đáy dạng đánh cá – để bàn giao cho Đòan 371. Năm 1973, Đoàn tiếp nhận thêm 10 tàu đánh cá mới đóng, bàn giao cho Đoàn 371[4].

Trong chiến dịch vận tải A – gián tiếp chi viện chiến trường VT5, kết thúc đợt 1, trong vòng 90 ngày cuối năm 1968, Đoàn 125 huy động 20 tàu tham gia vận chuyển liên tục, đi 364 lần chuyến tàu, chở được 21.737 tấn hàng hoá, đạt hơn 217% chỉ tiêu kế hoạch trên giao. Trong vận chuyển đợt 2 (tháng 2 đến tháng 6 năm 1969), với nỗ lực cao nhất, Đoàn đã tổ chức 187 lần chuyến tàu, chở được 10.889 tấn hàng hoá, vượt kế hoạch gần 1.000 tấn.

Về vận tải “B”, sau chuyến đi trinh sát của tàu trở về an toàn, tháng 10/1969 Đoàn 125 báo cáo cấp trên và tổ chức cho đội tàu 154 chở 59 tấn hàng hoá và một đội công tác 6 người vào bến Cà Mau và trở về an toàn. Như vậy, sau hơn 20 tháng tạm ngừng vận chuyển (tháng 2/1968 – 10/1969), chuyến đi này nối lại nhịp cầu vận chuyển giữa Đoàn 125 với bến Cà Mau giành thắng lợi. Năm 1970, Đoàn 125 tổ chức 2 lần chiếc tàu trinh sát và 5/16 chuyến vào bến giao hàng và trở về an toàn. Tuy nhiên, năm 1971 có 13/13 chuyến không thành công. Năm 1972 chỉ có 1/12 chuyến thành công. Có 2 chuyến đi xảy ra chiến đấu, phải phá huỷ tàu và hàng hoá (các tàu 176, 69).

Ngoài việc chỉ đạo Đoàn 125 độc lập vận chuyển vũ khí vào miền Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện ý định của Bộ Quốc phòng, chỉ đạo Đoàn thành lập Tiểu đoàn 5 phối hợp với Đoàn 371- Quân khu 9 tổ chức vận chuyển đường biển đặc biệt theo phương thức hoạt động hợp pháp từ năm 1971. Hải quân có nhiệm vụ tổ chức nơi đón tiếp, sửa chữa phương tiện vận chuyển và bảo đảm hàng hóa, bí mật, an toàn cho người và phương tiện của Đoàn 371 khi ở Miền Bắc; dẫn dắt thuyền gỗ chở hàng đến điểm xác định rồi để thuyền gỗ tự đi về. Trong hai năm 1971, 1972, các tàu 625, 605, 646, 601, 651, 676 của Đoàn 125 lần lượt dẫn dắt đoàn thuyền gỗ thực hành phương thức hoạt động vận chuyển hợp pháp. Kết quả Đoàn 371 đã vận chuyển 31 lần chuyến tới đích an toàn, chở được 520 tấn hàng hoá vào Quân khu 9.

Như vậy, từ tháng 3 năm 1969 đến tháng 10 năm 1972, Đoàn 125 tổ chức sử dụng 29 tàu làm nhiệm vụ vận chuyển trực tiếp và vận chuyển gián tiếp chi viện cho chiến trường miền Nam; trong đó, tổ chức vận chuyển trực tiếp 49 lần chuyến thì có 4 lần chuyến đi trinh sát chiến trường và 45 chuyến vận chuyển hàng hóa, trong đó có 7 lần chuyến đưa được hàng hoá tới đích và trở về thắng lợi. Còn 35 lần chuyến gặp địch rồi quay về và 3 lần chuyến gặp địch xảy ra chiến đấu, phải phá huỷ tàu và hàng hoá. Tàu 645 bị địch chặn đánh ở xa bờ, ta phá huỷ được tàu, hàng hoá, nhưng khi bộ đội rời tàu lên bờ lại bị địch bắt.

Thời điểm này, tàu vận tải của Đoàn 125 có 13 tàu loại 100 tấn và 5 tàu 50 tấn để làm nhiệm vụ vận chuyển gần, đồng thời tiếp nhận thêm một số tàu loại lớn cỡ 400 tấn (Đại Khánh) và thành lập thêm tiểu đoàn 4[5]. Khi địch đánh phá ác lịệt và rải thuỷ lôi, bom từ trường phong toả giao thông thuỷ – bộ Miền Bắc, Bộ Tư lệnh Hải quân điều một số tàu vận tải của Đoàn phối thuộc cho Trung đoàn 171 tham gia rà phá thuỷ lôi địch, trong đó có một số tàu vận tải đổ bộ cải tiến thành tàu rà phá thuỷ lôi (V412, 416, 418…).

