HỘI KHOA HỌC KỸ THUẬT VÀ KINH TẾ BIỂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN

                                                          Chuẩn đô đốc, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhiên,     

                                                           Chủ tịch Hội KHKT & KTB TPHCM

Cách đây hơn 10 năm, kế thừa cơ sở và kinh nghiệm hoạt động của Chi hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh (Hội KHKT & KTB TPHCM) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật Thành phố (KH-KT TPHCM) được thành lập (theo Quyết định số 1180/QĐ-UBND ngày 26/3/2009 của UBND TPHCM). Sau khi thành lập, cuối năm 2009 Hội đã được UBND TPHCM phê duyệt Điều lệ hoạt động và công nhận Ban chấp hành Hội. Là một thành viên của Liên hiệp các hội KH-KT TPHCM và thành viên của Hội KHKT & KTB Việt Nam, Hội KHKT & KTB TPHCM có điều kiện được giao lưu, học hỏi và hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường, kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển – đảo của Việt Nam.

Trải qua 3 kỳ đại hội kể từ sau khi thành lập đến nay, Hội đã vận động được đông đảo hội viên tham gia. Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2009-2014), có tới gần 300 hội viên cá nhân và 14 hội viên đơn vị đăng ký tham gia. Tuy nhiên, do công tác Hội còn mới mẻ và một số điều kiện khách quan, nên từ đầu nhiệm kỳ đại hội lần II (2014-2019) đến nay, còn một số hội viên tập thể và trên 100 hội viên cá nhân tham gia sinh hoạt Hội. Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2019-2024) của Hội KHKT & KTB TPHCM được tổ chức ngày 12/9/2019 tại TP. Hồ Chí Minh đã tổng kết hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2014 – 2019 và thông qua phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới. Đại hội vinh dự được đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, lãnh đạo Liên hiệp các hội KH-KT TPHCM đến dự cùng với sự có mặt của các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị có liên quan, các đơn vị thành viên (gồm Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; Câu lạc bộ Thuyền trưởng; Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Vận tải biển Việt Nam; Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM…) và hơn 100 hội viên cá nhân của Hội. Ông Nguyễn Viết Nhiên được Đại hội tín nhiệm bầu chức vụ Chủ tịch Hội, thay Ông Lê Kế Lâm (84 tuổi) xin thôi giữ vai trò chủ tịch Hội. Ngày 30/9/2019, Liên hiệp các hội KH-KT TPHCM đã ra Quyết định số 43/QĐ-LHH về công nhận Ban chấp hành KHKT & KTB TPHCM khóa III, nhiệm kỳ 2019-2024 gồm 23 ủy viên, trong đó có 9 ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành, gồm Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhiên là Chủ tịch Hội; 4 Phó chủ tịch Hội (TS Lưu Tuấn Sinh – kiêm Tổng Thư ký; PGS, TS Nguyễn Văn Thư, TS Lê Thị Kim Thoa, KS Đỗ Thành Hưng) và 4 ủy viên khác; Ban Kiểm tra gồm 3 ủy viên, do ông Nguyễn Văn Độ làm Trưởng ban.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần III của Hội, Thường vụ Ban Chấp hành Hội đã nhóm họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên; triển khai một số việc cần làm ngay, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch để tổ chức thực hiện thắng lợi phương hướng hoạt động từng năm và cả nhiệm kỳ III (2019-2024) mà Đại hội đã thông qua; đồng thời đã cử đại diện lãnh đạo Ban Chấp hành Hội dự Đại hội Liên hiệp các hội KH-KT TPHCM, Lễ Khai giảng tại Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM, Lễ đón chào tân sinh viên tại Viện Hàng Hải…; tổ chức thông báo kết quả Đại hội Liên hiệp các hội KH-KT TPHCM; thông báo kết quả làm việc với một số đơn vị thành viên, triển khai các chương trình hợp tác của Ban Chấp hành Hội; thành lập nhóm nghiên cứu khoa học và triển khai một số công việc cần thực hiện ngay đầu năm 2020, trong đó có việc triển khai nghiên cứu một số đề tài khoa học, xúc tiến các chương trình hợp tác, tổ chức gặp mặt hội viên đầu năm mới Canh Tý, xây dựng kế hoạch và biện pháp phát triển hội viên và một số công việc nội bộ của Hội.

