Xin trích đăng chuỗi bài tại Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam dựa trên lợi thế so sánh”

Bài 3: PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM: CHỦ TRƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP

 

Tác giả: TS, Nguyễn Quang Nam – Trường Đại học Trần Đại Nghĩa

Biển, đảo nước ta là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh sống và phát triển bền vững của cả dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo đối với đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế biển ở nước ta vẫn còn nhiều yếu kém, thách thức. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ để phát triển bền vững kinh tế biển, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

 

  1. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về phát triển kinh tế biển

Việt Nam là quốc gia ven biển, có vị trí địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng. Với bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển, Việt Nam đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Vùng biển và ven biển của nước ta nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực.

Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ khí đốt với trữ lượng dự báo khoảng 10 tỷ tấn dầu và 1.000 tỷ m3. Cùng với tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực với khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có 6.000 loài động vật đáy, 2.400 loài, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù sa, 537 loài thực vật phù du, 225 loài tôm biển… Trữ lượng cá biển ước tính trong khoảng từ 3,1 đến 4,1 triệu tấn, khả năng khai thác từ 1,4 đến 1,6 triệu tấn. Nguồn lợi hải sản phong phú đã góp phần đưa ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị xuất khẩu đứng thứ ba trong các ngành kinh tế của đất nước.

Đặc điểm kiến tạo tự nhiên với các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển đã tạo thành nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng, nhiều vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và các đảo lớn nhỏ liên kết với nhau thành một quần thể du lịch hiếm có trên thế giới như di sản thiên nhiên Hạ Long được UNESCO xếp hạng. Các thắng cảnh trên đất liền nổi tiếng như Phong Nha, Bích Động, Non nước…, các di tích lịch sử và văn hóa như: Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Tháp Chàm, Nhà thờ đá Phát Diệm… phân bố tại vùng ven biển. Tiềm năng du lịch kể trên rất phù hợp để Việt Nam phát triển và đa dạng các loại hình du lịch hiện đại như nghỉ ngơi; dưỡng bệnh; tắm biển; du lịch sinh thái nghiên cứu khoa học vùng ven bờ, hải đảo, ngầm dưới nước; du lịch thể thao: bơi, lặn sâu, lướt ván, nhảy sóng, đua thuyền… Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có trên 4.000 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các đảo và quần đảo có ý nghĩa rất to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đất nước và đảm bảo đảm bảo an ninh – quốc phòng của đất nước.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định biển, đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc và đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Ngày 06/05/1993, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 03–NQ/TW về Một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt. Nghị quyết nhận định, tiến ra biển là một hướng phát triển của loài người và “trở thành một nước mạnh về biển” là mục tiêu chiến lược xuất phát từ yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Để tăng cường công tác lãnh đạo phát triển kinh tế biển, ngày 22/9/1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20 CT/TW về Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó xác định mục tiêu tổng quát là: Phát huy mọi tiềm lực và lợi thế của vùng biển, hải đảo và ven biển cùng với sức mạnh cả nước xây dựng Việt Nam trở thành nước mạnh về kinh tế biển.

Bước vào đầu thế kỷ XXI – thế kỷ của đại dương, Đảng ta chủ trương xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo với phương châm: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế….”. Ngày 9-2-2007, Hội nghị Trung ương 4, khóa X, ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh… Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53% – 55% tổng GDP của cả nước”.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, bên cạnh những thành tựu nổi bật, phát triển kinh tế biển vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là ô nhiễm môi trường biển. Vì vậy, để đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế biển, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định mục tiêu đến  năm 2030 đưa Việt Nam không chỉ trở thành quốc gia biển mạnh mà còn phải đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Quán triệt chủ trương của Đảng, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông và Hải đảo, nay nâng cấp thành Ủy ban Chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông và Hải đảo; triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 7 luật, 6 pháp lệnh, 2 bản tuyên bố, 19 nghị định và 6 quyết định liên quan đến quản lý và bảo vệ vùng biển, đảo Việt Nam; thông qua nhiều biện pháp tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho toàn dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định phải phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững về kinh tế của hệ thống các đảo, để có bước đột phá về phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển nước ta; đồng thời xây dựng hệ thống các đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Nhà nước đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển nghề đánh cá xa bờ, xây dựng hàng chục công trình cảng và khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên các đảo và một số điểm ven bờ, đóng mới nhiều tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động tuyên truyền về chủ quyền quốc gia, lợi ích quốc gia trên biển; đấu tranh quốc phòng, an ninh, ngoại giao; nghiên cứu và điều tra cơ bản; xây dựng được nhiều hạng mục công trình quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

  1. Những kết quả đạt được

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 4, khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, kinh tế biển của nước ta có nhiều khởi sắc, phát triển theo hướng tích cực.

