TÀU “KHÔNG SỐ” HQ671 – TỪ CHUYẾN MỞ ĐƯỜNG “KHAI SƠN, PHÁ THẠCH” TUYẾN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN ĐẾN BẢO VẬT QUỐC GIA.

                                             (Bảo tàng Hải quân)

Tàu HQ671 (có số hiệu khác là C41 và 641) là con”Tàu không số” duy nhất còn lại của tuyến đường huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển. Tàu hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân, là hiện vật, Bảo vật quốc gia có ý nghĩa, giá trị lịch sử đặc biệt không chỉ đối với Hải quân nhân dân Việt Nam mà đối với cả quốc gia, dân tộc.

Chuyến đi mở đường…

Đầu những năm 1960, tuyến giao liên Trường Sơn 559 làm nhiệm vụ vận chuyển, chi viện chiến trường Miền Nam đã hoạt động nhưng chủ yếu mới đưa được người và vũ khí vào các tỉnh Khu 5, còn các tỉnh ven biển ở cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ thì chưa tới được. Thời kỳ này phong trào cách mạng Miền Nam đang phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu về vũ khí cho chiến trường Miền Nam đang là đòi hỏi cấp bách, có tính sống còn. Chi viện vũ khí cho cách mạng Miền Nam vào thời điểm này, không còn con đường nào khác là đường biển. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải thuỷ 759 có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường Miền Nam. Phương thức vận chuyển là chủ động, bí mật, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng vào bến. Đồng thời phải có sẵn phương án thật linh hoạt, mưu trí, đối phó với địch, khi bị lộ thì kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần có thể cho huỷ tàu để giữ bí mật con đường vận chuyển này.

Sau một năm thực hiện công tác chuẩn bị công tác khảo sát và thử nghiệm mọi mặt, ngày 11/10/1962, tại bến K15 (Đồ Sơn – Hải Phòng), con tàu Phương Đông 1 được lệnh bí mật rời bến ra khơi, chở trên 30 tấn vũ khí đầu tiên, mang theo cả niềm tin, tình thương của Đảng, của Bác Hồ, của nhân dân Miền Bắc tới chi viện cho đồng bào Miền Nam. Trước khi tàu rời bến, các đồng chí Phạm Hùng – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Chí Thanh; đồng chí Trần Văn Trà… đã trực tiếp tới động viên cán bộ chến sĩ trên tàu. Đồng chí Phạm Hùng đã nói: “Các đồng chí là những người được giao nhiệm vụ tiên phong, là những người trực tiếp khai sơn phá thạch con đường biển này. Trung ương Đảng tin tưởng và chờ tin thắng lợi từ các đồng chí!”. Ngày 19/10/1962, tàu cập bến Cà Mau thành công – Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức khai thông!

Thắng lợi của chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí vào Cà Mau đư­ợc báo cáo kịp thời lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ư­ơng. Đang chủ trì cuộc họp, hai mắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân uỷ Trung ương nhòa lệ. Đâị tướng đề nghị “Hội nghị giải lao, liên hoan nhẹ mừng thắng lợi đầu tiên này…Tính ra theo đường biển, tàu chở được 30 tấn vũ khí, đủ trang bị cho một tiểu đoàn. Tàu chạy trong 9 ngày với 13 cán bộ, chiến sĩ, lợi hơn gấp bao nhiêu lần đường bộ, bằng 1.500 người gùi thồ đi liên tục trong 6 tháng, không kể những khó khăn, trở ngại và công tác bảo đảm trên đường Trường Sơn mà ta đã tiến hành xây dựng trong những năm qua.”

Thắng lợi của chuyến đi đầu tiên “khai sơn phá thạch” này đã làm nên một con đường hiện thực trên biển, nối liền hậu phương lớn Miền Bắc với tiền tuyến lớn Miền Nam; tạo tiền đề cho những chuyến đi tiếp sau đó thành công. Những mong đợi của đồng bào Miền Nam được Trung ương cung cấp vũ khí để đánh giặc trong bao ngày tháng đã trở thành hiện thực: “Các đồng chí không chỉ đư­a hàng vào cho chúng tôi, mà còn mang đến cho chúng tôi cả tình thư­ơng của Đảng, của Bác và đồng bào Miền Bắc”.

Hành trình trên biển…

Trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển, Tàu HQ671 đã thực hiện 15 chuyến, vận chuyển chi viện hơn 530 tấn vũ khí, hàng hóa vào các bến ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa, Bạc Liêu, Cà Mau… ; cùng với toàn đơn vị góp phần quan trọng vào những chiến thắng lớn của quân và dân ta trên các chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Có những chuyến đi của “Đoàn Tàu không số” gặp tàu địch tuần tiễu, cán bộ, chiến sĩ trên các con tàu hoạt động trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn bình tĩnh, mưu trí, tìm mọi cách ngụy trang, dũng cảm vượt qua sự phong tỏa của kẻ thù, đưa tàu cập bến giao hàng và trở về căn cứ an toàn; xứng đáng với lời tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND (Tháng 1/1973): “Chiến đấu trên vùng biển của Tổ quốc, luôn luôn đương đầu với địch và vật lộn với sóng to gió lớn; càng gặp khó khăn nguy hiểm cán bộ càng bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí; chiến sĩ càng ngoan cường, linh hoạt, trên dưới đoàn kết một lòng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống”.

