Bộ Ngoại giao ngày 6-4 cho biết tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển Việt Nam sau một thời gian hoạt động ở đây, đồng thời khẳng định mọi hoạt động khảo sát mà không có sự cho phép của Việt Nam là vô giá trị.
Phản ứng của Việt Nam về hoạt động của tàu Trung Quốc được đưa ra không lâu sau khi Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) nói một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần khu vực dự án khí đốt của Công ty dầu khí Petronas (Malaysia). Theo AMTI – tổ chức thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một tàu hải quân Malaysia cũng xuất hiện tại khu vực trên.
Tàu Trung Quốc “khảo sát thường xuyên”
Trở về sau chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tuần này, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim xác nhận Trung Quốc “bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Petronas ở Biển Đông”, dù Kuala Lumpur cho rằng những dự án của công ty nhà nước này đều hoạt động “trong lãnh thổ Malaysia”.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 26-3, khi nhận câu hỏi về hoạt động của tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định “các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo sát các diễn biến trên Biển Đông”.
Việt Nam cũng “kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp quản lý và thực thi pháp luật trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)”.
Các diễn biến này nối dài chuỗi thông tin về bất đồng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong vấn đề tàu thuyền, ngư dân từ năm 2022 tới 2023.
Cách đây khoảng một tuần, Trung Quốc cũng lần đầu tiên công bố danh sách 33 khu vực “khảo sát thường xuyên”. Theo đó, danh sách của Tổ chức Khoa học tự nhiên Trung Quốc (NSFC) bao gồm các địa điểm khảo sát nằm trong những khu vực tranh chấp ở Biển Đông và gần một số căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Hiện nay, số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc đang sở hữu hạm đội khảo sát biển lớn bậc nhất thế giới với hơn 60 tàu hoạt động từ năm 2017.
Về việc NSFC công bố 33 địa điểm trên, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định việc khảo sát và nghiên cứu trong phạm vi quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà chưa có sự cho phép của Việt Nam đều không có giá trị vì đó là hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Đàm phán COC gặp bất lợi?
Song song các khác biệt, thời gian qua Biển Đông cũng chứng kiến một số động thái đối thoại giữa các nước có tuyên bố chủ quyền.
Tại Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Anwar nhấn mạnh các hoạt động của Petronas sẽ được tiếp tục nhưng đồng thời cũng sẵn lòng đàm phán với Trung Quốc. Hôm 4-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói Bắc Kinh muốn phối hợp cùng Kuala Lumpur để giải quyết khác biệt ở Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn.
Tương tự, trong chuyến thăm của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tới Trung Quốc hồi tháng 1 vừa qua, hai bên cũng nhất trí nối lại các cuộc đàm phán khai thác dầu khí. Cuối năm ngoái, Việt Nam và Indonesia cũng hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế, góp phần thúc đẩy giải quyết chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế cũng như tránh va chạm ở Biển Đông.
Các động thái thúc đẩy đối thoại như trên có thể tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Indonesia, nước chủ tịch luân phiên ASEAN, cũng tuyên bố năm nay sẽ thúc đẩy đàm phán COC – bộ quy tắc được kỳ vọng sẽ là lời giải cho các tranh chấp Biển Đông.
Việc nối lại đàm phán COC, vốn đã đình trệ vì COVID-19, sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các hoạt động liên quan trong khu vực gần đây.
Nếu thúc đẩy đối thoại là tín hiệu tốt, căng thẳng trên thực địa lại báo hiệu con đường khó khăn cho COC.
Không lâu sau khi Philippines xác định địa điểm cụ thể của bốn căn cứ quân sự bổ sung mà nước này cho phép Mỹ tiếp cận, phía Trung Quốc đã phản ứng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đổ lỗi cho việc Mỹ triển khai quân sự trong khu vực, nói rằng điều này tạo ra bất ổn.
Trung Quốc bị cáo buộc đã quân sự hóa mạnh mẽ ở Biển Đông. Ngược lại, Bắc Kinh lâu nay thường lấy sự hiện diện quân sự của Mỹ và các nước trong khu vực làm cớ cho việc tăng cường năng lực quân sự trên các vùng biển này. Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra gần Đài Loan, sau khi các căn cứ mới ở Philippines mà Mỹ có thể tiếp cận nằm ở khu vực đối diện Đài Loan.
Những biểu hiện này có thể tạo ra mức bình thường mới gây bất lợi cho đàm phán COC, bởi “hiện trạng” của Biển Đông đã và có thể chứng kiến nhiều thay đổi nguy hiểm về việc tranh thủ tăng cường hiện diện quân sự.
Việt Nam ủng hộ giải pháp hòa bình, đối thoại
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 6-4, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tái khẳng định quan điểm của Việt Nam về việc giải quyết các bất đồng trong vấn đề Biển Đông.
Bà cho biết Việt Nam luôn kiên định với lập trường giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Trên cơ sở đó, Việt Nam ủng hộ việc các nước có thể cùng nhau hợp tác giải quyết bất đồng trong vấn đề Biển Đông trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước, vốn được Công ước UNCLOS 1982 xác định.
“Với chủ trương trên, Việt Nam luôn sẵn sàng cùng các quốc gia liên quan đàm phán, giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ do lịch sử để lại, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”, bà Thu Hằng nhấn mạnh.
Nhật Đăng, tuoitre.vn
Để lại một phản hồi