Kinh tế biển và ven biển đã đem lại cho đất nước khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội, 50% thu nhập ngoại tệ mạnh và tạo ra việc làm ổn định cho khoảng 9 triệu người. Kinh tế biển cũng có sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc khai thác nguồn lợi từ biển đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, nhất là cho xuất khẩu. Xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ – kỹ thuật hiện đại như khai thác dầu khí, công nghiệp đóng tàu, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, du lịch biển – đảo và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn…. Trong các ngành kinh tế biển, lĩnh vực kinh tế hàng hải phát triển mạnh với sự gia tăng liên tục về giá trị sản lượng: giai đoạn 2007 – 2010 đạt tốc độ tăng trưởng là 22%/năm, giai đoạn 2011 – 2015 là 13%/năm. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tăng theo các năm, từ 427,3 triệu tấn (năm 2015) lên khoảng 511,6 triệu tấn (năm 2017).

Cùng với hàng hải, du lịch biển, đảo đã có sự tăng mạnh về lượt khách và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như các địa phương ven biển. Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng từ 2,14 triệu lượt người năm 2000 lên 12,9 triệu lượt năm 2017; khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh, tương ứng từ 11,2 triệu lượt đến 73,2 triệu lượt. Chỉ tính riêng năm 2017, doanh thu du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 70% tổng doanh thu toàn ngành.

Kinh tế biển đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước vào các tỉnh, thành phố ven biển; đã hình thành và phát triển được nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển để tạo động lực mạnh hơn nữa cho phát triển kinh tế biển. Hiện cả nước đã có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích gần 845.000ha, thu hút khoảng 78,6 tỷ USD vốn đầu tư; 58 khu công nghiệp tập trung ven biển, với tổng diện tích đất công nghiệp gần 13.600ha. Các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm…

Trong việc bảo đảm quốc phòng – an ninh, chúng ta đã kiềm chế được xung đột, giữ được lợi ích quốc gia, dân tộc trên phương diện tổng thể, giữ được môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Đó là những tiền đề, điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong thời gian tới.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển kinh tế biển cũng còn tồn tại nhiều hạn chế và thách thức. Cụ thể là:

Sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; khai thác tài nguyên và môi trường biển; về ô nhiễm môi trường…  Kinh tế biển của nước ta quy mô còn nhỏ bé và đang ở trình độ thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Giá trị thu được từ hoạt động kinh tế biển so với một số nước đều ở mức thấp hoặc rất thấp.

Nghề biển nước ta vẫn chủ yếu là nghề truyền thống, chiếm trên 60% GDP do kinh tế biển tạo ra. Các nghề biển công nghệ cao như năng lượng sóng thuỷ triều, khai thác khoáng sản dưới lòng nước sâu, hoá chất và dược liệu biển… hầu như chưa được tập trung nghiên cứu. Các nghề mới như khai thác dầu khí, công nghiệp đóng tàu, nuôi trồng hải sản đặc sản, du lịch biển chỉ mới được phát triển bước đầu.

Công nghệ, kỹ thuật khai thác kinh tế biển nhìn tổng thể vẫn còn ở trình độ rất thấp. Công tác nghiên cứu và hiểu biết về biển còn sơ sài. Các công trình kỹ thuật và dịch vụ xây dựng hạ tầng biển còn nhiều bất cập, yếu kém. Cơ sở hạ tầng vùng ven biển, hải đảo thiếu thốn và lạc hậu.

Sự phát triển kinh tế biển ở nhiều địa phương và một số ngành chủ yếu chạy theo nhu cầu thị trường, chưa thực sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển.