Trong Chiến dịch vận tải VT5 (1968 – 1969) và mấy năm sau đó gián tiếp chi viện cho chiến trường Miền Nam, tàu HQ671 đã tham gia vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, hàng hóa từ cảng Hải Phòng vào cảng Sông Gianh, Quảng Bình, để từ đó hàng được vận chuyển theo đường Trường Sơn vào chiến trường Miền Nam.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tàu HQ671 thực hiện nhiệm vụ chở bộ đội, vũ khí, hàng hóa chi viện cho các lực lượng của ta tiến công giải phóng các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ. Đặc biệt, ngày 25/4/1975, tàu được giao nhiệm vụ chở lực lượng của Đoàn 126 Đặc công Hải quân đi giải phóng đảo Sơn Ca, lập nên chiến công có ý nghĩa chiến lược, giải phóng hoàn toàn các đảo trong Quần đảo Trường Sa do quân nguỵ Sài Gòn đóng giữ, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

Sau ngày Miền Nam được giải phóng, tàu HQ671 thực hiện nhiệm vụ vận tải chi viện cho Trường Sa. Tháng 10/1978, tàu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn các cán bộ, chiến sĩ ở đảo Phan Vinh bị sóng cuốn trôi trong khi làm nhiệm vụ. Đầu năm 1988, tàu làm nhiệm vụ trực bảo vệ đảo Đá Lớn. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã không quản ngại khó khăn gian khổ, sóng to, gió lớn, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, bình tĩnh, dũng cảm vững vàng trước sự bao vây, khiêu khích của kẻ thù đê bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc trên đảo Đá Lớn.

Ngày 14/3/1988, ngay sau khi xảy ra Sự kiện Gạc Ma, tàu HQ671 thực hiện mệnh lệnh đi tìm kiếm, cứu nạn những cán bộ, chiến sĩ ở các tàu của ta bị tàu địch bắn chìm ở vùng biển đảo Gạc Ma, Cô Lin. Vượt qua sự ngăn chặn, uy hiếp của đối phương, qua hai ngày đêm tìm kiếm, tàu HQ671 đã cứu được 41 đồng chí và đưa 3 liệt sĩ về đất liền.

Tàu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng cho Trường Sa và các đơn vị trong Quân chủng Hải quân; đến ngày 20/9/2011 tàu được đưa về Bảo tàng Hải quân, trở thành hiện vật có giá trị lịch sử đặc biệ để tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Hiện vật – Bảo vật quốc gia, “cuốn sử sống” của dân tộc…

Hành trình của tàu HQ671 đã trải qua những giai đoạn hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc và Hải quân nhân dân Việt Nam; trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng về ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do của dân tộc ta. Với chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc, Tàu HQ671 hai lần được Nhà nước  tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND. Đặc biệt, ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2089/QĐ-TTg công nhận Tàu HQ671 là Bảo vật quốc gia. Có thể nói đây là niềm vinh dự, tự hào to lớn không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ Hải quân mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc về tuyến đường huyền thoại trên Biển Đông. Tàu HQ671 là một “nhân chứng”, một “cuốn sử sống” với những trang vàng về chiến công, kỳ tích huyền thoại, có một không hai trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Việc gìn giữ, khai thác và phát huy những giá trị lịch sử của Bảo vật quốc gia đầu tiên của Quân chủng để xứng tầm Bảo vật của quốc gia trở thành vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm to lớn đối với mỗi cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hải quân. Có thể thấy, trong những năm qua, sức hấp dẫn của Bảo vật – Tàu “Không số” rất lớn. Trong thời gian qua, Bảo tàng Hải quân đã đón tiếp phục vụ hàng vạn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Các đoàn làm phim, các nhà báo, phóng viên tìm hiểu, lấy tư liệu để phục vụ công tác tuyên truyền… Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, khách quốc tế khi đến thăm quan đều rất tự hào, xúc động, cảm phục trước người lính Hải quân, đặc biệt là chiến công trong mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Có hàng vạn lượt người tham quan, tìm hiểu chiến công và chụp ảnh lưu niệm cùng với con tàu; là cảm hứng sáng tạo của những nghệ sĩ văn chương, nhiếp ảnh, hội họa… Xung quanh tàu, hàng năm có hàng chục cuộc giao lưu, gặp mặt truyền thống của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và các cựu chiến binh; các phóng viên báo, đài từ Trung ương đến địa phương, trong và ngoài quân đội đến quay phim, viết bài đưa tin, lấy cảm hứng sáng tác… Qua đó, phát huy hiệu quả giá trị tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho đông đảo các tầng lớp nhân dân. Giá trị lịch sử và sức lan tỏa của tàu HQ671 đã minh chứng cho sức sống trường tồn của Tàu “Không số” trong lịch sử phát triển của quốc gia, dân tộc./.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*