xin trích đăng chuỗi bài tại Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam dựa trên lợi thế so sánh”

Bài 1: BIỂN ĐẢO NƯỚC TA – VẤN ĐỀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN
VÀ HỘI NHẬP TỪ GÓC NHÌN NGHỀ CÁ

 

Tác giả: TS. Tạ Quang Ngọc, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản.

Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.

 

Với quan điểm chiến lược có tính bao trùm, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là rất tích cực và rõ ràng. Điều đó thể hiện sự nhất quán đường lối của Đảng về biển đảo nói chung và trong phát triển kinh tế biển nói riêng từ suốt nhiều năm qua. Hơn 25 năm trước, mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước mạnh về biển đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 03-NQ/TW, của Bộ Chính trị, ngày 6-5-1993, “Về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển”. Tiếp sau đó, Chỉ thị số 20 CT/TW, ngày 22 -7-1997, của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa” lại một lần nữa khẳng định chủ trương “xây dựng Việt Nam trở thành nước mạnh về kinh tế biển và chủ trương xây dựng kinh tế vùng biển, hải đảo và ven biển trở thành vùng phát triển năng động”. Cũng tại văn bản đó, vùng biển, hải đảo và ven biển được coi là địa bàn chiến lược có vị trí quyết định đối với sự phát triển của đất nước ta. Và 10 năm sau, năm 2007, với Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa X (số 09-NQ/, ngày 9-2-2007) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đã đi đến ổn định mục tiêu chiến lược về việc xây dựng nước ta mạnh về biển, giàu lên từ biển. Lần này, tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, quan điểm của Trung ương khi ra Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam không chỉ khẳng định lại quyết tâm ấy trong khung thời gian chiến lược mới, đến năm 2030 và mở tầm nhìn ra tiếp 15 năm sau đó, mà còn nhấn mạnh như trong phát biểu Bế mạc Hội nghị của đồng chí Tổng bí thư: Dựa vào biển và hướng ra biển.

Những đóng góp của ngành thủy sản trong phát triển kinh tế biển và hội nhập kinh tế quốc tế

Ngành thủy sản đã có điều kiện thuận lợi để đón nhận kịp thời và triển khai sớm chủ trương phát triển kinh tế biển này khi vừa ít năm sau đất nước ta bắt tay vào công cuộc đổi mới (lấy mốc năm1986), và cũng đón trước vài năm bắt đầu hội nhập quốc tế và khu vực (lấy mốc năm 1995). Cụ thể là, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VII năm 1992, thủy sản được chú trọng dồn sức xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nửa cuối những năm 1990, nhờ triển khai quyết liệt đường lối đúng đắn và nhất quán trên, và đặc biệt, nghề cá đã biết phát huy thế mạnh và tiềm lực của mình, tạo ra những chuyển biến tích cực về tăng trưởng đi đôi với chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, đưa nghề cá hoạt động mạnh mẽ ra xa bờ, đồng thời phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản với định hướng vững chắc cho xuất khẩu, làm thay đổi bộ mặt các khu dân cư ven biển, hải đảo. Tuy đến nay vẫn còn nhiều việc phải làm, thậm chí nảy sinh những vấn đề mới trong quản lý điều hành một nghề cá tiên tiến và hội nhập, thì vẫn thấy rằng, nhờ chủ trương đúng đắn, nhất quán đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đảo ngay từ đầu, đã tạo ra điểm nhấn hết sức quan trọng cho phát triển bền vững nghề cá hiện nay.

Cùng với sự phát triển của đất nước, cơ cấu kinh tế biển Việt Nam ngày nay đã phát triển với những ngành sản xuất – kinh doanh mới mà tỷ trọng giá trị làm ra khá lớn (thậm chí áp đảo) so với những ngành truyền thống (dầu khí, đóng tàu và vận tải biển, du lịch và kinh tế đô thị, dịch vụ hạ tầng…). Những ngành này đã hình thành nhanh chóng, hòa chung trong một cơ cấu ngành nghề mới, có tính công nghiệp cao hơn, hiện đại hơn, có tác động đến sự cơ cấu lại cộng đồng xã hội ven biển. Tuy nhiên, vận hành tổng thể cơ cấu ngành nghề này luôn đòi hỏi phải bao quát hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn, và cũng căn cơ hơn trước về cái hơn, cái kém cũng như cái được, cái mất trong những thách thức về chia sẻ nguồn lực cũng như những rủi ro có thể xảy ra liên quan tới tính bền vững và chất lượng phát triển, gắn với các yếu tố về môi trường tự nhiên và  những vấn đề xã hội.

