TÌM HIỂU CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HIỆP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN 1982

Biển Việt

( Hội KH KT và Kinh tế Biển TP Hồ Chí Minh)

 

Năm 2022 cả thế giới kỷ niệm tròn 40 năm (1982-2022) Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Từ năm 1994, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước (từ đây từ “Công ước” dùng để chỉ UNCLOS 1982. Tám năm sau, Luật Biển Việt Nam cũng chính thức ra đời (21/6/2012), đến nay vừa tròn 10 năm. Thế giới nói chung, đặc biệt những nước có biển nói riêng, coi Công ước là “Hiến pháp quốc tế” về biển cả, Công ước là “bộ luật cả gói” giúp cho nhân loại khai thác, sử dụng, bảo vệ biển cả một cách công bằng cho tất cả các nước có biển cũng như không có biển, giúp giải quyết những tranh chấp quyền lợi trên biển cả theo đường lối hòa bình, hiệp thương, tôn trọng nhau và quan tâm đến lợi ích hài hòa của nhau.

Việt Nam là quốc gia ven biển, có bờ biển dài hơn 3,260 km có bề dày lịch sử hàng ngàn năm sống dựa vào Biển Đông, khai thác mọi mặt của Biển Đông để tồn tại và phát triển. Từ Biển Đông, các dân tộc sống trên dải đất hình chữ S Việt Nam giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới, đưa những tinh hoa đặc sắc của Việt Nam ra các nước và tiếp thu học hỏi những tinh hoa đặc sắc của thế giới vào Việt Nam. Nhiều nhà khoa học đã từng nói: thế kỷ XXI là Kỷ nguyên của biển cả. Dân tộc Việt Nam nhất định cũng sẽ giàu mạnh lên từ biển. Đất liền là “bệ đỡ”, “bệ phóng” để kinh tế biển phát triển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam vững bước tiến lên, tiến kịp với thời đại kỹ thuật số, thế giới số, kinh tế số, xã hội số và quân sự số.

Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm những ngày lễ trọng đại và nhiều ý nghĩa về biển cả kể trên bằng những hiểu biết bước đầu, thiết thực của Công ước và Luật Biển Việt Nam. Tin rằng hội viên sẽ dành tâm huyết và thời gian tìm hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về Công ước và Luật biển Việt Nam. Dưới đây là một số nội dung thiết yếu của Công ước và Luật biển Việt Nam cần lưu ý.

  • QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH UNCLOS 1982

Biển và đại dương (gọi chung là biển cả) chiếm khoảng 75% bề mặt hành tinh xanh của chúng ta. Đất liền và biển cả là môi trường sống và phát triển của muôn loài, trong đó có loài người. Sự đấu tranh để sinh tồn và phát triển, loài người đã trải qua nhiều cuộc tranh giành, chiến tranh trên đất liền và biển cả. Theo sự phát triển của văn minh loài người, sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, của thiên tai, loài người đã ngồi lại với nhau, bàn bạc và tranh luận, đấu tranh và thỏa hiệp để định ra những quy ước, hiến chương, những mong điều chỉnh những hành động, những tư tưởng khác biệt nhau trong đời sống xã hội loài người. UNCLOS 1982 là một trong những văn bản luật “cả gói” của Liên Hiệp Quốc rất giá trị được tạo ra sau thời gian dài phấn đấu của các nhà  khoa học, học giả… đến từ đông đảo quốc gia tham gia. Từ năm 1955, đã có những thảo luận lớn về biển cả của Liên Hiệp Quốc, khởi đầu cho việc ra đời Công ước. Tiếp đến năm 1960 và những năm 1973 -1982, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức ra nhiều ủy ban đặc biệt để bàn về khai thác và sử dụng đáy biển và đại dương, ngoài quyền tài phán của quốc gia. Năm 1970, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua bản tuyên bố về các nguyên tắc trên cơ sở thương lượng tại Ủy ban trên về đáy biển. Tiếp liền đó, Đại Hội đồng kêu gọi Ủy ban về đáy biển hoạt động như một Ủy ban trù bị để chuẩn bị cho Hội nghị về Luật Biển sau này. Đến năm 1977 các hội nghị thứ 6 và thứ 7 của Ủy ban đã có những tiến bộ khá về tạo ra những văn bản sơ bộ. Việc hình thành văn bản hợp nhất dùng để đàm phán có tính chất đột phá. Trải qua gần 15 năm với hơn 90 tuần làm việc, ngày 23/4/1982, Hội nghị đã đạt được sự nhất trí đưa ra Bản dự thảo Công ước và 4 nghị quyết được trình bày tại Hội nghị. Hội nghị đã quyết nghị phải bỏ phiếu để thông qua một văn bản “cả gói” về Luật biển. Kết quả, có 130 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 17 phiếu trắng.

