Mạnh Thường Quân là ai?

Biển Việt

Vào khoảng năm 475 Trước công nguyên, đất nước Trung quốc là thời chiến quốc gồm 7 nước: Tần, Tề, Sở, Yên, Hàn, Ngụy, Triệu, mỗi nước cất cứ 1 vùng của đất Trung nguyên (Trung quốc) và đánh nhau liên miên để thôn tính nhau với mưu đồ lập thành nước lớn. Trong 7 nước trên, thế lực của Tần mạnh hơn. Tần dùng kế: Cứng với Sở, mềm với Tề, Tần biết Tề có đại thần Mạnh Thường Quân là người có thế lực, muốn mua chuộc bèn mời sang Hàm dương (Thủ phủ của Tần) và ngỏ ý cử ông làm thừa tướng.

Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn đã được Vương chủ nước Tề cấp cho vùng đất Tiết. Khi Mạnh Thường Quân (MTQ) sang Tần liền cho nông dân đất Tiết canh tác và thu tô. Để xây dựng vây cánh MTQ mời rất nhiều thực khách. Ông chia thực khách làm 3 hạng: loại 1 đi đâu cũng có xe ngựa, loại 2 ăn cơm có cá thịt, loại 3 ăn cơm chỉ có rau dưa.

Khi Tần Chiêu vương có ý định cử MTQ làm thừa tướng, một đại thần Tần vương tâu: MTQ (Điền Văn) có rất nhiều tay chân ở nước Tề (khoảng 3000 người). Nếu ông ta làm thừa tướng sẽ là mối nguy cho nước Tần ta. Tần vương bảo: vậy thì cho ông ta về thôi. Việc trở lại nước Tề của MTQ có nhiều tình tiết ly kỳ, nhưng MTQ có nhiều âm mưu và được một vài môn khách (là thực khách của MTQ) bày mưu và giúp đỡ nên MTQ về được nước Tề. Khi về đến Tề, Tề vương cho MTQ làm tướng quốc, uy tín của MTQ ở Tề ngày một lớn. Tần vương sợ MTQ trả thù nên tìm kế ly gián giữa vua Tề với MTQ. Vua Tề lúc đó là Tề Dẫn vương bị mắc mưu Tần vương, liền hạ lệnh thu hồi tướng ấn của MTQ và đuổi ông ta về quê. Các thực khách cũng lũ lượt bỏ đi gần hết. MTQ trở về đất Tiết cũ của mình.

Lời bàn: Điền Văn – MTQ là một quan lớn của nước Tề thời chiến quốc ở Trung nguyên (Trung quốc). MTQ có thế lực và có nhiều của cải nên bỏ ra nuôi nhiều người (gọi là thực khách) với ý đồ sẽ chiếm địa vị tranh hùng trong thời Chiến quốc. Nhưng bị thất bại và trở thành thường dân. Có thể suy ra: MTQ bỏ của để cầu danh lợi chứ không thật là kẻ trượng phu, người hảo tâm. Ngày nay ở nước ta có một số ít vị và một vài người trong giới truyền thông khi ca ngợi những người tốt bụng (hảo tâm) và tử tế thường ví họ, hoặc gán cho họ là Mạnh Thường Quân. Thiết nghĩ: các vị hảo tâm và tử tế của Việt nam ta thực chất tốt hơn nhiều và vô tư hơn nhiều so với ngài Mạnh Thường Quân ở Trung quốc thời xưa.

Theo: Lịch sử Trung quốc 5000 năm của Lâm Hán Đạt và Tào Dư Chương. Tập 1, trang 158 – 163. Người dịch: Trần Ngọc Thuận. NXB Văn hóa – Thông tin Hà Nội 5 – 1997

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*