QUYẾT TÂM CÙNG CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ XÂY DỰNG MỘT TRẬT TỰ PHÁP LÝ CÔNG BẰNG, KHUYẾN KHÍCH SỰ PHÁT TRIỂN VÀ HỢP TÁC TRÊN BIỂN

Nguyễn Văn Đấu

1-Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là căn cứ pháp lý vững chắc để xác định quyền, nghĩa vụ của các quốc gia và xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương

1.1-Trước tình trạng dân số tăng nhanh, sự ô nhiễm môi trường ngày càng tăng và nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền, thì biển và đại dương được coi là không gian sáng sủa và có triển vọng sống cuối cùng của loài người về các nguồn lương thực, thực phẩm, tài nguyên thiên nhiên. Vì thế mà các quốc gia có biển và không có biển đều tìm cách vươn ra biển và đại dương để khai thác, giành giật những lợi ích cho nước mình. Điều này dẫn tới việc vi phạm chủ quyền, tranh chấp biển đảo giữa các quốc gia xảy ra ngày càng gia tăng vế số lượng và tính và phức tạp của vụ việc. Để điều chỉnh các mối quan hệ và những vấn đề liên quan đến biển và đại dương, Liên Hợp Quốc đã ra nhiều văn bản pháp lý, mà đỉnh cao là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). UNCLOS 1982 được thông qua ngày 30/4/1982, được 107 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam ký kết tại Montego Bay (Jamaica) ngày 10/12/1982. Sự kiện pháp lý quan trọng này đánh dấu sự phát triển tiến bộ vượt bậc của luật pháp quốc tế, đặt nền móng thiết lập một trật tự quốc tế mới trên biển. Từ đó, ngày 10/12/1982 là ngày kỷ niệm sự ra đời của UNCLOS1982.

1.2-UNCLOS 1982 bao gồm 17 phần, 320 điều khoản, 9 phụ lục và 4 nghị quyết, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Đó là một thành quả hết sức quan trọng của Hội nghị lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Sự ra đời của UNCLOS 1982 đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một chuẩn mực pháp lý quốc tế công bằng mang tính toàn cầu đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Quá trình xây dựng UNCLOS 1982 đã diễn ra nhiều năm (1973-1982) với sự nỗ lực của hơn 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Văn kiện này không chỉ kế thừa các điều ước quốc tế về biển trước đó mà còn pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế cũng như những xu hướng phát triển mới của việc sử dụng và khai thác biển và đại dương. UNCLOS 1982 không chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ của quốc gia ven biển mà còn đề cập đến quyền được tiếp cận với biển của các quốc gia không có biển, do vậy UNCLOS 1982 được nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia không có biển cùng chấp nhận.

1.3-Có thể nói, sau Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS 1982 là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới II đến nay, một trong những thành tựu có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực luật pháp quốc tế của thế kỷ XX và đã tạo ra một trật tự pháp lý mới trên biển, tương đối công bằng và được thừa nhận rộng rãi. UNCLOS 1982 được coi là Hiến pháp về đại dương (2)– một văn kiện quốc tế có nhiều điều khoản bao quát toàn diện tất cả tất cả các lĩnh vực của Luật biển quốc tế, hay nói cách khác, bao quát toàn bộ những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương thế giới, xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi quốc gia, không phân biệt quốc gia có biển hay không có biển, lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển về nhiều mặt như: giao thông vận tải, thông tin liên lạc, an ninh – quốc phòng, bảo vệ môi trường, nuôi trồng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, công nghệ,… đối với các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia cũng như đối với các vùng biển nằm ngoài phạm vi thuộc quyền tài phán quốc gia. Đó còn là một văn kiện pháp lý quốc tế tiến bộ thể hiện sự thoả hiệp mang tính toàn cầu có tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới; không chấp nhận bảo lưu mà đòi hỏi phải tham gia “cả gói” theo nguyên tắc “đồng thuận”. Các quốc gia tham gia UNCLOS 1982 bị ràng buộc trách nhiệm và phải thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước. UNCLOS 1982 còn tạo cơ sở cho việc thành lập ra tất cả những tổ chức quốc tế lớn về biển như Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa – cơ quan quyền lực về đáy đại dương. Đặc biệt, Công ước cũng đề ra cơ chế để giải quyết những tranh chấp về biển… Nhờ đó đã làm giảm đáng kể tình trạng tranh chấp trên biển và mở ra một hành lang pháp lý mới dựa trên luật lệ để các quốc gia có thể dựa vào đấy để bảo vệ, quản lý các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển và đại dương.