Cuộc họp cuối cùng của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ ba (với 11 phiên họp diễn ra từ năm 1973 đến năm 1982) được tổ chức tại Vịnh Montego, Jamaica từ ngày 6 đến ngày 10/12/1982. Văn bản cuối cùng UNCLOS với 6 thứ tiếng thống nhất: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Ả Rập có giá trị như nhau. Kết quả ngày đầu tiên (ngày 10/12/1982) đã có 119 đoàn đại biểu tham gia ký kết, bao gồm 117 quốc gia và Đoàn đảo Cook (một quốc gia tự trị liên kết) và Hội đồng của Liên Hiệp Quốc cho Namibia. Cùng ngày, nước Fiji đã phê chuẩn. Trước Công ước này, chưa hề có một sự ủng hộ đông đảo như vậy. Công ước có hiệu lực khi 2/3 số quốc gia thành viên hay 60 quốc gia thành viên ký công nhận (Điều 316). Công ước thực sự có hiệu lực như một bản hiến pháp quốc tế về biển cả.

I. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA UNCLOS 1982

  1. Tóm tắt sơ lược về Công ước

UNCLOS 1982 gồm có XVII phần với 320 điều và 9 phụ lục, giải quyết mọi vấn đề của hoạt động xã hội loài người liên quan đến biển cả. Công ước là một bộ văn kiện quy chuẩn “cả gói”, nó “bao gồm các mối quan hệ chặt chẽ của nhiều vấn đề khác nhau, có liên quan với số lượng lớn các nước tham gia và phần lớn các xung đột về quyền lợi thường xuyên xảy ra đã làm gián đoạn các cuộc đàm phán theo truyền thống trong khu vực”. Công ước cho phép vận dụng linh hoạt trong thực tế, bảo đảm tính bền vững lâu dài và không ảnh hưởng đến chủ quyền các quốc gia (tình trạng xâm lấn chủ quyền quốc gia) tham gia.

  1. Những thuật ngữ chính (trích Phần 1 Điều 1 – Bản tiếng Việt)

“Vùng” (Zone): là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia;

“Cơ quan quyền lực” (Autorité): là cơ quan quyền lực quốc tế về đáy biển;

– “Các quốc gia thành viên” (Etats Parties) là những quốc gia đã chấp nhận sự ràng buộc của Công ước và Công ước có hiệu lực đối với các quốc gia đó.

Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia Công ước từ năm 1994 dưới hình thức Quốc hội thông qua Nghị quyết và phê chuẩn Công ước. Từ đó, Việt Nam là “thành viên” của Công ước. Đến ngày 3/6/2011, công ước đã có 162 nước “thành viên”. Hiện nay đã có có 167 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước, trong đó có 164 quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, 14 thành viên khác của LHQ đã ký nhưng chưa phê chuẩn UNCLOS.

II. MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LÃNH HẢI, VÙNG TIẾP GIÁP LÃNH HẢI VÀ NỘI THỦY (Xem phần 2 của Công ước bản tiếng Việt)

  1. Các quy định chung về lãnh hải

– Chế độ pháp lý của lãnh hải và vùng trời ở trên lãnh hải cũng như đáy và lòng đất dưới đáy của lãnh hải.

– Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình, và trong trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo, đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải (merterritoriale).

– Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất của biển này.

– Chủ quyền của Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định.

– Chủ quyền trên được thực hiện theo các quy định của Công ước về các quy tắc pháp luật quốc tế khác (xem Công ước, trang 25 bản tiếng Việt).

  1. Ranh giới của lãnh hải

Chiều rộng của lãnh hải mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước. Đường cơ sở theo quy định của công ước được vạch theo hai cách:

– Đường cơ sở thông thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận.