Tính chung từ cuối năm 1962 đến hết năm 1972, Đoàn tổ chức 168 chuyến , trong đó có 8 chuyến trinh sát, 103 chuyến vận chuyển thành công, chở gần 6.000 tấn vũ khí, hàng hóa các loại và hàng ngàn lượt người vào 19 bến của 19 tỉnh – chiến trường miền Nam.

Từ 1973 đến 1975

Trong 2 năm 1973, 1974 mặc dù có nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo kỹ thuật của tàu thuyền và do thời tiết gió bão làm trở ngại, nhưng Đoàn 125 tổ chức 380 lần chuyến tàu (đi từ Hải Phòng vào Cửa Việt), đưa 2.042 lượt người từ hậu phương ra tiền tuyến, chở hàng chục ngàn tấn hàng hóa các loại, trong đó có vũ khí đạn dược và loại hàng cồng kềnh phục vụ việc đặt đường ống đường Trường Sơn, các thiết bị phương tiện theo kế hoạch mở chiến dịch lớn ở chiến trường Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ.

Đầu năm 1975, Đoàn 125 được nâng cấp thành Trung đoàn, biên thế 4 tiểu đoàn tàu vận tải và 1 tiểu đoàn huấn luyện. Từ tháng 2 đến tháng 5 năm 1975, với ‘Kế hoạch T75” và tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1875, Đoàn 125 đã tham gia vận chuyển 143 lần chuyến tàu, đi 65.721 hải lý, chở 8.721 tấn hàng, 50 chiếc xe tăng và pháo, 18.741 cán bộ chiến sĩ đi chiến đấu, chuyên chở bộ đội Đặc công hải quân đi giải phóng các đảo trên Quần đảo Trường Sa do quân ngụy Sài Gòn đóng giữ và các đảo Cù Lao Thu, tiếp quản Côn Đảo, đón nhận và chuyên chở chiến sỹ cách mạng bị địch giam giữ đưa về đất liền; vận chuyển bộ đội Hải quân và bộ đội Quân khu 9 tiến quân ra giải phóng các đảo Thổ Chu và Phú Quốc, Pôlôvai…Đây cũng là thời điểm kết thúc công tác vận tải quân sự đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam… Suốt 14 năm (1961-1975), Đoàn 125 tổ chức tổng cộng 1.511 chuyến tàu vận chuyển tổng cộng 109.727 tấn hàng các loại vào chiến trường Miền Nam; góp phần quan trọng vào thành tích chung của dân tộc, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước./.

[1] Tài liệu lưu số 124 tại Bảo tàng Hải quân.

[2] Cuộc chiến tranh của hải quừn Mỹ ở Việt Nam, đại tá R.I. Charts, tạp chí Hải quân Mỹ, số 5-1971.

[3] Tàu vận tải quân sự HQ671 từng có tên gọi khác là C41 (năm 1970), 641 (1974), hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân. Tàu dài 31,5m, rộng 5,8m, cao từ đáy đến đỉnh cột cờ 11,7m, lượng giãn nước 165 tấn, (trọng tải 50 tấn) là loại tàu Quảng Châu do Trung Quốc đóng giúp cho Hải quân Việt Nam năm 1964. Khi đó, tàu được biên chế về Đoàn 125 làm nhiệm vụ vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam – đường Hồ Chí Minh trên biển.

[4] Có tài liệu nêu chỉ bàn giao hai chiếc đầu tiên, song cho rằng không phù hợp với loại tàu ở miền Nam nên không bàn giao 8 chiếc còn lại.

[5] Thành lập năm 1972, gồm 6 tàu (641, 649, 608, 609, 610, 645).

* Tài liệu tham khảo:

[1]. Tài liệu lưu số 124 tại Bảo tàng Hải quân.

2. Cuộc chiến tranh của hải quừn Mỹ ở Việt Nam, đại tá R.I. Charts, tạp chí hải quừn Mỹ, số 5-1971.

3. Theo Bảo tàng Hải quân, tàu vận tải quân sự HQ671 từng có tên gọi khác là C41 (năm 1970), 641 (1974), hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân. Tàu dài 31,5m, rộng 5,8m, cao từ đáy đến đỉnh cột cờ 11,7m, lượng giãn nước 165 tấn, (trọng tải 50 tấn) là loại tàu Quảng Châu do Trung Quốc đóng giúp cho Hải quân Việt Nam năm 1964. Khi đó, tàu được biên chế về Đoàn 125 làm nhiệm vụ vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam – đường Hồ Chí Minh trên biển.

4. Có tài liệu nêu chỉ bàn giao hai chiếc đầu tiên, song cho rằng không phù hợp với loại tàu ở miền Nam nên không bàn giao 8 chiếc còn lại.

5. Theo Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân (NXB Quân đội nhân dân, 2011): Thành lập năm 1972, gồm 6 tàu (641, 649, 608, 609, 610, 645).

6. Tổng kết công tác chỉ huy – tham mưu vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam (1961-1974). NXB Quân đội nhân dân, 2005).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*