Nghệ thuật tác chiến Hải quân qua trận đầu đánh thắng hải quân Mỹ 2/8 và 5/8/1964

 

Nguyễn Văn Đấu

Đầu năm 1964, trước nguy cơ thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tổng thống Mỹ Giôn-xơn quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và âm mưu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc nước ta bằng việc thúc giục Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ lên kế hoạch tiến công đánh phá miền Bắc.

Thực hiện ý đồ trên, cùng với các hành động lén lút phái máy bay do thám và tàu biệt kích phá hoại một số địa điểm ở miền Bắc, đêm 31/7/1964 Hải quân Mỹ điều tàu khu trục Ma-đốc (Maddox) mang số hiệu 731 xâm phạm vùng biển thuộc các tỉnh Quảng Bình đến Thanh Hoá. Tàu này vòng đi vòng lại, có lúc cách bờ chỉ 8 hải lý, cố tình khiêu khích, vừa do thám các mạng lưới bố phòng ven biển vừa đe doạ uy hiếp các tàu đánh cá của ngư dân ta.

Trước tình hình trên, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng phòng không và Bộ Tư lệnh Hải quân; chuẩn y đề nghị của Hải quân: “Cho một phân đội tàu phóng lôi đánh đuổi tàu địch” và chỉ thị: “Chuẩn bị đầy đủ, chắc thắng”.

Để kịp thời đối phó với âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân đã tổ chức cuộc họp đề ra chủ trương, giải pháp cấp bách để lãnh đạo các cơ quan, đơn vị Hải quân sẵn sàng đối phó với mọi tình huống chiến tranh ác liệt nhất. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho Tiểu đoàn 135 điều một phân đội 3 tàu phóng ngư lôi để thành lập một biên đội chiến đấu và lệnh cho Khu Tuần phòng 1 ở Thanh Hoá điều hai tàu tuần tiễu phối hợp hiệp đồng chiến đấu với biên đội trên đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc.

Cũng đêm 31/7/1964, Sở chỉ huy Quân chủng đã ra lệnh và chỉ huy trận đánh do Biên đội 3 tàu phóng ngư lôi gồm các tàu: 333, 336 và 339 của Tiểu đoàn 135  hiệp đồng hiệp đồng với Biên đội 2 gồm tàu tuần tiễu 140 và 146 (Khu Tuần phòng I) đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ (với sự yểm trợ của 5 máy bay Mỹ) khi chúng xâm phạm vùng biển miền Bắc. Trận đánh xảy ra từ trưa đến chiều 2/8. Kết quả: địch bị rơi 1 máy bay, bị thương 1 chiếc khác; tàu khu trục Ma-đốc bị trúng đạn 14,5mm vào mạn trái và hư hỏng một số thiết bị, phải rút chạy khỏi vùng biển chủ quyền của ta. Ta: 2 tàu phóng lôi bị trúng bom đạn từ máy bay của địch, bị thương.

Sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” vu cáo Hải quân ta “cố ý tiến công tàu của Mỹ trên vùng biển quốc tế”, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã huy động 40 máy bay các loại với 64 lần chiếc cất cánh từ hai tàu sân bay đậu ngoài khơi Đà Nẵng mở cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” đánh phá hầu hết các căn cứ, khu trú đậu và tàu thuyền Hải quân ta ở các khu vực Vinh-Bến Thuỷ, tỉnh Nghệ An; Cảng Gianh, tỉnh Quảng Bình; Lạch Trường, tỉnh Thanh Hoá; Hòn Gai, Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh – hòng “tiêu diệt hải quân ta chỉ trong một trận”. Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo điều hành các lực lượng Hải quân như các phân đội 5, 6, 7 ở khu vực Cửa Hội và Cảng Gianh; phân đội 3 tàu phóng lôi, các tàu tuần tiễu 130, 132, 146 ở vùng biển Lạch Trường; các tàu 144, 134, 124 ở Khu Tuần phòng I và căn cứ Bãi Cháy… hiệp đồng cùng với các lực lượng phòng không ba thứ quân và nhân dân địa phương anh dũng chiến đấu, bắn rơi 8 máy bay Mỹ (trong đó có chiếc máy bay Mỹ đầu tiên rơi xuống miền Bắc – A4 Skai-hốc, giặc lái Mỹ đầu tiên – An-vơ-rét bị bắt).