– Đường cơ sở thẳng (nhiều đoạn thẳng). Đường cơ sở này phải tuân thủ các quy định dưới đây:

+ Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

+ Ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và những đặc điểm tự nhiên khác, các điểm thích hợp có thể được lựa chọn dọc theo ngấn nước triều thấp nhất có chuyển dịch vào phía trong bờ, các đường cơ sở đã được vạch ra vẫn có hiệu lực cho tới khi các quốc gia ven biển sửa đổi đúng theo Công ước.

+ Tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển, và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đắt liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy.

+ Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế.

+ Trong những trường hợp mà phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng khi ấn định một số đoạn đường cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng.

+ Phương pháp đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế.

Điểm Vị trí và địa lý
0 Nằm trên ranh giới phía Tây Nam của vùng nước lịch sử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia.
A1 Tại Hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang.
A2 Tại Hòn Đá Lẻ ở Đông Nam Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau
A3 Tại Hòn Tài Lớn, Côn Đảo, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
A4 Tại Hòn Bông Lan, Côn Đảo, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
A5 Tại Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
A6 Tại Hòn Hải (Nhóm đảo Phú Quý), tỉnh Bình Thuận
A7 Tại Hòn Đôi, tỉnh Khánh Hòa
A8 Tại mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên
A9 Tại Hòn Ông Căn, tỉnh Bình Định
A10 Tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
A11 Tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị

Nước CHXHCN Việt Nam chọn cách thứ hai để vạch đường cơ sở. Tuyên bố của chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải ngày 12/5//1977 đã được Quốc hội phê chuẩn và được khẳng định lại trong Luật biển Việt Nam được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn ngày 21/6//2012 và Chủ tịch nước ký thành Luật công bố ngày 02/7/2012, có hiệu lực ngày 01/01/2013. Đường cơ sở của Việt Nam là đường cơ sở thẳng gồm 11 đoạn thẳng có điểm xuất phát là 0 (xem bảng ở trên).

Từng điểm đều có tọa độ địa lý (vĩ độ, kinh độ – bạn đọc cần, xin tìm hiểu rõ. Từ Cồn Cỏ đến Móng Cái thuộc hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã được hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ký kết).

  1. Nội thủy

Vùng nước từ đường cơ sở đã được công bố vào đến bờ là nội thủy của Việt Nam. Đến nay diện tích nội thủy chưa được xác định và công bố cụ thể. Quyền quản lý vùng Nội thủy hoàn toàn giống đất liền, nước Việt Nam có chủ quyền tuyệt đối trong Nội thủy.

Để thực hiện chủ quyền của Việt Nam trên Nội thủy, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố Nghị định số 30/CP ngày 29/01/1980 được ghi rõ ở điểm b điều 3, điều 5, điều 8, điều 9, điều 10, điều 13, điều 14, điều 15, điều 17 của Nghị định này.

  1. Lãnh hải (xem điều 3, mục 2 – phần II của Công ước)

Song song với đường cơ sở ra phía biển một khoảng cách 12 hải lý (1 hải lý = 1852m) là Lãnh hải Việt Nam. Chủ quyền của Việt Nam trên lãnh hải được thực hiện như đất liền, Nội thủy và theo quy định của Công ước.

Nghị định 30/CP của chính phủ Việt Nam cũng đã quy định các quyền thực thi chủ quyền của Việt Nam trên vùng này (xem Nghị định 30 CP ngày 29/01/1980 đã công bố)

  1. Vùng tiếp giáp lãnh hải (Xem Điều 33, phần II, Công ước)

Dựa theo Công ước và Luật Biển Việt Nam, Việt Nam quy định vùng tiếp giáp là vùng biển song song với ranh giới ngoài của lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng là 12 hải lý. Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngay bên ngoài của lãnh hải, và chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo Công ước quy định các nước ven biển không được kéo dài vùng tiếp giáp quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở.

Do đặc thù từng vùng quốc gia và bờ biển là bờ đại dương nên có nước quy định Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải khác nhau. Ví dụ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ lấy lãnh hải 3 hải lý, còn Chilê, Pêru thì đến hàng trăm hải lý. Phần lớn các quốc gia ven biển và quần đảo đều chọn Lãnh hải rộng 12 hải lý, Vùng tiếp giáp lãnh hải 12 hải lý (tính từ mép ngoài lãnh hải hoặc 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Luật Biển Việt Nam có các điều 9 đến điều 14 nói về các vùng Nội thủy, Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải.