Trong hơn 10 năm qua, Hội KHKT & KTB TPHCM đã thực hiện đúng Điều lệ, phát huy tốt vai trò của một hội xã hội – nghề nghiệp, luôn hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các nhiệm kỳ với những kết quả tích cực. Hình ảnh các hoạt động của Hội luôn được Hội KHKT & KTB Việt Nam, Liên hiệp các hội KH-KT TPHCM và giới nghề nghiệp đánh giá cao. Hội đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phản biện xã hội, tuyên truyền biển đảo; đồng thời, phối hợp hoạt động với các cơ quan, tổ chức và các hội xã hội – nghề nghiệp để hỗ trợ nhau nâng cao nghề nghiệp. Đó vừa là mục tiêu của Hội vừa là nhu cầu để hội viên có thể tự tồn tại và phát triển.

Trang website của Hội đã xây dựng và sẽ được nâng cấp tại địa chỉ: www.bientoancanh.org với nguồn thông tin phong phú, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ biển – hải đảo; tuyên truyền về vị trí vai trò của biển, hải đảo với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số hội viên của Hội tích cực tham gia nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cảng biển, điện hải lưu và được Hội thống nhất đề xuất như: Máy phát điện bằng dòng hải lưu với vị trí đầu tiên đặt tại bờ cực đông bán đảo Hòn Gốm” (năm 2015); góp ý phương hướng, biện pháp giải quyết ùn tắc giao thông tuyến Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống – nghiên cứu mở một con đường nối từ Trạm 2 cao tốc Long Thành – Dầu Dây vào cảng Cát Lái (2016); nghiên cứu thực địa và đề xuất dự án sơ bộ xây dựng Cảng gạo Bình Khánh để tạo điều kiện xuất nhập khẩu lương thực cho vùng Nam Bộ (2016); đề xuất xây dựng và nêu các giải pháp xây dựng khu du lịch sinh thái Cần Giờ (2019). Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Hội rất được chú trọng và đạt kết quả tốt. Hội đã đóng góp ý kiến vào sửa đổi Hiến pháp nước CHXHCNVN; góp ý kiến sửa đổi Bộ luật Hàng hải Việt Nam; góp ý cho dự thảo Luật đặc khu, viết thư kiến nghị Quốc hội tạm đình hoãn chính sách mở các đặc khu kinh tế trong năm 2018; kiến nghị về việc sau khi phá bỏ nhà máy tàu Bason… Hội đã tuyên dương và đề nghị cấp trên khen thưởng cho Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM và 3 cá nhân là Ông Doãn Mạnh Dũng, Ông Phan Bội Trân và Ông Nguyễn Văn Công vì đã có những đóng góp trong nghiên cứu khoa học biển đảo và hoạt động Hội. Tuy vậy, hoạt động của Hội vẫn còn còn một số mặt còn hạn chế như: Các phong trào, các cuộc vận động chưa mang tính bao quát, chưa hấp dẫn vì vậy chưa thu hút được nhiều nhân tố trẻ; chưa huy động được nguồn lực hội viên, nhất là hội viên trẻ.

Bài học lớn được Hội rút ra là: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội luôn tự giác, nhiệt tình, năng động, đề ra và tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình hoạt động của Hội. Hội viên cần đoàn kết, gắn bó vì sự tồn tại và phát triển của Hội, vì lợi ích chung của xã hội. Hoạt động của Hội phải gắn kết với các cơ quan, đoàn thể, công ty, trường học, doanh nghiệp ở địa phương và các hội nghề nghiệp bạn trong Liên hiệp các hội KH-KT TPHCM để tranh thủ được sự giúp đỡ và phối hợp hành động trong các hoạt động chuyên môn.

Trong thời gian tới, Hội chủ trương đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức, đẩy mạnh công tác Hội; phát huy cao độ nhiệt tình, năng lực nghề nghiệp và trách nhiệm công dân; tích cực đóng góp trí tuệ và công sức của mình vào sự đoàn kết, lớn mạnh của Hội với mục tiêu: Tập hợp, đoàn kết các lực lượng làm khoa học công nghệ, môi trường, kinh tế và quốc phòng an ninh hướng biển; điều hoà phối hợp hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho những người hoạt động trong các lĩnh vực trên có hiệu quả; thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện, giám sát xã hội, nghiên cứu khoa học và phổ biến những vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế và bảo vệ môi trường biển theo đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách, pháp luật và kế hoạch, dự án phát triển khoa học – công nghệ và kinh tế xã hội, tăng cường củng cố an ninh – quốc phòng trên hướng biển thuộc vùng biển cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng./.

   Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhiên,                                                                                 

  Chủ tịch Hội KHKT & KTB TPHCM

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*