Trong buổi lễ tuyên dương công trạng các đơn vị Hải quân và Phòng không lập công xuất sắc trong các trận đầu ngày 2 và 5/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi : “Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm’’, “…Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi  vùng biển nước ta”.

Với các thắng lợi nói trên, ngày 2 và 5 tháng 8 được xác định là ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và cũng là chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc.

Sau đây là một số vấn đề rút ra về nghệ thuật tác chiến Hải quân qua chiến thắng trận đầu:

Một là: chủ động về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, thực hiện nguyên tắc đnh c chuẩn bị

Ngay sau khi có chỉ thị của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng: “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu khiêu kích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ” và mệnh lệnh của Tổng Tham mưu trưởng, đầu tháng 7/1964, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân họp mở rộng quán triệt tình hình nhiệm vụ, quyết nghị chuyển toàn bộ Quân chủng sang thời chiến. Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo cơ quan tham mưu khẩn trương xây dựng và củng cố sở chỉ huy cơ bản ở Hải Phòng, sở chỉ huy tiền phương ở Sông Gianh, sở chỉ huy tiền phương của Khu Tuần phòng 1 ở Lạch Trường, Thanh Hoá; phân công cán bộ phụ trách từng sở chỉ huy; lệnh cho các đơn vị, trong đó có các đơn vị tàu, pháo binh và các trạm ra đa… chuẩn bị SSCĐ và chiến đấu, nêu cao cảnh giác, quyết tâm phòng tránh và đánh thắng địch ngay từ trận đầu. điều động một số tàu tuần tiễu vào tăng cường cho vùng biển Quân khu 4; lệnh cho các tàu phóng ngư lôi chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cấp 1; các đơn vị pháo cao xạ, pháo bờ sẵn sàng chiến đấu cấp 2…

Người chỉ huy và cơ quan tham mưu được huấn luyện đủ sức đảm đương chức trách, nhiệm vụ được giao, chủ động chuẩn bị trước và chuẩn bị trực tiếp cho các hoạt động chiến đấu, thực hiện nguyên tắc: đánh có chuẩn bị; trọng tâm là xây dựng các phương án tác chiến và cách đánh phù hợp với các lực lượng của ta; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động tác chiến, tổ chức huấn luyện bổ sung, diễn tập theo phương án tác chiến…

Ngay sau khi tàu chiến lớn của Mỹ xâm phạm vùng biển miền Bắc, đêm 31/7 và sáng 1/8 Trạm ra đa Đèo Ngang và một số trạm ra đa khác của ta phát hiện và xác định rõ tàu khu trục Ma – đốc[1], số hiệu 731 đang tiến sâu vào vùng biển Quảng Bình khiêu khích, uy hiếp các lực lượng của ta ở dọc bờ biển. Tại Sở chỉ huy Quân chủng, các cơ quan chỉ huy chuẩn bị các văn kiện, giúp Thủ trưởng Bộ Tư lệnh đánh giá tình hình, báo cáo và thông báo kịp thời tới các cơ quan, đơn vị; tăng cường trực chỉ huy và trực ban tác chiến; kiểm tra công tác chuẩn bị và đề ra các biện pháp bảo đảm giữ vững hoạt động của hệ thống chỉ huy…

Trong trận 5/8, trên cơ sở tin tức nhận được từ Phân đội trinh sát kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Hải quân báo cáo Bộ Quốc phòng và lệnh báo động sơ tán phòng không, triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu; đồng thời tổ chức quán triệt tình hình, giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Các lực lượng trong Quân chủng vừa sơ tán phòng không vừa tham gia bắn máy bay địch khi bị chúng tập kích. 11 giờ 30 phút, máy bay địch xuất phát từ tàu sân bay đậu ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đánh phá một số tàu Hải quân, một số cơ sở kinh tế – quân sự của ta ở khu vực sông Gianh – Quảng Bình; sau đó chúng tiếp tục tập kích vào một số cơ sở kinh tế quân sự khác ở Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Ninh. Do được báo động trước và có kế hoạch tác chiến chu đáo nên các lực lượng ta không bị bất ngờ.