6. VỀ VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ (Xem Công ước trang 57 đến 74, bản tiếng Việt)

Công ước quy định Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và vùng tiếp liền lãnh hải, không mở rộng ra quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong Vùng đặc quyền kinh tế gồm vùng nước, đáy của vùng nước và dưới đáy của nó, quốc gia ven biển có “quyền chủ quyền” (quyền thuộc chủ quyền) về: thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật thuộc vùng và những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế thế như phát điện và “quyền tài phán” về việc: lắp đặt và sử dụng các “đảo nhân tạo” các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ môi trường biển; các quyền và nghĩa vụ khác do công ước quy định.

Trong vùng này, quốc gia ven biển ngoài việc thừa hưởng “quyền chủ quyền” và “quyền tài phán” theo Công ước, còn phải làm nghĩa vụ của mình theo Công ước quy định và phải tính đến các quyền và nghĩa vụ của các nước khác. Việc thực hiện các quyền dưới đáy biển và lòng đất dưới nó theo phần VI – Thềm lục địa. (Xem Công ước: điều 76, 77, 78 phần VI, trang 76 – 79, bản tiếng Việt).

Luật Biển của Việt Nam, điều 15, 16 quy định Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Các quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền và nghĩa vụ khác của Việt Nam thực hiện theo luật và theo Công ước (phần VI gồm 20 điều từ 55 đến 75 (trang 57 – 74, bản tiếng Việt).

7. THỀM LỤC ĐỊA (Phần VI gồm các điều 76 đến 85 của Công ước).

Công ước quy định: thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền quốc gia đó cho đến mép ngoài rìa lục địa hoặc cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý khi mép ngoài của rìa lục địa quốc gia đó có khoảng cách gần hơn.

Các quyền của quốc gia ven biển trên thềm lục địa được quy định trong các điều 77, 78 của Công ước và các việc liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển được quy định chặt chẽ trong các điều từ 79 đến 85 của Công ước (Xem Công ước trang 77 đến 82, bản tiếng Việt).

Luật Biển Việt Nam có các điều 17, 18 quy định về Thềm lục địa Việt Nam, điều 19, 20, 21 quy định về đảo, quần đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo, quần đảo, chế độ pháp lý của đảo, quần đảo.

8. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÓ LIÊN QUAN

Việt Nam có gần 3.000 đảo lớn nhỏ, gần và xa bờ (gần bờ có hơn 2.700 đảo và xa bờ khoảng 200 đảo); các đảo gần bờ đều nằm trong nội thủy và lãnh hải Việt Nam nên không có sự tranh chấp với các nước khác. Đảo xa bờ Việt Nam có hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa có gần 30 đảo, đá, cồn cát vàng, bãi san hô, có tọa độ địa lý từ vĩ độ 10045’ Bắc đến vĩ độ 17015’ Bắc và kinh độ từ 1110 Đông đến 1130 Đông, chiếm diện tích biển khoảng 15.000 km2.

Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo, đá, bãi san hô nửa nổi nửa chìm và san hô chìm, có ranh giới địa lý từ vĩ độ 6050’ Bắc đến 12000’ vĩ độ Bắc, kinh độ từ 1110 20’ kinh Đông đến 117000’ kinh Đông, chiếm một diện tích biển khoảng 160.000 km2.

Tên gọi của các thực thể trên hai quần đảo trên có nhiều thứ tiếng: Việt Nam, Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha,…

