Hội thảo: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian

 

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian

TCCSĐT – Sáng ngày 28-8-2019, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.

Hội thảo còn có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương và địa phương; đông đảo các nhà khoa học, đại biểu, phóng viên của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và Hà Nội.

Nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, ý nghĩa lý luận; những thành tựu nổi bật và hạn chế, khuyết điểm qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đó là ý kiến phát biểu khai mạc Hội thảo của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Theo đồng chí, trước khi về với cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta muôn vàn tình yêu thương và bản Di chúc thiêng liêng – một văn kiện lịch sử quý báu, được kết tinh từ giá trị văn hóa dân tộc, thể hiện sâu sắc tinh hoa tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, phong cách và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân. Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, việc tổ chức Hội thảo 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh, định hướng của bản Di chúc mà Người để lại cho toàn Đảng và nhân dân ta; đồng thời, nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm cần phải nghiêm túc khắc phục, sửa chữa qua chặng đường 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.

Đồng chí Phạm Minh Chính đã điểm lại nội dung chính của bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân sau chiến tranh, quan tâm chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, đến việc củng cố tình đoàn kết trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em… Những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc từng câu, từng chữ thật giản dị, thiêng liêng, là một kiệt tác bất hủ, một bảo vật quốc gia gắn liền với tên tuổi của Người.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khẳng định, thực hiện Di chúc của Người, trong 50 năm qua, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, luôn xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và then chốt. Trong các kỳ Đại hội và Hội nghị Trung ương, Đảng ta đã nghiên cứu, bổ sung nội dung xây dựng Đảng và Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, liên tục trong hai nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và điều này luôn được kết hợp với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kết quả là từ Ban Chấp hành Trung ương đến chi bộ cơ sở đã có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, đảng bộ và nhiều cán bộ, đảng viên đã được tăng lên rõ rệt. Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, đáng được ghi nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính còn điểm lại quá trình Đảng ta thực hiện di nguyện theo lời căn dặn trong Di chúc của Người về việc chăm lo, giúp đỡ, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân sau chiến tranh, về những thành tựu của đất nước sau gần 35 năm đổi mới. Đó là, dù điều kiện đất nước còn khó khăn, nhưng năm 1989, Đảng và Nhà nước ta đã giảm thuế, miễn thuế nông nghiệp cho nông dân. Nhờ đó, đời sống nhân dân ta từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, từ biên cương đến hải đảo không ngừng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Các đối tượng chính sách, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, người già neo đơn, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người yếu thế trong xã hội luôn được quan tâm, được thụ hưởng các chính sách ưu đãi…

Với quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường xuyên thiếu lương thực, thực phẩm, phải xin viện trợ, nhập khẩu, đến nay Việt Nam đã trở thành nước đứng trong tốp đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới. Theo số liệu thống kê, đến năm 2018, quy mô của nền kinh tế Việt Nam đạt 245 tỷ USD, đứng thứ 44 trên thế giới về GDP và đứng thứ 34 theo sức mua. GDP bình quân đầu người là 2.580 USD, khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đã được thu hẹp đáng kể.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện Di chúc của Người, đồng chí Phạm Minh Chính cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của nước ta trên nhiều mặt. Đó là kinh tế phát triển chưa bền vững, nước ta vẫn ở nhóm thu nhập trung bình thấp, nguy cơ tụt hậu về năng suất lao động, chênh lệnh giàu nghèo còn lớn, nhiều vấn đề xã hội nổi lên… Điều đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải cố gắng, nỗ lực, lao động sáng tạo tiếp thu những thành tựu khoa học – công nghệ vào sản xuất, tạo nền tảng để tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, quyết tâm phấn đấu, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như tâm nguyện của Bác.

