TÌNH YÊU BIỂN ĐẢO VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA

CUỘC THI VIẾT BÀI THAM LUẬN CHỦ ĐỀ: HƯỚNG VỀ BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG

Đỗ Hương Giang – MSSV :1951220055, Lớp: QH19- chuyên ngành Quản lí hàng hải

 

Từ xa xưa, biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nó gắn bó tha thiết với dân tộc Việt Nam. Do vậy, biển đảo như là nhà, là cuộc sống của con người Việt Nam. Ông cha ta đã tốn nhiều công sức, xương máu để dựng xây, phát triển và bảo vệ biển đảo qua hàng ngàn năm lịch sử. Đến với biển đảo Việt Nam, các bạn sẽ được tận hưởng những thắng cảnh tuyệt đẹp, kì vĩ; sự thoáng mát từ những làn gió biển mang lại cho ta một cảm giác thoải mái. Đến với cuộc thi viết bài tham luận với chủ đề: “Hướng về Biển đảo Quê hương” nhằm Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và ngày Đại dương Thế giới năm 2020, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá rất nhiều điều mới mẻ, bổ sung thêm một phần kiến thức về biển đảo quê hương. Hãy cùng tôi bắt đầu cuộc hành trình này nhé!

Ngược dòng thời gian…

Vùng biển nước ta có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế và quân sự. Trước hết, nói về tầm quan trọng về quân sự, biển Việt Nam là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước, tạo khoảng không gian cần thiết để bảo vệ đất liền. Lịch sử nước ta đã ghi nhận phần lớn các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đều bắt đầu từ hướng biển và nhân dân ta đã sử dụng sông biển để đánh bại kẻ thù. Có thể nêu một số dẫn chứng nhưba lần dân tộc ta đánh tan quân xâm lược trên sông Bạch Đằng. Đó là trận đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938) của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền; trận đánh quân Tống dưới thời Lê Hoàn (981); trận đánh quân Nguyên Mông dưới thời nhà Trần (1288). Thời phong kiến, vấn đề chủ quyền lãnh hải luôn được các triều đại chăm lo quản lí. Vào thế kỉ XVI-XVII và những năm đầu thế kỉ XVIII, thủy quân ta cũng đã đánh bại một số đội chiến thuyền cũng như âm mưu xâm lược của một số đế quốc lớn từ phương Tây đến như Tây Ban Nha(1595), HàLan(1642; 1643), Anh(1702),… Tiếp nối những trang sử hào hùng, trong hai cuộc chiến kháng chống Pháp (1946-1954) và chống Mỹ(1954-1975), quân dân ta đã liên tiếp giành được nhiều chiến thắng to lớn trên cả đất liền và sông biển, tiến tới thống nhất đất nước. Đó là những chiến công của sức mạnh toàn dân tộc, từ đó nâng cao sức mạnh tinh thần cho muôn thế hệ sau.

YÊU những thứ vốn có của biển

Việt Nam là một quốc gia ven biển với đường bờ biển dài 3260km và có hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ. Trong 63 tỉnh, thành phố của nước ta thì có 28 tỉnh, thành phố giáp biển và là nơi chiếm gần 50% dân số. Biển đảo nước ta có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng sinh vật. Trên vùng biển Việt Nam đã phát hiện 11000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau; phát hiện khoảng 1300 loài trên các hải đảo (Theo Tạp chí Thông tin Đối ngoại). Biển nước ra còn chứa đựng tiềm năng to lớn về khoáng sản, đặc biệt là dầu khí. Bên cạnh đó, Việt Nam có hơn 100 bãi biển lớn, cùng những cảnh quan đẹp, khí hậu thoáng mát,…là điều kiện lí tưởng để xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Bãi biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes bầu chọn là một trong sáu bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh(Theo Tạp chí Thông tin Đối ngoại). Hơn thế nữa, Việt Nam là một trong mười hai quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới như Vịnh Hạ Long,… và ở các đảo, vùng ven biển tập trung nhiều di sản thế giới, di tích lịch sử, các lễ hội dân gian liên quan đến biển. Với lợi thế này, ngành du lịch Việt Nam thu hút khoảng 15 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu khách quốc tế, đạt tốc độ tăng bình quân 13%/năm (Theo Tạp chí Thông tin Đối ngoại). Biển đảo Việt Nam rất tuyệt vời. Cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta vùng biển giàu tài nguyên và cảnh đẹp như vậy. Tôi yêu thiên nhiên, yêu biển đảo Việt Nam.

BIỂN ĐẢO – vẫn còn đó những mối đe dọa…

Biển đảo Việt Nam giàu đẹp là thế. Nhưng hiện nay, biển đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên là vấn đề ô nhiễm môi trường biển.