1.4-Sau 40 năm ra đời, đến nay UNCLOS 1982 vẫn còn nguyên giá trị pháp lý, đóng vai trò quan trọng trong đời sống luật pháp quốc tế. UNCLOS 1982 có vai trò ngày càng quan trọng đối với việc giúp khẳng định trật tự pháp lý và chủ quyền trên biển của các quốc gia được thiết lập, góp phần rất quan trọng trong giải quyết các tranh chấp, duy trì hòa bình, an ninh và bảo vệ môi trường biển cúng như sự hợp tác giữa các quốc gia, vì sự phát triển bền vững của biển và đại dương. Công ước còn đưa ra những quy định chung về bảo tồn và phát triển tài nguyên, phát triển kinh tế biển một cách bền vững và điều chỉnh tất cả những hoạt động trên biển, bao gồm nghiên cứu khoa học biển, đặt cáp ngầm dưới đáy biển… Hiện nay đã có có 167 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước, trong đó có 164 quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhiều lần kêu gọi các quốc gia thực hiện đầy đủ, hiệu quả UNCLOS 1982 và các văn kiện liên quan, nhấn mạnh toàn thể cộng đồng quốc tế cần chung tay có hành động cụ thể để cải thiện chất lượng của biển và đại dương thông qua việc tiếp tục tăng cường thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

2-Việt Nam sớm phê chuẩn và là một thành viên có trách nhiệm trong xây dựng, thực hiện và vận dụng UNCLOS 1982 để xây dựng và thực hiện tốt luật pháp trên biển

2.1-Việt Nam là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài hơn 3.260 km, với trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời có 28 tỉnh, thành phố/63 tỉnh, thành phố giáp biển, có nhiều lợi ích gắn liền với biển. Tham gia UNCLOS 1982, nước ta được thừa nhận có 5 vùng biển, trong đó có vùng nội thủy (nằm phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải); có lãnh hải rộng 12 hải lý; vùng tiếp giáp lãnh hải rộng 12 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý; vùng thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà Việt Nam được hưởng theo quy định của Công ước rộng gấp hơn 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, tức trên một triệu kilômet vuông.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển đảo, Việt Nam luôn tích cực thực hiện và tham gia quá trình đàm phán xây dựng UNCLOS 1982. Ngay sau khi thống nhất đất nước năm 1975, thì năm 1977 – trước khi UNCLOS 1982 ra đời, Việt Nam đã cử đoàn cán bộ tham dự các hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển, vận dụng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế và căn cứ vào xu thế phát triển tiến bộ của luật biển quốc tế, tiếp thu những tinh thần của dự thảo văn kiện của UNCLOS 1982 để xây dựng văn bản pháp luật về biển. Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, ngày 12/5/1977, trong đó xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, cho phép mở rộng quyền của Việt Nam ra biển, không chỉ giới hạn trong quyền đánh cá mà còn có các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác. Tiếp sau đó, sau khi UNCLOS 1982 được thông qua (ngày 30/4/1982), ngày 12/11/1982, Chính phủ nước ta lại ra Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam và ngày 10/12/1982 Việt Nam năm trong số 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tiên ký kết UNCLOS 1982 tại Montego Bay (Jamaica).

Việc phê chuẩn UNCLOS 1982 là hết sức cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho việc khai thác biển và phòng thủ, bảo vệ đất nước từ phía biển. Trước khi Công ước có hiệu lực (từ ngày 16/11/1994), thì ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Điểm 1 của Nghị quyết nêu rõ:“Bằng việc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”…

2.2-Căn cứ vào UNCLOS 1982, nước ta chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng Luật Biển Việt Nam. Đến 21/6/2012, Luật Biển Việt Nam 2012 ra đời. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị khá lâu dài, trên tinh thần chúng ta tuân thủ và vận dụng một cách tốt nhất UNCLOS 1982, có tham khảo các thông lệ quốc tế và thực tiễn của các quốc gia khác, kết hợp lợi ích quốc gia và nhiệm vụ quốc tế đối với những quy định của UNCLOS 1982 vào thực tế Việt Nam. Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương với 55 điều, đề cập đến các nguyên tắc quản lý và sử dụng biển; phạm vi và quy chế các vùng biển; quy chế các đảo, quần đảo; các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam…Với việc ra đời của Luật Biển, Việt Nam đã làm cho các quy định của luật pháp về biển của mình hài hòa với các quy định của UNCLOS 1982; chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở UNCLOS 1982. Điều này càng khẳng định rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thể hiện quyết tâm của Việt Nam phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Cùng với việc thông qua và ban hành Luật Biển Việt Nam (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013), chúng ta đã có tới có hơn 500 văn bản pháp quy ở Trung ương và địa phương liên quan đến quản lý Nhà nước về biển đảo…Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng, phù hợp với UNCLOS 1982, một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung cũng như trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến biển đảo nói riêng.