Di chúc – một văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định tầm vóc lịch sử, ý nghĩa to lớn và giá trị thời đại của bản Di chúc, cho rằng đó là sản phẩm của một trí tuệ lỗi lạc, một trái tim nhiệt huyết, giàu lòng yêu thương, kết tinh tình cảm cao đẹp của một nhà yêu nước vĩ đại, đồng thời là nhà chiến sĩ cộng sản kiệt xuất Hồ Chí Minh – một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và cao đẹp. Di chúc là một văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc, chứa đựng các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, mang niềm tin sắt son không gì lay chuyển được vào tương lai tươi sáng của đất nước, của cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhắc lại những lời cặn dặn trước lúc đi xa của Người đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó là phải hết sức giữ gìn phẩm chất của một đảng cách mạng chân chính, phải đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc; phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Để làm được điều này, lúc sinh thời, Bác luôn nhắc nhở phải tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên, liên tục, đặc biệt là trong những bước ngoặt của cách mạng, không chỉ trong lúc chiến tranh mà ngay cả khi có hòa bình.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, với bốn chữ “thật” được nhắc đi nhắc lại trong bản Di chúc, Bác thiết tha mong muốn, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng thật trong sạch và phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Mang tầm nhìn vượt thời gian, Di chúc đã đề ra những chủ trương, định hướng lớn về xây dựng đất nước, phát triển kinh tế – xã hội sau ngày toàn thắng. Đây chính là mong mỏi của Bác và cũng là khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta, là mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Trọng trách lịch sử này đặt lên vai không ai khác ngoài Đảng ta như lời Bác dặn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song bản Di chúc của Người vẫn luôn là ngọn đuốc tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Học Bác, chúng ta luôn vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế, kiên định với những nguyên tắc của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, kiên định xây dựng và vận dụng sáng tạo lý luận trên cơ sở đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, không áp dụng lý luận một cách máy móc, giáo điều, gắn chặt lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Học Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nắm vững bài học dân là gốc, phải tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với nhân dân, trở thành tấm gương sáng về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với nạn tham ô, tham nhũng, các biểu hiện lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Làm sáng rõ nhiều vấn đề qua 50 năm thực hiện Di chúc của Người

Hội thảo “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã nhận được gần 60 tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, thuộc nhiều cơ quan, ban, ngành và địa phương khác nhau. Đặc biệt, có 7 đồng chí trực tiếp tham luận tại hội thảo. Đó là tham luận của đồng chí Nguyễn Túc, đại diện cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tiêu đề: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc”; tham luận của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam với việc thực hành theo tinh thần trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; tham luận của Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an với nội dung: Lực lượng Công an nhân dân thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham luận của đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng với tiêu đề: “Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng với việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân”; tham luận của đồng chí Chu Văn Yêm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước: “Văn phòng Chủ tịch nước với việc thực hành tinh thần “suốt đời vì nước, vì dân” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; tham luận của PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc với tiêu đề: “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay” và tham luận của đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với nội dung: “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam”.

Gần 60 tham luận được in trong kỷ yếu và 7 ý kiến trình bày tại Hội trường, Hội thảo “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã tập trung làm rõ các vấn đề: 1- Phân tích, làm rõ những giá trị lý luận và thực tiễn của Di chúc, nhất là về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, về đường lối phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới, về chăm lo, phát triển, giáo dục con người, bồi dưỡng thế hệ trẻ, về đoàn kết quốc tế, về tấm gương, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; 2 – Phân tích, đánh giá một cách sâu sắc những kết quả đạt được qua 50 năm thực hiện Di chúc, nhất là về sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, về công cuộc đổi mới và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cũng như trên từng ngành, lĩnh vực cụ thể; 3 – Đề xuất những kiến nghị, giải pháp để thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, theo chủ đề hội thảo, dưới nhiều góc độ khác nhau, các nhà khoa học, các vị đại biểu bằng những luận cứ khoa học đã tập trung phân tích, làm sâu sắc thêm tầm vóc lịch sử, giá trị thời đại và những định hướng chiến lược được thể hiện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các ý kiến tham luận đều thống nhất khẳng định rằng, sự vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa đến những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực, cùng những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Đây là những định hướng có ý nghĩa rất quan trọng, mang tầm chiến lược đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, 50 năm đã trôi qua, nhưng Di chúc vẫn mang sức sống mãnh liệt, vẫn luôn là ánh sáng soi đường, là niềm tin tất thắng cho sự nghiệp cách mạng nước ta, là cội nguồn sức mạnh động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam tiếp tục phấn đấu tiến lên giành những thắng lợi mới. Đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Di chúc của Người tiếp tục là cơ sở lý luận, thực tiễn và chỉ dẫn quý báu để cán bộ, đảng viên và toàn Đảng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiêu cực, tham nhũng để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, trở thành đảng đạo đức, văn minh; xứng đáng là đảng cầm quyền, lãnh đạo thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta như di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu.

Yên Hòa

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*