Bài học quan trọng đối Quân chủng Hải quân qua trận đầu “chạm trán” và đánh thắng không quân, hải quân Mỹ là: Nâng cao cảnh giác cách mạng và ý chí chiến đấu, không để bị bất ngờ, dám đánh và quyết đánh thắng quân xâm lược; chuẩn bị chu đáo về tư tưởng, tổ chức, cách đánh, công tác bảo đảm mọi mặt…

Hai là, nắm vững tư tưởng tiến công, lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, nắm vững thời cơ, bí mật bất ngờ, đánh chắc thắng.

So sánh lực lượng hai bên trong trận 2/8 và 5/8 cho thấy quá chênh lệch nghiêng về phía địch. Trong trận 2/8, địch có 1 tàu khu trục lớn, quân số đông (274), trang bị hỏa lực mạnh (pháo 127mm, 76mm…), được sự chi viện nhanh của không quân; trong khi đó Biên đội tàu của ta chỉ có 3 tàu phóng lôi 123K nhỏ bé, quân số ít (tổng cộng có 40 người), hỏa lực hạn chế, cơ bản là hoạt động độc lập, không có không quân che đầu… Qua tính toán về mặt chiến thuật cho thấy, ta không thể nào thực hiện đánh tiêu diệt tàu khu trục, nhất là trong điều kiện ban ngày. Nhờ việc phát huy yếu tố chính trị tinh thần; khi có lệnh, cán bộ chiến sĩ Biên đội 3 đã bất chấp hiểm nguy, kể cả hy sinh tính mạng, chủ động tiến công trừng trị tàu địch khi chúng xâm phạm bờ cõi của đất nước. Ngoài việc sử dụng vũ khí chính là ngư lôi, cán bộ chiến sĩ trong phân đội đã phát huy cao độ hiệu quả hỏa lực súng 14,5mm và khói mù, kết hợp hỏa lực với cơ động tàu, đã giảm thiểu tổn thất cho lực lượng ta, gây cho tàu khu trục hư hỏng một số thiết bị trên boong, phải rời khỏi vùng biển của ta.

Việc giữ bí mật trận chiến đấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cần được tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó yếu tố chọn địa hình phục kích; bí mật thông tin liên lạc là hết sức quan trọng. Trong trận 2/8, ta chọn khu vực đợi cơ ban đầu là khu vực tây Hòn Nẹ, trống trải hơn tây Hòn Mê. Sau đó ta kịp thời điều chỉnh, điều tàu từ tây Hòn Nẹ về tây Hòn Mê giữa ban ngày; cộng với việc thông tin bằng máy đàm thoại 609, không sử dụng mật ngữ, do vậy có thể địch đã phát hiện và có hành động đối phó… Khi tàu ta tiếp cận đến cự ly khoảng 6 hải lý, tàu địch sử dụng các loại hoả lực: pháo 127 mm, rồi đến 76mm… bắn mạnh vào đội hình biên đội; liên tục cơ động đổi hướng vòng tránh ra xa, đồng thời gọi máy bay chi viện.

Thời cơ xuất kích chiếm vị trí xuất phát tấn công đối với tàu phóng lôi rất quan trọng, bảo đảm thời gian tiếp cận nhanh, đón đầu được hướng đi của tàu mục tiêu, hạn chế cơ động của chúng để chiếm góc mạn địch có lợi (300-700) và cự ly có lợi (5-7 liên) để công kích loạt ngư lôi và phát huy các hỏa lực khác. Mặc dù tàu ta cố gắng tiếp cận, nhưng do tàu địch phát hiện tàu ta, tăng tốc độ và cơ động xa dần, kết hợp sử dụng bom chìm đánh chặn ngư lôi … nên hiệu quả sử dụng ngư lôi chưa như mong muốn.

Trong trận 5-8, đánh máy bay không phải là nhiệm vụ chính, nhưng khi bị máy bay địch tập kích, buộc các tàu Hải quân phải nổ súng tự vệ. Bộ đội trên tàu đã nêu cao tinh thần “còn người còn tàu”, kết hợp chẽ giữa chiến thuật và kỹ thuật, giữa cơ động và hỏa lực, vừa cho tàu cơ động vòng tránh vừa ngắm bắn trực tiếp chính xác (thay vì bắn đón, rút kiinh nghiệm từ trận 2/8) mỗi khi máy bay địch bổ nhào đánh tàu, đồng thời phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng phòng không nhân dân trừng trị đích đáng quân địch, bắn rơi 20% máy bay Mỹ (8/40 chiếc với 64 lần xuất kích).