Cùng với đó, Nhà nước Việt Nam sớm có một số bộ luật khác liên quan đến quản lý và sử dụng biển như Luật Dầu khí (1993); Luật Bảo vệ môi trường (1993); Luật Tài nguyên nước (1998); Luật Biên giới quốc gia (2003); Luật Thủy sản (2004); Bộ luật Hàng hải Việt Nam sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2006), điều chỉnh các hoạt động giao thông hàng hải trên biển, chế độ ra vào các cảng biển Việt Nam; và nhiều pháp lệnh, nghị định khác.

2.3-Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, như đã ký với Thái Lan Hiệp định về Phân định biển (năm 1997); ký với Trung Quốc Hiệp định về Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác Nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ (2000); ký với Inđônêsia Hiệp định về Phân định Thềm lục địa (2003; bên canh đó, ký kết Hiệp định về “Vùng nước lịch sử của Việt Nam và Campuchia”, nhằm thỏa thuận, thống nhất chủ quyền pháp lý các đảo, phạm vi, quyền hạn quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lợi trong Vùng nước lịch sử (1982). Tháng 5-1992, Việt Nam và Malaysia đã ký thỏa thuận hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn. Việc hợp tác giữa hai ngành dầu khí của hai nước đang tiến triển bình thường. Hiện nay, Việt Nam đang cùng Thái Lan, Malaysia đàm phán về hợp tác tại khu vực biển chồng lấn 3 bên Việt Nam – Thái Lan – Malaysia.

2.4-Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Trên thực tế, nước ta thực hiện đầy đủ các điều luật, quy định của UNCLOS 1982, tiến hành quản lý có hiệu quả và triển khai các hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình phục vụ phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Từ năm 2007 đến năm 2009, Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo trình lên Liên Hợp Quốc “Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa” (cùng với Malaysia) bảo đảm chất lượng, xác định một cách có cơ sở khoa học và pháp lý phạm vi thềm lục địa mở rộng của Việt Nam ở Biển Đông theo đúng tiêu chuẩn, quy định của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc.

Đồng thời, Việt Nạm kiên trì giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình; nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông và Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ký ngày 11/10/2011.

Gần đây, Việt Nam đã không ngừng đấu tranh với các hành vi vi phạm UNCLOS của nước ngoài ở Biển Đông, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, từng bước giải quyết các tranh chấp trên biển và tạo dựng môi trường biển hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể là chúng ta đã vận dụng quy định của UNCLOS 1982 thực hiện quyền tài phán đối với việc xây dựng, lắp đặt các công trình thiết bị và đảo nhân tạo trên thềm lục địa của mình; tổ chức di dân ra Trường Sa; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo…, nhất là bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo, Cụm dịch vụ Kinh tế, Khoa học – kỹ thuật (DK1); phản đối quyết liệt các âm mưu và hành động của nước ngoài lấn chiếm biển đảo, ký kết bất hợp pháp với đối tác nước ngoài khác tại một khu vực khai thác dầu khí chồng lên phần lớn khu vực bãi ngầm trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam; đấu tranh với hành sai trái vi phạm thô bạo của nước ngoài khi cho lực lượng tàu thuyền tấn công ngư dân của ta, đặt cáp ngầm trái phép hoặc cắt cáp ngầm của ta trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam…

Nhà nước Việt Nam luôn bảo vệ những lợi ích hợp pháp của các đối tác nước ngoài trong hợp tác kinh tế, quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên biển phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982.