Thực tế chiếm hữu và quản lý hai quần đảo này có từ thời của triều đại phong kiến Đại Việt, từ xứ Đàng Trong, thời các chúa Nguyễn đến các Hoàng đế Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Từ Đức,… đều được chứng minh bằng các sắc lệnh, lệnh thành lập các đội Hoàng Sa hoặc Hoàng Sa kiêm Bắc Hải (Trường Sa) ra đo đạc, khảo sát, trồng cây, thu lượm hải vật và các sản vật từ các tàu buôn bị nạn trôi dạt vào đảo. Điến hình như đội do cụ Phạm Hữu Nhật lãnh 70 người lấy dân xã An Vĩnh thuộc cù lao Ré (tức đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi) mỗi năm từ tháng 3 ra Hoàng Sa thu nhặt hải vật, sản vật của các tàu buôn ngoại quốc bị nạn, đến tháng 8 theo cửa biển Tư Hiền trở về dâng nạp (xem Hoàng Sa, Trường Sa luận cứ sự kiện của tác giả Đinh Kim Phúc, trang 92 93, NXB Thời đại, 774 Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh). Việc chiếm hữu và quản lý hai quần đảo này được thực hiện liên tục từ các triều đại nhà Nguyễn của Đại Việt rồi đến Việt Nam. Đến thời kỳ Pháp thuộc, các chính quyền quản trị Việt Nam đều có quân đồn trú trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp đến sau thế chiến thứ II, khi Nhật đầu hàng đồng minh, các vị trí đóng quân của Nhật trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa và Ba Bình thuộc Trường Sa tạm thời bỏ trống. Năm 1957, Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị San Francisco có bàn về trao quyền quản lý hai quần đảo trên. Đoàn Liên Xô đề nghị trao cho Trung Quốc quản lý. Ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa tham dự hội nghị phát biểu: “Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc Cương vực Việt Nam” (xem sđd. chú thích ở trang bìa). Sau tuyên bố của thủ tướng Trần Văn Hữu, không một nước nào phản đối, kể cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – Trung Quốc (thành lập từ 01/10/1949) lẫn Trung hoa dân quốc- Đài Loan (rời đại lục Trung Hoa ra Đài Loan sau thất bại của nội chiến Quốc – Cộng) cũng có mặt.

Vật đổi sao dời, thế cuộc xoay vần không ngưng nghỉ, lòng tham chiếm đoạt của lãnh đạo các cường quốc cũng luôn diễn biến khó lường. Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc hai lần dùng quân sự chiếm đoạt từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Lần thứ nhất, năm 1956 chiếm Phú Lâm và cụm Đảo An Vĩnh, còn phía tây Hoàng Sa vẫn do Việt Nam Cộng Hòa quản lý. Ngày 15/01/1974, sau một vụ đụng độ với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa do Trung Quốc cố tình gây ra, Trung Quốc tung lực lượng hải quân đến đánh chiếm cụm đảo phía tây Hoàng Sa (cụm Nguyệt Thiềm). Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu Lầu Năm góc Mỹ can thiệp, nhưng Mỹ quyết định đứng ngoài cuộc. Thế là từ 01/1974, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc dùng vũ lực, lúc âm thầm (1956) lúc ngang ngược, chiếm gọn. Từ đây họ luôn tìm mọi chứng cứ lịch sử ngụy tạo để chứng minh Hoàng Sa (họ tự đặt là Tây Sa) và Trường Sa (họ đặt là Nam sa) là lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc. Hoàng Sa từ không tranh chấp, Trung Quốc biến thành tranh chấp và cưỡng chiếm. Quần đảo Trường Sa có nhiều quốc gia chiếm hữu: Philippin, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia.

Trước năm 1988, Trung Quốc tuy luôn tuyên bố chủ quyền nhưng chưa có một chỗ đứng chân nào cả, đến giữa tháng 4/1988 sau khi đã dùng hải quân âm thầm chiếm các bãi san hô: Chữ Thập, Châu Viên, Xu Bi. Ngày 13/4/1988 Hải quân Trung Quốc dùng sức mạnh vũ lực của mình gây ra vụ thảm sát 64 sĩ quan và chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên bãi cạn Gạc Ma và chiếm luôn nó. Họ còn bắt 9 quân nhân Việt Nam giam giữ trái phép tại Trạm Giang – Quảng Tây, Trung Quốc, về sau mới trả. Tiếp đến, Trung Quốc còn chiếm đóng các đá san hô Vành Khăn, Ga ven, Huy gơ, tất cả 7 bãi san hô ngầm. Họ rót tiền của và sức người để tôn tạo, mở rộng, biến các bãi đá ngầm đã chiếm đoạt thành những đảo nhân tạo rộng lớn để xây dựng thành những căn cứ hải quân cách đảo Hải Nam về phía Nam từ 1500 km trở lên, với tham vọng trở thành cường quốc biển xanh (đại dương xanh).

Như vậy, trên thực tế hiện nay: Quần đảo Hoàng Sa tồn tại tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, Quần đảo Trường Sa tồn tại tranh chấp 5 nước 6 bên: Việt Nam, Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Đài Loan, Brunei (tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), mặc dù về lịch sử chiếm hữu có quản lý liên tục từ thế kỷ XVIII trở đi thuộc nhân dân Việt Nam.