Cả hai trận đánh liên tiếp đều cho thấy bộ đội ta cảnh giác cao, chủ động tiến công địch; vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam “lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn”, đánh địch bằng vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông.

Ba là, chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển

Trong trận 2/8, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 135 và Trạm ngư lôi – Căn cứ (hậu cần – kỹ thuật) Vạn Hoa cùng nghiên cứu mệnh lệnh chiến đấu, chỉ đạo các đơn vị hiệp đồng làm công tác chuẩn bị ngư lôi, lắp lôi, huy động cán bộ chủ trì các phân đội, trạm ngư lôi, cán bộ tham mưu, nghiệp vụ (các ngành) chuẩn bị mọi mặt cho Phân đội 3 sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức thành lập và giao nhiệm vụ cho lực lượng chiến đấu, lực lượng bảo đảm và lực lượng hiệp đồng; chỉ đạo Sở chỉ huy Quân chủng giữ vững thông tin liên lạc, dẫn dắt lực lượng chiến đấu tới khu vực chiến đấu và ra các chỉ thị chính xác, kịp thời cho các lực lượng…

Sau khi rời khỏi chiến đấu, các tàu cần được kịp thời điều động đến vị trí khác để bảo toàn lực lượng và khôi phục sức chiến đấu. Việc cấp cứu trên biển sẽ đạt hiệu quả cao nếu có kế hoạch cụ thể, nhất là các tàu cùng trong nhóm tiến công hoặc sử dụng các tàu trong nhóm bảo đảm chiến đấu; đồng thời từng tàu cũng phải có kế hoạch tự cứu cho riêng mình. Thực tế tàu 333 cứu kéo tàu 336 (khi mất cơ động) về căn cứ. Còn tàu 339 bị hư hỏng máy chính, bộ đội tự sửa chữa máy và điều khiển tàu cơ động vào bờ. Khi tàu bị máy bay địch bắn cháy, chỉ huy tàu bình tĩnh động viên bộ đội dũng cảm sữa chữa máy, đưa tàu về căn cứ an toàn. Trong khi đó biên đội tàu tuần tiễu (2 chiếc) nhận lệnh xuất kích đánh địch, nhưng đi được một đoạn rồi quay về Hòn Mê thả neo, chưa tích cực tham gia bảo đảm chiến đấu và cứu kéo tàu bị nạn. Khuyết điểm này không những của chỉ huy biên đội tàu tuần tiễu mà cả của cấp trên trực tiếp.

Khi các tàu về căn cứ, Biên đội phối hợp chặt chẽ với Sở chỉ huy khu tuần phòng và chính quyền, nhân dân địa phương chăm sóc thương binh, chôn cất liệt sĩ, giải quyết hậu quả sau chiến đấu và báo cáo lên cấp trên. Lãnh đạo cấp trên và chính quyền, nhân dân địa phương và các cơ quan có liên quan đã đến thăm hỏi, động viên bộ đội kịp thời, giúp bộ đội ổn định tư tưởng và tổ chức, khôi phục sức chiến đấu, chuẩn bị mọi mặt cho trận chiến đấu tiếp theo.

Trong trận 5/8, lực lượng phòng không Hải quân áp dụng hai phương pháp chiến đấu cơ bản: phòng tránh, đánh trả máy bay địch tập kích, bảo vệ tàu, bảo vệ mục tiêu trong khu vực trú đậu và hiệp đồng với các lực lượng Phòng không Không quân, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ trong từng khu vực đánh máy bay địch bảo vệ mục tiêu được phân công. Kinh nghiệm phòng tránh, đánh trả máy bay địch được phổ biến nhanh chóng tới các lực lượng, đơn vị ở các địa điểm khác nhau. Đây là sự vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân vào thực tiễn. Trong chiến đấu, chỉ huy và cán bộ chiến sĩ trong các đơn vị rất dũng cảm, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ trong từng tổ, đội, khẩu đội, trong từng tàu cũng như trong toàn phân đội, trận địa, trong chiến đấu cũng như khi tổ chức cấp cứu lẫn nhau, do vậy đã tận dụng được mặt mạnh và khắc phục mặt hạn chế của từng đơn vị, từng lực lượng …Đồng thời đơn vị đã làm tốt công tác tư tưởng, cổ động chiến trường, kết hợp làm tốt công tác bảo đảm tác chiến, bảo đảm hậu cần – kỹ thuật trước trong và sau chiến đấu; hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng trong Quân chủng và các lực lượng của các quân binh chủng khác và nhân dân trên địa bàn tác chiến.