Hàng năm có khoảng 70% chất thải đổ ra biển có nguồn gốc từ đất liền nhưtừ các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư, bệnh viện,… và những chất thải này phần lớn chưa qua xử lí. Đây là nguyên nhân làm suy giảm sự đa dạng sinh học. Sinh vật dưới biển đang bị chết dần vì ô nhiễm môi trường. Nói riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay đa số các con sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước bị “nhuộm đen” và bốc mùi hôi thối. Những điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và ảnh hưởng phần lớn đến các ngành du lịch, dịch vụ. Thứ hai, điều quan trọng hơn là vấn đề quốc phòng – an ninh trên biển đảo, sự đe dọa đối với chủ quyền biển đảo. Trong mấy chục năm gần đây, bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, những nhân tố mới xuất hiện, tác động trực tiếp đến tình hình Biển Đông. Nổi bật nhất là sự xâm chiếm biển đảo Trung Quốc, trong đó họ đã dùng vũ lực chiếm đóng Quần đảo Hoàng Sa (năm 1974, từ tay chính quyền Việt Nam cộng hòa) và một số bãi ngầm trong Quần đảo Trường Sa của Việt Nam (năm 1988). Cùng với các lời tuyên bố, yêu sáchvề “Đường lưỡi bò” 9 đoạn phi pháp chiếm hơn 80%Biển Đông, Trung Quốc đã nhiều lần điều tàu hải quân, tàu thăm dò cùngtàu chấp pháp (hải cảnh, ngư chính…)và tàu cá xuống Biển Đông, xâm phạm chủ quyền vùng biển của nước ta và các nước, vùng lãnh thổ khác trong khu vực; tổ chức tập trận hải quân ở vùng biển khu vực có tính răn đe, khuyếch trương lực lượng. Mới đây, vào ngày 18/4/2020, Trung Quốc thản nhiên thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong khi Việt Nam kịch liệt phản đối hành vi nói trên, đồng thời tuyên bố có đủ mọi bằng chứng, cơ sở pháp lí khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này (Theo BBC News). Bất chấp luật pháp và tập quán quốc tế, Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm Việt Nam đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1-5-2020 đến ngày 16-8-2020 (?)… Hành động đó của Trung Quốc càng làm cho tình hình ở Biển Đông thêm căng thẳng, phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của quân và dân ta đang đứng trước những khó khăn và thách thức mới.

VIỆT NAM- quốc gia có biển trách nhiệm của tuổi trẻ…

Sinh viên chúng ta sinh ra và lớn lên trong thời bình, không còn chiến tranh, bom đạn. Nhưng tình hình ở vùng biển đảo Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho Đảng, Nhà nước, người dân Việt Nam nói chung và từng cấp, ngành, địa phương nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lí của Nhà nước, quân dân ta đã triển khai các hoạt động tích cực để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. “Thế trận lòng dân” trên biển, đảo đang được củng cố và tăng cường; các lực lượng bảo vệ, quản lí biển, đảo được xây dựng, phát triển ngày càng lớn mạnh.Bộ đội Hải quân, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng của các bộ, ngành, địa phương hoạt động trên biển ngày đêm tăng cường tuần tra, canh gác, bảo vệ chủ quyền vùng biển và gìn giữ trật tự an ninh trên biển để nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển khai thác tài nguyên biển, ổn định cuộc sống và làm giàu cho quê hương đất nước,… Tuy vậy,đó đây trên mặt biển vẫn còn xuất hiện những hiện tương buôn lậu, vi phạm pháp luật trên biển, thậm chí có trường hợp tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Với điều kiện kinh tế, ngân sách có hạn, vấn đề xây dựng các lực lượng quản lí, bảo vệ biển đảo còn có những hạn chế nhất định. Rất mong được Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa…

TÔI cũng muốn nhắn nhủ tới các bạn:Tình yêu quê hương, đất nước không phân biệt độ tuổi, vùng miền, giới tính hay bất cứ một lý do nào khác, mà đơn giản đó là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý. Thay vì những lời nói hay, hãy hành động thiết thực hơn. Là học sinh, sinh viên, chúng ta chưa thể trực tiếp đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhưng chúng ta có thể bảo vệ gián tiếp bằng cách  trang bị cho mình những kiến thức vững chắc về biển đảo, cập nhật tin tức, thời sự thưởng xuyên, nắm được tình hình biển, đảo. Cần tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động của Đoàn, của Đảng, của Nhà nước và địa phương hướng về biển đảo quê hương; tuyên truyền, khẳng định với nhân dân cả nước ta, bạn bè khu vực và quốc tế về chủ quyền biển, đảo Việt Nam,… Đồng thời, cần chung tay bảo vệ môi trường biển luôn xanh- sạch- đẹp./.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*