Thực tiễn cho thấy, việc đã làm chưa thực sự đáp ứng đòi hỏi đó. Sự phát triển những ngành kinh tế biển hiện nay nếu không có sự điều phối đúng đắn, để “mạnh ai, nấy làm” thì những thách thức nêu trên sẽ có thể làm xuất hiện thêm những thách thức khác nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, phần nào những biểu hiện của căn bệnh nhiệm kỳ, cách nhìn phiến diện và các việc làm thiếu đồng bộ không phù hợp với cách tiếp cận này và làm cản trở sự thành công đạt đến mục tiêu tổng quát có tính lâu dài của mục tiêu chiến lược. Tôi cho rằng, tầm quan trọng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XII lần này – Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trước hết phải là ở chỗ đó.

Việt Nam – một quốc gia ven biển đang phát triển năng động trong một khu vực địa lý năng động về nhiều mặt của vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Với vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn (hơn một triệu ki-lô-mét vuông), nhiều tiềm năng phát triển đặc thù về thiên nhiên, các yếu tố về địa chính trị và địa kinh tế có vị trí quan trọng không những trong khu vực mà còn ở cả quy mô toàn cầu. Cùng với những điều kiện đó, nền tảng văn hóa biển đảo cũng hình thành và trường tồn hàng ngàn năm, trở thành một tài sản vô giá để giữ gìn nét độc đáo của đất nước, là động lực bền vững để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Muốn mạnh về biển và giàu lên từ biển, trước hết phải dựa vào biển và và mạnh dạn hướng ra biển. Khai thác những thế mạnh này trên tổng thể cũng như trong từng không gian quy hoạch biển chắc chắn sẽ cùng song hành với việc vượt qua những khó khăn, thách thức  để gắn phần còn lại của đất nước với biển như người ngư dân “bám biển” sinh tồn lâu nay trong lịch sử và hiện tại. Nói cách khác, cùng với sự phát huy hợp lý mối quan hệ phát triển chung trong mọi ngành kinh tế, với mọi vùng quy hoạch trong nước, có thể tìm thấy những tiềm năng to lớn trước hết chính từ biển, kể cả các tiềm năng truyền thống hoặc mới phát triển, và tương lai sẽ phát triển. Những tiềm năng đó có thể quy ra lợi ích kinh tế, nhưng có thể đó là những tiềm năng  to lớn về văn hóa, tinh thần gắn với cộng đồng làm nghề biển mà ngư dân là lực lượng đông đảo nhất. Vì vậy, cần làm được như đã nêu trong Nghị quyết: Bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”.

Từ sự phân tích trên, cái cần nhất là một quy hoạch chi tiết, cặn kẽ để có một sự kết hợp hài hòa các hoạt động kinh tế – xã hội trên cơ sở các tiềm năng đó trong cả kỳ chiến lược (đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045). Điều đó cũng sẽ quyết định khả năng hoàn thành được mục tiêu từng bước đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển một cách khả thi và bền vững trong khoảng thời gian 10 năm chiến lược và 25 năm trong khuôn khổ tầm nhìn.

Về biển nước ta

Trên thế giới, Biển Đông có độ lớn thứ hai sau Biển San hô phía đông Ốt-xtr ây-lia. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan với nó diễn ra trong lịch sử hay hiện tại thì chắc không thua kém bất kỳ vùng biển nào. Về Biển Đông, hiện không thiếu các tư liệu để để nghiên cứu. Gần đây lại có thêm  khá nhiều tài liệu đã được giới thiệu tham khảo. Khi viết bài này, là người đã  từng gắn bó công việc nghề cá biển, tôi muốn từ góc nhìn này để đưa ra những nét sơ lược sau:

Biển Đông rộng khoảng, 3,4 triệu km2, có 9 nước và vùng lãnh thổ bao quanh. Đi qua đây là tuyến hàng hải huyết mạch giao thương quốc tế. Biển Đông với nhiều đảo và quần đảo, đặc biệt Trường Sa và Hoàng Sa của nước ta, tạo ra vị thế địa chính trị quan trọng đối với khu vực và thế giới. Nơi đây cũng có trữ lượng lớn nhiều nguồn tài nguyên kể cả tái tạo và không tái tạo, hiện tại thì người ta nói nhiều về nguồn lợi sinh vật biển và dầu khí, sau dầu khí chắc sẽ khai thác đến những tài sản đại dương quý giá khác nữa. Riêng về tài nguyên sinh vật biển thì đến 10% trữ lượng thủy sản thế giới có tại đây. Và chính ở đây, nghề cá truyền thống của các quốc gia ven biển Đông Nam Á đã có nhiều nghìn năm với trên 4 triệu ngư dân hiện nay và mang những sắc thái đặc trưng rõ nét.