Sau gần 10 năm xây dựng, đây là trận chiến đấu đầu tiên của Hải quân ta với hải quân và không quân Mỹ. Trận đánh có ý nghĩa lớn về chính trị và quân sự, hạ uy thế “Hải quân và Không lực Hoa Kỳ” được cho là mạnh nhất thế giới lúc đó, thể hiện tinh thần dám đánh, quyết đánh, cổ vũ mạnh mẽ ý chí quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân cả nước ta, một chiến thắng có tiếng vang lớn trên thế giới và mở đầu “khúc hải hoàn ca” của quân và dân miền Bắc chiến thắng giặc Mỹ.

Ngay sau trận chiến đấu 2/8, quân và dân ven biển Lạch Trường Thanh Hoá đón mừng biên đội tàu phóng lôi chiến thắng trở về. Đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN kịp thời nghe Biên đội báo cáo về trận đánh và động viên bộ đội. Trong trận 5/8, Đồng chí Phạm Văn Đồng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đang ở khu vực Quảng Ninh đã kịp thời biểu dương tinh thần chiến đấu của bộ đội ta.

*

*   *

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Một nước Việt Nam độc lập, hòa bình và ngày càng phát triển sẽ bất lợi cho tham vọng bá quyền của một quốc gia lớn nào đó. Do vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc ngày càng nặng nề, phức tạp và căng thẳng. Những nội dung, bài học nêu trên vẫn còn nguyên giá trị. Hiện tại trên Biển Đông đã, đang và sẽ diễn ra những vụ việc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của ta, thậm chí có vụ việc tàu nước ngoài xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình, song hết sức kiềm chế, kiên trì đối thoại và sử dụng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế giải quyết các tranh chấp trên biển, đảo hoặc các vụ vi phạm luật pháp quốc tế. Đồng thời, hơn lúc nào hết đòi hỏi cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân luôn đề cao cảnh giác, nêu cao sức mạnh tinh thần, giữ vững ý chí chiến đấu, không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; kiên trì đấu tranh không khoan nhượng nhưng cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, linh hoạt, kiên quyết không mắc mưu đối phương; chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên; sẵn sàng sử dụng lực lượng và cách đánh phù hợp; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phối hợp chặt chẽ các mặt trận: chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự…, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của các quốc gia, các tổ chức chính trị và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới để giữ vững chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Làm được như vậy chính là chúng ta đã góp phần làm sáng tỏ và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và nghệ thuật tác chiến Hải quân vào thực tiễn trong điều kiện mới./.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo của BTL Hải quân gửi BTTM ngày 6/8/1964, TT lưu trữ BQP, Phông Cục Tác chiến, hồ sơ 863, 869.
  2. Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2015), Nxb Quân đội nhân dân, 2015.
  3. Một số trận đánh của Hải quân, tập 1 (1964-1978), Nxb Quân đội nhân dân, 1993.

Chú thích:- Tàu Maddox DD.731 thuộc biên đội xung kích 77, Hạm đội 7  – có lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.200 tấn, chở đầy 3.320 tấn, vận tốc 34 hải lý/ giờ; trang bị 3 bệ x 2 nòng 127mm, 2 bệ x2 nòng 76mm, 2 bệ phóng bom chìm (để đánh chặn ngư lôi), 2 giàn x 3 ống phóng ngư lôi MK- 32; một số pháo 20mm, ra đa đối hải; quân số 274 tên.- Tàu 123K có kích thước: 19,3 x 3,6 x 1,35m; vận tốc lớn nhất là 50-52 hải lý/giờ; trang bị 2 ống phóng ngư lôi chạm nổ 45-36, 1 bệ súng 14,5 mm; 4 ống khói mù; quân số hơn 10 người (2-3 sĩ quan, 8 hạ sĩ quan, chiến sĩ).

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*