2.5-Việt Nam tham gia và có những đóng góp tích cực vào các hội nghị của Cơ quan quyền lực đáy đại dương, trong đó đề cao vai trò của UNCLOS 1982; là thành viên của Hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương (và đã từng được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương); tham gia đầy đủ các Hội nghị của các quốc gia thành viên UNCLOS 1982 được tổ chức hàng năm tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và luôn có những đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thực thi hiệu quả Công ước; tích cực tham gia thảo luận và ủng hộ thông qua hai Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về đại dương và về đánh cá trên biển phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững; tham gia tiến trình tham vấn không chính thức về các vấn đề đại dương và luật biển hàng năm. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã tham gia xây dựng nhiều văn kiện pháp lý quốc tế và khu vực liên quan đến biển như: Công ước quốc tế (CƯQT) về Tổ chức Vệ tinh Hàng hải (INMARSAT), Hệ thống An toàn và Cứu nạn Hàng hải Toàn cầu (GMDSS)…, đồng thời đã lập hệ thống đài thông tin duyên hải đáp ứng thông tin liên lạc giữa các tàu và giữa các tàu với bờ; tham gia Công ước Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) và các công ước khác của IMO (3) và một số văn kiện pháp lý trong khuôn khổ Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) như Hiệp định về biện pháp của quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và chống khai thác IUU. Theo đó, Việt Nam đã ký kết 4 điều ước quốc tế và 17 thỏa thuận quốc tế về các lĩnh vực liên quan đến nghề cá và hợp tác trên biển với các nước trong và ngoài khu vực như Malaysia, Myanmar, Indonesia, Ai Cập, Liên bang Nga…

Việt Nam luôn tích cực phát triển quan hệ với các quốc gia trên thế giới không ngừng mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về biển (4). Đáng chú ý là quan hệ đối tác với nhiều nước bao gồm các lĩnh vực khác nhau liên quan đến biển, tạo cơ sở tốt cho việc hợp tác cũng như tận dụng sự hỗ trợ để phát triển kinh tế, khoa học – công nghệ và bảo vệ môi trường biển – thông qua việc tham gia các điều ước quốc tế về biển. Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các quốc gia có tiềm lực mạnh về biển nhằm tranh thủ kinh nghiệm, khoa học – công nghệ và nguồn viện trợ của các nước để xây dựng các dự án hợp tác trong lĩnh vực quản lý tổng hợp biển và hải đảo như trắc địa và bản đồ biển, nghiên cứu địa chất, khoáng sản biển, quản lý bền vững vùng biển và đới bờ tại Việt Nam…; đồng thời cũng tích cực tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, các diễn đàn liên quan đến biển và đại dương như bảo vệ môi trường biển, hợp tác khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, xây dựng năng lực… Nổi bật nhất, tại Liên hợp quốc gần đây, Việt Nam tham gia đàm phán BBNJ (5), đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG 14) về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững. Việt Nam cũng đã đưa ra sáng kiến về thành lập Diễn đàn hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đối khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển (6). Năm 2021, Việt Nam vinh dự là một trong 12 nước sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS1982 tại Liên Hợp Quốc, cam kết tuân thủ và thúc đẩy Công ước Luật Biển, Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Tháng 8/2022, Việt Nam đóng góp tích cực vào đàm phán về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia…

Đối với khu vực, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định chung trong khuôn khổ hợp tác ASEAN liên quan đến vận tải biển và dịch vụ vận tải như: Hiệp định về tạo thuận lợi cho tàu biển bị nạn và cứu người trên tàu bị nạn (1975); Hiệp định khung ASEAN về Tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa quá cảnh (1998); Hiệp định khung về thương mại dịch vụ (GATS) (1995); Hiệp định khung ASEAN về Tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải liên quốc gia (2012); đồng thời chủ động và hợp tác cùng các bên liên quan trong việc bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai…; đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực áp dụng các giá trị của UNCLOS1982 để thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các quốc gia ven biển, cũng như các quốc gia không có biển, giữa các quốc gia là thành viên cũng như chưa phải là thành viên của Công ước nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, thúc đẩy quản lý bền vững Biển Đông. Hải quân Việt Nam và hải quân một số nước trong khu vực ký kết và tổ chức nhiều chuyến tuần tra chung nhằm xây dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình và trật tự an ninh; trao đổi, xử lý những tình huống phát sinh giữa các bên.

3-Một số vấn đề rút ra và đề xuất giải pháp xây dựng UNCLOS 1982 trong thời gian tới, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển                   

3.1- Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức sâu sắc và thể hiện rõ quan điểm vận dụng đúng đắn và nghiêm túc thực hiện UNCLOS 1982 (7) gắn với phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng có nhiều nghị quyết, luật, văn bản quy định pháp luật, đặc biệt là Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 (Hội nghị lần thứ 8) Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay, xin đề xuất với Đảng và Nhà nước tiếp tục định hướng đề cao mục tiêu, tôn chỉ và các quy định của UNCLOS 1982, nỗ lực triển khai các biện pháp để thực thi UNCLOS và văn bản quy định pháp luật về biển của nước ta; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để thực thi UNCLOS 1982.