Hệ thống luật pháp, chính sách về biển, đảo đến nay vẫn bộc lộ những bất cập, thiếu đồng bộ, chồng chéo, hiệu lực thi hành yếu, tổ chức triển khai thiếu sự phối hợp liên ngành, công tác hỗ trợ pháp lý cho người dân địa phương ít được chú ý.

Trong bối cảnh các quốc gia đang hướng ra biển, Biển Đông đang trở thành khu vực tiềm ẩn những tranh chấp phức tạp, nên việc hợp tác và hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế ở khu vực này còn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của biển và kinh tế biển chưa đầy đủ; sự hạn chế trong hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương, sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước ở các cấp; sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, khoa học – công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực.

  1. Một số giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển Việt Nam trong thời gian tới

Để phát triển kinh tế biển Việt Nam theo hướng bền vững, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khai thác tiềm năng và các lợi thế về biển; đồng thời tăng cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ hoạt động của các lĩnh vực kinh tế biển với quốc phòng – an ninh để trở thành một thể thống nhất trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Các chủ trương về thực hiện chiến lược biển phải dựa trên các căn cứ khoa học, hiện đại, các cơ sở dữ liệu được đánh giá một cách toàn diện về thực trạng phát triển biển; những thuận lợi, thế mạnh và cả những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt… Song song đó, cần tăng cường liên kết, hợp tác kinh tế ở vùng biển thuộc quyền chủ quyền của ta với những nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, nhằm tạo ra những đối tác đan xen lợi ích trong phát triển kinh tế biển.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với cư dân ven biển, để họ yên tâm bám biển, ổn định đời sống và nâng cao điều kiện, kỹ năng khai thác các nguồn tài nguyên biển một cách khoa học, hiệu quả. Đa dạng hoá các hình thức, nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là duy trì môi trường hoà bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện Nghị quyết. Nghiên cứu và thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào khai thác, phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Thứ ba, xây dựng một số thương cảng có tầm cỡ khu vực và quốc tế, hình thành một số tập đoàn, đơn vị kinh tế mạnh; đẩy mạnh khai thác, chế biến sản phẩm từ biển và các ngành dịch vụ biển, đầu tư xây dựng một số khu kinh tế dựa vào lợi thế sẵn có và phù hợp với điều kiện từng vùng, miền. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các trung tâm hậu cần đủ năng lực phục vụ vận tải, khai thác, cứu hộ, phát triển dịch vụ. Đặc biệt, phát triển các khu kinh tế phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và trong mối liên hệ với kinh tế – xã hội chung của cả nước theo hướng bền vững; đảm bảo sử dụng một cách hiệu quả quỹ đất, mặt nước và không gian; hướng tới hình thành khu chức năng nòng cốt, chủ đạo; gắn kết phát triển mạnh kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, phát triển bền vững các vùng biển.

Thứ tư, trong tầm nhìn mới về kinh tế biển, cùng với những lĩnh vực đã phát huy hiệu quả như dầu khí, vận tải biển, cần phát triển một số ngành, sản phẩm chủ lực, có lợi thế, như tăng cường khai thác năng lượng, khoáng sản, thủy sản, đẩy mạnh sản xuất muối biển. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển công nghiệp ven biển, trước hết là dầu mỏ, khí đốt, than, quặng kim loại, chuẩn bị điều kiện khai thác khoáng sản ở biển sâu, đẩy mạnh nuôi trồng hải sản, dịch vụ nghề cá, khai thác xa bờ, xây dựng đồng bộ cơ sở nghề cá ở các đảo như cảng cá, bến cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền và hạ tầng nuôi trồng hải sản…

Thứ năm, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển. Nhà nước cần khuyến khích đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển, năng lượng biển tái tạo, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cân nhắc các vấn đề môi trường – tài nguyên biển và rủi ro vào các dự án đầu tư phát triển, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở vùng ven biển, biển và hải đảo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Nghị quyết số 03-NQ/TW (6/5/1993) của Bộ Chính trị Về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt, Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  8. Đan Thanh (2108), Khoa học và công nghệ – động lực của kinh tế biển, tapchitaichinh.vn, ngày 09/10/2018.
  9. Bích Nguyên (2018), Phát triển kinh tế biển Việt Nam: Cần phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh, tapchicongsan.org.vn, ngày 15/6/2018.

 

* TS, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*