Là một biển rìa, nhưng Biển Đông lại mang đặc tính của Đại Dương (gần 50% diện tích là thung lũng biển sâu, còn lại là khu vực biển nông và thềm lục địa). Yếu tố đại dương cũng chi phối đặc tính tài nguyên, kể cả tài nguyên sinh học. Các nhân tố địa lý và khí hậu cùng với một số điều kiện tự nhiên khác tạo ra mức độ đa dạng sinh học rất cao cũng như năng lực tái tạo khá lớn, có lợi cho phát triển nghề cá bền vững. Biển Đông có nhiều eo vịnh, cửa sông lớn, nhưng hai vịnh lớn nhất của Biển Đông là Vịnh Bắc Bộ ở phía Bắc rộng chừng 150 ngàn km2 và Vịnh Thái Lan – 462 ngàn km2. Các vùng cửa sông và eo vịnh, các rạn đá lớn đã là căn cứ hình thành các khu đa dạng sinh học giá trị và các ngư trường lớn trên biển, địa bàn quan trọng cho ngư dân đi biển và cũng để quy hoạch các khu bảo tồn, các phương thức duy trì và phát triển nguồn lợi.

Nghề cá Biển Đông không những đóng góp lớn cho đời sống kinh tế – xã hội, mà còn điển hình về văn hóa biển đảo, có nét chung trong khu vực Đông Nam Á cũng như vẻ đẹp riêng cho từng quốc gia trong đó. Cũng ở đây sự hợp tác để làm ăn và chống đỡ với thiên tai cũng có từ xa xưa. Tuy nhiên, những tranh chấp cũng tồn tại đã lâu. Do vậy trong khi phát huy sự hợp tác có từ xa xưa đó là việc hàng đầu thì việc giải quyết những tranh chấp cũng quan trọng, có khi là sống còn, nhưng cũng có việc không thể xong một sớm, một chiều. Trong khi như nêu trong Nghị quyết lần này: Kiên trì xây dựng và duy trì môi trường hoà bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển, tạo cơ sở cho việc khai thác và sử dụng biển an toàn, hiệu quả, thì việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ gắn liền với bảo vệ quyền làm ăn chính đáng của  ngư dân chúng ta trên biển luôn là những điều kiện tiên quyết và thường xuyên. Điều đó chỉ có thể đạt được dựa vào chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước kết hợp xây dựng kinh tế với bảo vệ Tổ quốc, đồng thời phát huy hợp tác quốc tế và khu vực, làm tốt công cuộc hội nhập của chúng ta trong cộng đồng quốc tế với biển nói chung và nghề cá nói riêng.

Công ước quốc tế về Luật Biển và việc áp dụng các vùng Biển Đặc quyền kinh tế 200 hải lý liên quan nghề cá

Trong những năm qua, với những diễn biến phức tạp trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển, chúng ta đã nhìn nhận Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 là một căn cứ pháp lý quan trọng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của mình. Nay, trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh quan trọng khác liên quan chặt chẽ đến những đổi thay của nghề cá thế giới, cũng như các cung cách làm ăn ở quy mô quốc tế và khu vực đang diễn ra, liên quan đến hai khái niệm lâu nay là Vùng đặc quyền kinh tếnghề cá có trách nhiệm để chỉ về quan hệ quốc tế giữa quyền lợi và nghĩa vụ trong vận hành nghề cá biển và các lĩnh vực liên quan hiện nay. Điều này cũng tác động đến phát triển bền vững nghề cá biển nước ta và chi phối không nhỏ về thương mại thủy sản.