3.2- Trước và ngay sau khi UNCLOS 1982 ra đời (năm 1982), nhiều cơ quan báo chí của Đảng, Nhà nước đã “đón đầu”, tuyên truyền, giải thích về UNCLOS 1982, về Tuyên bố của Chính phủ ta về các vùng biển Việt Nam (1977). Từ năm 1982 về sau, Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản… và đặc biệt là các báo chí chuyên ngành liên quan đến biển như Tạp chí Hải quân, Tạp chí Hàng hải…liên tục, thường xuyên đăng các bài giới thiệu, phân tích, giải thích nhiều lĩnh vực liên quan đến UNCLOS 1982 và Tuyên bố của Chính phủ ta về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, Luật Biển Việt Nam,… Nhiều cán bộ lãnh đạo và chuyên gia thuộc Bộ Ngoại Giao, Ban Biên giới Chính phủ, các cơ quan chức năng như Tổng cục Thủy Sản, Cục Hàng hải, Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu biển (Viện Tài nguyên và môi trường biển) (8) … liên tục có bài đăng trên báo, tạp chí và tham luận ở hội nghị các cấp trong và ngoài nước về các nội dung liên quan nói trên. Thiết nghĩ, hiện nay chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, nhất là trên hướng biển về ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của UNCLOS 1982, và các văn bản luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà nước ta tham gia liên quan tới biển, đảo; đồng thời quán triệt, thực hiện nghiêm chỉnh và tuyên truyền cho nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của cấp các ngành từ Trung ương đến cơ sở về các vấn đề có liên quan tới biển, đảo Việt Nam, trong đó có Nghị quyết 36-NQ/TW; vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những cơ sở, chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… Qua đó góp phần nâng cao tình yêu biển, đảo, ý thức, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với chủ quyền vùng biển Tổ quốc; tạo đồng thuận trong toàn xã hội và ý thức tự giác chấp hành UNCLOS 1982, Luật biển Việt Nam, Pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo … cho cộng đồng; tạo điều kiện và quyền hợp pháp cho mọi người dân tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm và đóng góp chung vào những nỗ lực quốc gia về bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

3.3- Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trên tinh thần thượng tôn pháp luật, khẳng định mọi hoạt động trên biển của Việt Nam đều dựa trên cơ sở UNCLOS 1982 và quy tắc, tập quán quốc tế, pháp luật Việt Nam, kiên trì giải quyết các tranh chấp biển bằng thương lượng hòa bình nhằm tạo dựng cơ sở pháp lý quốc tế rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, thực thi pháp luật và triển khai các hoạt động trên biển, ngăn chặn và hạn chế các hoạt động xâm phạm vùng biển, vi phạm pháp luật trên biển. Đẩy mạnh hợp tác và đấu tranh. Kiên quyết và kiên trì đấu tranh chống lại âm mưu độc chiếm Biển Đông, thôn tính Trường Sa của bất cứ thế lực nào. Chống các âm mưu, hành động lấn chiếm biển đảo bằng vũ lực và các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử nhằm thực hiện mưu đồ xâm lấn biển đảo. Tùy theo phạm vi và nhiệm vụ đ­ược phân công, cấp các ngành, các địa phư­ơng có liên quan cần nêu cao trách nhiệm, tr­ước hết là luôn chủ động nắm chắc đư­ờng lối, chủ tr­ương của Đảng và Nhà n­ước ta; nắm chắc tình hình, đối tư­ợng, đối tác; tham mưu đề xuất với Đảng và Nhà nước, đồng thời có kế hoạch, triển khai lực lượng để khẳng định chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển và giám sát hòa bình; tiếp cận qua đường ngoại giao và các cách thức có thể bày tỏ sự phản đối, yêu cầu đối tượng chấm dứt các hoạt động phi pháp; tuân thủ triệt để luật pháp và trật tự quốc tế; kiên trì đoàn kết, hợp tác với các nước trong khu vực Biển Đông, các nước ASEAN và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền hợp pháp của quốc gia theo UNCLOS 1982, sẵn sàng giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng và bằng biện pháp hòa bình.