Để giải quyết sự tranh chấp trên, Công ước quy định phần XV gồm 20 điều từ 279 đến 299 (sách đã dẫn, trang 217 đến 231, bản tiếng Việt) và các phụ lục: Phụ lục V: việc hòa giải, phụ lục VI: quy chế của tòa án quốc tế về luật biển, phụ lục VII: trọng tài, phụ lục VIII: trọng tài đặc biệt. Song vận dụng những quy định trên để giải quyết những vấn đề to lớn, hóc búa và khó dung hòa theo quan điểm và đường lối chính trị của các quốc gia tranh chấp có lẽ hãy kiên trì chờ đợi thành tâm hòa giải của các bên tranh chấp.

Về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của Việt Nam cũng tồn tại những tranh chấp với các nước bạn láng giềng. Việt Nam đã cùng với Thái Lan và Malaysia phân định được ranh giới hai vùng trên. Với Indonesia, ta đã phân định được thềm lục địa, đang hiệp thương phân định vùng đặc quyền kinh tế, tin tưởng sẽ tốt đẹp. Với Campuchia, ta và bạn mới thống nhất về vùng nước lịch sử. Với Trung Quốc, ta đã giải quyết xong phân định ranh giới Vịnh Bắc Bộ, đang đàm phán cấp chuyên gia về phân định cửa Vịnh Bắc Bộ. Còn tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có lẽ tạm gác lại chờ “hòa giải” như đã nói ở trên.

*Để thay cho phần kết

Có Công ước, chúng ta có cơ sở pháp lý quốc tế để định ra Luật Biển Việt Nam và xác định vững chắc chủ quyền trên Nội thủy và Lãnh hải, bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa. Chúng ta cũng có cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền trên đảo, quần đảo Việt Nam (điều 19, 20, 21 Luật Biển Việt Nam). Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã từng nói “Việt Nam có vùng biển thuộc quyền rộng gấp 3 lần đất liền Việt Nam”. Luật Biển Việt Nam, tiểu mục 1 – Điều 3 đã nói rõ về vùng biển Việt Nam.

Quốc gia ven biển Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, cảnh vật tươi đẹp, tài nguyên phong phú. Các thảm họa thiên nhiên thảm khốc như động đất cường độ lớn, sóng thần, bão nhiệt đới siêu cấp, hạn hán dài ngày, núi lửa phun trào,… ít xảy ra hoặc không có. Nhân dân Việt Nam cần cù, sáng tạo, ham học hỏi vươn lên. Hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo ổn định và ngày càng thực hiện mục tiêu tất cả do dân, vì dân “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo di nguyện của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Phát triển kinh tế biển, đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo đã được xác định trong các Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Đại hội lần thứ XIII, Luật Biển Việt Nam Điều 43, 44, 45 cũng đã nói rõ nhiệm vụ trọng yếu này.

Để khát vọng phát triển của toàn dân Việt Nam đến năm 2045 Việt Nam là nước phát triển có thu nhập cao (GDP/người >20.000 USD), ngay từ bây giờ hệ thống chính trị Việt Nam phải quyết tâm đưa kinh tế biển, đảo thành hệ phái kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng trên 50% trong tổng số tổng giá trị nền kinh tế Việt Nam.

Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển Thành phố Hồ Chí Minh hãy phấn đấu góp sức mình, tuy nhỏ nhoi nhưng có trách nhiệm vào sự nghiệp thiêng liêng và vinh quang đó./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (bản tiếng Việt, NXB Sự thật NXB Chính trị quốc gia, tháng 3/1999.
  2. Luật Biển Việt Nam, Luật số 18/2012/QH13, Hà Nội 21/6/20120, Chủ tịch nước công bố ngày 22/7/2012 có hiệu lực từ 01/01/2013.
  3. Hoàng Sa, Trường Sa, luận cứ và sự kiện – Đinh Kim Phúc – NXB Thời đại, 774 Trường Chinh, phường 15, Quận Tân Bình, TP. HCM.
  4. Sổ tay Chiến sỹ Trường Sa và Nhà giàn Dầu khí – Cục Chính trị BTL Hải quân.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*