Bản đồ phân bố nghề cá thế giới có sự thay đổi lớn kể từ khi thực thi Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 (Viết tắt tiếng Anh là UNCLOS 1982) cùng với việc áp dụng vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý nằm ngoài và tiếp giáp liền kề lãnh hải các quốc gia ven biển. Có thể gọi sự kiện này là một bước ngoặt trong phát triển thuỷ sản của thế giới. Nó diễn ra và tạo thay đổi lớn trong bức tranh nghề cá biển thế giới và thị trường thủy sản toàn cầu tại thời điểm thế giới bước sang thiên niên kỷ thứ ba. UNCLOS được ký chính thức ngày 10-12-1982 và đi vào hiệu lực ngày 16-11-1994. Đây là một văn bản luật sâu sắc quy định các quy tắc quốc tế, theo đó các quốc gia được thực hiện quyền tuyên bố chủ quyền của mình trên các vùng biển tương ứng và triển khai các hoạt động trong đó, kể cả đánh cá. Công ước này cũng quy định nghĩa vụ của các nước trong khi thực hiện các quyền chủ quyền của của mình, đảm bảo duy trì sức sống của đại dương thế giới.

Có một thực tế là, một số nước công nghiệp phát triển vốn là cường quốc đánh cá đã bị mất đi những ngư trường béo bở xưa nay trên các thềm lục địa thế giới, mất đi phần sản lượng đáng kể. Trong khi đó, một số nước khác mà phần lớn là các nước đang phát triển lại có cơ hội tốt hơn với các ngư trường cận kề. Từ đó, trên bình diện nghề cá thế giới, thực tế đã định hình một cơ cấu mới thị trường thuỷ sản từ đầu thế kỷ này, dòng sản phẩm xuất khẩu chuyển chiều và chảy mạnh hơn từ các nước đang phát triển sang các nước công nghiệp. Nuôi trồng thuỷ sản ở nhiều nước có thời cơ phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, đội tàu khai thác hải sản trên thế giới được cơ cấu lại để phù hợp quy mô, thành phần và khu vực đánh bắt được bố cục lại. Mặt khác, đi liền với những quy định về quyền, các nước đang phát triển ven biển cũng phải thực hiện những nghĩa vụ của mình liên quan tới vùng đặc quyền kinh tế cũng như với việc bảo đảm sức sống, sự trong lành của đại dương. Phần quan trọng của các nghĩa vụ đó được quy định trong Bộ Quy tắc ứng xử về nghề cá trách nhiệm (CCRF) năm 1995 giữa các nước thành viên FAO. Các quy định nghĩa vụ này được nêu ban đầu ở mức “ứng xử” (code of Conduct). Tuy nhiên, dần dần đến nay các quy tắc ứng xử đó đã và đang đi vào trong các quy định đi kèm các giao kèo thương mại thuỷ sản với tính ràng buộc cao hơn. Nhiều khi đây cũng là thử thách không nhỏ trong quản lý nghề cá các nước đang phát triển, nhất là nghề cá có định hướng gia tăng xuất khẩu như ở nước ta với thực trạng còn không ít khó khăn, trở ngại.

Hợp tác quốc tế và hội nhập – vấn đề của nghề cá nước ta

Nước ta hội nhập vào cộng đồng thế giới ngày càng sâu rộng hơn. Các hiệp định song phương và đa phương mới được ký, có thêm những sự công nhận quốc tế trong hoạt động đầu tư và thương mại. Trong lĩnh vực kinh tế biển, trong đó có thủy sản, các ký kết và công nhận lẫn nhau ít nhiều chịu sự chi phối và diễn ra xung quanh các quy định của UNCLOS 1982. Với việc thực thi các chính sách đổi mới, tranh thủ sự hợp tác quốc tế, chừng mực nhất định chúng ta đã nắm được thời cơ, thuận lợi, cơ bản tránh được các rào cản, thích ứng nhanh khi hội nhập. Tuy nhiên, những hạn chế do thực trạng của nghề cá nước ta cũng bộc lộ rõ hơn khi hội nhập. Đối với nghề cá, ngoài tác động từ cặp quan hệ “quyền lợi – trách nhiệm” nêu trên còn phải kể đến những tác động khác giống như đối với mọi loại hàng hóa và dịch vụ giao thương khi tham gia các hiệp định mậu dịch tự do những năm qua, và hiện tại là CPTPP và Hiệp định Thương mại ký với EU sắp tới. Muốn hội nhập có lợi cho nghề cá và ngư dân nước ta, nhân Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 lần này, cần nhìn nhận một cách bao quát nhưng đầy trách nhiệm về bức tranh nghề cá của mình.