3.4- Hiện nay, Biển Đông nói chung và biển Việt Nam nói riêng là khu vực nhạy cảm; bên cạnh yếu tố ổn định hoà bình, còn có yếu tố bất ổn định khó lường, trong đó có nhiều vấn đề tranh chấp biển giữa ta với các nư­ớc và vùng lãnh thổ có vùng biển liên quan ch­ưa đ­ược giải quyết; có những nơi, những lúc tranh chấp này trở nên quyết liệt. Hàng ngày hàng giờ chúng ta phải đối mặt với các hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển và vi phạm pháp luật trên biển. Những hoạt động khủng bố, tội phạm có tổ chức đang ngày càng mở rộng và tinh vi, phức tạp. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là nước biển dâng, ô nhiễm chất thải nhựa và suy thoái hệ sinh thái biển đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài. Con nhiều những hành vi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế trên biển, thậm chí đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, làm ảnh hưởng đến hòa bình, hữu nghị, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, giao thương cũng như những nỗ lực chung xử lý các thách thức an ninh biển… Do vậy các cơ quan chức năng, các lực lượng chuyên môn liên quan đến biển cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, luôn nêu cao cảnh giác, tránh mắc mưu khiêu khích của đối phương và có phư­ơng án, xử lý các tình huống đúng đối sách; kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao và pháp lý; không ngừng nâng cao năng lực quản lý, cạnh tranh; đồng thời các cấp các ngành vừa làm công tác tham mưu vừa chủ động cử cán bộ đi đào tạo và tham gia các hội nghị, diễn đàn về biển trong và ngoài nước; chủ động về nguồn nhân lực có đức, tài và có tầm, luôn học hỏi kinh nghiệm, luật pháp quốc tế để phát huy lợi thế, nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ thách thức, hướng tới tương lai tươi sáng hơn. Chủ động tham mưu và tổ chức khai thác tiềm năng, nguồn lực của đất nước cho phát triển bền vững biển, tạo nền tảng cho Việt Nam dần trở thành quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”; coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nên sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu chiến lược biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là:“Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng”…

3.5- Tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng hợp tác song phương và đa phương trong bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống tội phạm trên biển nhằm góp phần xây dựng lòng tin, đấu tranh vì hòa bình phát triển chung của khu vực và thế giới; cùng các bên liên quan kiến tạo, giữ vững môi trường an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời đàm phán xây dựng tiến tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 để hỗ trợ hiệu quả cho việc thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta./.

_____________________________________________________________

(1). Trích Điểm 1, Nghị quyết Quốc hội Việt Nam ngày 23/6/1994 về việc phê chuẩn UNCLOS 1982.

(2).Nhận xét của ông Tommy T.B. Koh – Chủ tịch Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 3 về Luật Biển.

(3) Bao gồm: CƯQT về tấn trọng tải (Tonnage 69); CƯQT về Quy tắc phòng ngừa va chạm trên biển (COLREGs 72); CƯQT về phòng ngừa ô nhiễm biển từ tàu, 1973 và Nghị định thư bổ sung 1978 (MARPOL 73/78); CƯQT về an toàn sinh mạng người trên biển (SOLAS 74); CƯQT về Mạn khô (Load Line 66), về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ chuyên môn và trực ca cho thuyền viên (STCW 78/95), về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải (SUA 88) và Nghị định thư về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải đối với các giàn khoan cố định ở thềm lục địa; CƯQT về giới hạn trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với thiệt hại do ô nhiễm dầu (CLC 1992-Việt Nam tham gia ngày 1-7-2003 và Công ước có hiệu lực với Việt Nam từ 1-7-2004); CƯQT về Tạo thuận lợi trong giao thông đường biển (FAL); CƯQT về Tìm kiếm, cứu nạn (SAR 79).

(4) Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, trong đó đã thiết lập 3 quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, 13 quan hệ đối tác chiến lược và 12 quan hệ đối tác toàn diện.

(5) Một trong những tiến trình đàm phán quan trọng nhất hiện nay trong lĩnh vực biển và đại dương, chính thức bắt đầu từ tháng 4-2018, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự của LHQ đến năm 2030 về phát triển bền vững.

(6) VOV5, ngày12/12/2019  – với bài “ Tích cực hợp tác quốc tế về biển để thực thi UNCLOS”.

(7) Như đã nêu ở mục 2 ở trên.

(8) Như các ông Lưu Văn Lợi, Lê Minh Nghĩa, Vũ Phi Hoàng, Trần Công Trục, Huỳnh Minh Chính, Hoàng Công Lập, Nguyễn Hoàng Thao, Cao Viết Thự, Lê Quý Quỳnh, Nguyễn Chu Hồi, Nguyễn Văn Tiến, Trần Đức Thạnh…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*