Tăng trưởng liên tục gần bốn thập kỷ qua, thủy sản nước ta đã đạt đến những con số ấn tượng. Năm 2018 này, sản lượng thủy sản, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước đạt là 7,2 triệu tấn, trong đó hải sản khai thác khoảng 3,4 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu thủy sản ước sẽ đạt 9,3 tỷ USD năm nay. Rõ ràng với con số như vậy, Việt Nam là một nước tầm cỡ thế giới về thủy sản. Theo thống kê của FAO, giữa thập kỷ này, năm 2014, nước ta đứng thứ tám trên thế giới về sản lượng khai thác (trong các nước Đông Nam Á, sản lượng khai thác Việt Nam chỉ đứng sau In-đô-nê-xia), đứng thứ ba (sau Trung Quốc, Ấn Độ) về sản lượng nuôi trồng và đứng thứ ba (sau Trung Quốc và Na Uy) về giá trị thủy sản xuất khẩu. Chúng ta vui với những con số này. Tuy nhiên, quan hệ giữa những con số làm ta vui đó với thực trạng, tính chất và tiềm năng nghề cá hiện nay đang đặt ra cho các nhà quản lý trách nhiệm phải tính toán và vận hành nghề cá như thế nào để bảo đảm phát triển bền vững và vượt qua các thử thách về hội nhập. Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh như trong Nghị quyết đã nêu là quan điểm hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên, làm sao áp dụng cho nghề cá hiện tại một khi áp lực tăng trưởng vẫn lớn, một khi chưa có kịch bản cùng “tăng trưởng xanh” cho các ngành về biển, cho các khu công nghiệp và đô thị ven biển? Đây là những việc lớn nhất phải làm.

Tăng trưởng xanh cũng là một cam kết quốc tế trong hội nhập. Chương trình Tăng trưởng xanh (Blue Grouth Initiative) do FAO chủ xướng hiện coi cuộc chiến chống lại đánh cá trái phép, sai luật, không báo cáo (IUU) là ưu tiên cao, và sử dụng công nghệ thông tin phát triển để nâng cao hiệu lực cho “cuộc chiến” này. Hiện chúng ta đang nỗ lực khắc phục các khiếm khuyết trong nghề cá của mình để EU bỏ lệnh cảnh báo này đầu năm 2019 tới. Nhưng, làm cho nghề cá nước ta có chất lượng tăng trưởng tương xứng với tầm cỡ quy mô thế giới của nó chắc phải là công việc của cả kỳ chiến lược biển này, và thậm chí lâu hơn nữa. Cái cần là quan tâm và trách nhiệm.

Trong cơ cấu đa ngành, thủy sản không được coi là ngành mũi nhọn như được xác định 26 năm trước. Tuy nhiên, đến nay ở bất cứ vùng biển đảo nào, nói đến đi biển, người dân vẫn hiểu là đi đánh cá, nói đến làm nghề biển thì cũng hiểu với nhau là làm nghề cá. Xét về khía cạnh xã hội, nghề cá có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cộng đồng dân cư ven biển. Một mục tiêu quan trọng được nêu trong Nghị quyết lần này là: Chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước. Đây là một chủ trương có tính chiến lược cao nhưng cũng là cấp thời. Vấn đề không dừng ở phương diện nhân lực, không chỉ ở thu nhập và phúc lợi. Vấn đề ở đây là phát triển con người và tiếp cận để phát triển, là yếu tố bền vững quan trọng nhất của sự phát triển bền vững. Chỉ có như thế, ngư dân và nghề cá chúng ta mới đủ năng lực, điều kiện vượt qua khó khăn của biến đổi khí hậu, đủ sức chống chọi với thiên tai, cùng nhau xây dựng cuộc sống biển đảo tốt đẹp hơn và tham gia đấu tranh bảo vệ vùng biển Tổ quốc mình. Chính người sử dụng tài nguyên sẽ định ra cơ chế sử dụng sao cho tài nguyên ấy đem lại lợi ích khả dĩ chấp nhận được cho mọi người. Đó là nguyên lý của việc quản lý nghề cá. Giáo dục, đào tạo, các chính sách quản lý dân cư là quan trọng, nhưng hội nhập tốt cũng sẽ giúp thực hiện mục tiêu này về con người làm nghề biển./.

 

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*